Liên Hiệp Quốc: Gần 5.7 triệu người Sri Lanka cần viện trợ cứu sinh
Cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có của Sri Lanka đã khiến hàng triệu người dân của quốc gia này cần viện trợ cứu sinh với tình trạng thiếu thuốc men thiết yếu trầm trọng và việc cắt điện thường xuyên gây nguy hiểm cho hệ thống chăm sóc sức khỏe của quốc gia.
Theo Liên Hiệp Quốc, gần 5.7 triệu người dân ở Sri Lanka, bao gồm cả trẻ em, đang cần được hỗ trợ cứu sinh ngay lập tức.
Hôm thứ Năm (09/06), Liên Hiệp Quốc đã đưa ra lời kêu gọi công khai trên toàn thế giới để cung cấp gói cứu trợ trị giá 47.2 triệu USD từ tháng Sáu đến tháng Chín cho 1.7 triệu người có sinh kế và an ninh lương thực đang gặp nhiều rủi ro nhất.
Bà Hanaa Singer-Hamdy, điều phối viên thường trú của Liên Hiệp Quốc tại Sri Lanka, cho biết: “Hệ thống chăm sóc sức khỏe một thời vững mạnh của Sri Lanka đang lâm nguy, sinh kế đang gặp khó khăn và những người dễ bị tổn thương nhất đang phải đối mặt với tác động lớn nhất.”
Liên Hiệp Quốc nêu rõ rằng gần 200 loại thuốc men thiết yếu cũng như hơn 2,700 loại thuốc dùng trong phẫu thuật và 250 mặt hàng trong phòng thí nghiệm thông thường đã cạn kiệt nguồn cung cấp do chính phủ không có khả năng thanh toán cho việc nhập cảng.
UNICEF, quỹ nhi đồng của Liên Hiệp Quốc, nói rằng Sri Lanka cần 25.3 triệu USD để cung cấp các nhu cầu thiết yếu cho những trẻ em dễ bị tổn thương nhất của quốc gia. Họ cho biết 70% gia đình đã cắt giảm ăn uống do giá lương thực tăng.
Ông Christian Skoog, đại diện UNICEF tại Sri Lanka, cho biết cuộc khủng hoảng hiện nay đang “khiến các gia đình kiệt quệ” và cứ năm trẻ sơ sinh ở Sri Lanka thì có hai trẻ không được ăn theo chế độ ăn tối thiểu phù hợp.
Trong một dòng Tweet, ông cho biết: “25 loại thuốc men thiết yếu cho trẻ em và thai phụ — bao gồm cả thuốc sử dụng trong phòng chăm sóc đặc biệt, phẫu thuật và điều trị bệnh hiểm nghèo — dự kiến sẽ hết trong hai tháng tới [và] danh sách này đang tăng lên. Đây là một cuộc chạy đua với thời gian.”
Sri Lanka có tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em cao thứ hai ở Nam Á ngay cả trước cuộc khủng hoảng kinh tế. Lạm phát lương thực của quốc gia này ở mức 57.4% trong tháng Năm với tình trạng thiếu lương thực và nhiên liệu trên diện rộng, cũng như việc cắt điện hàng ngày.
Hàng ngàn người Sri Lanka đã xuống đường để phản đối sự quản lý yếu kém của chính phủ trong cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất của quốc gia kể từ khi độc lập.
Thủ tướng đương thời Mahinda Rajapaksa đã từ chức hôm ngày 09/05 sau khi các cuộc biểu tình kéo dài biến thành bạo lực chí tử. Người kế nhiệm, ông Ranil Wickremesinghe, tuyên thệ nhậm chức thủ tướng hôm 12/05.
Hôm thứ Ba (07/06), ông Wickremesinghe cho biết Sri Lanka cần ít nhất 6 tỷ USD để duy trì trong sáu tháng tới, đồng thời nói thêm rằng ba tuần tới sẽ là “thời gian khó khăn” để quốc gia này có được nhiên liệu.
Ông Wickremesinghe còn cho biết chính phủ đang tiến hành các cuộc đàm phán về các gói cho vay với Quỹ Tiền tệ Quốc tế và các đối tác cho vay như Ấn Độ, Nhật Bản và Trung Quốc.
Theo tin tức địa phương, hôm thứ Sáu (10/06) Ấn Độ đã mở rộng hạn mức tín dụng trị giá 55 triệu USD cho Sri Lanka để giúp bù đắp chi phí nhập cảng 65,000 tấn phân urê.
Sri Lanka cũng đã yêu cầu Trung Quốc sửa đổi các điều khoản của cơ sở hoán đổi nhân dân tệ trị giá 1.5 tỷ USD mà quốc gia này đã ký năm ngoái, trong đó quy định rằng quỹ này chỉ có thể được sử dụng với điều kiện Sri Lanka có đủ dự trữ ngoại hối cho ba tháng.
Ông Wickremesinghe nói với quốc hội: “Chúng ta sẽ không có nợ trong điều kiện đó,” và nói thêm rằng quốc gia đã không còn dự trữ ngoại hối trong ba tháng kể từ khi khoản vay được thực hiện.
Quốc gia này đang trên bờ vực phá sản, với dự trữ ngoại hối giảm mạnh 70% trong hai năm qua và 25 tỷ USD nợ ngoại quốc đáo hạn trong năm năm.
Hôm 12/04, chính phủ nước này cho biết rằng họ đang tạm ngừng hoàn trả nợ ngoại quốc.
Cô Aldgra Fredly là một nhà văn tự do sống tại Malaysia, chuyên đưa tin về khu vực Á Châu-Thái Bình Dương cho The Epoch Times.