Sri Lanka phản đối nghị quyết mới của UNHRC vì ‘làm hoen ố” hình ảnh của đất nước
Chính phủ Sri Lanka tuyên bố rằng họ phản đối một nghị quyết mới mà Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (UNHRC) đưa ra nhằm kêu gọi mở một cuộc điều tra về vấn nạn tham nhũng trong giới công chức nhà nước, nói rằng nghị quyết này vi phạm hiến pháp của đất nước.
Dự thảo nghị quyết, “Thúc đẩy hòa giải, trách nhiệm giải trình và nhân quyền ở Sri Lanka,” đã được trình lên phiên họp thứ 51 của UNHRC hồi tháng trước (09/2022).
Nghị quyết này được các nước Hoa Kỳ, Vương Quốc Anh, Đức, Canada, Malawi, Montenegro, và Bắc Macedonia đồng bảo trợ. Một cuộc bỏ phiếu cho bản dự thảo nghị quyết mới này được ấn định tổ chức vào ngày 06/10.
Hôm 29/09, Bộ trưởng Ngoại giao Sri Lanka Ali Sabry nói rằng nghị quyết mới này là “không công bằng,” vì nó “làm hoen ố” hình ảnh của đất nước vào thời điểm mà nước này mong muốn có được sự hợp tác của cộng đồng quốc tế để giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế của họ.
“Điều đó là vi phạm hiến pháp của chúng tôi, và chúng tôi phải đưa ra phản ứng của mình,” ông Sabry nói với Economy Next. “Không biết là chúng tôi sẽ thắng hay sẽ thua, nhưng có những thứ mà chúng tôi không thể thỏa hiệp. Chúng tôi sẽ đề nghị các bằng hữu của chúng tôi tổ chức biểu quyết.”
“Đặc biệt điều chúng tôi lo ngại là cơ chế thu thập bằng chứng bên ngoài và việc truy tố lâu dài các lực lượng vũ trang Sri Lanka bên ngoài Sri Lanka. Chúng tôi không thể đồng ý với cách làm đó.”
Nghị quyết mới làm dấy lên lo ngại về tác động nhân quyền của cuộc khủng hoảng kinh tế Sri Lanka, vốn đã khiến tình trạng mất an ninh lương thực thêm phần bế tắc, thiếu nhiên liệu và dược phẩm trầm trọng, đồng thời thu nhập của các gia đình giảm sút.
Nghị quyết ghi nhận “việc tiếp tục quân sự hóa các chức năng của chính phủ dân sự,” làm xói mòn tính độc lập của tư pháp, và “thiếu sự tiến triển trong việc giải quyết những bất bình và yêu cầu lâu dài của cộng đồng người Tamil và người Hồi giáo.”
Văn kiện này kêu gọi các nhà chức trách Sri Lanka điều tra và truy tố hành vi tham nhũng mà “các công chức nhà nước và cựu quan chức” đã vi phạm, với lý do tham nhũng có thể có tác động tiêu cực đến “việc thụ hưởng các quyền con người.”
‘Các khoản vay kiểu săn mồi’ từ Trung Quốc
Một số thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đã đưa ra một nghị quyết (pdf) tại Thượng viện sau nghị quyết của UNHRC, kêu gọi một “cách tiếp cận quốc tế toàn diện để giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị hiện nay của Sri Lanka.”
Nghị quyết này bao gồm “những thách thức liên quan đến quản trị yếu kém và chính sách kinh tế dưới sự cai trị của nhà Rajapaksa,” vốn là lý do chính mà những người biểu tình chống chính phủ cho là đã gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất của đất nước trong nhiều thập niên.
Chủ tịch Ủy ban Ngoại giao Thượng viện Hoa Kỳ Bob Menendez (Dân Chủ-New Jersey) và các Thượng nghị sĩ là ông Dick Durbin (Dân Chủ-Illinois), ông Patrick Leahy (Dân Chủ-Vermont), và ông Cory Booker (Dân Chủ-New Jersey) đã kêu gọi các nhà chức trách Sri Lanka tôn trọng quyền lợi hợp pháp của người dân.
Họ tuyên bố rằng chính phủ ông Rajapaksa “dành nguồn lực của nhà nước cho các mục đích chính trị cá nhân mà không có chút minh bạch, thực hiện các chính sách nông nghiệp sai lầm, và vay hàng tỷ dollar từ Trung Quốc để phát triển các siêu dự án bất khả thi về phương diện kinh tế.”
Các thượng nghị sĩ cho biết trong nghị quyết, khủng hoảng kinh tế của Sri Lanka đã “trở nên trầm trọng hơn bởi các khoản vay nặng lãi từ [Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa] như một phần trong chính sách ngoại giao bẫy nợ của nước này.”
Ông Leahy nói trong một tuyên bố: “Sau nhiều năm nội chiến cũng như sự quản lý và lạm quyền của chính phủ, Sri Lanka cần một chính phủ cam kết bao dung với dân tộc, phát triển kinh tế công bằng, tôn trọng nhân quyền, và công lý. Điều đó cũng nên là trọng tâm trong chính sách của Hoa Kỳ.”
Hồi tháng Năm, Sri Lanka đã vỡ nợ. Quốc đảo này có 10 tỷ USD nợ song phương tính đến tháng Tám, trong đó 44% là nợ Trung Quốc, theo Bộ Ngân khố của nước này (pdf).
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times