Những khó khăn của Sri Lanka đặt ra các nghi vấn cho Trung Quốc
Các sự kiện đe dọa Sáng kiến Vành đai và Con đường và sức khỏe tài chính của Trung Quốc
Tình trạng hỗn loạn và vỡ nợ ở Sri Lanka báo hiệu những vấn đề ở khắp các nước đang phát triển sẽ gây khó khăn cho Trung Quốc. Các khoản lỗ cho vay ở Sri Lanka và những nơi khác tất nhiên sẽ làm tăng thêm ngưỡng nợ ngoại quốc đang ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Hơn nữa, các sự kiện ở Sri Lanka sẽ đặt ra nghi vấn cho các quốc gia khác về việc tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) được ca ngợi của Bắc Kinh và như vậy, sẽ cản trở các kế hoạch toàn cầu của Bắc Kinh.
Tất nhiên Sri Lanka là một trường hợp cực đoan. Quốc gia này dường như đã phải hứng chịu một cơn bão hoàn hảo. Tuy nhiên, nếu các vấn đề ít nghiêm trọng hơn ở những nơi khác, thì tất cả các yếu tố của thảm họa Sri Lanka đều tồn tại ở khắp các nước đang phát triển.
Các vấn đề đã bắt đầu với đại dịch COVID-19. Sri Lanka phụ thuộc rất nhiều vào du lịch. Tất nhiên, lĩnh vực này đóng cửa vì tình trạng khẩn cấp do COVID-19. Du lịch ít quan trọng hơn ở những nơi khác, nhưng nhìn chung đại dịch đã can thiệp vào các liên kết kinh tế quan trọng trên toàn thế giới. Việc mất đi sự hỗ trợ thiết yếu cho nền kinh tế đã buộc chính phủ Sri Lanka và các doanh nghiệp của họ phải sử dụng nợ ngoại quốc nhiều hơn trước đây, và điều đó dẫn đến những vấn đề khác, như đã xảy ra ở những nơi khác.
Khoản nợ do BRI của Trung Quốc áp đặt ngay lập tức trở thành tâm điểm. Khi gánh nặng nợ nần của Sri Lanka ngày càng tăng, quốc gia này và các doanh nghiệp của họ ngày càng gặp khó khăn trong việc thanh toán các thỏa thuận. Mọi việc trở nên căng thẳng đến mức chính phủ Sri Lanka đã bán khoảng 70% cổ phần của Cảng quốc tế Hambantota, cảng lớn thứ hai của nước này, cho Trung Quốc để giải tỏa những gì họ còn nợ trong dự án phát triển BRI đó.
Không chỉ có Trung Quốc là có liên quan. Sự phụ thuộc nhiều hơn vào nợ nói chung — ở Sri Lanka và phần lớn các nước đang phát triển — khiến tất cả các bên dễ bị tổn thương hơn trước các quy định nghiêm ngặt mới đang phổ biến trên thị trường tài chính toàn cầu. Sự nhấn mạnh của phương Tây về những gì được gọi là ESG (môi trường, xã hội, và quản trị) đặc biệt được xem trọng. Để nâng cao điểm số ESG và do đó thu hút các bên cho vay, chính phủ Sri Lanka đã quyết định cấm sử dụng phân bón tổng hợp, một hành động hạn chế nghiêm trọng việc sản xuất trà của hòn đảo này, một mặt hàng xuất cảng chủ lực và gạo, một mặt hàng chính yếu. Với thu nhập hạn chế từ xuất cảng, Sri Lanka thậm chí càng phải dựa vào nợ nhiều hơn. Trong khi đó, sản lượng gạo giảm khoảng 20%. Hòn đảo này không còn tự chủ trong mặt hàng thiết yếu này nữa. Phản ánh tất cả những thực tế này, lạm phát đã diễn ra, tăng 50% trong năm ngoái, và tăng 80% đối với thực phẩm.
Nếu Sri Lanka chỉ có một mình, thì những rắc rối của quốc gia này sẽ chẳng có ý nghĩa gì đối với Trung Quốc hoặc với thế giới rộng lớn hơn. Tuy nhiên, những khó khăn tương tự như vậy, tuy đỡ khắc nghiệt hơn trong việc thanh toán các khoản nợ quá mức, đã xảy ra ở khắp các nước đang phát triển, trong đó có nhiều nước thành viên BRI. Pakistan là trường hợp nổi bật, không chỉ vì nước này lớn hơn nhiều nước tham gia BRI, mà còn vì họ là một hòn ngọc quý trong sáng kiến này của Bắc Kinh.
Trong số 144 quốc gia tham gia BRI, chỉ riêng Pakistan đã chiếm 10% tổng nợ BRI. Tổng cộng, Pakistan nợ các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc khoảng 25 tỷ USD: khoảng 30% tổng số nợ của Pakistan cho thế giới bên ngoài và 40% trong tổng số 60 tỷ USD vốn mà Trung Quốc dành cho BRI nói chung. Các vấn đề của Pakistan ít nghiêm trọng hơn Sri Lanka, nhưng sự khác biệt là ở mức độ, chứ không phải là loại vấn đề. Và quốc gia này đang gặp khó khăn trong việc giải quyết gánh nặng nợ nần của mình, đối với Trung Quốc và các nước khác. Gánh nặng đối với nền kinh tế cũng rõ ràng. Lạm phát ở Pakistan đã tăng lên 20% trong năm vừa qua, và giá nhiên liệu cao hơn 90% so với các mức giá của năm trước.
Thực tế này, khi lặp lại trên khắp các nước đang phát triển, khiến Bắc Kinh phải đối mặt với hai vấn đề.
Vấn đề đầu tiên hoàn toàn là về phương diện tài chính. Các số liệu về Sri Lanka, Pakistan, và toàn bộ BRI có thể trông nhỏ so với vụ vỡ nợ 300 tỷ USD của nhà phát triển địa ốc Trung Quốc Evergrande, nhưng tài chính Trung Quốc cũng không thể chịu nổi thêm gánh nặng nào khác ngoài thảm họa đó — khi các vụ vỡ nợ của các nhà phát triển địa ốc Trung Quốc khác cũng đã trở nên rõ ràng.
Ngay cả trước khi có nhiều lời bàn tán về những vụ vỡ nợ ở các nước đang phát triển, gánh nợ chung của Trung Quốc đã tăng vượt quá 270% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào cuối năm 2020, một trong những tỷ lệ cao nhất trên thế giới. Kể từ đó, gánh nợ đó chắc chắn đã tăng lên và thậm chí ngày càng ít có khả năng được thanh toán đầy đủ. Hệ thống tập trung và kiểm soát cao độ của Trung Quốc có thể che giấu tốt thiệt hại, nhưng tình trạng nợ nần chồng chất, đặc biệt là nợ xấu, không thể không đè nặng lên các triển vọng kinh tế của Trung Quốc.
Và sau đó là số phận của BRI. Về mặt tài chính, các khoản tiền liên quan là rất nhỏ so với ngưỡng nợ trong nước của Trung Quốc, nhưng sáng kiến này vẫn vô cùng trọng yếu đối với các tham vọng toàn cầu của Bắc Kinh. Trong chương trình này, Trung Quốc đạt được ảnh hưởng toàn cầu bằng cách cho các nước tham gia được vay số tiền cần thiết để thanh toán cho các dự án cơ sở hạ tầng do Trung Quốc dẫn đầu. Theo đó, những vụ vỡ nợ gia tăng ở khắp các nước đang phát triển đương nhiên làm tăng sự miễn cưỡng của các quốc gia nhỏ hơn, nghèo hơn về việc tham gia BRI nói chung. Ít ra là, các sự kiện gần đây sẽ làm chậm quá trình mở rộng chương trình này, và có khả năng thu hẹp nó, khiến Bắc Kinh chỉ đạt được chút ít ảnh hưởng mà họ tìm kiếm từ BRI. Điều đó cũng sẽ để lại cho Bắc Kinh một đống nợ khó đòi.
Dẫu cho tất cả những vấn đề này khó khăn đến mức nào đối với kinh tế, tài chính, và ngoại giao của Trung Quốc, thì không có điều gì trong số đó báo hiệu sự sụp đổ ở Trung Quốc. Để diễn giải theo lời của ngài Adam Smith vĩ đại, có rất nhiều đống đổ nát trong một đất nước. Nhưng mặc dù không phải là một thảm họa, bức tranh dẫu vậy vẫn cho thấy một bước thụt lùi lớn đối với Bắc Kinh. Ít nhất thì giờ đây giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ mất nhiều thời gian hơn nữa để đạt đến tầm cao về tài chính, kinh tế, và địa chính trị mà họ hy vọng đạt được.
Dẫu có khó khăn đến đâu đối với các lĩnh vực kinh tế, tài chính, và ngoại giao của Trung Quốc, thì trong tất cả những vấn đề này, không một điều nào báo hiệu sự sụp đổ ở Trung Quốc. Mượn lời của nhà kinh tế học vĩ đại Adam Smith, có rất nhiều sự sụp đổ diễn ra trong một đất nước. Nhưng cho dù không phải là một thảm họa, thì bức tranh này vẫn cho thấy một bước thụt lùi lớn đối với Bắc Kinh. Ít nhất thì giờ đây giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ mất nhiều thời gian hơn nữa để đạt đến tầm cao về tài chính, kinh tế, và địa chính trị mà họ hy vọng đạt được.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Milton Ezrati là một biên tập viên cộng tác với The National Interest, một chi nhánh của Trung tâm Nghiên cứu Vốn Con người tại Đại học Buffalo (SUNY), và là nhà kinh tế trưởng của Vested, công ty truyền thông có trụ sở tại New York. Cuốn sách mới nhất của ông là “Thirty Tomorrows: The Next Three Decades of Globalization, Demographics, and How We Will Live” (“Ba Mươi Ngày Mai: Ba Thập Niên Tiếp Theo của Toàn Cầu Hóa, Nhân Khẩu Học, và Cách Chúng Ta Sẽ Sống”).