Số ca tử vong do COVID-19 là rất lớn: Các nhân chứng kể lại tình hình dịch bệnh cuối năm 2022 ở Trung Quốc
Một số người nhập cư Trung Quốc mới đến Hoa Kỳ giờ đây có thể kể lại những gì họ đã chứng kiến vào tháng Mười Hai năm ngoái (2022), thời điểm mà một làn sóng đại dịch COVID-19 kinh hoàng đã bùng phát ở Trung Quốc.
Việc đột ngột dỡ bỏ các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt vào ngày 07/12 được cho là đã thúc đẩy việc lây nhiễm COVID trên toàn quốc từ cuối năm ngoái đến quý đầu tiên của năm nay do thiếu sự chuẩn bị, nguồn lực y tế, và quan trọng nhất là thông tin cần thiết cho công chúng.
Đã có nhiều tin tức về các hàng dài người tấp nập ra vào nhà tang lễ và lò hỏa táng trên khắp Trung Quốc. Các lò hỏa táng hoạt động suốt ngày đêm và tuyển thêm nhân viên. Các gia đình phải trả chi phí cao hơn hoặc đến các vùng nông thôn để hỏa táng người thân đã khuất của họ nhanh hơn.
Các bệnh viện thì quá tải, và nhiều bệnh nhân được ghi nhận là xuất hiện triệu chứng phổi trắng, với các mảng trắng hiển thị trên phim chụp CT cho thấy các vùng bị viêm.
Giờ đây, một số người nhập cư mới đến từ các vùng khác nhau của Trung Quốc có thể tự do lên tiếng về những ca tử vong do COVID mà họ từng chứng kiến ở quê nhà. Những câu chuyện này đã cho thấy một viễn cảnh đáng buồn vào thời điểm đó và phơi bày một sự thật mà nhà cầm quyền cộng sản vẫn đang giấu giếm.
Thành phố Thành Đô: Tử thi chất đống trong nhà trọ
Một cựu luật sư Trung Quốc hiện đang sống ở Hoa Kỳ nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng một chủ căn hộ ở Thành Đô, một thành phố đông dân lớn ở tỉnh Tứ Xuyên phía tây nam Trung Quốc, đã tiết lộ cho người thân của mình rằng một trong số những căn hộ mà ông cho thuê có chứa tám thi hài.
Vị luật sư kể lại cho The Epoch Times hôm 21/06, “Những người hàng xóm rất sợ hãi khi hay tin về những tử thi này và yêu cầu ông di dời những cái xác này khỏi đó ngay lập tức.”
Vị luật sư này muốn ẩn danh để bảo đảm an toàn. Ông đã đến Hoa Kỳ vào đầu năm 2023.
Khu nhà cho thuê kể trên nằm gần Chợ Bán buôn Hà Hoa Trì (có nghĩa là “đầm sen”), chợ lớn thứ bảy theo mô hình này ở Trung Quốc, và gần chợ có hai lò hỏa táng. Vì vậy, những người hàng xóm đã bảo ông chủ nhà già cả kia đưa những thi hài đó đến lò hỏa táng.
Ông lão nói với mấy người hàng xóm, “Cả hai lò hỏa táng đều kín chỗ rồi.”
Cuối cùng, sau khi hàng xóm làm đơn khiếu nại lên công an địa phương và cục dân chính, thì người chủ nhà này mới chuyển đống tử thi đó ra khỏi nhà trọ, đến một nơi mà những người hàng xóm không hề hay biết.
Vị luật sư nói rằng một số người mà ông biết đã qua đời vào cuối tháng Mười Hai năm ngoái (2022).
Một trong số họ là một người đàn ông gần 30 tuổi. Đến sáng khi vợ anh tỉnh giấc thì đã phát hiện chồng mình qua đời vào tối qua. Người vợ lúc đó cũng bị ho dữ dội.
Hai người họ hàng sống trong một ngôi làng địa phương cũng đã qua đời vào cuối tháng Mười Hai, vị luật sư cho biết.
Ông nói, “Có quá nhiều người qua đời vào cuối tháng Mười Hai năm ngoái.”
Thành phố Tây An: ‘Kinh hoàng và đáng sợ’
Anh Hồ Dương (Hu Yang), cựu nhân viên của một công ty nhà nước Trung Quốc ở Tây An, một cố đô ở phía tây bắc Trung Quốc, đã đến Hoa Kỳ hồi tháng Ba năm nay.
Anh Hồ cho biết sau khi chính quyền thành phố nới lỏng lệnh phong tỏa do COVID hồi đầu tháng Mười Hai, những gì diễn ra ở thành phố Tây An thật “khủng khiếp và đáng sợ.”
Anh Hồ nói với The Epoch Times hôm 21/06: “Ngay sau khi dỡ bỏ các lệnh phong tỏa, nhiều người đã có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID và nhiều người có sẵn bệnh lý nền đã tử vong.”
Theo anh Hồ, bảy người trong khu dân cư của anh đã tử vong ngay sau khi các lệnh phong tỏa được dỡ bỏ.
Anh nói rằng anh không thể mua được bất kỳ loại thuốc hạ sốt nào từ bất kỳ nhà thuốc nào trong thành phố. “Điều đó thật khủng khiếp và đáng sợ, và chúng tôi không biết tại sao các nhà thuốc lại không có những loại thuốc đó.”
Người Trung Quốc ở hải ngoại được cho là đã mua thuốc ở quốc gia mà họ cư trú để gửi về quê nhà.
Anh Hồ đã rất lo lắng khi người ông của anh bị nhiễm COVID vào tháng Mười Hai và phát triển hội chứng phổi trắng. Cụ đã qua đời trong vòng một tuần sau khi nhập viện.
Chú của anh Hồ đã lo liệu việc hỏa táng cho ông nội. Người chú nói với anh Hồ rằng: “Lò hỏa táng đông đến nỗi mọi người phải đợi nhiều ngày mới tới lượt hỏa táng.” Chú của anh Hồ đã trả thêm 4,000 USD để được hỏa thiêu mà không phải đợi lâu.
Các lò hỏa táng quá tải trên khắp Trung Quốc được cho là đã phải làm việc suốt ngày đêm để giải quyết dòng thi thể chuyển đến và chủ động tuyển dụng thêm nhân viên trong bối cảnh đại dịch bùng phát trên quy mô lớn nhất vào tháng Mười Hai.
Thành phố Tửu Tuyền: Không còn quan tài để bán
Trước khi đặt chân đến Hoa Kỳ vào tháng Tư, anh Hà Ngu (He Yu) từng làm nghề giao nước uống ở Tửu Tuyền, một thành phố nhỏ với vỏn vẹn một triệu dân ở tỉnh Cam Túc phía tây bắc Trung Quốc.
Anh phải đi đến nhiều khu dân cư để giao nước uống cho khách hàng của mình.
Anh nói với The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn hôm 21/06: “Rõ ràng là trong tháng Mười Hai số lượng đám tang tăng lên vì đi đến khu dân cư nào hầu như cũng đều thấy có đám.”
“Ngày nào tôi cũng bắt gặp đám tang trong khu dân cư của mình, ở quê tôi cũng thấy nhiều,” anh Hà nói, đồng thời cho biết thêm rằng các cửa hàng bán quan tài ở địa phương đều không còn quan tài để bán.
“Mọi người phải xếp hàng để hỏa táng người thân đã từ trần của họ,” anh Hà nói.
.
Thành phố Nam Ninh: Người dân không có quyền tiếp cận ICU
Anh Trương (bí danh) nói với The Epoch Times hôm 21/06: “Những người dân bình thường chỉ có thể nằm chờ chết mà không được điều trị thích hợp, giống như trường hợp của một giáo viên đã về hưu ở Nam Ninh.”
Anh Trương đến từ Nam Ninh, thủ phủ của tỉnh Quảng Tây phía tây nam Trung Quốc. Anh đến Hoa Kỳ vào đầu năm 2023.
“Một khi bị nhiễm [COVID], những người cao niên mắc bệnh nền không còn nơi nào để đi ngoài việc ở nhà chịu đựng. Phần lớn là nằm chờ chết theo đúng nghĩa đen; chỉ một số ít người may mắn mới có thể sống sót sau đại dịch,” anh Trương nói thêm rằng phòng săn sóc đặc biệt (ICU) là nơi mà những người bình thường thậm chí còn không dám mơ tới.
Anh Trương cho hay, “Người dân địa phương ở Nam Ninh biết rằng ICU không dành cho người bình thường vì không có đủ ICU để phục vụ, ngay cả những người có quyền và có tiền cũng chưa chắc được vào. Nhưng các hãng truyền thông không bao giờ đưa tin về điều này.”
“Người dân bình thường không đủ điều kiện để được đưa vào thống kê số ca tử vong,” anh Trương nói, chỉ trích nhà cầm quyền cộng sản vì đã nhắm mắt làm ngơ trước sinh mạng của người dân Trung Quốc.
Anh Trương nói: “Chỉ cần ĐCSTQ còn nắm quyền, thì tất cả các loại bi kịch sẽ bùng phát trở lại.”
Quan chức WHO: ‘Số ca tử vong được báo cáo quá thấp so với thực tế’
Bộ Nội vụ Trung Quốc đã ngừng công bố dữ liệu hỏa táng trong quý 4 năm 2022 và quý 1 năm 2023. Hơn nữa, việc công bố dữ liệu quý 4 năm ngoái đã bị hoãn lại đến ngày 09/06/2023, chỉ vài ngày trước khi công bố dữ liệu quý đầu tiên của năm nay.
Cơ quan giám sát các vấn đề dân sự của ĐCSTQ đã công bố dữ liệu hỏa táng hàng quý kể từ năm 2007. Việc thiếu thông tin như vậy từ hai báo cáo hàng quý được đề cập trước đó làm dấy lên đồn đoán từ công chúng rằng số người tử vong thực tế là rất cao.
Hôm 11/01/2023, Tiến sĩ Michael Ryan, Giám đốc Điều hành Chương trình Y tế Khẩn cấp của WHO cho biết, “WHO vẫn tin rằng số ca tử vong mà Trung Quốc báo cáo là quá thấp so với thực tế.”
Ông Đổng Vũ Hồng (Yuhong Dong), cựu chuyên gia khoa học y tế cao cấp kiêm lãnh đạo cảnh giác dược tại Trụ sở chính của Novartis ở Thụy Sĩ, cũng là người đảm trách chuyên mục y tế kỳ cựu của The Epoch Times, đã viết vào ngày 29/12/2022, rằng đợt bùng phát đại dịch vào tháng Mười Hai năm ngoái ở Trung Quốc “có ba điểm khác biệt: tốc độ trước giờ chưa từng thấy, số lượng người nhiễm bệnh cao chưa từng thấy, và mức độ nghiêm trọng chưa từng thấy.”
Một bản ghi nhớ bị rò rỉ từ Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc tiết lộ rằng nhà cầm quyền nước này ước tính có 250 triệu ca nhiễm bệnh trong 20 ngày đầu tiên của tháng 12/2022.
Bản tin có sự đóng góp của Mã Thượng Ân
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times