SCOTUS: Nhà sản xuất Trung Quốc không thể sử dụng tòa án Hoa Kỳ để buộc công ty Mỹ cung cấp bằng chứng
Hôm 13/06, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ (SCOTUS) đã đồng thuận ra phán quyết rằng một nhà sản xuất Trung Quốc không được phép sử dụng hệ thống pháp luật của Hoa Kỳ để ép buộc việc cung cấp bằng chứng trong một vụ trọng tài tư nhân phân xử diễn ra ở ngoại quốc.
Tối cao Pháp viện cho rằng các tòa án địa hạt liên bang không thể bắt buộc việc cung cấp bằng chứng trong một vụ trọng tài phân xử bên ngoài Hoa Kỳ do một tổ chức tư nhân điều hành, ngay cả khi một hiệp ước quốc tế khiến việc cung cấp thông tin có thể xảy ra, trừ khi các quốc gia trong hiệp ước đã dự định để ban trọng tài có thẩm quyền của chính phủ.
Quyết định này được đưa ra trong một vụ kiện phức tạp theo đó một công ty có trụ sở tại Hồng Kông tranh chấp với một nhà sản xuất phụ tùng xe hơi của Hoa Kỳ.
Luxshare, một công ty trách nhiệm hữu hạn của Hồng Kông, sản xuất các sản phẩm điện tử tiêu dùng, truyền thông và xe hơi. Luxshare đôi khi được gọi là “Foxconn nhỏ”, theo tên của Foxconn có trụ sở tại Đài Loan, một nhà sản xuất thiết bị điện tử theo hợp đồng trong chuỗi cung ứng của Apple có một số lượng lớn các địa điểm cung cấp Trung Quốc.
ZF Automotive có trụ sở tại Livonia, Michigan sản xuất các bộ phận xe hơi và công nghệ công nghiệp.
Luxshare đang tranh chấp giá trị tài sản của một đơn vị kinh doanh trong công ty mẹ của ZF tại Đức, ZF Friedrichshafen AG, mà Luxshare đã mua vào năm 2017 với giá khoảng 1 tỷ USD. Luxshare tuyên bố rằng lợi nhuận của hai trong số các hoạt động kinh doanh của ZF đã bị nhầm lẫn. Thỏa thuận quy định rằng các tranh chấp sẽ được giải quyết theo các quy tắc của Viện Trọng tài Đức, có tên viết tắt là DIS trong tiếng Đức.
Một Tòa án Địa hạt Liên bang của Hoa Kỳ ở Detroit đã chấp thuận một đề nghị trát đòi hầu tòa ZF Automotive, yêu cầu công ty này giao các tài liệu liên quan cho Luxshare.
Nhưng Tối cao Pháp viện đã chấp nhận đơn đề nghị trong vụ ZF Automotive US Inc. kiện Luxshare Ltd., hồ sơ tòa án 21-401, hôm 10/12/2021, bỏ qua Tòa án Phúc thẩm Hoa Kỳ Khu vực 6 trước khi tòa này đưa ra phán quyết về vụ kiện. Trước đó, hôm 27/10/2021, Tối cao Pháp viện cũng đã chặn lệnh của tòa án cấp dưới buộc ZF Automotive cung cấp các tài liệu theo đề nghị của Luxshare.
Các tranh luận miệng trong vụ ZF Automotive, được hợp nhất với vụ AlixPartners kiện Quỹ Bảo vệ Quyền của Nhà đầu tư, hồ sơ tòa án 21-518, đã được xét xử hôm 02/03.
Thẩm phán Amy Coney Barrett đã viết bản ý kiến (pdf) cho một Tối cao Pháp viện đồng thuận về vấn đề này.
Bà Barrett viết: “Từ lâu Quốc hội đã cho phép các tòa án liên bang hỗ trợ các cơ quan xét xử ngoại quốc hoặc quốc tế trong việc thu thập bằng chứng.”
“Quy chế hiện hành, 28 USC §1782, cho phép các tòa án địa hạt ra lệnh lấy lời khai hoặc cung cấp bằng chứng ‘để sử dụng trong một quá trình tố tụng tại tòa án ngoại quốc hoặc quốc tế.’ Những vụ kiện hợp nhất này yêu cầu chúng tôi quyết định xem các cơ quan xét xử tư nhân có được coi là ‘tòa án ngoại quốc hay quốc tế’ hay không. Họ không được coi là như vậy. Quy chế nói trên chỉ có hiệu lực đối với các cơ quan xét xử của chính phủ hoặc liên chính phủ, và cả hai hội đồng trọng tài liên quan đến những vụ kiện này đều không phù hợp theo quy chế đó”.
Theo bà Barnett, các chính phủ có thể trao quyền chính thức cho một hội đồng trọng tài đặc biệt, nhưng “chỉ vì các quốc gia đồng ý trong một hiệp ước sẽ đệ trình lên trọng tài” không có nghĩa là cơ quan này có thẩm quyền của chính phủ.
Bà viết, “Câu hỏi liên quan là liệu các quốc gia có ý định để hội đồng đặc biệt đó thực thi quyền lực của chính phủ hay không. Và ở đây, tất cả các dấu hiệu cho thấy họ đã không làm như vậy.”
Luật sư của ZF Automotive, Roman Martinez V, hài lòng với phán quyết này.
Ông Martinez nói trong một tuyên bố qua thư điện tử: “Chúng tôi rất vui với quyết định ngày hôm nay.”
“Như Tòa án đã nói rõ, Mục 1782 được giới hạn cẩn thận trong việc chỉ cho phép cung cấp bằng chứng để sử dụng trong các cơ quan xét xử của chính phủ và liên chính phủ, không hoàn toàn là các trọng tài tư nhân ở ngoại quốc. Ý kiến này sẽ bảo đảm rằng các bên tham gia trọng tài thương mại ngoại quốc sẽ không thể lợi dụng một cách bất hợp lý việc cung cấp bằng chứng tại các tòa án Hoa Kỳ và sẽ có tác động ngay lập tức đến một loạt các vụ trọng tài phân xử quốc tế ở thời điểm hiện tại và trong tương lai.”
Ông Alex Yanos, cố vấn cho Quỹ Bảo vệ Quyền lợi của Nhà đầu tư, nói với The Epoch Times qua thư điện tử: “Không có bình luận nào từ phía chúng tôi.”
The Epoch Times cũng đã liên lạc với luật sư của Luxshare, ông Andrew Rhys Davies, nhưng không nhận được hồi đáp vào thời điểm phát hành bản tin này.
Ông Matthew Vadum là một ký giả điều tra từng đoạt giải thưởng và là một chuyên gia được công nhận về các hoạt động cánh tả.