SCOTUS của ông Trump lại tiếp tục #chiến thắng với phán quyết về EPA
Cảm ơn ngài, cựu Tổng thống Donald Trump, vì đã “cài” — theo cách của mình, chứ không phải theo cách của Đảng Dân Chủ — những người biết suy xét vào Tối cao Pháp viện.
Cuối cùng thì chúng ta cũng bắt đầu thực hiện lời khuyên của Nat King Cole từ nhiều năm trước để “Hướng Thẳng Lên và Bay Sang Phải”* (theo nhiều cách hơn là chỉ một).
Đầu tiên là sự lật ngược đã kéo dài quá lâu của vụ Roe kiện Wade, cho phép các tiểu bang và những người dân trong đó tự quyết định về việc phá thai (hãy tưởng tượng điều đó!).
Giờ đây, thế thân quan trọng cho tôn giáo đó, Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) cao cao tại thượng, chí ít đã phần nào được đưa vào khuôn khổ nhờ một cuộc bỏ phiếu với tỷ lệ 6–3 của Pháp viện.
Và, đây rồi, đích thân Chánh án John Roberts đã viết (pdf) phán quyết sáng suốt này (chuyện gì cũng phải có lần đầu cả), như đã được trích dẫn dưới đây tại The Epoch Times:
Mặc dù “quy định mức phát thải carbon dioxide ở một mức mà sẽ buộc toàn quốc chuyển đổi khỏi việc sử dụng than để sản xuất điện có thể là một ‘giải pháp hợp lý cho cuộc khủng hoảng ngày nay,’” ông Roberts viết, trích dẫn một án lệ năm 1992, “Nhưng việc Quốc hội đã trao cho EPA quyền thông qua một kế hoạch quy định của chính mình như vậy trong Mục 111(d)” của Đạo luật Không khí Sạch “là không chính đáng.”
“Một quyết định có tầm quan trọng và hệ quả như vậy thuộc về chính Quốc hội, hoặc một cơ quan hoạt động dưới sự ủy quyền rõ ràng từ cơ quan đại diện đó.”
Tất nhiên. Cũng giống như vụ Roe kiện Wade, các quyết định có tính chất như thế này trong bất kỳ hình thức chính phủ dân chủ nào là thuộc về người dân — hoặc nơi mà người dân có nhiều quyền quyết định nhất, tức là các cơ quan lập pháp — chứ không thuộc về cơ quan tư pháp hoặc, chí ít là, không thuộc về các quan chức không được bầu chọn đang ẩn mình (thường là trong nhiều năm) trong một cơ quan nào đó, chỉ làm việc cho bản thân họ và cho những người bảo trợ họ.
Hết chuyện. Nhưng chúng ta hãy bàn luận về điều này sâu hơn một chút. Trong vài thập niên qua, có thứ gì mà lại để ngỏ cho tệ tham nhũng và những dự án lãng phí thời gian và tiền bạc hơn là sự tín phụng tự cho là chính đáng và ra vẻ đạo đức đối với “môi trường” không?
Chà, có lẽ giờ đây các loại vaccine đang so kè với sự tín phụng đó.
Điều trớ trêu là hầu như tất cả chúng ta đều yêu thiên nhiên và tìm cách bảo vệ nó, nhưng những kẻ bạo chúa khoa trương tự gọi mình là “những nhà bảo vệ môi trường” kia lại hành động như thể chúng ta không yêu thiên nhiên, lên án chúng ta bất cứ khi nào chúng ta bất đồng với tôn giáo của họ — điều này xảy ra, mặc dù tất cả chúng ta đều biết, hoặc nên biết, rằng những gì mà quý vị làm, chứ không phải là những gì mà quý vị nói, mới được tính.
Nhân tiện khi đề cập đến chuyện này, các cuộc biểu tình lớn ở Hoa Thịnh Đốn của Phong trào Tiệc Trà (Tea Party Movement) được cho là cực hữu hồi năm 2009 đã được đưa tin là rất trật tự và không để lại rác. Những người bên cánh tả, như đám đông đội mũ hồng (tôi đang tỏ ra kín đáo ở đây) phản đối việc ông Trump đắc cử hồi năm 2016 đã khiến thủ đô của quốc gia trở thành một mớ hỗn độn ô uế.
Trong suốt thời gian này, ông Al Gore và khá nhiều người khác đã kiếm bộn tiền thông qua các trò lừa đảo như tín chỉ carbon trong khi, giờ này tất cả chúng ta đều biết, là họ bay bằng các phi cơ tư nhân đến những nơi trú ẩn đắt đỏ nhất hành tinh rồi bảo tất cả chúng ta phải sống như thế nào.
Ông John Kerry, “đặc phái viên về khí hậu” đầu tiên của Mỹ, người dường như dành nhiều thời gian trên các phi cơ riêng hơn hầu hết chúng ta dành thời gian nghỉ trên giường, có một lượng khí thải carbon cá nhân bằng kích thước của khu Brooklyn và nổi tiếng với việc cập bến chiếc du thuyền trị giá 7 triệu dollar của ông ta ở khu Rhode Island lân cận để tránh nửa triệu tiền thuế từ tiểu bang Massachusetts quê nhà ông.
Tôi muốn chia sẻ thêm một lưu ý cá nhân của riêng tôi, rằng tôi đã tham dự, để lấy tin tức cho PJ Media, Hội nghị Biến đổi Khí hậu của Liên Hiệp Quốc năm 2009 ở Copenhagen giữa trận bão tuyết lớn nhất mà tôi từng gặp – và tôi học đại học ở New Hampshire (một trong những vùng lạnh nhất Hoa Kỳ — dịch giả).
Tôi đang ngồi đợi một trong những cuộc thảo luận của ban hội thẩm bắt đầu thì, để giết thời gian, tôi đã bắt chuyện với một người ngồi bên cạnh, hỏi thăm quê quán anh ta ở đâu.
“Ở Maldives,” anh ta nói. Tuyệt thật, tôi nghĩ, bởi vì tôi vừa đọc rằng Quần đảo Maldives ở Ấn Độ Dương đang đứng trước nguy cơ diệt tuyệt, thực sự chìm hoàn toàn dưới nước, vì sự nóng lên toàn cầu.
Vì vậy, cố tỏ ra lịch sự, tôi bày tỏ nỗi ái ngại về hiểm họa đối với quê hương của anh ta, nhưng anh ta chỉ nhún vai. “Chẳng hề gì,” anh giải thích. “Chúng tôi đắp bao cát chống triều cường. Chúng tôi làm vậy hàng năm. Không có vấn đề gì.”
Tôi ngẩn người nhìn anh ta không chớp mắt. “Anh đã đi một chặng đường dài. Vậy sao anh lại ở đây?”
Anh ta nheo mắt nhìn tôi, như thể anh ta nghĩ tôi là một kẻ ngốc hoặc tôi đang đùa. “Vì tiền,” anh nói thẳng thừng.
Thật tình cờ, hồi tháng 11/2021 tôi lại thấy một lần nữa, tức là khoảng 12 năm sau hội nghị đó, những người bạn của chúng ta tại đài truyền hình ABC một lần nữa đưa tin nói rằng, “Đối mặt với mối đe dọa nghiêm trọng của mực nước biển dâng cao, Maldives viện đến các giải pháp về biến đổi khí hậu để tồn tại.”
Người Pháp có câu nói gì ấy nhỉ? Mọi thứ càng thay đổi, thì chúng càng y nguyên?
Điều tốt là ông Trump đã xuất hiện và “cài người” vào Pháp viện, đúng không nào?
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Roger L. Simon là một tiểu thuyết gia từng đạt giải thưởng, nhà biên kịch được đề cử giải Oscar, người đồng sáng lập PJMedia, và hiện là biên tập viên chính cho The Epoch Times. Những cuốn sách gần đây nhất của ông là tiểu thuyết viễn tưởng “The GOAT” (“Con DÊ”) và sách phi hư cấu “I Know Best: How Moral Narcissism Is Destroying Our Republic, If It Hasn’t Already” (“Tôi Biết Rõ Nhất: Sự Ích Kỷ về Đạo Đức Đang Phá Hủy Nền Cộng Hòa của Chúng Ta Như Thế Nào, Nếu Điều Đó còn Chưa Xảy Ra”). Quý vị có thể tìm thấy ông trên GETTR và Parler tại @rogerlsimon.
(*) Nguyên văn bài hát phát hành năm 1943 của Nat King Cole tên là “Straighten Up And Fly Right.” Bài hát kể về câu chuyện của một con chim ó chở một con khỉ trên lưng. Con chim ó muốn chao liệng ném con khỉ xuống, nhưng khỉ đã túm cổ con chim và nói “Hướng thẳng lên và bay sang phải.” Chim ó rưng rưng khóc rằng “Anh đang làm tôi khó thở,” nhưng khỉ không tin và vẫn muốn bay tiếp. Theo ý hiểu của dịch giả, tác giả sử dụng nghĩa đen của tên bài hát để chỉ việc chuyển sang cánh hữu bảo tồn truyền thống hơn, như con chim ó kia, dù muốn hay không.