Sáng kiến GII của Hoa Kỳ và G-7: Ý tưởng tốt nhưng có thể quá nhỏ, quá muộn
Đối đầu với Sáng kiến Nhất đới Nhất lộ của Trung Quốc
Sáng kiến “Cơ sở Hạ tầng và Đầu tư Toàn cầu” với 600 tỷ USD tài trợ là một ý tưởng hay – nhưng sẽ đến sau 10 năm nữa và nhạt nhòa so với con số 1 ngàn tỷ USD được ước tính cho Sáng kiến Nhất đới Nhất lộ của Trung Quốc.
Hôm 26/06, Tòa Bạch Ốc đã ban hành “Bản ghi nhớ Đối tác về Cơ sở Hạ tầng và Đầu tư Toàn cầu” (Global Infrastructure and Investment, GII) để tài trợ cho sự phát triển ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.
Cùng ngày, GII đã được trình bày tại cuộc họp của các quốc gia thuộc nhóm G-7 bao gồm Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ và Liên minh Âu Châu. Cam kết ban đầu với 200 tỷ USD của Hoa Kỳ dự kiến sẽ tăng lên 600 tỷ USD tài trợ trong 5 năm tới khi các chính phủ G-7 và các công ty tư nhân đóng góp thêm.
Mặc dù bản ghi nhớ không đề cập rõ ràng đến Trung Quốc, nhưng GII [được xây dựng] nhằm đối đầu với Sáng kiến Nhất đới Nhất lộ (BRI, còn được gọi là “Một vành đai, Một con đường”). BRI, được khai triển từ năm 2013, hiện đã trải dài hơn 100 quốc gia và đã đóng góp rất nhiều vào việc thúc đẩy sự bành trướng toàn cầu của Trung Quốc.
Bản ghi nhớ dường như đề cập đến chính sách ngoại giao bẫy nợ liên quan đến BRI: “Thông thường, các lựa chọn tài chính thiếu minh bạch, tiếp tay cho tham nhũng và quản trị yếu kém, và tạo ra gánh nặng nợ vay khó trả, thường dẫn đến các dự án khai thác, thay vì trao quyền cho người lao động; khiến những thách thức mà các nhóm dân số dễ bị tổn thương phải đối mặt thêm phần bế tắc.”
Mô hình BRI căn bản chính là Trung Quốc cho các quốc gia đang phát triển vay tiền, thường với lãi suất cao, để đổi lấy tài nguyên thiên nhiên. Số tiền này được sử dụng để tài trợ cho cơ sở hạ tầng rất cần thiết, nhưng theo các điều khoản của hợp đồng, các công ty Trung Quốc thực hiện hầu hết việc xây dựng đó. Do đó, Trung Quốc thu hồi phần lớn tiền gốc ngay lập tức, khiến chính quyền địa phương phải hứng chịu các khoản thanh toán lãi và gốc trong nhiều năm hoặc nhiều thập niên.
Các dự án BRI đầy rẫy tham nhũng và các chi phí khác về con người và môi trường. Bản ghi nhớ của Tòa Bạch Ốc đề cập đến “việc di dời cưỡng bức; làm suy giảm tài nguyên thiên nhiên và môi trường; đe dọa sự ổn định kinh tế; phá hoại bình đẳng giới và nhân quyền.”
Các tổ chức cho vay truyền thống như Ngân hàng Thế giới (World Bank), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hoặc Câu lạc bộ Paris (Paris Club) ràng buộc các yêu cầu giám sát và minh bạch đối với các khoản vay của họ, trong khi Bắc Kinh thì không. Những tổ chức cho vay có trách nhiệm cũng sẽ từ chối cho vay thêm tiền đối với các quốc gia đang trên bờ vực khủng hoảng nợ.
Không có nơi nào khác để vay, các quốc gia khó khăn về tài chính thường sẽ chuyển sang Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vốn dĩ cho vay mà không quan tâm đến mức độ tín nhiệm hoặc tính minh bạch. Người ta hy vọng rằng các khoản vay của GII dưới sự quản lý của Hoa Kỳ và G-7 sẽ mang lại cho các quốc gia một lựa chọn tốt hơn là vướng sâu vào nợ Trung Quốc.
GII được xây dựng trên nền tảng các sáng kiến từ thời Tổng thống Trump, bao gồm Đạo luật Sử dụng Tốt hơn các Khoản đầu tư Dẫn đến Phát triển năm 2018 (BUILD ACT). Đạo luật này đã thành lập Tổ chức Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (DFC) với sự ủng hộ của lưỡng đảng để huy động tiền của khu vực tư nhân để hỗ trợ phát triển kinh tế ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.
GII cũng dựa trên Đạo luật Hiện đại hóa MCA 2018 được chỉ định để đầu tư cơ sở hạ tầng ở hải ngoại. Một chính sách khác từ thời cựu Tổng thống Trump đã kích hoạt GII là Ngân hàng Xuất nhập cảng Hoa Kỳ được tái ủy quyền năm 2019 (EXIM), thúc đẩy thương mại bằng cách tài trợ cho hàng xuất cảng của Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ, G-7 và các quốc gia phương Tây khác từ lâu đã cung cấp các giải pháp thay thế tài chính hợp lý cho các quốc gia đang phát triển, nhưng các chương trình này chỉ mang tính chắp vá. Mỗi quốc gia tài trợ cung cấp tài chính cho các dự án phát triển riêng biệt ở các quốc gia khác nhau với rất ít hoặc không có sự phối hợp. GII được xây dựng nhằm mục đích cung cấp đầu tư phối hợp trên quy mô lớn hơn.
Tổng thống Joe Biden khẳng định số tiền này không phải là tiền từ thiện; thay vào đó, “Đó là một khoản đầu tư sẽ mang lại lợi nhuận cho tất cả mọi người, bao gồm cả người dân Hoa Kỳ và người dân của tất cả các quốc gia của chúng ta.” Mặc dù việc cung cấp các giải pháp thay thế cho tài trợ bẫy nợ của ĐCSTQ là rất tốt, nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy khoản tiền này sẽ mang lại lợi tức đầu tư cho người dân Mỹ.
Các khoản đầu tư BRI của Trung Quốc đã liên tục không thể tăng GDP của các quốc gia nhận đầu tư. Ưu điểm của các khoản vay GII là sẽ cẩn thận hơn trong việc lựa chọn các khoản đầu tư tiềm năng. Hơn nữa, phân tích, giám sát và minh bạch sâu hơn sẽ bảo đảm rằng số tiền được chi theo dự định thay vì tài trợ cho tình trạng tham nhũng ngày càng lớn ở các quốc gia nhận tài trợ.
Mặt khác, quốc gia nhận tiềm năng nằm trong số các quốc gia nghèo nhất với xếp hạng tín dụng thấp nhất, và các khoản vay sẽ được cung cấp với lãi suất thấp. Bốn lĩnh vực đầu tư là năng lượng sạch, hệ thống y tế, bình đẳng giới và công nghệ thông tin và truyền thông, một số lĩnh vực trong số đó không phù hợp với phân tích định lượng về lợi tức đầu tư. Vì vậy, ông Biden tin rằng người dân Mỹ sẽ được hưởng lợi như thế nào là không rõ ràng.
Theo bản ghi nhớ GII, thế giới đang phát triển cần 40 ngàn tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Tòa Bạch Ốc và các đối tác dự kiến sẽ đầu tư 600 tỷ USD trong 5 năm. Tuy nhiên, con số này nhạt nhòa so với hơn 1 ngàn tỷ USD được BRI ước tính sẽ tiêu tốn.
Cả GII và BRI đều thiếu hụt so với nhu cầu ước tính của các quốc gia đang phát triển này. Vì vậy, mặc dù đây là một ý tưởng tuyệt vời, trên thực tế, GII có thể không giúp được gì nhiều cho thế giới đang phát triển bắt kịp sự phát triển và không thể kéo các quốc gia đang phát triển tách khỏi ĐCSTQ. Trong khi đó, với sự gián đoạn chuỗi cung ứng lớn, lạm phát kỷ lục và giá xăng cao ở Hoa Kỳ, nhiều người tự hỏi liệu chính phủ Tổng thống Biden có nên tập trung vào giải quyết một số vấn đề trong nước này hay không.
Ngoài ra, việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang gần đây có nghĩa là chính phủ đang đi vay với lãi suất cao, sau đó cho vay với lãi suất thấp đối với các quốc gia có khả năng vỡ nợ cao. Do đó, ông Biden tuyên bố rằng các khoản đầu tư GII sẽ mang lại lợi ích cho công dân Hoa Kỳ dường như là không chính xác.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Tiến sĩ Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại Á Châu. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của Đại học Giao thông Thượng Hải Trung Quốc. Ông Antonio là giáo sư kinh tế và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc, từng viết bài cho nhiều kênh truyền thông quốc tế. Một số cuốn sách về Trung Quốc của ông bao gồm “Beyond the Belt and Road: China’s Global Economic Expansion” (“Vượt Ra Ngoài Vành Đai và Con Đường: Sự Mở Rộng Kinh Tế Toàn Cầu của Trung Quốc”) và “A Short Course on the Chinese Economy” (“Một Khóa Học Ngắn Hạn về Kinh Tế Trung Quốc”).