Tổng thống Biden: Các nước G-7 sẽ cấm vàng của Nga
Hôm 26/06, Tổng thống (TT) Joe Biden thông báo Nhóm Bảy đại cường quốc (G-7) sẽ cấm vàng của Nga để đáp trả cuộc xung đột ở Ukraine.
“Hoa Kỳ đã áp đặt mức tổn thất chưa từng có đối với ông Putin để tước bỏ nguồn kinh phí mà ông ấy cần để tài trợ cho cuộc chiến chống lại Ukraine,” TT Biden nói. “Cùng nhau, G-7 sẽ thông báo rằng chúng tôi sẽ cấm nhập cảng vàng từ Nga, một mặt hàng xuất cảng chính thu về hàng chục tỷ dollar cho Nga.”
Một thông báo chính thức dự kiến sẽ được đưa ra vào ngày 28/06, theo Tòa Bạch Ốc.
TT Biden và các nhà lãnh đạo thế giới khác đã gặp nhau vào ngày khai mạc hội nghị thượng đỉnh để thảo luận về cách bảo đảm nguồn cung cấp năng lượng và giải quyết lạm phát, để ngăn hậu quả từ cuộc xâm lược Ukraine của Nga làm ảnh hưởng đến liên minh toàn cầu đang nỗ lực trừng phạt Moscow.
Trong những năm gần đây, vàng là một trong những mặt hàng xuất cảng chủ lực của Nga sau năng lượng — đạt gần 19 tỷ USD trong năm 2020, tương đương khoảng 5% kim ngạch xuất cảng vàng toàn cầu, theo Tòa Bạch Ốc. Hoa Kỳ nhập cảng vàng dưới 200 triệu USD từ Nga vào năm 2019 và dưới 1 triệu USD vào các năm 2020 và 2021.
Trước đó cùng ngày, hỏa tiễn của Nga đã tấn công một khu vực ở Kyiv, tước đi sinh mạng của ít nhất một người, một cố vấn cho văn phòng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết.
“Nga lại tấn công Kyiv lần nữa. Hỏa tiễn đã phá hủy một khu chung cư và một trường mầm non. Nga nên được chỉ định là một ‘nhà nước bảo trợ khủng bố’ càng sớm càng tốt,” ông Andriy Yermak viết trên Twitter và nói thêm rằng Ukraine “rất cần các hệ thống phòng thủ hỏa tiễn hiện đại.”
Cũng vào trong ngày 26/06, Thủ tướng Anh Boris Johnson dường như đã lưu ý đến việc mọi người đang xao nhãng khỏi vấn đề Ukraine — đặc biệt là trong bối cảnh lạm phát và giá khí đốt cao nhất trong hàng thập niên.
Ông Jake Tapper của CNN đã hỏi Thủ tướng Johnson một câu hỏi quan trọng về việc làm thế nào Hoa Kỳ và phương Tây có thể “giải quyết được sự căng thẳng trong [chiến tranh] Ukraine vào thời điểm mà rất nhiều quốc gia phương Tây đang phải chật vật giải quyết các vấn nạn mà quê hương mình đang gặp phải? Và ông có lo rằng việc liên kết cuộc chiến ở Ukraine với giá năng lượng cao hơn có thể khiến người dân ở Anh [và] ở Hoa Kỳ phải thốt lên rằng, ‘Ông biết gì không, điều này thật không đáng?’”
Ông Johnson đã đáp lại bằng cách nói rằng tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine là điều đáng làm bởi vì sẽ “thực sự là thảm họa” nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin thành công. Hoa Kỳ đã cung cấp hàng chục tỷ dollar viện trợ quân sự cho Ukraine kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu hôm 24/02.
Đề cập đến cam kết của Tòa Bạch Ốc về 46 tỷ USD viện trợ Ukraine, ông Johnson nói với hãng thông tấn này rằng “Tôi cho rằng chi số tiền này là xứng đáng.”
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken được The Associated Press trích dẫn nói rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga vì cuộc xâm lược Ukraine đang có “một tác động sâu sắc”. Ông cho biết thêm rằng “ngay cả khi [Nga] có được nguồn thu từ dầu mỏ với giá cao hơn thì họ cũng không thể chi tiêu khoản tiền đó vì các biện pháp kiểm soát xuất cảng.”
Ông nói, Moscow “không thể có được những gì họ cần để hiện đại hóa lĩnh vực quốc phòng, hiện đại hóa công nghệ, hiện đại hóa hoạt động khai thác năng lượng, có nghĩa là từng cái một trong số lĩnh vực này sẽ suy giảm theo thời gian.”
Ông Jack Phillips là một phóng viên thời sự của The Epoch Times tại New York.