Sàn giao dịch mã kim có liên kết với Trung Quốc Binance đang gặp rắc rối
Theo dữ liệu mới nhất, Binance là sàn giao dịch mã kim lớn nhất thế giới. Đây là nơi phục vụ cho gần 6 tỷ USD giao dịch hàng ngày của 388 loại tiền mã kim khác nhau. Công ty được cho là đang kiếm được hàng tỷ USD phí giao dịch.
Nhưng Binance đang gặp khó khăn trên khắp thế giới.
Theo một báo cáo ngày 10/08 từ CoinDesk, “Các quyền chọn của Binance ở châu Âu dường như đang bị thu hẹp, như được minh chứng qua một loạt các khoản rút tiền và từ chối gần đây từ các cơ quan quản lý địa phương.”
Hôm ngày 02/08, công ty có liên kết với Trung Quốc này đã bác bỏ một bản tin của Wall Street Journal rằng họ hoạt động ở Trung Quốc bất chấp một lệnh cấm. Bản tin này nói rằng khách hàng ở Trung Quốc có thể truy cập sàn giao dịch thông qua một mạng riêng ảo (VPN) che giấu vị trí của họ.
Hồi tháng Năm, theo Wall Street Journal, Binance đã tạo thuận lợi cho các giao dịch trị giá tổng cộng 90 tỷ USD cho các khách hàng ở Trung Quốc. Thực tế này khiến Trung Quốc trở thành thị trường lớn nhất của Binance trong tháng Năm. Nam Hàn, Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam, và Quần đảo Virgin thuộc Anh là những thị trường lớn tiếp theo của công ty.
Các ngân hàng Hoa Kỳ đã ngừng làm việc với Binance.US, chi nhánh tại Mỹ của công ty, để đáp lại các cáo buộc của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) hồi tháng Sáu. Binance.US đã phải thông báo sẽ ngừng cho phép giao dịch bằng USD, đây là một đòn giáng mạnh vào các nhà đầu tư của Binance và do đó, cũng ảnh hưởng lớn đến nền tảng này.
Binance bị cấm ở Hoa Kỳ, nhưng nền tảng này có thể truy cập được bằng VPN. Reuters đã đưa tin về một bài thuyết trình nội bộ của Binance hồi năm ngoái (2022) như sau, “bài thuyết trình cho biết, Binance sẽ hạn chế quyền truy cập của khách hàng Hoa Kỳ vào nền tảng chính. Nhưng Binance cho phép sử dụng các mạng riêng ảo ‘chiến lược’, che giấu vị trí của những người dùng internet, để ‘giảm thiểu tác động kinh tế’ của những thay đổi.”
Reuters đã đưa tin rằng phương cách này của Binance sẽ tạo ra một “lỗ hổng” mà qua đó “các nhà giao dịch ở Hoa Kỳ vẫn có thể truy cập vào sàn giao dịch chính, với tính thanh khoản cao hơn và phạm vi sản phẩm rộng hơn, bằng cách sử dụng kết nối VPN.”
Theo Reuters, Binance đã khuyến khích văn hóa giữ bí mật giữa các nhân viên của mình, gồm cả việc thường xuyên sử dụng tính năng tự động xóa tin nhắn [sau một khoảng thời gian hoặc sau khi người nhận đã đọc tin] và cấm họ nói cho người khác biết họ làm việc cho ai. Các nhân viên được yêu cầu không mặc quần áo mang nhãn hiệu Binance.
Các hoạt động mờ ám của Binance đặt ra câu hỏi liệu công ty có tham gia vào các hoạt động đáng ngờ hay không.
Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đang xem xét liệu có buộc tội Binance gian lận hay không, theo bản tin ngày 02/08 của Semafor. Các lựa chọn khác bao gồm phạt tiền hoặc thỏa thuận không truy tố.
Tháng trước (07/2023), SEC đã kiện Binance, người sáng lập Triệu Trường Bằng (Changpeng Zhao, gọi tắt là CZ) cùng sàn giao dịch tại Hoa Kỳ của công ty. Các thủ tục pháp lý của Hoa Kỳ được cho là mối đe dọa lớn nhất đối với hoạt động kinh doanh của Binance và có thể gây ra một cuộc khủng hoảng thanh khoản và bán tháo hoảng loạn mã kim mang thương hiệu riêng của công ty, trị giá hàng chục tỷ USD.
“Thông qua 13 cáo buộc, chúng tôi cáo buộc rằng ông Triệu và các công ty của Binance đã tham gia vào một mạng lưới lừa đảo rộng lớn, xung đột lợi ích, thiếu tiết lộ thông tin, và né tránh luật pháp một cách có tính toán,” Chủ tịch SEC Gary Gensler cho biết trong một tuyên bố. “Như cáo buộc, ông Triệu và Binance đã đánh lừa các nhà đầu tư về các biện pháp kiểm soát rủi ro và khối lượng giao dịch tham nhũng trong khi tích cực che giấu người đang điều hành nền tảng này, giao dịch thao túng của nhà tạo lập thị trường liên kết với nền tảng này, thậm chí là cả địa điểm và những ai đang quản lý tiền cũng như tài sản mã kim của nhà đầu tư. Họ đã cố gắng né tránh luật chứng khoán của Hoa Kỳ bằng cách công bố các biện pháp kiểm soát giả mạo mà họ đã bỏ qua ở sau hậu trường để có thể giữ chân các khách hàng Hoa Kỳ có giá trị cao trên nền tảng của họ.”
Theo SEC, “Có lần, giám đốc tuân thủ của Binance đã nhắn tin cho một đồng nghiệp rằng, ‘chúng ta đang hoạt động như một sàn giao dịch chứng khoán vớ vẩn không có giấy phép ở Hoa Kỳ, người anh em ạ.’”
Ông Triệu hiện đang sống ở Dubai, nơi chưa có hiệp ước dẫn độ với Hoa Kỳ.
Điều bất thường là các vụ kiện của Hoa Kỳ chống lại Binance chỉ giới hạn ở các vụ kiện dân sự mà không kèm theo các cáo buộc hình sự. Theo Semafor, Bộ Tư pháp thận trọng với việc đưa ra các cáo buộc hình sự đối với Binance vì lo ngại rằng họ có thể làm tổn thương người tiêu dùng.
Khi các cáo buộc hình sự được hướng đến FTX mới đây, khách hàng đã tháo chạy, công ty thì phá sản, và nhiều khách hàng đã bị mất tiền.
Tuy nhiên, thị trường tự do phụ thuộc vào việc các nhà đầu tư có thực sự tham gia một cách đường chính bằng cách chịu trách nhiệm về không chỉ về những khoản đầu tư tốt mà cả những khoản đầu tư xấu của họ hay không.
Mã kim luôn là một khoản đầu tư rủi ro và đáng ngờ, cạnh tranh với sự thống trị toàn cầu của loại tài sản nên được xem như là một loại “tiền tệ dân chủ”, đồng USD. Khả năng của Hoa Kỳ trong việc bảo vệ nền dân chủ trên toàn cầu phụ thuộc vào một nền kinh tế Mỹ sôi động, điều mà ngược lại, lại phụ thuộc vào một đồng USD mạnh.
Việc ủng hộ tiền tệ, cổ phiếu, và trái phiếu của Mỹ đã luôn giúp ích cho nền dân chủ và thị trường. Ngược lại, đầu tư vào các loại tiền tệ do nhà cầm quyền độc tài hậu thuẫn, hoặc những loại tiền tệ được hậu thuẫn bằng các công nghệ mã kim mờ ám, đã bỏ qua các tác động ngoại biên tiêu cực (negative externality) của sự cạnh tranh của các loại tiền đó với các loại tiền tệ dân chủ.
Tổng vốn hóa của thị trường mã kim toàn cầu là không ổn định, và tại thời điểm viết bài, con số đó là 1.18 ngàn tỷ USD. Bốn loại mã kim có vốn hóa thị trường lớn nhất là Bitcoin với 573 tỷ USD, Ethereum với 222 tỷ USD, Tether với 83 tỷ USD, và Binance coin với 37 tỷ USD. Đồng tiền chính của Binance còn được gọi là BNB.
Đây chỉ là bốn loại mã kim hàng đầu theo vốn hóa thị trường. Toàn bộ thị trường mã kim là một miền Tây hoang dã với khoảng 23,000 loại tiền tệ, mà một số người đã gọi là một “cuộc đua ngựa” giữa Hoa Kỳ và tiền kỹ thuật số của Trung Quốc mà cuối cùng sẽ chỉ có một người thắng cuộc duy nhất.
Cuộc đua người về đích đầu tiên sẽ thắng hết tiền cược này có thể giải thích lý do tại sao một số công ty như Binance đang nỗ lực rất nhiều vào mã kim.
Hôm ngày 04/08, Binance đã khai trương giao dịch một “mã kim neo giá” (stablecoin) tương đối mới đến từ Hồng Kông, được neo theo đồng USD. Trong hai ngày, vốn hóa thị trường của đồng tiền này đã tăng gấp 10 lần lên 260 triệu USD. Binance mới đây đã loại bỏ đồng mã kim neo giá phổ biến nhất, Tether, ra khỏi nền tảng của họ. Tether thuộc sở hữu của một công ty có trụ sở tại Hồng Kông.
Hoa Kỳ và các đồng minh của chúng ta nên phản ứng với bản chất mờ ám của các nền tảng giao dịch và mã kim có liên quan đến Trung Quốc bằng các lệnh cấm và việc thực thi.
Đồng thời, Bộ Tư pháp nên thực hiện công việc của mình và buộc tội Binance lừa đảo nếu họ có bằng chứng để làm như vậy. Các nhà đầu tư thua lỗ khi đặt cược chống lại các loại tiền dân chủ như USD bằng cách đầu tư thông qua một sàn giao dịch tiền mã kim có liên kết với Trung Quốc lẽ ra nên biết những rủi ro này.
Hoa Mai biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times