Rủi ro về một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu
Gần ba năm trước, các bậc thầy về tài chính toàn cầu và y tế cộng đồng cho rằng họ đã kiểm soát được mọi thứ. Họ tin rằng họ đang hiệu chỉnh bộ máy quyền lực một cách cẩn thận, đẩy và kéo tất cả các đòn bẩy phù hợp, vặn và xoay các nút trên bảng điều khiển của họ, để vừa quản lý đại dịch với việc phong tỏa vừa giảm thiểu nhược điểm bằng các kế hoạch chi tiêu và in tiền mới.
Tình trạng này đã xảy ra trên khắp thế giới.
Không việc nào diễn ra như đã định. Dù sao thì virus cũng quét qua dân số thế giới và chúng ta bị bỏ lại với một mớ hỗn độn. Thật bi thảm, tình hình chỉ trở nên tệ hơn. Và thời điểm xảy ra việc này là đặc biệt tệ hại bởi vì tất cả đều xảy ra trong một kế hoạch kỳ quặc khác nhằm chuyển đổi một cách cưỡng bức và nhanh chóng các nguồn cung cấp năng lượng của thế giới từ nhiên liệu hóa thạch sang quang năng và phong năng. Ngày nay, nhiều quốc gia trên thế giới, và cũng ngày càng đúng với Hoa Kỳ, đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng đích thực bên cạnh lạm phát gia tăng và chuỗi cung ứng tiếp tục đứt gãy.
Bài học từ tất cả những điều này là các nhà hoạch định không kiểm soát được nhiều như họ nghĩ. Hành động của họ đã gây ra những phản ứng bất ngờ và những tác động không thể lường trước được. Ví dụ, cuối tuần này (15-16/10), tôi nhận được một thông báo từ một nhà xuất bản sách nói rằng họ đã hết giấy màu kem và phải sử dụng giấy màu trắng để thay thế. Tìm hiểu xung quanh, chúng tôi thấy rằng tình trạng thiếu giấy bắt đầu từ cuối mùa hè đang trở nên khó khăn hơn.
Tại sao điều này có thể xảy ra? Vào mùa xuân năm 2020 tại Hoa Kỳ, Bộ Ngân khố, do Cục Dự trữ Liên bang hậu thuẫn đã làm tràn ngập nền kinh tế với hàng ngàn tỷ dollar mới. Lãi suất trên thực tế là bằng 0. Điều này đã thúc đẩy một cuộc bùng nổ nhà ở bất ổn cùng với nhu cầu lớn về ván ép để xây dựng, khiến giá tăng vọt. Các nhà cung cấp cũng chuyển sản xuất từ giấy sang ván ép, thiết lập các điều kiện cho sự thiếu hụt về sau này, và thế là chúng ta đang phải đối mặt tình trạng đó.
Một trường hợp khác về các hiệu ứng không lường trước được liên quan đến chất bán dẫn. Trong nhiều thập niên, các nhà sản xuất Hoa Kỳ đã quen với việc sử dụng các chiến lược quản lý hàng tồn kho vừa đủ (Just-in-time, JIT). Khi phong tỏa diễn ra, họ đã dừng các đơn đặt hàng của mình trong sáu tháng. Các nhà sản xuất vi mạch bán dẫn cần kinh doanh và do đó, các nhà máy được trang bị lại để cung cấp vi mạch bán dẫn cho máy điện toán xách tay, máy chơi game, và điện thoại thông minh cho các lớp học trên Zoom và đặt các nhà sản xuất xe hơi vào thế khó. Khi các nhà sản xuất xe hơi sẵn sàng, thì vi mạch bán dẫn đã hết. Tình trạng này khiến Hoa Kỳ ưu tiên sản xuất vi mạch bán dẫn trong nước, từ đó gây ra các hạn chế xuất cảng sang Trung Quốc. Tuần này (10-16/10), những người Mỹ đang làm việc trong ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn ở Trung Quốc được thông báo rằng họ phải ngừng làm việc trừ khi có giấy phép đặc biệt.
Hết ngành này tới ngành khác, sự tàn phá tiếp tục tích lũy. Một phép ẩn dụ khác có thể là sự đổ vỡ theo kiểu phản ứng dây chuyền một cách từ từ.
Cho đến nay, nền tài chính toàn cầu đã không gặp phải cuộc khủng hoảng nào như năm 2008. Đó là điều may mắn nhất trong 30 tháng qua. Ít ra thì các ngân hàng và tiền vẫn hoạt động và chưa có cuộc khủng hoảng thanh khoản nghiêm trọng nào mà chúng ta phải đối mặt… cho đến nay. Nhưng khi nhìn vào chính sách của Fed ngày nay, người ta sẽ lấy làm lạ.
Lãi suất quỹ liên bang 3% không phải là cao theo tiêu chuẩn lịch sử lâu đời nhưng chỉ cách đây một khoảng thời gian gần, như thời điểm này hồi năm ngoái, thực tế là lãi suất đã bằng 0. Điều này làm cho các chiến lược thắt chặt của Fed trở thành cực đoan nhất trong một thời gian ngắn được ghi nhận, mức tăng 5.000% so với cùng thời kỳ năm ngoái. Sự cực đoan này đã khiến ngành công nghiệp nhà ở bùng nổ một thời rơi xuống vực. Chúng ta đang chờ xem tác động của điều đó. Chúng ta có thể không nhìn thấy những ngôi nhà mà trong đó “khoản nợ gốc cho vay mua nhà cao hơn giá trị thực của ngôi nhà đó” như chúng ta đã từng chứng kiến trong năm 2008 đơn giản là vì ngày nay không có ngôi nhà nào có thể được tái cấp vốn theo bất cứ mức nào gần với giá mà căn nhà đã được mua cách đây chỉ vài năm, nhưng chúng ta có thể thấy những tác động khác.
Các hành động của Fed ở đây có tất cả sự kiêu ngạo mà chúng ta đã thấy trong các cuộc phong tỏa, và nhân đây khi nói về sự kiêu ngạo, thì các biện pháp trừng phạt chống lại Nga cũng vậy: niềm tin cho rằng chỉ một quyết định chính sách có thể thay đổi và làm lại quỹ đạo lịch sử bất kể các điều kiện khác. Fed đã gây ra lạm phát và vì vậy đã cố gắng dập tắt lạm phát, như thể có một công tắc bật-tắt nào đó mà họ có quyền truy cập. Điều này không khác gì những người hoạch định dịch bệnh nghĩ rằng họ có thể kiểm soát một loại virus có thể lây truyền mạnh. Và không khác gì niềm tin cho rằng một số biện pháp trừng phạt thương mại sẽ đe dọa một nhà lãnh đạo ngoại quốc quyền lực để đi theo một hướng khác hoặc từ chức.
Virus thực sự ở đây là sự kiêu ngạo của quyền lực!
Môi trường suy thoái, cuộc khủng hoảng năng lượng, và tình trạng lạm phát toàn cầu — hầu hết các chính phủ trên thế giới đều đi theo con đường dại dột như nhau — đã phá vỡ các thị trường tiền tệ quốc tế theo những cách đáng ngạc nhiên. Tôi rất tiếc cho độc giả Mỹ ngày nay, những người nhìn thấy các nhan đề về lạm phát cao ngay bên cạnh các nhan đề về đồng dollar mạnh. Điều đó có nghĩa là gì? Cả hai khả năng này đều có thể đúng: đồng dollar có thể rất yếu và giảm về sức mua hàng hóa và dịch vụ trong khi đồng thời lại rất mạnh về mối quan hệ thương mại của đồng bạc này với các đồng tiền khác.
Hãy tạm dừng một chút để quan sát rằng thị trường các đồng tiền pháp định mà chúng giao dịch với nhau là một sự bất thường trong lịch sử. Hệ thống này được thiết lập vào năm 1974 như là lựa chọn tối hảo trong các hệ thống tiền tệ. Mười năm sau rõ ràng tình hình là không phải là như vậy. Một hệ thống như vậy làm mất ổn định việc lập kế hoạch kinh doanh và mang lại những chi phí to lớn khác.
Chính phủ Tổng thống Reagan đã cố gắng chấm dứt hệ thống này vào năm 1986 dưới sự thúc giục của Bộ trưởng Ngân khố James Baker, người đã cố gắng đưa ra một hệ thống tỷ giá cố định. Nhưng với việc tất cả các chính phủ và khu vực thương mại của các quốc gia khác vẫn giữ quyền quyết định về tài khóa, thì tỷ giá cố định đã chứng minh là bất khả thi. Vì vậy, chúng ta bị mắc kẹt với những gì chúng ta đang có.
Đồng dollar mạnh khiến hàng hóa nhập cảng vào các quốc gia không theo tiêu chuẩn dollar trở nên rất đắt so với chỉ một năm trước đây, gây ra một sự siết chặt tài chính lớn đối với các tập đoàn, chính phủ, và ngân hàng trung ương. Fed tin rằng họ có nghĩa vụ hỗ trợ những quốc gia có nhu cầu bằng các khoản vay tạm thời đang diễn ra thông qua các thỏa thuận mua lại (repo) qua đêm. Những khoản vay này hoạt động giống như các thỏa thuận ở tiệm cầm đồ: tiền mặt được thế chấp và trả lại vào ngày hôm sau, nếu chỉ để giúp duy trì mọi người, hoặc trong trường hợp này là toàn bộ các quốc gia, qua được một thời kỳ khó khăn về tài chính. Trong trường hợp này thì Fed là một tiệm cầm đồ: cơ quan này có lượng tiền mặt dư thừa được giữ trong các khoản nợ của Hoa Kỳ nên trên thực tế là Fed đã cho các ngân hàng trung ương ngoại quốc vay.
Chỉ trong vài tháng qua, các hợp đồng repo đảo ngược này rất đắt đỏ, sau khi không được sử dụng trong phần lớn năm trước. Tờ Wall Street Journal đưa tin chính xác những dữ liệu mà chúng tôi đã chỉ ra: “Cho vay từ cái gọi là cửa sổ chiết khấu của Fed đối với các khoản vay khẩn cấp đã tăng trong những tuần gần đây, lên 7.67 tỷ USD hôm 19/09, mức cao nhất kể từ hồi tháng 06/2020. Fed cũng đã cho hai ngân hàng trung ương ngoại quốc vay 6.5 tỷ USD hồi tuần trước, một phần của các thỏa thuận thường trực để cho vay USD và giảm bớt áp lực trên các thị trường tài trợ bằng USD.”
Tại sao Fed có thể làm điều này? Fed có một lượng lớn tiền mặt dư thừa nhưng đây không thực sự là một cơ hội sinh lời nhiều mà là một cơ chế bình ổn. Bệnh nhân đang chảy máu còn Fed thì có sẵn một thùng băng keo và tiếp tục dùng chúng, trên khắp thế giới.
Rắc rối: không có điều nào trong số những điều nêu trên là giải pháp thực sự. Chúng chỉ là những biện pháp ứng biến để đối phó với một cuộc khủng hoảng toàn cầu đang xuất hiện đã khiến hàng triệu người xuống đường phản đối giá cả cao hơn và mức sống giảm, như thể sự phản đối sẽ cải thiện được tình huống. Tình huống sẽ không được cải thiện bởi vì thiệt hại đã diễn ra rồi. Chúng ta đang xem một bộ phim quay chậm đang dần dần mở ra các phân cảnh nhưng trên thực tế mọi chuyện đang diễn ra rất nhanh theo bất kỳ chuẩn mực nào trong quá khứ.
Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế Kristalina Georgieva cho biết trong cuộc họp báo hôm 20/09: “Điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến.” Quả thực là như vậy. Suy thoái là toàn cầu. Tại một thời điểm nào đó, khủng hoảng thanh khoản sẽ ập đến và chúng ta có thể chờ đợi sự vắng lặng của năm 2008.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times