Rủi ro đạo đức trong công nghệ ‘kiểm soát trí não’ của Trung Quốc
Quân đội Trung Quốc đang nghiên cứu các giao diện não-máy theo hình thức cấy ghép, có thể được sử dụng để tẩy não.
Gần đây, chính phủ Hoa Kỳ đã cáo buộc Trung Quốc đang phát triển “vũ khí kiểm soát trí não”. Loại công nghệ này, nếu như được một chế độ toàn trị, phạm tội diệt chủng, và xâm lược lãnh thổ sử dụng, thì sẽ nảy sinh những vấn đề đạo đức nghiêm trọng.
Theo báo cáo của Financial Times, cáo buộc trên của Hoa Kỳ là một phần của việc đưa Học viện Khoa học Quân Y Trung Quốc (Academy of Military Medical Sciences, AMMS) — cùng 11 viện nghiên cứu công nghệ sinh học trực thuộc — vào danh sách đen xuất cảng, vì được cho là đã hỗ trợ quân đội Trung Quốc phát triển các vũ khí loại này.
Theo báo cáo, học viện này đã nghiên cứu các công nghệ “giao diện não-máy” hoặc “giao diện não-máy điện toán”, được biết đến với tên gọi là BCI, gồm thông qua việc cấy các điện cực vào não của khỉ sống, chẳng hạn như loài khỉ đuôi dài macaque.
Theo bà Elsa Kania trong một ấn phẩm năm 2020 của Đại học Quốc Phòng (NDU), “Các nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học Quân Y đang cấy các điện cực vào não của khỉ macaque, một công nghệ để nghiên cứu các kỹ thuật cho giao diện não-máy.”
Vào ngày 16/12/2021, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã đưa Học viện trên và các viện nghiên cứu trực thuộc vào danh sách đen.
Theo Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo, “Trung Quốc đang lựa chọn sử dụng những công nghệ như vậy để theo đuổi mục tiêu kiểm soát người dân và đàn áp các nhóm dân tộc thiểu số và tôn giáo.”
Tờ Financial Times dẫn lời một quan chức cao cấp của Hoa Kỳ nói rằng Trung Quốc đã sử dụng những công nghệ sinh học mới như “chỉnh sửa gene, nâng cao hiệu suất con người [và] giao diện não-máy” để thử nghiệm các ứng dụng quân sự trong tương lai.
Các công ty Trung Quốc sử dụng thiết bị bay không người lái, nhận dạng khuôn mặt, an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo, và siêu máy điện toán để giám sát ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc cũng có mặt trong danh sách đen mới này của Hoa Kỳ, bao gồm cả các công ty trong danh sách đen của Bộ Ngân khố.
Theo The Financial Times, các nhà đầu tư lớn của Hoa Kỳ như Accel, Kleiner Perkins, GGV Capital, Glade Brook Capital Partners, Qualcomm Ventures, Silver Lake, và Tiger Global Management sẽ được yêu cầu thanh lý các khoản đầu tư vào những công ty nằm trong danh sách đen.
Không chỉ vậy, các công ty Hoa Kỳ nghiên cứu công nghệ BCI cũng có liên hệ với Trung Quốc.
Blackrock Neurotech, có liên kết với Palantir của ông Peter Thiel, và Neuralink của ông Elon Musk là hai công ty hàng đầu của Hoa Kỳ đang tìm cách cải tiến công nghệ BCI. Neurotech đã nhận được 10 tỷ USD đầu tư hồi tháng Năm, và tuyên bố đã cấy 28 thiết bị [vào não của] các bệnh nhân ở Hoa Kỳ, Trung Quốc, và Âu Châu.
Neuralink đã tiến hành thí nghiệm trên một con khỉ macaque được đặt tên là “Pager”. Con khỉ này đã dùng trí não của mình để chơi trò bóng bàn (ping pong) trên máy điện toán, để đổi lấy những giọt sinh tố chuối được truyền qua một ống thép. Công ty đã quay một đoạn video về cuộc thử nghiệm này, tên là “Monkey MindPong”, mà mọi người đều có thể xem.
Tài sản của ông Musk gắn liền với Tesla Inc., công ty phụ thuộc vào hoạt động sản xuất và doanh thu từ Trung Quốc. Chỉ trong quý III năm 2021, Tesla đã sản xuất được hơn 133,000 phương tiện tại Trung Quốc. Kể từ quý IV năm 2020, doanh thu hàng quý của công ty này tại Trung Quốc đã đạt khoảng 3 tỷ USD.
Mặc dù Trung Quốc vẫn còn tụt hậu về công nghệ BCI, nhưng Bắc Kinh đã đặt ra một mục tiêu rõ ràng là “thống trị” sự phát triển của công nghệ sinh học và công nghệ trí tuệ nhân tạo trên toàn cầu. Để đạt được mục tiêu này, vào khoảng tháng Hai, Bắc Kinh đã cấm xuất cảng các loài linh trưởng dùng đề nghiên cứu, vốn rất quan trọng đối với sự tiến bộ của khoa học BCI.
Theo tạp chí Slate vào tháng Mười Một, “Việc thao túng thị trường nghiên cứu linh trưởng tự nó sẽ thỏa mãn nhu cầu tìm kiếm chuyển giao công nghệ của Trung Quốc, bởi các tổ chức ngoại quốc muốn tiến hành thí nghiệm trên các loài linh trưởng Trung Quốc đều sẽ phải chuyển giao công nghệ và chuyên môn của họ tới Trung Quốc. Các tổ chức và các công ty hàng đầu sẽ dạy Trung Quốc cách thu hẹp khoảng cách công nghệ một cách hiệu quả.”
Trung Cộng ‘tẩy não’ người Duy Ngô Nhĩ và các học viên Pháp Luân Công
Việc nghiên cứu kiểm soát trí não của quân đội Trung Quốc là đặc biệt đáng lo ngại nếu xét đến lịch sử diệt chủng và tẩy não đối với các nhóm thiểu số của họ.
Hoa Kỳ và các chính phủ khác đã công nhận rằng cuộc diệt chủng đang diễn ra chống lại người dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc [phù hợp] với định nghĩa [về tội diệt chủng] của Liên Hiệp Quốc. Các cuộc diệt chủng khác chống lại các học viên Pháp Luân Công và người Tây Tạng cũng đang diễn ra.
Theo các nhà nghiên cứu và quan chức của chính phủ Hoa Kỳ, chính quyền Bắc Kinh đã giam giữ hơn 1 triệu người trong các trại “cải tạo” trong một nỗ lực chuyển hóa các dân tộc thiểu số và các nhóm tín ngưỡng trở thành những người cộng sản “tốt”. Theo ước tính của giới quan chức Hoa Kỳ, trong vài năm qua, có 1 đến 3 triệu người Duy Ngô Nhĩ [bị đưa vào] trong các trại cải tạo, còn theo quan điểm của giới học thuật con số này ở vào khoảng từ 1 đến 2 triệu người.
Tiến sĩ Adrian Zenz, một trong những nhà nghiên cứu hoạt động sôi nổi nhất về nạn diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ, đã phân tích bằng chứng từ các nguồn tin của Trung Cộng (Đảng Cộng sản Trung Quốc, ĐCSTQ) cho thấy người Duy Ngô Nhĩ đang bị “tẩy não” trong các trại cải tạo.
Theo tiến sĩ Zenz trong một bài báo đã được bình duyệt năm 2019, “Các Trại giam Đào tạo Nghề” có dính líu đến lao động cưỡng bức. Ông đã ghi lại những tuyên bố của chính quyền Trung Quốc là “tẩy sạch não” những người bị giam trong đó. Ông Zenz tuyên bố, “Những người bị cưỡng bức tẩy não như vậy được gọi là ‘những người được cải tạo’ — thuật ngữ tương tự được sử dụng cho các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ.”
Ông Zenz đã thu được một tài liệu mật của Trung Quốc “tuyên bố rằng những người bị giam giữ có dấu hiệu chống đối sẽ phải chịu các nỗ lực cải tạo kiểu ‘bạo hành’”.
Theo ông Zenz, một báo cáo công việc năm 2017 từ văn phòng tư pháp huyện Tân Nguyên “nói về việc này… bằng các thuật ngữ quyết liệt”. Ông Zenz nói: “Với nhan đề ‘chuyển hóa tập trung thông qua công tác giáo dục’, báo cáo nói rằng công tác cải tạo phải ‘tẩy não, tịnh tâm, ủng hộ lẽ phải, loại bỏ cái ác’ (nguyên văn: “洗脑净心扶正祛邪”).
Vào ngày 10/12/2021, một toà án có trụ sở tại London đã phát hiện ra rằng Tổng Bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình phải chịu trách nhiệm trực tiếp về tội diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ.
Những rủi ro đạo đức của công nghệ ‘kiểm soát trí não’
Các nhà đạo đức học cũng như các quan chức chính phủ của Hoa Kỳ, Âu Châu, và các đồng minh Á Châu nên xem xét nghiêm túc hơn sự kết hợp của hai yếu tố, đó là: nghiên cứu “kiểm soát trí não” của quân đội Trung Quốc và hoạt động “tẩy não” mang tính diệt chủng của nhà cầm quyền nước này.
Theo các nhà đạo đức sinh học Marcello Ienca (thuộc Đại học Basel ở Thụy Sĩ) và Pim Haselager (thuộc Đại học Radboud Nijmagen ở Hà Lan), các giao diện kiểm soát trí não có thể bị lợi dụng để “xâm nhập bộ não” theo cách vi phạm quyền riêng tư của cá nhân và tổ chức. Ông Ienca hiện đang làm việc tại Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ Lausanne (Ecole Polytechnique Federale de Lausanne).
Theo bài báo đã được bình duyệt và xuất bản trên tạp chí Đạo đức và Công nghệ Thông tin tháng 04/2016 của hai ông lenka và Hasselager, BCI cung cấp giao diện não-máy thông qua việc cấy ghép trực tiếp các điện cực vào mô não hoặc thông qua công nghệ đeo tạm thời có thể giữ các điện cực ở bên ngoài hộp sọ còn nguyên vẹn.
BCI được thiết kế để hỗ trợ những bệnh nhân mắc các bệnh thần kinh làm suy giảm các chức năng vận động-cảm giác. Chẳng hạn như BCI có thể giúp bệnh nhân điều khiển một cánh tay robot giúp họ kiểm soát môi trường xung quanh tốt hơn.
Cơ quan Chỉ thị các Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ (DARPA) cũng đang nghiên cứu công nghệ BCI để ứng dụng trong lĩnh vực quân sự, chẳng hạn như việc giúp con người vận hành chiến đấu cơ không người lái nhanh hơn và hiệu quả hơn.
Nhưng ông lenca và ông Hasselager đã cảnh báo trong bài báo “Hacking the brain: brain–computer interfacing technology and the ethics of neurosecurity” (tạm dịch: “Xâm nhập bộ não: Giao diện não-máy điện toán và vấn đề đạo đức trong an ninh của hệ thần kinh”), rằng những rủi ro đạo đức của công nghệ BCI chưa được khảo sát nghiên cứu đầy đủ so với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ này.
Các nhà nghiên cứu lập luận rằng “tội phạm trong lĩnh vực thần kinh” và tội “xâm nhập não bộ”, bao gồm cả “việc truy cập bất hợp pháp và thao túng thông tin và sự tính toán của hệ thần kinh”, là nguy cơ chính đối với “an ninh hệ thần kinh” của mỗi cá nhân, chẳng hạn như vấn đề quyền riêng tư và quyền tự quyết của cá nhân.
Những phẩm chất căn bản nhất làm nên một cá nhân – bao gồm ý thức, ý chí tự thân, nhận thức, tư duy, nhận thức về tự thân, khả năng phán đoán, ngôn ngữ, và trí nhớ – đang gặp rủi ro. Ông Ienca và ông Hasselager lập luận rằng “việc lạm dụng các thiết bị thần kinh cho các mục đích tội phạm mạng có thể không chỉ đe dọa đến sự an toàn về thể chất của người dùng các thiết bị này mà còn ảnh hưởng đến hành vi và cải biến nhận thức về tự thân của họ.”
Ông Ienca và ông Hasselager đã xác định rằng ngoài các thiết bị BCI ra còn có các thiết bị được biết đến với tên gọi là “máy kích thích thần kinh”. Loại đề cập trước có khả năng được sử dụng trong tội phạm thần kinh và có chức năng “đọc vị hoạt động của não bộ”, vì vậy được xác định là “đặc biệt quan trọng”. Còn loại đề cập phía sau về giao diện não-máy này cũng bao gồm các thiết bị dùng để “kích thích sâu vào não (DBS) và máy kích thích dòng điện trực tiếp xuyên qua hộp sọ (tDCS).”
Ông Ienca và ông Hasselager đã nêu bật những rủi ro của trình đọc và kích thích não bộ một cách đúng đắn, và cho rằng “các biện pháp bảo vệ đạo đức chống lại những rủi ro này nên được xem xét ở giai đoạn đầu của quá trình thiết kế và điều chỉnh.”
Không quan tâm đến chuẩn mực đạo đức, Bắc Kinh nỗ lực tăng cường kiểm soát đối với các cá nhân trong ranh giới ngày càng mở rộng của lãnh thổ mà họ mệnh danh là “Đại Trung Hoa”. Trong trường hợp này, việc thiết lập các biện pháp bảo vệ đạo đức, quy định, và luật pháp quốc tế [cho công nghệ] mới nổi này sẽ là điều đặc biệt quan trọng.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Anders Corr có bằng cử nhân/thạc sĩ khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và tiến sĩ về chính phủ tại Đại học Harvard (2008). Ông là người đứng đầu Corr Analytics Inc., nhà xuất bản của Tạp chí Rủi ro Chính trị, và đã thực hiện các nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, Âu Châu và Á Châu. Các cuốn sách mới nhất của ông là “The Concentration of Power: Institutionalization, Hierarchy, and Hegemony” (“Tập Trung Quyền Lực: Thể Chế Hóa, Hệ Thống Phân Cấp, và Quyền Bá Chủ”) xuất bản năm 2021 và “Great Powers, Grand Strategies: the New Game in the South China Sea” (“Các Cường Quốc Lớn, Các Chiến Lược Lớn: Trò Chơi Mới ở Biển Đông”) xuất bản năm 2018.
Thuần Thanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: