Rét nàng Bân: Thương cái rét ngọt muộn màng
Giữa mùa hè nắng chang
Sớm nay ngày trở lạnh
Heo may và mưa xám
Se lòng như chớm đông…
(Lưu Quang Vũ)
Tháng Ba ở xứ Bắc như Vũ Bằng ví, đẹp tựa một cô gái nghiêng nước nghiêng thành. Vì nàng đẹp nên hay làm nũng, chẳng đau răng cũng nhăn mặt cho thêm xinh. Mới hôm qua còn nóng nực oi ả, sớm nay đã hanh hao cái lạnh mùa đông tưởng đã khuất nẻo. Cái rét cuối mùa còn vương lại như nỗi lưu luyến của mùa đông ấy thơ mộng đến nỗi người xưa gọi bằng tên một cô gái đẹp: Rét nàng Bân.
Nàng Bân may áo cho chồng,
May ba tháng ròng mới được cửa tay,
Lạy trời cho cả heo may,
Nàng Bân chết quách đêm nay cho rồi
Chuyện kể rằng, nàng Bân là con gái của Ngọc Hoàng. Nhưng khác với nhiều chị em của mình, nàng chậm chạp và có phần vụng về. Mùa rét đến, nàng định đan cho chồng một cái áo ngự hàn. Nhưng nàng vụng về quá, loay hoay mãi đến nỗi trời đã sắp sang xuân rồi mà nàng chỉ mới đan xong đôi tay áo.
Thương chồng buốt giá cơ hàn
Vỏ cây dệt sợi miên man tháng ngày.
(Lãng Du)
Nhưng không nản chí, nàng cứ mải miết đan mãi qua tháng Giêng rồi hết tháng Hai; đến khi áo may xong thì vừa lúc trời hết rét. Nàng Bân buồn lắm. Thấy con âu sầu, biết chuyện, Ngọc Hoàng cảm động bèn làm cho trời rét lại mấy hôm để chồng nàng mặc thử áo.
Bàn tay nhuốm máu tần ngần
Hòa cùng giọt lệ trầm luân than trời
Động lòng trời nhả tuyết rơi
Ngày xuân ấm áp vội rời sang đông
Bõ công cho chút tình nồng
Ngày đêm đan áo cho chồng ấm thân
(Lãng Du)
Cái rét trái mùa ấy lạ kỳ hơn tất cả những đợt lạnh của mùa đông. Trở về trong những ngày chớm hạ, vì chưng tình nghĩa thẳm sâu của người chinh phụ, thương chồng nơi biên ải, muốn gửi tấm áo vụng về đã may qua đông tàn nguyệt tận, nên trời đất chuyển mùa để nghĩa tình vợ chồng được trọn vẹn, dài lâu.
Tháng ba gieo gió, tuyết sương
Cho chồng nàng nhận tình thương ấm nồng.
(Hồng Ngân)
Câu chuyện tình của nàng Bân khiến đất trời tháng Ba xứ Bắc đẹp vẻ lạ lùng huyền ảo. Vừa mới mưa xuân phơi phới bay, đã thấy nắng hạ tràn trên khắp ngả, toan cất khăn áo để mùa sau thì cái rét tái tê lại trở về. Nàng dẫu vụng về nhưng tấm chân tình tha thiết của nàng Bân với tình quân khiến Ngọc Hoàng cũng cảm động mà thay đất đổi trời, đem cái lạnh lẽo của đông tàn vào những ngày nắng hạ.
Than ôi! Cái rét nàng Bân
Vì nàng mà để tiết trần đổi thay.
(Lãng Du)
Tấm lòng chân thành và giản dị ấy đẹp đến nỗi tên nàng được dành để gọi cái rét ngọt muộn màng, nhắc nhân gian nhớ đến tình nghĩa vợ chồng, dẫu đơn sơ, giản dị mà son sắt, thủy chung.
Chồng trấn tây cương, thiếp ở đông,
Gió tây lạnh thiếp, thiếp thương chồng.
Một dòng thư gửi, trăm dòng lệ:
“Rét đến bên chàng, áo đến không ?
(Ký phu (gửi chồng) – bản dịch: Nam Trân)
Ai có ở xứ Bắc, đã quen với thời tiết lắm khi thất thường lạ lùng, mới hiểu được cái kỳ ảo quyến rũ không sao lý giải được của đất trời. Cứ như thể trong cao xanh vời vợi kia, cũng có bao nhiêu là sự thể đang xoay vần, và nắng mưa dường như chỉ là những biến hóa diệu kỳ nơi thiên thượng mà thôi.
Ôi cái rét trái mùa
đất trời kỳ lạ thật
khó hiểu như lòng người
những vui buồn trái ngược
Hôm qua còn nóng bức
và mai lại nắng thiêu
ngày lạnh được bao nhiêu…
(Lưu Quang Vũ)
Hình ảnh chiếc áo luôn là biểu tượng ẩn dụ cho tình nghĩa vợ chồng. Ca dao xưa có câu:
Chồng em áo rách em thương
Chồng người áo gấm xông hương mặc người
Việc chăm sóc cho chồng từ tấm áo dẫu thật bình dị, mà dường như có ý nghĩa quan trọng nhiều lắm để trao gửi tình yêu lòng thương đối với người bạn đời. Cho nên người nam khi trưởng thành tính chuyện hôn nhân thường nói là đã tìm được người “nâng khăn sửa túi”. Cũng ngụ ý sâu xa về vai trò của người vợ, luôn là người ở phía sau, lo toan âm thầm, khiêm nhường nhu thuận mà giúp chồng tỏa sáng cái địa vị nam tử hán, đại trượng phu. Cổ ngữ có câu: “Thê hiền phu an” là có ý như vậy (nghĩa là: có người vợ hiền thì người chồng mới có thể an tâm lập nghiệp).
Dù đan áo hay không, mỗi người phụ nữ hẳn cũng là một nàng Bân trong gia đình, nên Ngọc Hoàng mới lưu lại sự tích hằng năm, để rồi mỗi khi cái rét ngọt muộn màng bất chợt lúc giao mùa, có thể thấy chính mình trong tích cũ chuyện xưa, như lời nhắc nhở nhân gian về phẩm hạnh của người phụ nữ và thấm thía hơn ý nghĩa đạo lý vợ chồng trọn vẹn, son sắt, thuỷ chung.
[Rét nàng Bân: là cách gọi đợt rét cuối cùng của mùa xuân diễn ra vào tháng Ba theo âm lịch ở miền Bắc của Việt Nam hay còn được coi là đợt rét muộn]
Đan Thư
Xem thêm: