‘Rất nhiều câu hỏi chưa được trả lời’: Các thượng nghị sĩ phản ứng sau cuộc họp mật về khí cầu do thám
Các thành viên của Đảng Cộng Hòa đang tỏ ra không mấy hài lòng sau phiên điều trần xem xét cách mà Bộ Quốc Phòng (DoD) của Tổng thống (TT) Biden phản ứng trước vụ khinh khí cầu do thám Trung Quốc bay ngang qua lục địa Hoa Kỳ hồi tuần trước (30/01-05/02).
Các quan chức Ngũ Giác Đài đã làm chứng trước một phiên điều trần của Ủy ban Phân bổ Ngân sách Quốc phòng Thượng viện hôm 09/02, nơi họ bênh vực cho quyết định của cơ quan này về việc không can dự vào vụ khinh khí cầu giám sát tầm cao của Trung Quốc trong suốt một tuần, nói rằng vật thể này không gây ra một mối đe dọa quân sự tức thời nào.
Sau đó, các thượng nghị sĩ đã được mời đến một cuộc họp cơ mật của các quan chức Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, một số nhà lập pháp tỏ ra không mấy tâm phục trước bằng chứng của Ngũ Giác Đài khi cơ quan này tuyên bố rằng khinh khí cầu nói trên không gây ra mối đe dọa nào, tuy nhiên, đồng thời họ cũng đang thúc giục chính phủ của TT Biden tăng cường tính minh bạch.
“Chúng ta có thể nói sự thật với nhau và chúng ta có thể nói sự thật với người dân của mình,” Thượng nghị sĩ John Kennedy (Cộng Hòa-Louisiana) nói với NTD, hãng truyền thông cùng hệ thống với The Epoch Times.
“Tôi không biết chuyện gì đã xảy ra với các quả khinh khí cầu giám sát đó, nhưng tôi biết rằng chính phủ TT Biden đã không nói cho người dân Mỹ và Quốc hội Hoa Kỳ biết sự thật.”
Ông Kennedy chỉ ra sự thừa nhận mới đây của chính phủ rằng Trung Quốc đang tham gia vào một chiến dịch gián điệp trên toàn thế giới và bốn khinh khí cầu do thám tương tự của Trung Quốc đã bay vào lục địa Hoa Kỳ trong những năm gần đây, mỗi chiếc trong số đó dường như đã tiếp cận “các địa điểm chiến lược.”
Ông cũng đã chỉ trích quyết định rõ ràng của chính phủ nhằm cố gắng che giấu sự kiện này cho đến khi các hãng truyền thông địa phương ở Montana trở thành nơi đầu tiên đưa tin.
“Tổng thống cần phải giải thích cho tất cả chúng ta … chuyện này đã xảy ra bao nhiêu lần rồi,” ông Kennedy nói. “Tổng thống đã để lại ấn tượng rằng nếu ai đó ở Montana không phát hiện ra khinh khí cầu này rồi gọi cho CBS, và CBS không phát hành bài báo đó, thì Tòa Bạch Ốc sẽ không bao giờ nói cho chúng ta biết.”
“Tôi không nói là Tổng thống đang nói dối. Nhưng ông ấy cần giải thích tại sao những gì ông ấy đang khẳng định lại thực sự là như vậy.”
Tương tự, Thượng nghị sĩ Tom Cotton (Cộng Hòa-Arkansas) và Dan Sullivan (Cộng Hòa-Ohio) nói rằng những tiết lộ trong cuộc họp cơ mật nhỏ bé, ít ỏi và thiếu thực tế đến mức không có gì phải giữ kín và có thể nói công khai.
Ông Sullivan nói với các phóng viên sau cuộc họp báo, “Những gì chúng tôi vừa được thông báo trong đó, tôi nghĩ những điều đó nên được công khai.”
“Chúng tôi không biết được gì nhiều hơn những gì mọi người đã biết,” ông Cotton nói. “Trung Quốc đã gửi một khinh khí cầu do thám bay khắp nước Mỹ. Chính phủ TT Biden đã có cơ hội bắn hạ quả cầu này ở Alaska và họ đã chọn để cho thiết bị này do thám khắp nước Mỹ. Hết chuyện.”
Câu hỏi về việc trì hoãn bắn hạ khí cầu vẫn còn đang bỏ ngỏ
Trong phiên điều trần nói trên, Thượng nghị sĩ Lisa Murkowski (Cộng Hòa-Alaska) đã chỉ trích việc Ngũ Giác Đài quyết định cho phép khinh khí cầu do thám Trung Quốc tiến vào không phận Hoa Kỳ trên Quần đảo Aleutian của Alaska mà không gặp hậu quả gì.
Sau đó, bà nói với NTD rằng điều quan trọng là Ngũ Giác Đài không đối xử phân biệt với các tiểu bang.
Bà Murkowski nói: “Không tiểu bang nào nên cảm thấy họ dễ bị tổn thương hơn các tiểu bang khác.”
“Nếu việc bắn hạ quả khí cầu đó ở ngoài khơi bờ biển phía đông, trong không phận Hoa Kỳ, là thỏa đáng, thì việc bắn hạ nó ngoài khơi bờ biển Alaska cũng thỏa đáng không kém.”
Thượng nghị sĩ Steve Daines (Cộng Hòa-Montana), người mà lãnh thổ tiểu bang của ông bị quả khí cầu này xâm phạm, cũng đưa ra nhận định tương tự.
“Người Trung Quốc đã xâm phạm không phận của chúng ta,” ông Daines nói. “Chúng ta có thể đã bắn hạ khinh khí cầu đó khi nó bay qua quần đảo Aleutian vài ngày trước trong không phận Hoa Kỳ … [Nhưng] họ đã chọn không bắn hạ nó.”
“Khi khí cầu đó đến Montana, tôi bảo đảm với quý vị, họ đã có thể bắn hạ khinh khí cầu do thám đó, và rủi ro lớn nhất là đụng phải một con bò hoặc một con sóc chó.”
Ông Daines cũng nhấn mạnh mối nguy hiểm được gây ra khi để khinh khí cầu đến gần kho vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ ở Montana.
Ông Daines nói: “Thay mặt cho người dân Montana, nơi không phận bị khinh khí cầu do thám Trung Quốc này xâm phạm, tôi có rất nhiều câu hỏi chưa được giải đáp.”
“Khinh khí cầu do thám Trung Quốc đó đã bay lơ lửng phía trên những loại vũ khí mạnh nhất mà nhân loại từng biết đến, được gọi là hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa. Đây là những loại vũ khí hủy diệt hàng loạt.”
Về phần mình, Ngũ Giác Đài đã khẳng định rằng khí cầu đó không gây ra mối đe dọa vật lý nào.
Phát ngôn viên của Ngũ Giác Đài nói với The Epoch Times trong một thư điện tử rằng Bộ Tư lệnh Phòng thủ Hàng không Vũ trụ Bắc Mỹ không đánh giá khinh khí cầu này là mối đe dọa quân sự, và rằng những lợi ích của việc thu thập thông tin tình báo từ khí cầu này lớn hơn những tác động tiêu cực của việc cho phép thiết bị này ở lại không phận Hoa Kỳ.
Phát ngôn viên này cũng thừa nhận rằng Tổng thống Joe Biden đã ra lệnh cho Ngũ Giác Đài thông qua cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan là phải “điều chỉnh và đưa ra các phương án để bắn hạ quả cầu này ngay lập tức” hôm 31/01.
Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ Roger Marshall (Cộng Hòa-Kansas) nói rằng Bộ Quốc phòng đã không đưa ra được bất kỳ bằng chứng nào cho thấy lẽ ra họ không nên bắn hạ khinh khí cầu do thám sớm hơn và lo ngại rằng việc Ngũ Giác Đài nói nước đôi về vấn đề này đang làm suy yếu an ninh quốc gia.
Ông Marshall nói với NTD, “Ngay bây giờ tôi có cảm giác rằng khí cầu này lẽ ra phải bị bắn hạ ở Alaska, rằng Bộ Quốc phòng có quá nhiều luật sư, và chúng ta bị xem là rất kém cỏi trên toàn quốc và trên toàn thế giới.”
“Người dân ở Kansas rất lo ngại về việc này. Không có gì trong đó [cuộc họp] mà tôi được biết [ám chỉ] rằng chúng ta không nên bắn hạ khí cầu này khi nó bay qua Alaska.”
Có những người thất vọng về phản ứng của chính phủ đối với khinh khí cầu, nhưng cũng có người không.
Một số nhà lập pháp, trong đó có Thượng nghị sĩ Robert Menendez (Dân Chủ-New Jersey) vẫn giữ quan điểm rằng quyết định thu thập thông tin tình báo từ khinh khí cầu này trước khi bắn hạ nó trên Đại Tây Dương là hợp lý.
Ông Menendez nói với NTD, “Tôi tin rằng… chính phủ đã hành động đúng đắn, và cách họ đối phó với khinh khí cầu giám sát của Trung Quốc đã gửi đi một thông điệp rất kiên quyết.”
Tương tự như vậy, Thượng nghị sĩ Chris Murphy (Dân Chủ-Connecticut) nói rằng ông tin rằng chính phủ đã hành xử phù hợp và thông tin tình báo thu thập được từ khinh khí cầu này sẽ đáng giá như bất kỳ thông tin nào mà nó có thể truyền về Trung Quốc.
“Tất cả những gì tôi biết được ngày hôm nay đều xác nhận rằng chính phủ đã đưa ra quyết định đúng đắn,” ông Murphy nói. “Có một cơ hội không thể nào không xảy ra đối với kinh khí cầu đó, rằng nếu nó bị bắn rơi ở [trong khu vực đất liền của] Hoa Kỳ, thì nó sẽ gây thiệt hại rất lớn cho sinh mạng của người dân Hoa Kỳ.”
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times