‘Quý cô không thể chìm’: Cô gái ba lần thoát chết trong ba vụ đắm tàu nổi tiếng
Người ta thường nói “mèo có 9 mạng”, có lẽ điều này cũng đúng với một cô gái đã ba lần thoát chết trong ba vụ đắm tàu nổi tiếng. Cô được xem là một trong những người may mắn nhất thế giới.
Cô Violet Constance Jessop sinh năm 1887 tại một ngôi nhà nhỏ gần Bahia Blanca, Argentina. Cô là con đầu lòng của ông William và bà Katherine (Kelly) Jessop người Ailen. Cha cô làm một nông dân chăn cừu và cô có năm người em trai và em gái. Khi còn nhỏ, cô Jessop mắc bệnh lao, các bác sĩ cho rằng cô chỉ sống được vài tháng, nhưng thật đáng kinh ngạc, cô đã khỏi bệnh.
Năm Jessop 16 tuổi, cha cô qua đời ở Mendoza. Cả gia đình trở về Anh, mẹ cô làm tiếp viên cho tàu Royal Mail Line. Lúc đó, cô Jessop theo học tại tu viện. Năm cô 21 tuổi, sức khỏe của mẹ cô suy yếu, cô Jessop đã nghỉ học để trở thành tiếp viên. Đầu tiên, cô làm cho hãng Royal Mail Line, sau đó là White Star. Trong suốt sự nghiệp làm tiếp viên này, cô đã trải qua nhiều thời khắc sinh tử.
Vụ va chạm lần thứ nhất: RMS Olympic
Thời điểm đó, tiếp viên là một công việc vất vả. Cô phải làm 17 tiếng một ngày, và chỉ được trả 210 bảng Anh mỗi tháng. Năm 1910, cô bắt đầu làm việc trên tàu RMS Olympic, thuộc sở hữu của công ty White Star Line. Đây là một con tàu hạng sang và là tàu dân sự lớn nhất thế giới lúc bấy giờ, trước khi tàu Titanic ra đời 2 năm sau đó.
Vào ngày 20/11/1911, tàu Olympic trong chuyến hành trình lần thứ năm đã gặp một tai nạn nghiêm trọng. Khi cố gắng đi qua một eo biển hẹp, nó đã va phải tàu tuần dương Anh: HMS Hawk. Theo các nguồn tin, tàu Olympic đã cua theo mạn phải nhưng bán kính của vòng cua này quá lớn khiến chỉ huy tàu Hawk bất ngờ, không kịp tránh tàu Olympic.
Chiếc tàu tuần dương xé hai rãnh lớn trên thân tàu Olympic, nước tràn vào hai khoang tàu. Cả hai con tàu đều bị tổn hại trong vụ va chạm, nhưng thật may mắn là không có ai tử vong. Chuyến đi bị huỷ bỏ và Olympic trở lại Southampton để sửa chữa. Vụ việc khiến White Star Line phải chịu một tổn thất lớn về tài chính, họ phải chịu trách nhiệm cho vụ va chạm và trả chi phí sửa tàu cùng chi phí pháp lý.
Nhìn lại, đây có thể coi là một điềm xấu trong sự nghiệp tiếp viên của cô Jessop ở White Star.
Vụ va chạm lần thứ hai: Tàu RMS Titanic
Vào tháng 4/1912, White Star ra mắt con tàu mới nhất, Titanic, và sẵn sàng cho chuyến hành trình đầu tiên. Mặc dù trải qua sự cố trên tàu Olympic, cô Jessop vẫn vui vẻ làm việc tại đây và không có hứng thú tham gia vào đội ngũ của tàu Titanic. Nhưng sau đó, bạn bè của cô thuyết phục rằng, làm việc trên tàu Titanic sẽ là một trải nghiệm vô cùng tuyệt vời. Vì vậy, cô đành nghe theo họ.
Lúc đó, cô Jessop 24 tuổi, khởi hành cùng con tàu Titanic vào ngày 10/04/1912. Những ngày đầu tiên trên tàu mang đến cho cô nhiều điều thú vị. Cô viết trong hồi ký rằng mình thích đi dạo trên boong tàu trước khi đi ngủ. Nhưng, vào ngày thứ 4, một thảm kịch đã xảy ra.
Nửa đêm hôm đó, Titanic đâm vào tảng băng trôi và nước bắt đầu tràn vào tàu. Khi vụ va chạm diễn ra, cô Jessop đang nằm ngủ trên giường. Con tàu Titanic chỉ có thể chịu đựng được vài tiếng trước khi chìm giữa Đại Tây Dương. Cô Jessop kể lại vì sao mình có thể sống sót:
“Tôi được lệnh lên boong tàu. Hành khách vẫn đi lại một cách bình tĩnh. Tôi đứng ở vách ngăn với các tiếp viên khác, chứng kiến những người phụ nữ lưu luyến chồng mình trước khi xuống thuyền cứu hộ cùng con của họ. Một lúc sau, một sĩ quan lệnh cho chúng tôi xuống thuyền cứu hộ (16) trước để phụ nữ trên tàu thấy nó an toàn mà làm theo. Khi ở trên thuyền, một sĩ quan gọi ‘cô Jessop. Hãy chăm sóc đứa bé này’ và thả vào lòng tôi một cái bọc.”
Từ chiếc thuyền cứu hộ 16, cô Jessop đã chứng kiến khoảnh khắc bi kịch trước khi con tàu to lớn này chìm xuống đáy biển. Cuối cùng, Titanic nằm yên dưới đáy Đại Tây Dương vào lúc 2:20 sáng. Cô là một trong số 711 người sống sót. Họ phải lênh đênh trên biển 8 giờ đồng hồ trước khi được tàu Carpathia giải cứu. Trên chiếc tàu đó, một người phụ nữ, có lẽ là mẹ đứa trẻ, đã giật lấy đứa bé từ tay cô và chạy đi mà không nói một lời.
Cô kể lại: “Tôi vẫn đang ôm chặt đứa bé vào chiếc phao cứu sinh mà tôi đang đeo thì một người phụ nữ lao đến và giật lấy đứa bé, sau đó bỏ đi. Có vẻ như cô ấy đã đặt nó xuống boong tàu Titanic để đi lấy một thứ gì đó, và khi cô ấy quay lại thì đứa bé đã biến mất. Tôi sững sờ và tê liệt khi người phụ nữ này không nói nổi một câu cảm ơn.”
Đó là một trải nghiệm kinh hoàng ám ảnh cô Jessop rất lâu sau đó.
Vụ va chạm lần thứ ba: Tàu HMHS Britannic
Trải qua hai khoảnh khắc “thập tử nhất sinh” với con tàu “lớn nhất thế giới” và “an toàn nhất thế giới”, có lẽ ai cũng cho rằng cô Jessop sẽ từ bỏ nghề tiếp viên. Nhưng cô Jessop vẫn tiếp tục sự nghiệp của mình. Hai năm sau khi vụ đắm tàu Titanic và Đệ nhất thế chiến xảy ra, cô đã đầu quân cho Hội chữ thập đỏ Anh Quốc. Tại đây, cô được chỉ định lên tàu Britannic – con tàu thứ ba và cũng là cuối cùng có cùng đẳng cấp với tàu Olympic.
Britannic đã được chuyển đổi thành tàu bệnh viện phục vụ cho nhu cầu của chiến tranh và tích hợp một số tính năng an toàn mà tàu Titanic không có. Sau khi hoàn thành xuất sắc một vài chuyến đi vòng quanh Địa Trung Hải, chở hàng nghìn thương binh về nước, Britannic sẵn sàng bắt đầu nhiệm vụ thứ sáu của mình. Thật không may, đó lại là lần cuối cùng.
Vào sáng ngày 21/11/1916, tàu Britannic đang thong dong trên biển Aegean Sean thì bất ngờ một tiếng nổ lớn làm con tàu bị chao đảo. Con tàu nhanh chóng bị chìm. Tàu Britannic đã trúng phải một quả thủy lôi của Đức và bị hư hỏng nặng. Trong hoàn cảnh này, một số người trên tàu, bao gồm cả cô Jessop, đã quyết định nhảy xuống thuyền cứu sinh mà không được sự cho phép của thuyền trưởng. Tuy nhiên, động cơ của con tàu vẫn đang hoạt động và các hành khách hoảng loạn suýt chút nữa đã bị thiệt mạng do các chân vịt của Britannic hút thuyền cứu sinh vào dưới đuôi tàu. Cô Jessop đã phải nhảy ra khỏi thuyền cứu hộ của mình để sống sót.
“Tôi đã nhảy xuống nước nhưng bị hút vào gầm tàu và đầu tôi bị đập vào đó. Tôi đã thoát chết, nhưng nhiều năm sau khi tôi đi khám vì quá đau đầu, ông ấy phát hiện ra tôi đã từng bị gãy xương sọ!”
Trong hồi ký của mình, cô mô tả khoảnh khắc cuối cùng của con tàu:
“Niềm tự hào của nền y tế trên đại dương… đầu con tàu chìm dầm, chìm dần. Tất cả máy móc trên boong đều rơi xuống biển như đồ chơi của một đứa trẻ. Sau đó, nó lao mình xuống, đuôi nâng cao hàng trăm mét lên không trung. Sau một tiếng gầm cuối cùng, nó biến mất vào vực sâu.”
Cô Jessop được kéo khỏi mặt nước và lên một chiếc thuyền cứu sinh, cùng với 1,035 người khác. Lần thứ ba trong vòng 5 năm, cô Jessop sống sót sau một vụ đắm tàu, nhưng 30 người đã thiệt mạng trong sự cố nghiêm trọng này.
Thật khó tưởng tượng là có một sự trùng hợp ngẫu nhiên như vậy đã xảy ra với một người phụ nữ. Cô Jessop đã rất may mắn thoát chết trong ba vụ chìm tàu nổi tiếng trong lịch sử, và được mệnh danh là “quý cô không thể chìm”. Có lẽ, tấm lòng thiện lương của cô đã giúp cô tránh được nhiều tai ương trong cuộc đời.
Mộc Lam tổng hợp
Xem thêm: