Nghị lực và khát vọng thành công của đầu bếp đường phố bậc nhất Osaka
Osaka được xem là căn bếp của Nhật Bản vì nơi đây là quê hương của những món ăn đặc sắc và độc đáo. Tuy nhiên, Osaka lại phá vỡ mọi khuôn mẫu vốn có trong ẩm thực xứ sở hoa anh đào: tinh tế, duy mỹ, lịch thiệp. Họ “không quan tâm tới dáng vẻ bề ngoài” mà chỉ muốn “thành thật với bản thân mình”. Chính vì vậy, ẩm thực đường phố tuy “hào sảng, chân chất” nhưng “đậm đà, khó quên” đã trở thành một thương hiệu của Osaka. Nơi đây đã sản sinh ra biết bao nhiêu “nghệ nhân đường phố” đáng kính.
Câu chuyện về ông Toyoji Chikumoto và quán ăn nhỏ Izakaya Toyo ven đường nổi tiếng mang đến một thông điệp giản dị nhưng sâu sắc: một món ăn dân dã cũng có thể sánh tầm với một sản phẩm thượng hạng trong nhà hàng 3 sao Michelin; một người nghèo khổ, bất hạnh cũng có thể làm được những điều lớn lao và chạm đến hạnh phúc. Ông cụ đã khiến cả hai nhà sản xuất loạt phim tài liệu “Street Food” của Netflix là Gelb và McGinn ấn tượng mãi.
Năm 1992, ông Toyoji Chikumoto mở một cửa hàng nhỏ tại Osaka từ một bãi đỗ xe ô tô. Ông chọn địa điểm này vì nó nằm phía sau nhà hàng nơi ông từng làm việc. Cửa hàng ngoài trời của ông chỉ có một ít đồ đạc, nhưng thức ăn rất tươi ngon mà giá cả lại phải chăng. Món ăn làm nên danh tiếng của ông Toyoji là món cá ngừ nướng (maguro). Ông làm sẵn và bán hết chúng trong khoảng từ 6-8 giờ tối. Vào giờ cao điểm, khách hàng phải đợi 45 phút mới mua được một suất. Món ăn thu hút sự chú ý của bất kỳ ai qua đường.
“Bạn phải mạnh mẽ, nếu muốn tạo ra dòng chảy riêng biệt”
Ông Toyoji sinh ra tại một hòn đảo nhỏ có 15,000 cư dân, nằm giữa Kagoshima và Okinawa, gọi là Kikai Jima. Năm 15 tuổi, ông chuyển đến Osaka sinh sống. Lần đầu tiên ông Toyoji vào bếp là khi ông phải xào cỏ dại và lá cây từ những cánh đồng gần trường để sống sót qua ngày. Ký ức về tuổi thơ của ông hoặc là cực kỳ hạnh phúc, hoặc là cực kỳ đau khổ.
Mẹ ông Toyoji mất khi ông lên 6 tuổi. Gia đình ông rơi vào bế tắc, bố ông uống rượu liên miên, chìm đắm trong men say và trở nên rất bạo lực. Ông tâm sự: “Tôi là bao cát của cha tôi. Ngày nào ông cũng đánh tôi.”
Kỷ niệm đẹp nhất tuổi thơ ông là những ngày tháng được ăn trưa ở trường cùng các bạn. Ở đó, ông cảm nhận được niềm vui, tình thương và không phải canh cánh lo sợ những đòn roi của cha. Nhưng hạnh phúc nhỏ nhoi ấy không kéo dài lâu. Một ngày, cha ông nói không thể trang trải tiền ăn ở trường được nữa; ông Toyoji trở thành một đứa trẻ phải tự kiếm thức ăn để nuôi sống bản thân. Hoàn cảnh đẩy ông phải làm quen với cây cỏ và bếp núc từ rất sớm.
Ông mong muốn học lên cấp 3 nhưng điều kiện gia đình không cho phép, vì thế ông đã khăn gói lên Osaka khi chỉ mới 15 tuổi. Mảnh đất này đã khiến cuộc đời ông rẽ lối.
Trong suốt hai năm đầu, ông phải rửa bát cho nhà hàng. Sau đó, ông chuyển sang công việc nấu nướng và dần dần được các đầu bếp lâu năm truyền nghề.
Ngay từ lúc đó, ông đã khao khát mở một quán ăn của riêng mình. Ông đặt mục tiêu sẽ mở quán nếu có đủ 11 triệu yên. Ông nói: “Thà làm đầu gà còn hơn đuôi trâu. Thay vì làm nhân viên của một nhà hàng lớn thì thà làm chủ của một chiếc xe bán đồ ăn nhỏ. Đừng làm đuôi trâu, hãy làm đầu gà!” Để thực hiện được ước mơ đó, ông tự nhủ phải làm việc chăm chỉ hơn bất cứ ai.
Sau 10 năm làm việc cật lực, cuối cùng ông cũng tích lũy đủ 11 triệu yên. Những tưởng ước mơ đã thành hiện thực thì bất ngờ cha ông mất. Ông trở về quê, dùng số tiền dành dụm để lo đám tang cho cha. Ở Nhật Bản, đó là một nghi thức truyền thống không thể thiếu. Cuối cùng, chỉ còn 4 triệu yên trong túi, ông ngậm ngùi: “Tôi không hối tiếc, nhưng giấc mơ tôi vỡ tan rồi.”
Đương đầu với mọi thử thách để chạm đến ước mơ
Người khác có thể dựa vào cha mẹ để sống, nhưng ông Toyoji chỉ có thể dựa vào bản thân mình. Với quyết tâm phi thường, ông dùng 4 triệu yên còn lại để mở quán Izakaya. Ban đầu, ông đặt một miếng thép không gỉ lên thân xe tải làm bàn nấu, và chỉ phục vụ được tối đa 5-6 người một lúc. Do ông quá bận rộn, khách hàng đôi khi phải tự mình rửa bát giúp ông.
Thấy vậy, nhiều người qua đường coi thường quán nhỏ của ông và nghĩ rằng đây chỉ là gánh hàng rong. Ông cũng cảm thấy tự ti và thấp kém vì quán không có phòng vệ sinh và chỗ rửa tay cho khách. Ông trăn trở không biết quán ăn của mình tồn tại được trong bao lâu.
Nhưng như ông chia sẻ: “Nếu được làm một sinh vật biển, tôi sẽ bơi từ Nam Cực tới Bắc Cực dưới hình hài cá voi. Bạn phải mạnh mẽ, nếu muốn tạo ra dòng chảy riêng biệt. Bạn không thể tạo ra một kết quả tuyệt vời nếu chỉ biết xuôi theo dòng. Tôi sẵn sàng đương đầu với mọi thử thách và tiến lên phía trước.”
Ông quyết định làm việc 50 ngày liên tục, chỉ ngủ có 4 tiếng mỗi ngày, thậm chí ông không còn thời gian để tắm. Khi về nhà, tay chân ông lạnh cóng; không có nước ấm, ông chỉ dùng khăn lau người với nước lạnh và xà phòng. Ông tâm sự: “Tôi từng nghĩ chắc chẳng có ai phải sống cực khổ như mình.”
Thành quả sau những ngày tháng cực nhọc đó là một món ăn độc nhất vô nhị mang phong cách của ông Toyoji. Với tuyệt chiêu dùng đèn khò ga để nướng cá ngừ, rất nhiều thực khách địa phương và khách du lịch háo hức muốn thưởng thức “siêu phẩm” này. Họ kiên nhẫn xếp hàng dài chờ đợi.
Kỹ thuật dùng đèn khò ga không mới, nhưng ông Toyoji đã thổi hồn vào món ăn và nâng nó lên một tầm cao mới. Trong màn lửa rực đỏ, ông Toyoji dùng cả bàn tay để lật cá. Giống như một bộ môn nghệ thuật, ông Toyoji vừa nhún nhảy theo nhịp vừa nướng cá. Ông cho rằng dùng tay lật cá sẽ giúp cá không bị nát như dùng kẹp kim loại, và khiến vị của món ăn đậm đà hơn. Mặc dù với kỹ thuật này, ông phải chịu sức nóng của cả than và đèn khò. Vừa làm ông vừa cầu nguyện bằng cả trái tim cho món cá của ông thật ngon.
Người ta gọi ông là một “ảo thuật gia điều khiển lửa” hay “diễn viên hài”, nhưng ông thì thích gọi là mình là “tên lừa đảo của Kyobashi, Osaka”. Đó là bởi ở Nhật Bản, cá ngừ là một trong những món ăn nổi tiếng nhất. Có những phần của con cá ngừ không thể làm sashimi được, người ta bỏ đi. Ông Toyoji lấy về để chế biến món ăn và kiếm tiền từ chúng. Ông gọi đó là “trò lừa đảo hay nhất của tôi”.
Hạnh phúc giản đơn…
Một “đặc sản” khác của quán khiến thực khách yêu quý ông Toyoji là ông luôn pha trò cười cho mọi người. Ông nói: “Tôi biến sự vất vả thành niềm vui. Nụ cười của khách hàng chữa lành tôi”...“Trong cuộc đời ngắn ngủi này tôi tin rằng làm người khác hạnh phúc còn quan trọng hơn kiếm tiền.”
Ít ai có thể tượng tưởng rằng đằng sau dáng vẻ lạc quan và yêu đời của ông Toyoji là một trái tim mang nhiều thương tổn. Cuộc sống tuy khắc nghiệt, nhưng ông vẫn cố gắng lan tỏa sự ấm áp và rộng lượng mà ông khát khao khi còn bé.
Hiện nay, quán ăn của Toyoji có 7 nhân viên phục vụ, đa số còn rất trẻ. Quán nhỏ của ông đã nổi tiếng khắp thành phố, có chỗ rửa tay và phòng vệ sinh cho khách hàng.
Ông chia sẻ: “Giống như Osaka, tôi không cố gò mình vào khuôn mẫu nào cả. Trong quá khứ, khao khát lớn nhất của tôi là mua nhà, lấy vợ và sinh con. Nhưng khi đã tạo được dấu ấn của mình, thì cuộc đời rất khó đoán. Izakaya Toyoji là nhà của tôi, nhân viên là con tôi, còn khách hàng là gia đình tôi.”
Giờ đây, ông vẫn một mình đi về trong một căn hộ chung cư nhỏ.
“Tôi sống cuộc sống của mình mà không hề hối hận. Tôi sẽ làm việc đến hơi thở cuối cùng, dù là ngày mai, hay là khi tôi 90 tuổi.”
Xem thêm: