Quản trị viên NASA: Hoa Kỳ đang trong ‘cuộc chạy đua không gian’ với Trung Quốc
Ông nói: ‘Tôi không muốn Trung Quốc đưa người đến cực nam trước’
Quản trị viên NASA, Thượng nghị sĩ Bill Nelson (Dân Chủ-Florida) đã xuất hiện cùng phi hành đoàn của sứ mệnh Artemis II thám hiểm mặt trăng tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy và đưa ra những hiểu biết sâu sắc về cảm nghĩ của cơ quan quản lý vũ trụ Hoa Kỳ đối với Trung Quốc cộng sản, địch thủ mới nhất của họ trong lĩnh vực thám hiểm không gian.
“Chúng ta đang ở trong một cuộc chạy đua không gian với Trung Quốc,” cựu phi hành gia khẳng định trong cuộc họp báo ngày 08/08. “Tôi nghĩ rằng cuộc chạy đua vào không gian thực sự là giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, và chúng ta cần bảo vệ lợi ích của cộng đồng quốc tế.”
Cộng đồng quốc tế đó bao gồm 28 quốc gia trên sáu lục địa đã ký Hiệp định Artemis.
Theo mô tả của NASA, Hiệp định Artemis, được ký kết vào ngày 13/10/2020, là một thỏa thuận quốc tế nhằm “thiết lập một bộ nguyên tắc thực tế để hướng dẫn hợp tác khám phá không gian giữa các quốc gia tham gia các kế hoạch thám hiểm mặt trăng thế kỷ 21 của cơ quan này.”
Các nguyên tắc hướng dẫn chính ưu tiên thám hiểm hòa bình, minh bạch, và trợ giúp khẩn cấp giữa các quốc gia tham gia. Hiệp định cũng tìm cách thiết lập các tiêu chuẩn để ghi danh các vật thể không gian, phát hành công khai dữ liệu khoa học, khai thác các nguồn lực, và bảo tồn các địa điểm hạ cánh lịch sử.
“Quý vị đang chứng kiến những hành động của [Đảng Cộng sản] Trung Quốc … trên Trái Đất,” ông nói. “Họ đi ra ngoài và tuyên bố chủ quyền đối với một số hòn đảo quốc tế ở Biển Đông, sau đó họ tuyên bố những đảo đó là của họ và xây dựng các đường băng quân sự. Nơi đó được gọi là Quần đảo Trường Sa.”
TRỰC TIẾP: NASA cung cấp thông tin cập nhật về sứ mệnh Artemis II
“Tôi không muốn Trung Quốc đưa người đến cực nam trước. Sau đó nói, ‘Chỗ này là của chúng tôi. Tránh ra.’ Giống như những gì họ đã làm với Quần đảo Trường Sa.”
Một trong những mục tiêu chính của chương trình Artemis của NASA là thiết lập sự hiện diện lâu dài ở cực nam của Mặt Trăng, nơi mà vị trưởng quản lý này cho biết có khả năng tồn tại nước đóng băng.
“Nếu chúng ta thực sự tìm thấy nước với trữ lượng phong phú ở đó để sau này các phi hành đoàn và tàu vũ trụ có thể sử dụng,” ông nói. “[Thì] chúng ta muốn bảo đảm rằng nguồn tài nguyên đó là dành cho tất cả mọi người — chứ không chỉ của riêng người tuyên bố [chủ quyền].”
Ông Nelson cũng nhấn mạnh rằng cực nam khác rất nhiều so với nơi ông Neil Armstrong và ông Buzz Aldrin hạ cánh — trải rộng trên một vùng tương đối bằng phẳng ở khu vực đường xích đạo của mặt trăng, liên tục có ánh nắng mặt trời và chỉ có rải rác một vài hố thiên thạch.
Ông giải thích rằng ngược lại, cực nam bao gồm nhiều miệng núi lửa. Và do góc của khu vực này khuất ánh sáng mặt trời, nên trong số đó có nhiều miệng núi lửa luôn luôn chìm trong bóng tối. Ông cho biết, địa hình như vậy khiến các nhà du hành vũ trụ có ít diện tích mặt đất để hạ cánh và tận dụng để làm nơi thám hiểm.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tiếp tục phô trương sức mạnh của mình trong lĩnh vực không gian. Họ đã gửi thành công tàu không người lái lên bề mặt của mặt trăng, và mang các mẫu đất trở lại Trái Đất. Ngoài ra, họ còn vận hành Thiên Cung, trạm không gian của riêng mình trên quỹ đạo Trái Đất tầm thấp.
Ông Nelson cho biết, tuy rằng Trung Quốc đã bước lên một nấc trở thành tân địch thủ của Hoa Kỳ về các lợi ích không gian còn đối thủ cũ không gây ra nhiều mối đe dọa.
Không giống như Trung Quốc, Nga đã có một lịch sử lâu dài về không gian.
“Chúng ta đã có liên kết hợp tác với Nga kể từ năm 1975 và nhiệm vụ không gian quốc tế giữa tàu Apollo và tàu Soyuz,” ông nói, ám chỉ lần đầu tiên người Mỹ và người Nga cùng đi vào quỹ đạo Trái Đất. “Chúng ta đã cùng nhau xây dựng Trạm Vũ trụ. Chúng ta cùng nhau vận hành công trình đó.”
“Tôi nghĩ rằng nhiều người vào thời điểm này sẽ không nói rằng Nga thực sự sẵn sàng đưa các nhà du hành vũ trụ lên Mặt Trăng trong khung thời gian mà chúng ta đang nói đến.”
Ông Nelson nói thêm rằng người Nga vừa phóng một tàu thăm dò không người lái tới cực nam của mặt trăng và chúc họ hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Cả Phó Giám đốc NASA Pam Melroy lẫn ông Jim Free, Phó Quản trị viên NASA, Ban Giám đốc Nhiệm vụ Phát triển Hệ thống Thám hiểm, đều không đưa ra thêm bình luận nào cho các tuyên bố của ông Nelson về cuộc chạy đua không gian của Trung Quốc. Bốn thành viên phi hành đoàn Artemis II cũng giữ im lặng về vấn đề này.
Nhưng trong khi ông Nelson nhìn nhận cuộc chạy đua vào không gian với Trung Quốc từ góc độ quốc tế, thì một số phi hành gia đồng nghiệp của ông lại nhìn nhận điều này từ một lập trường đậm chất dân tộc chủ nghĩa hơn.
“Có một cuộc Chiến Tranh Lạnh khác đang diễn ra với Trung Quốc,” phi hành gia Harrison “Jack” Schmitt của tàu Apollo 17 nói với The Epoch Times tại Lễ diễn hành Ngày Chiến sĩ Trận vong ở Hoa Thịnh Đốn.
“Và Trung Quốc sẽ không bỏ cuộc. Họ sẽ cố gắng thống trị không gian giống như cách [họ] đang cố gắng thống trị các hoạt động ở đây trên Trái Đất. Và vì vậy, không gian, một lần nữa, được đặt lên hàng đầu.”
“Chính phủ liên bang phải công nhận rằng có một lợi ích quốc gia cơ bản trong việc hoạt động tích cực và thực sự chiếm ưu thế trong không gian.”
“Tôi rất ủng hộ chủ nghĩa dân tộc,” ông Charlie Duke, phi hành gia của Apollo 16 cho biết. “Tôi muốn Mỹ quốc chiến thắng.”
Bản tin có sự đóng góp của Joseph Lord
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times