Quản trị viên NASA cáo buộc Trung Quốc có kế hoạch độc chiếm Mặt Trăng
Quản trị viên NASA Bill Nelson đã cảnh báo rằng Trung Quốc đang sử dụng chương trình không gian của họ để cố gắng chiếm lấy Mặt Trăng. Chính quyền Trung Quốc đã bác bỏ cáo buộc này.
Hôm 02/07, ông Nelson nói với tạp chí Bild của Đức, “Chúng ta chắc hẳn phải rất lo ngại nếu như Trung Quốc đáp xuống Mặt Trăng và nói: Giờ đây, Mặt Trăng là của chúng tôi và quý vị không được vào.”
Ông Nelson nói, chương trình không gian của Trung Quốc có mục đích “là một chương trình không gian quân sự” và những thành tựu của họ được xây dựng dựa trên hành vi đánh cắp công nghệ.
Chính quyền Trung Quốc đã phủ nhận các cáo buộc của ông Nelson.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) cho biết: “Đây không phải là lần đầu tiên quản trị viên NASA phớt lờ sự thật và công kích Trung Quốc.”
Ông nói thêm: “Trung Quốc luôn ủng hộ việc sử dụng biện pháp hòa bình ngoài không gian, phản đối việc vũ khí hóa và chạy đua vũ trang trong không gian vũ trụ.”
Tuy nhiên, các chuyên gia nói với The Epoch Times Hoa ngữ rằng việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đánh cắp công nghệ vũ trụ là rất phổ biến và bản thân chương trình không gian này là một phần của Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược của quân đội.
Đánh cắp công nghệ
Trong một phiên điều trần trước Quốc hội hôm 17/05, ông Nelson cảnh báo về cuộc chạy đua không gian với Trung Quốc. Đặc biệt, ông cảnh báo về hành động xâm lược của Trung Quốc trong không gian vũ trụ và những rủi ro an ninh mạng do đánh cắp công nghệ gây ra. Ông nói, “Họ đánh cắp khá giỏi.”
Bà Nhạc Xương Trí (Yue Changzhi) nguyên là kỹ sư điện tử từng làm việc tại Viện số 2 của Bộ Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Trung Quốc.
Bà nói với The Epoch Times rằng bà không nghi ngờ gì về việc Bắc Kinh đã cải tiến công nghệ hàng không vũ trụ của mình dựa trên những công nghệ mà họ đã đánh cắp.
Bà cho biết các vụ đánh cắp bắt đầu từ những năm 1960 khi bà được tuyển vào làm việc tại Bộ này. Nhiệm vụ của bà là phát triển hệ thống hỏa tiễn và hệ thống chống hỏa tiễn trong ban điện tử.
Bà Nhạc cho hay, “Thời gian tôi làm việc tại Bộ Công nghiệp Hàng không Vũ trụ, lúc đó bộ này chỉ mới vừa được thành lập và phát triển. Cách tiếp cận của họ chính là ăn cắp bản quyền, tức là lấy sản phẩm mà người khác phát minh ra để sao chép và biến thành của mình, chỉ thay đổi một chút hình thức ở bên ngoài mà thôi.”
Tham vọng quân sự
Hôm 19/06/2021, ông Nelson đưa ra một tuyên bố sau khi Trung Quốc công bố những bức ảnh đầu tiên từ tàu thám hiểm Hỏa tinh Chúc Dung (Zhurong).
“Xin chúc mừng Cục Quản lý Không gian Quốc gia Trung Quốc đã nhận được những hình ảnh đầu tiên từ tàu thám hiểm Hỏa tinh Chúc Dung!” ông Nelson nói.
Tuy nhiên, trong phiên điều trần của Quốc hội năm nay, ông Nelson đã cảnh báo rằng “việc chú ý sát sao và nghiêm túc đến vấn đề an ninh mạng là trách nhiệm của chúng ta … cũng như của chính phủ và khu vực tư nhân.”
Khi được hỏi những mục đích quân sự nào mà Trung Quốc có thể theo đuổi trong không gian, ông Nelson thẳng thắn trả lời: “Chà, quý vị nghĩ điều gì đang xảy ra trên trạm vũ trụ của Trung Quốc? Họ đang học cách phá hủy vệ tinh của người khác ở trên đó,” Bild đưa tin.
Nhà bình luận Vương Hách (Wang He) cho thấy chương trình hàng không vũ trụ của Trung Quốc ngay từ đầu đã có liên kết với Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA).
Ông giải thích rằng các trung tâm phóng vệ tinh như Tửu Tuyền (Jiuquan) và Thái Nguyên (Taiyuan) đều nằm dưới sự kiểm soát của quân đội. Cả hai trung tâm này đều được đặt tại cơ sở thử nghiệm và huấn luyện của Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược của PLA.
Ông nhấn mạnh thêm rằng trong những năm gần đây, chính quyền Trung Quốc đã dùng tuyên bố của họ rằng “sử dụng không gian bên ngoài cho mục đích hòa bình, thúc đẩy nền văn minh và tiến bộ xã hội của nhân loại” làm một lớp vỏ bọc để tìm kiếm sự hợp tác quốc tế nhằm mục đích đánh cắp công nghệ.
Ông nói, “Cái gọi là các công ty tư nhân của Trung Quốc tham gia vào việc hợp tác quốc tế vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng sản.”
Nói cách khác, họ là “những công ty bình phong,” ông nói.
Cô Mary Hong đã đóng góp cho Epoch Times từ năm 2020. Cô đưa tin về các vấn đề nhân quyền và chính trị của Trung Quốc.