Quan điểm: Chính sách về khí hậu là cơ hội kiếm tiền của giới tinh hoa
“Biến đổi khí hậu tạo ra một cơ hội đầu tư mang tính lịch sử”, theo CEO Larry Fink của BlackRock.
“Điều mà giới tài chính, các ngân hàng lớn, các nhà quản trị tài sản, giới đầu tư cá nhân, và giới đầu tư mạo hiểm đều đang phát hiện ra, đó là: sẽ kiếm được rất nhiều tiền từ việc tạo ra hàng loạt các việc làm mới [và xanh],” đặc phái viên của tổng thống về khí hậu, ông John Kerry, đã bình luận thêm.
Ông Fink thừa nhận rằng nền kinh tế vẫn “phụ thuộc rất nhiều” vào nguyên liệu hoá thạch. Ông cũng khẳng định rằng BlackRock “hiện không làm gia tăng khí thải trong khi vận hành” (đạt net-zero). Tuyên bố này vẫn còn trong vòng tranh cãi.
Ông Glen Peters, giám đốc nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Khí hậu Quốc tế có trụ sở tại Oslo, đã tweet rằng “Nếu một công ty hay cá nhân nào nói với tôi rằng họ đạt net-zero, tôi biết rằng đó là điều hoàn toàn vớ vẩn.”
Ông Peters đã chỉ trích Thống đốc tiền nhiệm Mark Carney của Ngân hàng Anh Quốc, người đã tuyên bố rằng đầu tư vào năng lượng tái tạo sẽ bù lại nguồn khí thải từ các đầu tư vào nguyên liệu hóa thạch. Ông Carney đã nhanh chóng rút lại lời tuyên bố, nhưng cuộc cãi vã này đã hé lộ vết nứt trong các chiến dịch về khí hậu, vốn được biết đến đầu tiên từ bộ phim “Hành tinh của loài người” của Michael Moore vào năm 2020. Bộ phim thể hiện cuộc đối đầu giữa những người tin vào việc chân chính bảo vệ môi trường và những người đang trục lợi từ nguồn tiền đổ vào việc giảm khí thải.
Ông Carney là một nhân vật quan trọng của đế chế tài chính–khí hậu liên kết chính trị và tài chính. Ông ta là cố vấn về khí hậu của Thủ tướng Anh Boris Johnson và là đặc phái viên về hoạt động tài chính–khí hậu của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres. Ông ta còn là phó chủ tịch của Công ty quản lý tài sản thay thế Brookfield của Canada, phụ trách mảng ESG (môi trường, xã hội, quản lý) và các đầu tư với ảnh hưởng xã hội. Một đặc quyền của việc làm người cứu tinh của môi trường: không bị giới hạn bởi các mâu thuẫn về lợi ích, khi mà lợi ích của hành tinh đang bị đe dọa.
Ông Carney đã viết cuốn sách “(Những) giá trị: Xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn cho mọi người”, và BBC đã cho ông ta thực hiện bài giảng trong chương trình Reith Lectures uy tín vào năm 2020. Trong bài giảng của mình về khí hậu, Carney đã tuyên bố rằng đầu tư cho net-zero đã “biến các rủi ro hiện hữu thành một trong những cơ hội kinh doanh tuyệt vời nhất của thời đại chúng ta”.
Có rất ít nghi ngờ về việc ai sẽ là người tốt nhất để xây dựng thế giới tốt đẹp hơn này. ông Carney nói với đài phát thanh Davos của Diễn đàn Kinh tế Thế giới vào tháng 01/2020 rằng nếu quý vị đang giải quyết một rủi ro hiện hữu, nó sẽ thành “một cơ hội lớn” và trở thành “phần tham lam, hay phần cơ hội của công thức”.
Lúc bình thường, trước khi có “tình trạng khẩn cấp về khí hậu”, giới tài chính và đầu tư sẽ đặt ra các câu hỏi hóc búa và vô tình như: Sẽ nhận lại được gì khi đầu tư? Bao lâu thì hoàn vốn? Nhưng các câu hỏi này không được đặt ra đối với vấn đề biến đổi khí hậu. Trong Báo cáo đặc biệt 1.5℃ năm 2018, Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) đã từ chối tiến hành phân tích chi phí–lợi tức của mục tiêu net-zero. IPCC tuyên bố rằng mục tiêu này đã bao hàm “các đánh giá về rủi ro và giá trị”–như thể là điều này sẽ khiến việc so sánh lợi ích và chi phí của mục tiêu net-zero trở nên không cần thiết.
Cuối bài giảng Reith của mình, ông Carney đã được nhà sử học Niall Ferguson hỏi rằng liệu ông ấy đã đọc qua cuốn sách gần đây nhất của Bjorn Lomborg, “Cảnh báo giả,” hay chưa. Ông Lomborg đã tính toán rằng với mỗi dollar được sử dụng để làm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, chỉ có 11 cent là có lợi cho môi trường trong tương lai. Với cả ngàn tỷ dollar được chi cho biến đổi khí hậu, tính toán này cho thấy một gánh nặng to lớn đang được đặt lên vai của thế hệ hiện tại, đặc biệt là những người có thể gánh vác nó–chỉ để đổi lại một chút nhỏ lợi ích cho môi trường. Không thể bào chữa cho sự thiếu hiểu biết; nhưng ông Carney đã cố làm vậy. Ông ta đã trả lời ông Ferguson rằng chưa từng đọc sách của ông Lomborg. Ông ta đã bác bỏ ông Lomborg với lý do rằng đây là một “cách tiếp cận kinh tế cổ điển”, mặc dù ông ta đã không đưa ra bất kỳ dữ liệu hay bằng chứng nào cho thấy ông Lomborg đã sai. “Tôi chỉ muốn nói rằng 15 hay 20 năm trước ông ta đã đưa ra tuyên bố rằng ‘Không phải lo về vấn đề môi trường’. Tuyên bố này giúp được gì cho chúng ta?”
20 năm là một con số quan trọng. Ông David Rode và ông Paul Fischbeck của Đại học Carnegie Mellon, trong một bài báo hồi tháng 02/2021, đã nghiên cứu về sự lan tràn của các dự đoán về ngày tận thế do biến đổi khí hậu. Họ viết: “Điều nhận thấy duy nhất trong những dự đoán về ngày tận thế trước đây là những dự đoán sai lầm. Không có mô hình quyết định hợp lý nào sẽ cho rằng những dự đoán sai lầm liên tiếp có thể trở nên đáng tin cậy hơn.”
Đến cuối năm 2020, 61% những dự đoán đã hết hạn. Với những dự đoán đưa ra trước năm 2000, thời gian trung bình cho đến ngày tận thế là 22 năm. Còn với những dự đoán từ sau năm 2000, thời gian đó là 21 năm. Trong suốt nửa thế kỷ, ngày tận thế luôn được dự đoán là khoảng 20 năm sau.
Dễ đoán rằng ông Carney cũng ấp ủ một dự đoán của chính ông ta về ngày tận thế. “Chúng ta sẽ không có một hệ thống tài chính nếu chúng ta không có một hành tinh,” ông ta nói trong bài giảng Reith của mình. Vào cuối tháng 02/2021, ông ta đã dự đoán cho 30 năm sau, rằng đến năm 2050, số người tử vong do biến đổi khí hậu hàng năm sẽ tương đương với tổng số người tử vong do COVID-19 nếu không có hành động nào. Năm 2050 là hạn chót cho mục tiêu net-zero toàn cầu. Tuy vậy, điều này cũng được xem như là đã có sự tiến bộ. Hội nghị về khí hậu Toronto vào 33 năm trước đã so sánh tác động của biến đổi khí hậu với chiến tranh nguyên tử. Dự đoán đó đã giúp gì cho chúng ta?
Ông Carney dùng địa vị của mình để thúc đẩy những công ty lớn phải công khai thông tin về khí hậu và lập luận rằng họ cần xây dựng và công bố kế hoạch để đạt được net-zero. “Điều gì định lượng được thì quản lý được,” ông ta nói. Cùng lúc đó, ông Carney tham gia thành lập một thị trường bù đắp tác động của khí thải mà ông ta dự đoán sẽ trị giá từ 50 đến 100 tỷ USD mỗi năm. Giống như Glen Peters, ông Carney biết việc doanh nghiệp tuyên bố đạt net-zero là “vớ vẩn”, nhưng ông ta đã thể hiện nhận thức này bằng giọng điệu vòng vo của một chủ ngân hàng trung ương, vị trí mà ông ta đã từng đảm nhận.
Các công ty sẽ tìm cách giảm khí thải, ông ta nói, “nhưng trong một khoảng thời gian, họ vẫn sẽ có ‘khí thải’ và họ chỉ có thể đạt được net-zero từ một thị trường toàn cầu đáng tin cậy”. Sau khi ép các công ty công khai lượng khí thải và kế hoạch cho net-zero, ông Carney sau đó đã đề nghị cung cấp một thẻ ra tù cho họ, vốn trên thực tế là một khoản phí tổn đối với hoạt động kinh tế mà mọi người đều phải trả. Khoản tiền này sẽ chảy vào túi của đế chế tài chính “xanh”.
Tuy nhiên, đối với những người chân chính tin vào việc bảo vệ môi trường, các thị trường bù đắp này là một sự giả tạo và không thể thay thế cho việc thật sự cắt giảm khí thải. Trong bài viết luận đăng trên RealClear Energy vào tháng 9/2020 về một “Xã hội thiên đường” Tương lai, ông Joel Kotkin đã cảnh báo rằng các nhà tài trợ cho môi trường từ Wall Street, Hollywood, và thung lũng Silicon có thể sẽ bị tấn công như các quý tộc tự do thời Cách mạng Pháp. Giới thường dân về môi trường sẽ nhìn thấu những hành động giả tạo tương tự như của ông Carney, và cách mà chúng làm giàu cho một số ít những người có đặc quyền. Và rồi những người dự đoán về ngày tận thế có thể đột nhiên thấy rằng cuối cùng họ đã đúng–nhưng không phải theo cách mà họ đã dự đoán.
Từ RealClearWire.
Ông Rupert Darwall là thành viên cao cấp của Tổ chức RealClear và là tác giả của cuốn sách “Chế độ chuyên chế xanh: phơi bày gốc rễ toàn trị của Tổ hợp công nghiệp khí hậu” và báo cáo “Thòng lọng khí hậu: Kinh doanh, Net Zero và Chủ nghĩa chống tư bản của IPCC”.
Quan điểm trình bày trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Rupert Darwall
Jasmine biên dịch
Xem thêm: