Các tổng chưởng lý tiểu bang ngăn chặn BlackRock mua cổ phần lớn trong các công ty điện của Hoa Kỳ
Trong tuần này, các tổng chưởng lý của 17 tiểu bang đã đệ trình một kiến nghị lên Ủy ban Điều tiết Năng lượng Liên bang (FERC) để ngăn BlackRock mua cổ phần lớn trong các công ty công ích của Hoa Kỳ. Đây là công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới và là một tổ chức thẳng thắn ủng hộ cho việc thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng phong năng và quang năng.
Để bảo vệ sự độc lập và ổn định của lưới điện Mỹ, FERC giới hạn quyền sở hữu các dịch vụ công ích của một tổ chức duy nhất ở mức 20% cổ phần, mặc dù đôi khi ủy ban này cũng cho phép các trường hợp ngoại lệ đối với các nhà đầu tư “thụ động” nào không tham gia quản lý dịch vụ đó. Nếu một nhà đầu tư chủ động nắm giữ hơn 20% cổ phần, họ sẽ phải chịu sự giám sát và các quy định bổ sung — điều mà BlackRock và các nhà quản lý tài sản lớn khác muốn tránh né.
Trong kiến nghị của mình, các tổng chưởng lý tiểu bang lập luận rằng các công ty như BlackRock, vốn là thành viên của các câu lạc bộ như Climate Action 100+ và sáng kiến Net Zero Asset Managers (NZAM), nơi có các thành viên cam kết giảm nhiên liệu hóa thạch trong danh mục đầu tư của họ, không nên được phép sở hữu cổ phần lớn trong các công ty năng lượng của Mỹ.
Tổng chưởng lý tiểu bang Utah Sean Reyes, một trong những người ký tên vào bản kiến nghị nêu trên, đã nói với The Epoch Times: “Tôi nghĩ rằng chúng ta thấy rất nhiều ngôn từ từ các tuyên bố công khai của chính BlackRock, và từ hành động của họ gây áp lực lên các công ty khác nhau để đạt được những kết quả nhất định, rằng họ làm bất cứ điều gì ngoại trừ [làm nhà đầu tư] thụ động.”
Các luật sư nói chung rằng các nhà quản lý tài sản, vốn cũng là các nhà hoạt động khí hậu, đang cố gắng giành quyền kiểm soát ngành năng lượng của Mỹ bằng cách mua những cổ phần lớn trong các công ty công ích của Mỹ, với mục tiêu thực hiện một quá trình chuyển đổi toàn cầu từ nhiên liệu than và khí đốt sang phong năng và quang năng. Theo cách này, họ nói, những người theo phái cấp tiến đang cố gắng ban hành một nghị trình năng lượng cấp tiến vốn không nhận được sự chấp thuận của công chúng và không thông qua Quốc hội dưới hình thức Thỏa thuận Xanh Mới (Green New Deal).
“Đây là một ví dụ khác về những người cánh tả cấp tiến đang cố gắng phá vỡ ý chí của người dân Mỹ để thực hiện các quy định hà khắc của họ,” Tổng chưởng lý tiểu bang Indiana Todd Rokita nói. “Những hạn chế mà những người theo chủ nghĩa tinh hoa này đang cố gắng áp đặt lên các công ty năng lượng và công ích sẽ không bao giờ giành được sự chấp thuận tại thùng phiếu.”
Hành động này diễn ra vào thời điểm các cơ quan quản lý liên bang cảnh báo rằng lưới điện của Mỹ đang ngày càng trở nên bất ổn.
Lưới điện đối mặt với một ‘cuộc khủng hoảng độ tin cậy sắp xảy ra’
Ông Mark Christie, ủy viên của FERC, đã tuyên bố tại một phiên điều trần của Thượng viện hôm 05/05: “Hoa Kỳ đang hướng tới một tình huống rất thảm khốc về độ tin cậy.”
Một ủy viên khác của FERC, ông James Danly, đã cảnh báo các thượng nghị sĩ về một “cuộc khủng hoảng độ về tin cậy sắp xảy ra trên thị trường điện của chúng ta.”
Và chủ tịch FERC lâm thời Willie Phillips đã tuyên bố: “Chúng ta phải đối mặt với những thách thức chưa từng có đối với độ tin cậy của hệ thống điện quốc gia của chúng ta.”
Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng Một với The Epoch Times, ông John Moura, giám đốc đánh giá độ tin cậy của Công ty Điện lực Bắc Mỹ (NERC), cho biết các nhà máy nhiên liệu hóa thạch đang ngừng hoạt động với tốc độ vượt quá khả năng bù đắp bằng phong năng và quang năng. Ông nói: “Vừa chạy vừa buộc dây giày là phép loại suy mà tôi sẽ đưa ra.”
NERC đưa ra một bảng đánh giá độ tin cậy dài hạn thường niên (LTRA). Theo LTRA 2022, trong khi một số khu vực của lưới điện dự kiến sẽ đáp ứng được nhu cầu, thì một số khu vực có “nguy cơ cao” bị thiếu điện.
LTRA cho biết: “Sự thiếu hụt dự kiến tiếp tục có một xu hướng gia tăng … khi việc sản xuất than, hạt nhân, và khí đốt tự nhiên cũ hơn rời khỏi hệ thống này nhanh hơn so với các nguồn thay thế đang kết nối.” Ngoài ra, thực tế là gió và mặt trời không liên tục và phụ thuộc vào thời tiết làm tăng thêm sự bất ổn định cho lưới điện, so với các nhà máy khí đốt, than đá, hoặc hạt nhân.
Ông Reyes nói: “Theo những người hiểu rõ nhất, thì sự độc lập về năng lượng của chúng ta cũng như an ninh và sự ổn định của lưới điện đều đang gặp nguy hiểm nghiêm trọng.” Ông lập luận rằng FERC không chỉ nên xem xét kỹ lưỡng liệu BlackRock có phải là một cổ đông thụ động hay không mà còn xem xét nhiều nhà quản lý tài sản đã ký các cam kết với các câu lạc bộ khí hậu như NZAM như một tổ chức duy nhất vì họ được quy tụ vì mục tiêu giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
“Ngoài từng quỹ riêng lẻ, từng công ty riêng lẻ, quý vị nên xem xét một cách tổng quát toàn bộ các tổ chức đã được đồng thuận theo chiều ngang này,” ông Reyes nói. “Tập đoàn này gồm những công ty thành viên đầy quyền lực trong hệ sinh thái kinh tế mà toàn bộ các công ty đều có cùng một mục tiêu đã định trước, đây không chỉ là việc kiểm tra dữ liệu và tạo ra lợi ích tốt nhất để tối đa hóa giá trị của cổ đông và lợi nhuận của cổ đông, mà còn cố gắng đạt được một kết quả cụ thể.”
Kiến nghị liên quan đến BlackRock này theo sau một kiến nghị của 13 tổng chưởng lý tiểu bang từng kêu gọi FERC không chấp thuận một yêu cầu tương tự từ Vanguard, công ty quản lý tài sản lớn thứ hai thế giới, để mua các cổ phần lớn trong các công ty công ích của Hoa Kỳ. Sau cuộc tranh cãi này, hồi tháng 12 năm ngoái (2022) Vanguard đã rút khỏi sáng kiến Net Zero Asset Managers.
BlackRock có quá tích cực hay không đủ tích cực?
Hồi tháng 4/2022, FERC đã cấp cho BlackRock một quyền miễn trừ để tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần vượt quá giới hạn 20%. Tuy nhiên, ngay cả khi bỏ phiếu phê chuẩn quyền miễn trừ này, thì các quan chức của FERC đã vẫn nghi ngờ việc BlackRock sẽ là một cổ đông thụ động của ngành dịch vụ công ích.
Ủy viên FERC, ông Mark Christie, đã tuyên bố vào thời điểm đó: “Lời tuyên bố này không còn đáng tin nữa khi nói rằng các đại công ty quản lý tài sản như BlackRock, State Street, và Vanguard chỉ đơn thuần là những nhà đầu tư thụ động trong các tập đoàn đại chúng, đầu tư thuần túy vì lợi ích của những người thụ hưởng (góp tiền đầu tư vào quỹ) — nhiều người trong số họ là những người về hưu đang nhận lương hưu.”
Ông Christie nói: “Đặc biệt, BlackRock đã rất tích cực khi sử dụng quyền lực tài chính to lớn của mình để tác động đến chính sách của công ty trong các lĩnh vực khác xa với những mục tiêu quản lý tiền hợp pháp là bảo vệ thu nhập và lợi ích đầu tư của những người thụ hưởng.”
Một số tổ chức hoạt động vì khí hậu cũng phản đối việc FERC loại trừ BlackRock, dẫu các tổ chức này đã làm như vậy vì lý do BlackRock không đủ tích cực trong việc theo đuổi các mục tiêu về khí hậu.
Ông Tyson Slocum, giám đốc Chương trình Năng lượng của Công dân, nói với The Epoch Times: “Chúng tôi đã ghi nhận một số thống kê, với BlackRock, rằng họ bỏ phiếu trắng trong một số cuộc biểu quyết liên quan đến khí hậu, thay vì sử dụng quyền biểu quyết của mình để thúc đẩy các công ty nỗ lực hơn nữa về vấn đề biến đổi khí hậu, thì họ lại đang để ban quản lý thông qua.
Ông Slocum nói, “Bằng cách không bỏ phiếu, quý vị đang gửi một thông điệp tới ban quản lý: Chúng tôi là một tổ chức kiểm soát một lượng lớn cổ phiếu của quý vị, và chúng tôi sẽ không gây áp lực lên quý vị về những vấn đề này khi công chúng nói chung sở hữu hầu hết các cổ phiếu đó thực sự muốn quý vị làm những điều đó.”
Tư cách thành viên trong các câu lạc bộ cấp tiến như NZAM và Climate Action 100+ là một phần của phong trào môi trường, xã hội, và quản trị (ESG), trong đó các nhà quản lý tài sản sử dụng quyền sở hữu của họ đối với các tập đoàn để buộc họ thực hiện các hành động như giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch, thúc đẩy bình đẳng giới, và chủng tộc, và thực hiện các chương trình đa dạng, bình đẳng, và hòa nhập (DEI) cho nhân viên của họ. Các tiêu chí ESG đã được các nhà quản lý tài sản quảng bá như một công cụ quản lý rủi ro để nâng cao lợi nhuận của nhà đầu tư, và với lý do này, các nhà quản lý tài sản thúc đẩy nghị trình ESG tuyên bố là đang hành động phù hợp với nghĩa vụ ủy thác của họ đối với các nhà đầu tư là tối đa hóa lợi nhuận.
Tuy nhiên, hồi tháng Hai, Tổng Giám đốc của Vanguard, ông Tim Buckley, đã tuyên bố rằng “nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng đầu tư theo tiêu chí ESG không có bất kỳ lợi thế nào so với đầu tư trên diện rộng.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times