Quan chức hàng đầu cảnh báo cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu ‘sẽ sớm tồi tệ hơn’
Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu vẫn chưa đạt đến đỉnh điểm và có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn ở Bắc bán cầu trong những tháng mùa đông tới.
Giám đốc IEA Fatih Birol nói với khán giả ở Sydney: “Thế giới chưa bao giờ chứng kiến một cuộc khủng hoảng năng lượng lớn như vậy về độ sâu và mức độ phức tạp của nó.” “Chúng ta có thể chưa thấy điều tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng … điều này đang ảnh hưởng đến toàn thế giới,” ông tiếp tục.
Hệ thống năng lượng toàn cầu đang rạn nứt và ông cho rằng nhiều yếu tố đang góp phần vào cuộc khủng hoảng này, bao gồm cả xung đột Nga-Ukraine.
“Và kết quả là, chúng ta thấy rằng toàn bộ hệ thống năng lượng đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng,” ông Birol nói. Ông cho biết: “Giá dầu, giá khí đốt tự nhiên, giá than và giá điện đều đang tăng vọt,” ông nói thêm rằng Nga “là nước xuất cảng dầu và khí đốt tự nhiên lớn nhất.”
Ở Âu Châu, mùa đông tới sẽ “rất, rất khó khăn” và có thể có những tác động đáng kể đối với nền kinh tế toàn cầu, ông nói thêm.
Nhóm Bảy đại cường quốc đang xem xét áp đặt giá trần đối với dầu của Nga trong nỗ lực tiếp tục dòng chảy dầu và kiềm chế lạm phát, trong khi vẫn hạn chế doanh thu đối với Moscow.
Ông Birol nói với Reuters trong Diễn đàn Năng lượng Sydney: “Hy vọng của tôi là đề nghị này, vốn quan trọng để giảm thiểu tác động lên các nền kinh tế trên thế giới, sẽ được một số quốc gia ủng hộ.”
Ông nói: “Và nếu đề nghị này được theo đuổi, nó không chỉ tập trung vào dầu thô, vì các sản phẩm tinh chế cũng là một thách thức quan trọng đối với nền kinh tế và sẽ còn nhiều thách thức hơn trong những tháng tới.”
Giá các sản phẩm tinh chế, chẳng hạn như xăng và dầu diesel, thậm chí còn tăng cao hơn cả dầu thô sau khi mất nguồn cung từ Nga, do có khó khăn về công suất tại nhà máy lọc dầu trên toàn cầu sau khi một số nhà máy trên thế giới đóng cửa.
Diễn đàn Năng lượng Sydney tập trung vào những việc cần làm để giảm bớt sự phụ thuộc toàn cầu vào Trung Quốc về công nghệ quang năng cũng như sự phụ thuộc nào các nước như Cộng hòa Dân chủ Congo và Nga về các khoáng chất trọng yếu cần thiết cho công nghệ năng lượng sạch như pin, xe điện, và tuabin gió.
Tổng thống Joe Biden sẽ thăm vương quốc giàu dầu mỏ Saudi Arabia trong tuần này và nhiều khả năng sẽ thúc giục các nhà sản xuất dầu OPEC tăng sản lượng. Đảng Cộng Hòa đã nói rằng các sắc lệnh của ông Biden nhắm vào ngành công nghiệp dầu mỏ đã khiến giá khí đốt tăng đột biến, lần đầu tiên đạt 5 USD/gallon trên toàn quốc trong tháng Sáu.