TT Biden xem xét chấm dứt hoặc hạn chế việc khoan dầu ngoài khơi mới
Chính phủ Tổng thống (TT) Biden đã công bố kế hoạch chặn tất cả các hoạt động khoan dầu khí ngoài khơi mới ở Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, đồng thời có khả năng khai triển một số hợp đồng thuê khoan mới ngoài khơi bờ biển Alaska và Vịnh Mexico, vẽ ra một lộ trình khác với kế hoạch dưới thời chính phủ cựu TT Trump nhằm tìm cách mở rộng hoạt động khoan ngoài khơi để tăng cường an ninh năng lượng của Hoa Kỳ.
Dự thảo kế hoạch này, được Bộ Nội vụ công bố hôm 01/07, đưa ra một số lựa chọn để công chúng đóng góp ý kiến về số lượng hợp đồng thuê khoan dầu khí ngoài khơi sẽ bị đình chỉ trong 5 năm tới, từ gần một chục hợp đồng thuê khoan mới đến không còn hợp đồng nào.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Deb Haaland cho biết trong một tuyên bố: “Kế hoạch được đề xướng đưa ra một số lựa chọn từ việc không có hợp đồng thuê khoan nào cho đến 11 hợp đồng trong vòng 5 năm tới [được chấp thuận]. Bây giờ là lúc công chúng cân nhắc về tương lai của chúng ta.”
Như được trình bày chi tiết trong Dự thảo Kế hoạch Đề xướng (Draft Proposed Plan, DPP), mười hợp đồng thuê khoan tiềm năng mới ở Vịnh Mexico và một hợp đồng ở Cook Inlet ngoài khơi bờ biển phía nam Alaska đã được đưa ra để xem xét và lấy ý kiến công chúng.
Mọi hợp đồng thuê khoan mới tại các vùng biển liên bang ngoài khơi bờ biển Đại Tây Dương và Thái Bình Dương đều bị loại trừ hoàn toàn.
‘Chiến lược năng lượng ngoài khơi Nước Mỹ trước tiên’
Điều này trái ngược với một đề xướng cho 47 hợp đồng thuê khoan ngoài khơi mới, kể cả ở Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, từ thời cựu TT Trump.
Cựu TT Donald Trump từng tìm cách mở rộng sản xuất nhiên liệu hóa thạch của Hoa Kỳ như một bức tường thành chống lại sự gián đoạn nguồn cung và tăng cường an ninh năng lượng của Hoa Kỳ. Năm 2017, ông đã ban hành một sắc lệnh với nhan đề “Thực hiện Chiến lược Năng lượng Ngoài khơi Nước Mỹ Trước Tiên.”
Trong đó, ông Trump viết rằng, “việc tăng cường sản xuất năng lượng nội địa trên các vùng đất và vùng biển của Liên bang sẽ củng cố an ninh của Quốc gia và giảm sự phụ thuộc vào năng lượng nhập cảng,” và nói thêm rằng, “giá năng lượng thấp do nguồn cung năng lượng của Hoa Kỳ tăng lên, sẽ mang lại lợi ích cho các gia đình Mỹ và giúp phục hồi hoạt động sản xuất và tăng trưởng việc làm của Hoa Kỳ.”
Ngược lại, chính phủ TT Biden đã tìm cách ngăn chặn các nhiên liệu hóa thạch như một phần của cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu, khi TT Joe Biden thực hiện các biện pháp như đình chỉ dự án đường ống Keystone XL và ban hành một sắc lệnh chấm dứt các hợp đồng thuê khoan dầu khí mới trên các vùng đất và vùng biển liên bang.
Giá dầu đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm qua kể từ khi ông Biden nhậm chức, trong khi giá xăng tăng cao kỷ lục, khiến chính phủ TT Biden phải thực hiện các biện pháp như gây sức ép với khối OPEC để thúc đẩy sản xuất, xuất kho dự trữ dầu từ kho dự trữ chiến lược, kêu gọi các nhà máy lọc dầu để nâng cao sản lượng, và yêu cầu các công ty mở rộng sản xuất theo hợp đồng thuê hiện hữu.
‘Thiếu cân nhắc’
Thông báo của Bộ Nội vụ rằng họ đang xem xét tới 11 hợp đồng thuê khoan mới đã vấp phải sự chỉ trích từ một số nhóm môi trường khi họ coi đó là một sự đảo ngược cam kết loại bỏ dần các nhiên liệu hóa thạch.
“Việc khoan ngoài khơi gây ra 1/4 lượng khí nhà kính mà Hoa Kỳ đẩy vào bầu khí quyển,” nhóm môi trường Những người bạn của Trái đất (Friends of the Earth) cho biết trong một dòng tweet. “Tổng thống (@POTUS), Kế hoạch 5 năm của Ngài nên bảo vệ khí hậu và các cộng đồng, đồng thời ngăn chặn các hợp đồng thuê khoan dầu khí mới!”
“Tổng thống Biden đã vận động về lãnh đạo khí hậu, nhưng dường như ông ấy đã sẵn sàng khiến chúng ta thất vọng vào thời điểm tồi tệ nhất có thể,” ông Brady Bradshaw, nhà vận động đại dương cao cấp thuộc Trung tâm Đa dạng Sinh học Center for Biological Diversity), cho biết trong một tuyên bố. “Việc vội vàng chấp thuận nhiều hoạt động khoan ngoài khơi hơn sẽ đồng nghĩa với nhiều vụ tràn dầu hơn, nhiều động vật hoang dã chết hơn và các cộng đồng bị ô nhiễm nhiều hơn.”
Những người khác đã tố cáo việc loại bỏ xem xét các hợp đồng thuê khoan mới ở Đại Tây Dương và Thái Bình Dương và khả năng không có hợp đồng thuê khoan mới ở Vịnh Mexico và ngoài khơi Alaska.
Ông Josh Young, Giám đốc Đầu tư của Bison Interest cho biết trong một dòng tweet: “Rõ ràng là chấp thuận để các tuabin phong năng nằm trên đường đi của các cơn bão mà lại bác bỏ hoạt động khoan ngoài khơi để tìm các nguồn cung cấp năng lượng quan trọng trong một cuộc khủng hoảng năng lượng.” Gần đây, chính phủ TT Biden đã khởi động quan hệ đối tác với sáu thống đốc tiểu bang để gia tăng phong năng ngoài khơi dọc theo Đông Ngạn.
Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ Marty Durbin nói với hãng thông tấn Reuters trong một tuyên bố nói rằng kế hoạch được đề xướng này đã gửi “các tín hiệu chồng chéo” cho các doanh nghiệp.
“Năng lượng đáng tin cậy, giá cả phải chăng đòi hỏi phải có kế hoạch dài hạn, một biện pháp toàn diện cấp chính phủ và các tín hiệu rõ ràng cho thị trường năng lượng,” ông Durbin nói với Reuters. “Đề xướng này không đáp ứng được điều đó.”
Trung tâm vì Sự Tiến bộ của Mỹ (Center for American Progress), một tổ chức tư vấn thiên tả, nói với Reuters rằng đó là một điều tốt khi dự thảo kế hoạch nói trên có “một sự lựa chọn không khoan trên cơ sở bình đẳng với các lựa chọn khoan” và cho biết họ sẽ thúc đẩy lựa chọn đó.
Ông Matt Wolking, chiến lược gia thuộc Đảng Cộng Hòa kiêm Phó Chủ tịch Truyền thông công ty Axiom Strategies, đã viết trên Twitter chỉ trích sự đình chỉ hoặc giảm đáng kể số lượng hợp đồng thuê khoan dầu khí mới tiềm năng của chính phủ TT Biden so với kế hoạch dưới thời cựu TT Trump.
“Giá xăng cao chính là mục tiêu,” ông Wolking nói trong một tweet.
Ông Tom Ozimek là người có kiến thức chuyên môn sâu rộng về lĩnh vực báo chí, bảo hiểm tiền gửi, tiếp thị và truyền thông cũng như đào tạo cho người trưởng thành. Lời khuyên về việc viết lách hay nhất mà ông từng nghe là từ Roy Peter Clark: ‘hãy nhắm trúng mục tiêu của quý vị’ và ‘hãy để lại điều thú vị nhất ở sau cùng.’