Phương pháp chụp quét não và thay đổi lối sống giúp giải quyết các bệnh tâm thần
Với những ai đang gặp vấn đề về tâm thần, bên cạnh phương pháp điều trị bằng thuốc không đặc hiệu, hiện nay, chúng ta còn có một số biện pháp khắc phục hiệu quả
Khi mọi người hỏi tôi làm thế nào hình ảnh quét não có thể ảnh hưởng đến hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm thần, tôi kể cho họ nghe về câu chuyện của Jarrett – một trong những bệnh nhân ưa thích của tôi. Khi còn là một cậu bé, Jarrett rất hiếu động, bồn chồn, bốc đồng, hay nói và không tập trung. Hành vi của cậu khiến những đứa trẻ khác khó chịu, đến mức không một ai muốn chơi cùng và cậu không có bạn bè. Được chẩn đoán mắc chứng tăng động giảm chú ý khi còn là một đứa trẻ mẫu giáo, Jarrett dường như đang đi trên một con đường đầy bất hạnh và cha mẹ cậu đã rất lo lắng.
Cha mẹ của Jarrett đã đưa cậu đến gặp năm vị bác sĩ khác nhau, những người đã kê năm loại thuốc kích thích để điều trị chứng tăng động giảm chú ý. Nhưng không một loại nào trong đó đạt được hiệu quả. Trên thực tế, chúng còn làm mọi thứ tệ hơn bằng cách kích hoạt tâm trạng thất thường và những cơn thịnh nộ dữ dội trong cậu, khiến anh chị em trong nhà Jarrett sợ hãi. Hành vi của Jarrett đã vượt khỏi tầm kiểm soát, đến nỗi một bác sĩ đã đề nghị dùng thuốc chống loạn thần. Đó là giọt nước tràn ly cuối cùng khiến mẹ Jarrett quyết định đưa cậu đến gặp chúng tôi tại Phòng khám Amen do tôi thành lập hơn 30 năm trước.
Trong ba thập niên vừa qua, chúng tôi đã dùng phương pháp SPECT chụp quét não (chụp cắt lớp vi tính phát xạ đơn photon)—một công cụ được nghiên cứu kỹ lưỡng để đo lưu lượng máu và hoạt động của não—trên hàng chục nghìn bệnh nhân gặp các vấn đề về cảm xúc, hành vi, khả năng học tập và nhận thức. Cơ sở dữ liệu của chúng tôi gồm hơn 225,000 lượt chụp quét não ở những người có vấn đề về hành vi. Kết quả dữ liệu cho thấy, với tư cách là bác sĩ tâm thần, chúng tôi không chỉ phải giải quyết các vấn đề về “tâm thần,” mà còn phải đối mặt với vấn đề sức khỏe của bộ não vốn ảnh hưởng đến tâm thần. Và ý tưởng này đã thay đổi mọi thứ.
Khi chúng tôi chụp quét não cho Jarrett, rõ ràng hình ảnh của cậu cho thấy trạng thái hoạt động quá mức theo một mô hình gọi là “Vòng lửa.” Bộ não của cậu đã làm việc quá mức. Không có gì ngạc nhiên khi thuốc kích thích không có tác dụng. Việc dùng thuốc kích thích cho trạng thái não như vậy giống như đổ thêm dầu vào lửa. Nghiên cứu đã công bố của chúng tôi cho thấy thuốc kích thích làm cho kiểu não này trở nên tệ hơn trong khoảng 80% thời gian.
Chúng tôi đã áp dụng một cách tiếp cận rất khác để điều trị cho Jarrett. Việc kết hợp dưỡng chất bổ sung để làm dịu bộ não hoạt động quá mức cùng một loạt thói quen sinh hoạt lành mạnh và sự huấn luyện của cha mẹ đã giúp cải thiện đáng kể hành vi của Jarrett. Ở trường, điểm số của cậu tăng lên và cậu bắt đầu được tuyên dương. Những cơn nóng giận đã biến mất. Và cuối cùng cậu cũng có thể kết bạn. Hiện nay, Jarrett đang học rất tốt ở trường đại học và được đào tạo để trở thành lính cứu hỏa, bởi vì như cậu đã nói, “Vào một ngày tồi tệ nhất của ai đó, tôi mong rằng có thể khiến cho nó trở nên tốt hơn.” Nếu không ai phát hiện ra những bất thường trong bộ não của Jarrett, cậu có thể sẽ phải tiếp tục bước đi trên con đường bất hạnh.
Làm thế nào để nhận biết bất thường?
Bạn có biết rằng tâm thần học vẫn là chuyên ngành duy nhất không xem xét cơ quan mà nó điều trị? Bác sĩ tim mạch luôn khám tim, bác sĩ ung thư luôn kiểm tra khắp cơ thể để tìm khối u và bác sĩ chỉnh hình luôn chụp X-quang xương khớp. Bác sĩ tâm thần chỉ suy đoán ra bệnh. Nếu bạn đang phải vật lộn với chứng lo âu, trầm cảm, rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD), rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý (PTSD) hoặc các vấn đề khác, sẽ không một ai quan tâm đến bộ não của bạn.
Điều này thật là lạ lùng!
Hậu quả của suy nghĩ “bệnh tâm thần không có tổn thương tại não” đã góp phần tạo nên những thống kê đáng báo động:
- 25% người Mỹ đang dùng ít nhất một loại thuốc kê đơn cho sức khỏe tâm thần
- Hơn 337 triệu đơn thuốc chống trầm cảm đã được kê vào năm 2021
- Benzodiazepin (thuốc chống lo âu) được kê trong 27% số lần khám của bác sĩ
- Theo một nghiên cứu dịch tễ học có quy mô lớn trên tập san Archives of General Psychiatry, 51% dân số Hoa Kỳ sẽ phải vật lộn với một vấn đề sức khỏe tâm thần vào một thời điểm nào đó trong đời.
Mọi thứ còn trở nên tệ hơn trong đại dịch. Những con số trên nghe có vẻ kinh khủng, nhưng vẫn còn tia hy vọng.
Hình ảnh chụp quét não tiết lộ các vấn đề sức khỏe tâm thần
Hình ảnh chụp quét não đang làm thay đổi suy nghĩ của chúng ta về sức khỏe tâm thần. Người ta ngày càng hiểu rằng trong lĩnh vực tâm thần học, sức khỏe tâm thần chính là sức khỏe trí não. Một số tập san dành cho chuyên gia, chẳng hạn như Radiology, đã xác nhận rằng hình ảnh quét não có thể dùng trong chẩn đoán tâm thần học. Vào năm 2021, Hiệp hội Y học Hạt nhân Canada đã xác nhận hình ảnh SPECT não có thể đánh giá:
- Chứng rối loạn tâm thần kinh, chẳng hạn như ADHD, rối loạn lưỡng cực, trầm cảm, OCD và PTSD
- Nghi ngờ sa sút trí tuệ, chẳng hạn như Alzheimer, sa sút trí tuệ thùy thái dương, sa sút trí tuệ mạch máu và suy giảm nhận thức mức độ nhẹ
- Chấn thương sọ não
- Lạm dụng chất kích thích
- Đột quỵ
Nói một cách rõ ràng, hình ảnh chụp quét não không được dùng như một công cụ chẩn đoán độc lập. Dữ liệu phải được phân tích cùng với nhiều yếu tố trong quá trình đánh giá tâm thần một cách toàn diện, chẳng hạn như tiền sử của một người, xét nghiệm tâm thần kinh, v.v.
Một số lợi ích mà hình ảnh SPECT não mang lại là giúp xác định nguyên nhân gốc rễ của triệu chứng tâm thần và khiến bác sĩ tâm thần đặt ra câu hỏi tốt hơn để tìm hiểu nguồn gốc của các triệu chứng.
Nói một cách đơn giản, chụp quét SPECT tiết lộ 3 điều quan trọng:
- Các vùng não hoạt động hiệu quả
- Các vùng não hoạt động quá mức, cho thấy lưu lượng máu cao bất thường
- Các vùng não hoạt động không hiệu quả, cho thấy lưu lượng máu thấp
Nói chung, khi não hoạt động quá mạnh hoặc quá yếu, điều này sẽ dẫn đến một loạt các vấn đề về cảm xúc, hành vi và nhận thức.
Việc chụp quét não tại Phòng khám Amen cũng cho thấy, các vấn đề về tâm thần không phải là những rối loạn riêng lẻ hoặc đơn giản. Chúng có rất nhiều loại và mỗi loại đều cần một kế hoạch điều trị có mục tiêu. Ví dụ, với những người bị ADHD, một phương pháp điều trị cụ thể có thể giúp ích cho một số người nhưng cũng khiến người khác trở nên tệ hơn. Như câu chuyện ở trên, phương pháp điều trị ADHD tiêu chuẩn đã làm trầm trọng thêm triệu chứng của Jarrett. Để tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả nhất, chúng tôi cần biết rõ bạn đang trải qua những chứng bệnh nào.
Thay đổi bộ não và thay đổi cuộc sống
Điều thú vị nhất mà chúng tôi học được trong quá trình chụp quét não là bộ não của chúng ta không hề bị hạn chế. Bạn có thể khiến nó trở nên tốt hơn. Bạn thực sự có thể thay đổi bộ não và từ đó thay đổi cuộc sống của mình.
Mỗi ngày, bộ não của bạn vẫn đang thay đổi. Hoặc là trở nên tốt hơn, giúp bạn suy nghĩ, cảm nhận và hành động hiệu quả, hoặc là trở nên tệ hơn, khiến bạn cảm thấy buồn phiền, phát điên, lo lắng, hay quên và căng thẳng. Những điều này phần lớn bị ảnh hưởng bởi suy nghĩ, quyết định, cách ăn uống, chất bổ sung và thói quen sinh hoạt hàng ngày của bạn.
11 Yếu Tố Gây Hại Cho Não
Dựa trên phương pháp chụp quét não cùng hơn 30 năm thực hành lâm sàng, chúng tôi xác định có 11 yếu tố chính gây hại cho não và đánh cắp tâm trí của bạn. Những yếu tố này có thể tóm gọn trong từ BRIGHT MINDS để giúp bạn dễ dàng ghi nhớ.
- B nghĩa là lưu lượng máu (blood flow). Lưu lượng máu cung cấp oxy và dưỡng chất cho cơ thể và não, đồng thời lấy đi chất thải. Lưu lượng máu thấp trên hình ảnh SPECT não có thể là triệu chứng của bệnh tâm thần và là yếu tố dự đoán hình ảnh số 1 cho bệnh Alzheimer.
- R nghĩa là nghỉ ngơi và lão hóa (retirement and aging). Khi bạn ngừng học hỏi, bộ não cũng ngừng hoạt động.
- I nghĩa là viêm nhiễm (inflammation). Chứng viêm kinh niên giống như một ngọn lửa liên tục phá hủy các cơ quan trong cơ thể, trong đó có bộ não.
- G nghĩa là yếu tố di truyền (genetics). Các vấn đề về não rõ ràng có tính di truyền, nhưng gene không phải là bản án tử hình. Chúng nên là hồi chuông cảnh tỉnh khiến bạn coi trọng sức khỏe trí não.
- H nghĩa là chấn thương vùng đầu (head trauma). Chấn thương sọ não nhẹ—thậm chí chỉ là va đập nhẹ hoặc bị đánh vào đầu mà không gây bất tỉnh—là nguyên nhân chính dẫn đến các triệu chứng tâm thần. Nhưng đây thường là điều ít ai biết đến vì bác sĩ tâm thần hiếm khi xem xét các tổn thương trên não.
- T nghĩa là độc tố (toxins). Việc tiếp xúc với chất độc trong môi trường—chẳng hạn như rượu, cần sa, hay hóa chất trong chất tẩy rửa gia dụng và các sản phẩm chăm sóc cá nhân—có mối liên quan đến nhiều triệu chứng tâm thần.
- M nghĩa là sức khỏe tinh thần (mental health). Khi một người bị ADHD, trầm cảm hoặc các vấn đề khác nhưng không được điều trị, sức khỏe tinh thần của họ có thể bị phá hủy. Điều này sẽ dẫn đến một loạt vấn đề như tăng tỷ lệ ly hôn, thất bại trong công việc và gặp bất hạnh nói chung.
- I nghĩa là nhiễm trùng (infections). Các bệnh truyền nhiễm, chẳng hạn như COVID-19, bệnh Lyme và liên cầu khuẩn (viêm họng liên cầu khuẩn), là những nguyên nhân chính gây ra các vấn đề về tâm thần và nhận thức mà ít được chuyên gia y tế chú ý. Một nghiên cứu năm 2022 tại BMJ cho thấy, những người từng mắc COVID—kể cả trường hợp nhẹ—có khả năng phải vật lộn với các vấn đề về tâm thần cao hơn 60% so với bình thường. Và một trong những tác giả của nghiên cứu cho biết, hơn 2.8 triệu người bị bệnh tâm thần mới đây có thể liên quan đến nhiễm trùng COVID.
- N nghĩa là các vấn đề về nội tiết – thần kinh (neurohormone issues). Khi cơ thể bị mất cân bằng hormone, một loạt các triệu chứng tâm thần có thể xuất hiện. Ví dụ, nghiên cứu cho thấy căn bệnh suy giáp có liên quan đến trầm cảm, mất trí nhớ, các vấn đề về chú ý và tâm trí lờ đờ.
- D nghĩa là tiểu đường – béo phì (diabesity). Theo nghiên cứu, từ “diabesity” là sự kết hợp giữa bệnh tiểu đường (diabetes) và béo phì (obesity), cả hai tình trạng đều làm giảm kích thước và chức năng não. Một nghiên cứu cho thấy béo phì cũng làm tăng nguy cơ trầm cảm, rối loạn lưỡng cực, nghiện ngập, v.v.
- S nghĩa là giấc ngủ (sleep). Bộ não của bạn cần giấc ngủ để duy trì trạng thái khỏe mạnh, nhưng 60 triệu người Mỹ không hề ngủ đủ giấc. Nghiên cứu cho thấy theo thời gian, các vấn đề về giấc ngủ sẽ làm tăng nguy cơ trầm cảm, ADHD, cơn hoảng loạn, sương mù não, vấn đề về trí nhớ và sa sút trí tuệ.
11 thói quen hàng ngày giúp cải thiện năng lực bộ não
Tin thú vị là, bạn có thể cải thiện trạng thái tinh thần và sức khỏe trí não bằng một số thói quen sau đây.
Tăng lưu lượng máu lên não. Tập thể dục thường xuyên (bất cứ hoạt động ưa thích nào khiến tim đập mạnh hơn) và thực hành thiền định hoặc cầu nguyện là những phương pháp được chứng minh giúp cải thiện lưu lượng máu não.
Học một điều mới. Để giữ cho não hoạt động, hãy học một điều mới mẻ. Học piano, chơi một môn thể thao hoặc học ngoại ngữ. Và đừng nghỉ hưu! Một nghiên cứu năm 2021 cho thấy việc nghỉ hưu làm tăng tốc độ suy giảm nhận thức.
Giảm viêm. Tránh các loại thực phẩm gây viêm (như đường, carbohydrate tinh chế, chất béo chuyển hóa, chất làm ngọt nhân tạo và gluten). Thay vào đó, hãy dùng thực phẩm prebiotic (như táo, đậu, bắp cải, mã đề, atiso, hành tây, tỏi tây, măng tây và rau củ) và men vi sinh (thực phẩm lên men như nấm sữa Tây Tạng, nấm thủy sâm và sữa chua không đường hoặc chất bổ sung).
Tìm hiểu về tiền sử gia đình. Hãy hỏi xem có người thân nào của bạn gặp vấn đề về cảm xúc, hành vi hoặc nhận thức hay không. Bạn cũng có thể làm xét nghiệm di truyền nếu muốn.
Bảo vệ vùng đầu. Đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp hoặc chơi trượt tuyết, giữ tay vịn khi xuống cầu thang và không nhắn tin khi đang đi bộ hoặc lái xe. Nếu bạn bị chấn thương đầu, hãy xem xét dùng liệu pháp oxy cao áp (HBOT) để đẩy nhanh quá trình chữa lành. Một nghiên cứu hình ảnh SPECT não ở Plos One gồm 56 người bị chấn thương sọ não nhẹ cho thấy, việc điều trị bằng HBOT giúp cải thiện mức độ hoạt động của não cũng như cải thiện đáng kể chức năng nhận thức và chất lượng cuộc sống.
Hạn chế tiếp xúc với chất độc. Để tránh độc tố, hãy bỏ thuốc lá và hạn chế uống rượu. Dùng một ứng dụng như Think Dirty để kiểm tra xem độc tố trong sản phẩm chăm sóc cá nhân hoặc chất tẩy rửa gia dụng và loại bỏ những vật dụng có độc ra khỏi ngôi nhà của bạn.
Điều trị các vấn đề tâm thần. Tìm kiếm phương pháp điều trị không phải là điều yếu đuối. Bạn nên tìm đến một chuyên gia sức khỏe, người hiểu rằng sức khỏe trí não là chìa khóa của sức khỏe tinh thần và dùng các phương pháp ít độc hại và hiệu quả nhất để điều trị.
Ví dụ, phản hồi thần kinh là một phương pháp điều trị tương tác và không xâm lấn, cho phép củng cố và tái đào tạo bộ não để cải thiện cảm xúc, hành vi và nhận thức. Một bài tổng quan về nghiên cứu khoa học năm 2016 cho thấy, phản hồi thần kinh đem lại nhiều lợi ích cho người bệnh như cải thiện trí nhớ và tập trung, giảm lo lắng, cải thiện tâm trạng, giảm tức giận, xua tan căng thẳng, v.v.
Nếu bạn từng trải qua tổn thương tình cảm trong quá khứ, một kỹ thuật trị liệu tâm lý có tên EMDR (Giải mẫn cảm nhãn cầu và tái nhận thức) có thể đem lại hiệu quả. Một đánh giá năm 2014 về 24 thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng cho thấy, EMDR có thể chữa lành tổn thương cảm xúc và trải nghiệm bất hạnh trong cuộc sống. Điều làm cho liệu pháp trở nên hấp dẫn hơn là một số bằng chứng cho thấy, EMDR có hiệu quả và mang lại kết quả nhanh hơn so với liệu pháp tâm lý thông thường.
Nâng cao hệ miễn dịch và điều trị nhiễm trùng. Để làm được điều này, bạn nên bổ sung vitamin D và học cách kiểm soát căng thẳng. Một trong những kỹ thuật dựa trên bằng chứng ưa thích của tôi giúp kiểm soát căng thẳng và cải thiện miễn dịch là cười thật nhiều. Bạn có thể xem một bộ phim hài trên TV để cảm thấy thư thái.
Nếu đang phải vật lộn với tình trạng mệt mỏi, sương mù não và các vấn đề liên quan đến hội chứng COVID kéo dài, bạn có thể xem xét đến liệu pháp HBOT như đã được mô tả bên trên. Một nghiên cứu năm 2021 gồm 10 ca COVID kéo dài cho thấy, 10 buổi HBOT đã giúp cải thiện triệu chứng mệt mỏi, nâng cao nhận thức, sự chú ý, chức năng điều hành, xử lý thông tin và chức năng lời nói của người bệnh. Một số thử nghiệm lâm sàng cũng đang được tiến hành để đánh giá lợi ích của HBOT với COVID kéo dài.
Cải thiện nội tiết tố. Để cân bằng hormone, bạn nên tránh hút thuốc và căng thẳng kinh niên, tránh dùng thực phẩm chế biến sẵn, caffein và rượu.
Ăn uống lành mạnh. Bạn nên ăn nhiều trái cây và rau hữu cơ có nhiều màu sắc (đặc biệt là quả mọng và rau lá xanh), thịt và cá sạch, thực phẩm ít đường, thực phẩm giàu chất xơ, quả hạch và hạt, và chất béo lành mạnh (bơ, dầu dừa, dầu ô liu). Như tôi thường nói với bệnh nhân, hãy chỉ ăn thực phẩm tốt cho sức khỏe!
Ngoài ra, điều quan trọng là cần bổ sung dinh dưỡng để đạt được sức khỏe tối ưu cho bộ não. Thực phẩm bổ sung được khuyên dùng bao gồm vitamin tổng hợp, acid béo omega-3, men vi sinh tốt cho đường ruột và vitamin D (nếu nồng độ trong máu thấp). Các chất bổ sung khác có bằng chứng khoa học giúp cải thiện trí não bao gồm GABA (làm dịu bộ não đang căng thẳng); nghệ tây (cải thiện tâm trạng); chiết xuất rễ vàng, sâm Ấn Độ và trà xanh (tăng độ tập trung và cải thiện năng lượng); và phosphatidylserine (nâng cao trí nhớ).
Ưu tiên cho giấc ngủ. Áp dụng một chương trình vệ sinh giấc ngủ —chẳng hạn như giữ cho phòng ngủ luôn tối, mát mẻ và yên tĩnh, đồng thời thử dùng liệu pháp thôi miên để có giấc ngủ hiệu quả hơn.
Thanh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times