Cách để bộ não luôn ‘trẻ trung’
Chúng ta có thực sự mất hàng nghìn tế bào não mỗi ngày khi về già không?
Trả lời: Trong nhiều năm qua, các chuyên gia tin rằng không giống như nhiều tế bào khác trong cơ thể, tế bào thần kinh không có khả năng tái tạo. Họ nghĩ rằng bộ não chỉ tạo ra các tế bào mới trong giai đoạn đầu đời, khi đến tuổi trưởng thành, các tế bào thần kinh sẽ ngừng tăng sinh và bắt đầu chết đi.
Bạn có thể đã nghe “sự thật” được lặp đi lặp lại rằng mỗi ngày có 10,000 tế bào não mất đi. Quan niệm trước đây cho rằng bộ não teo nhỏ lại [theo thời gian], đồng nghĩa với việc: khi mất tế bào thần kinh, bạn cũng mất một số khả năng học hỏi, suy nghĩ và ghi nhớ. Tuy nhiên hiện nay các nhà nghiên cứu biết rằng sự thoái hóa tế bào thần kinh ít mạnh mẽ hơn so với suy nghĩ trước đây.
Các tế bào não không những không chết nhanh mà còn có thể phát triển một số lượng khiêm tốn các tế bào thần kinh mới – một quá trình được gọi là tái tạo thần kinh (neurogenesis). Khoảng hai thập niên trước, đã có bằng chứng thuyết phục cho thấy người trưởng thành sinh ra các tế bào thần kinh mới ở hồi hải mã. Hồi hải mã đóng một vai trò quan trọng trong việc thu thập và củng cố những ký ức mới.
Mặc dù một số vùng não nhất định có thể chịu ảnh hưởng khi chúng ta già đi, nhưng bộ não cũng có khả năng thích nghi tốt. Mạng lưới xử lý thông tin phức tạp gồm các tế bào thần kinh liên kết với nhau là khá cơ động, thay đổi liên tục trong suốt cuộc đời để thích ứng với những trải nghiệm hàng ngày. Hiện tượng này được gọi là tính khả biến thần kinh (neuroplasticity).
So với sự tái tạo thần kinh, tính khả biến thần kinh có lẽ quan trọng hơn với trí nhớ. Trong quá trình học hỏi thông tin mới hoặc có trải nghiệm, sự phát triển và duy trì kết nối giữa các tế bào thần kinh sẽ hình thành các con đường thần kinh giữa những tế bào não.
Việc ôn tập lại sẽ củng cố các con đường thần kinh. Trên thực tế, bất kỳ hoạt động nào bạn tham gia thường xuyên – dù liên quan đến công việc, sở thích hay làm việc nhà – sẽ đều được mã hóa chắc chắn hơn.
Bộ não cũng có một số khả năng tự tổ chức lại, chuyển các chức năng từ mạng lưới này sang mạng lưới khác, nếu một quá trình cụ thể bắt đầu suy yếu. Ví dụ, một số nghiên cứu đã phát hiện thấy bộ não của người già và người trẻ tuổi có thể dùng các vùng não khác nhau để hoàn thành cùng một nhiệm vụ trí óc. Các nhà khoa học tin rằng đây có thể là một cơ chế của bộ não già hơn nhằm bù đắp cho chức năng bị suy giảm trong vùng não bình thường chịu trách nhiệm cho nhiệm vụ đó.
Đại Hải biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times