Phu nhân thời Xuân Thu phò tá Quốc quân, giúp đất nước thoát khỏi tai họa
Định Khương là phu nhân của Vệ Định Công, quốc quân đời thứ 24 của nước Vệ (Cơ Tang, tại vị từ năm 588 TCN-577 TCN). Định Khương giỏi văn từ và là người viết thơ Tống biệt sớm nhất của Trung Quốc. Vốn thông minh, nhìn xa trông rộng, lại có lòng đại nhẫn và công phu nhẫn nhục, cuộc đời bà đã phát huy vai trò mẫu nghi thiên hạ như thế nào?
Tiễn biệt con dâu, lưu lại bài thơ thể hiện lòng yêu thương hết mực
Con trai Định Khương là công tử nước Vệ, nhưng sau khi lấy vợ không lâu thì qua đời. Vợ chồng họ không có con nối dõi, thê tử vì vậy mà cô đơn lẻ bóng và thủ tiết. Lúc mãn tang ba năm, Định Khương liền cho con dâu quay về nhà mẹ đẻ, bảo nàng không cần thủ tiết nữa. Định Khương từ biệt con dâu, tiễn nàng trên một đoạn đường dài, một mạch đến vùng đồng nội.
Lúc sắp phân ly, Định Khương từ biệt người con dâu ôn huệ, trong lòng dâng lên nỗi niềm thương nhớ chia ly, hết thảy tình yêu thương trong những tháng năm đã qua như hiện ra trước mắt, khiến bà càng thêm đau xót khôn nguôi. Bà vẫy tay tiễn biệt nàng dâu, lặng lẽ nhìn bóng lưng con càng lúc càng xa. Tiễn biệt lần này có lẽ sẽ không còn gặp lại, bất giác nước mắt bà lăn dài.
Bà viết: “Yến yến vu phi, si trì kỳ vũ, chi tử vu quy, viễn tống vũ dã, chiêm vọng bất cập, khấp thế như vũ” (Tạm dịch: Chim yến bay đi, cánh không tề chỉnh, con dâu quay về, tiễn biệt chốn quê, trông theo chẳng thấy, lệ tuôn như mưa). Tình cảm ôn nhu sâu sắc, biểu hiện tấm lòng của một người mẹ hiền từ, yêu thương và độ lượng. Đây là “Yến yến,” chương đầu tiên của bài thơ tống biệt trong “Kinh thi,” cũng là bài thơ tống biệt sớm nhất trong lịch sử thơ ca Trung Quốc.
Khuyên ngăn phu quân, giúp nước nhà thoát khỏi nỗi lo tai họa
Năm thứ 7 dưới thời Lỗ Thành Công (năm thứ 5 đời Vệ Định Công), đại thần trong triều là Tôn Lâm Phụ bị Định Công ghét bỏ nên rời khỏi đất nước chạy đến Tấn quốc. Năm thứ 14 thời Lỗ Thành Công, lúc sứ giả nước Vệ đi sứ Tấn quốc, Tấn hầu phái Tôn Lâm Phụ đến gặp sứ giả, biểu thị muốn ông quay trở về.
Sau đó, sứ giả nước Tấn là Khích Thù đến nước Vệ đề thỉnh việc để Tôn Lâm Phụ quay trở về, trong lòng Định Công vẫn muốn chối từ, không muốn để Tôn Lâm Phụ quay về.
Định Khương khuyên nhủ phu quân: “Không nên từ chối, Tôn Lâm Phụ là đời sau của Tiên quân Tông Khanh, là cùng chung tiên tổ. Hiện nay Tấn là một nước lớn, lại phái sứ giả đến thỉnh cầu thay cho ông ấy xin trở về, nếu như không đáp ứng, chỉ sợ sẽ dẫn đến họa vong quốc. Tuy ngài chán ghét ông ấy, nhưng vong quốc là chuyện lớn! Xin ngài hãy nhẫn nại nhiều hơn. Như vậy vừa có thể an dân mà còn khoan dung với tông khanh, chẳng phải rất tốt sao!”
Định Công nghe xong lời của Định Khương, bèn để Tôn Lâm Phụ quay trở về nước, đồng thời khôi phục chức vị cho ông ta. Định Khương thấu rõ đại nghĩa, lại có thể nhìn xa trông rộng, giúp nước Vệ thoát khỏi tai họa, cũng trở thành mẫu mực cho các quốc gia tứ phương.
Nhẫn nhục gánh vác trọng trách
Định Công qua đời, Tử Khiên, con trai của Kính Tự (thiếp của Định Công) được lập làm quốc quân, chính là Vệ Hiến Công. Từ thái độ cư tang (chịu tang cha) của Hiến Công, Định Khương thấy được rằng nước Vệ về sau sẽ có họa. Hiến Công rất ngạo mạn, không những không khóc thương cha mình, còn không tiết chế việc ăn uống, hoàn toàn không có tâm tình buồn đau. Định Khương than thở: “Ngài ấy rồi sẽ khiến nước Vệ tán bại, và tất yếu khiến người thiện lương bị hại trước tiên, mang đến thiên tai nhân họa cho Vệ quốc!” Bà than thở bản thân không thể ngăn việc Tử Khiên lên ngôi, không thể lập người hiền minh là Chuyên (em trai Hiến Công, tên là Tiên) lên làm Quân chủ!
Các đại phu nước Vệ nghe được những lời của Định Khương thì đều rất sợ hãi. Tôn Văn Tử (Tôn Lâm Phụ) từ đó không dám đem của cải quý hiếm nhất của mình để ở Vệ quốc, mà đưa đến Thích Thành, phong ấp của mình.
Quả nhiên, Hiến Công rất bạo ngược, còn có thái độ khinh thường, ngạo mạn với Định Khương. Đứng trước tình cảnh như vậy, bà vẫn lấy quốc gia làm trọng, nhẫn nhục chịu đựng, nhẫn nhục gánh vác việc nước.
Định đoạt việc quân, nhanh chóng thắng lợi
Năm thứ 14 thời Vệ Hiến Công, tướng soái nước Trịnh là Hoàng Nhĩ suất quân chiếm đánh Vệ quốc. Tôn Văn Tử xuất binh nghênh chiến, còn bói một quẻ, sau đó đưa kết quả điềm báo cho Định Khương. Định Khương hỏi lời điềm báo, Tôn Văn Tử đáp: “Điềm báo nếu có sơn lâm, tựa như xuất chinh sẽ mất đi gió lớn.” Định Khương nói: “Nếu xuất chinh sẽ mất đi gió lớn, đối với việc phòng ngự một phương là có lợi. Xin đại phu hãy truy đuổi quân Trịnh.” Quả nhiên, con trai Tôn Văn Tử là Tôn Khoái lĩnh quân đi đã bắt được Hoàng Nhĩ ở Khuyển Khâu.
Trợ giúp và dạy bảo, bạo quân sửa chữa lỗi lầm
Năm thứ 18 thời Vệ Hiến Công, trong nước phát sinh chính biến. Hiến Công bị trục xuất khỏi biên giới, phải chạy đến nước Tề tị nạn. Lúc ông ta đi ra đến biên cảnh, bèn cho gọi Miếu Chúc (người quản lý hương án trong chùa miếu) báo cáo với Thần chủ quản tông miếu xã tắc về việc bản thân phải rời đi, cũng báo việc bản thân vô tội đối với xã tắc.
Lúc này Định Khương ở bên cạnh nói: “Không thể báo cáo với Thần như thế. Nếu như không có Thần, cũng không thể lừa dối Trời Đất. Bản thân có tội, nếu còn mạnh miệng bảo vô tội rồi rời đi như thế, đó chính là có tội. Tội gì ư? Ngài và tiểu thần mưu đồ chính sách nhưng lại dẹp đại thần triều đình sang một bên, đây là một tội. Ngài vũ nhục sự bảo vệ, dạy dỗ của tiên quân, đây là tội thứ hai. Ta phụng sự tiên quân, là đích thê của tiên quân, ngài đối với ta không hề mảy may có chút kính ý, lại còn hung bạo, đây là tội thứ ba. Ngài có thể báo cáo với Thần tông miếu việc bản thân phải rời đi, nhưng không thể nói mình vô tội.” Lời nói đầy lý lẽ của Định Khương đã chỉ dạy Hiến Công, khởi tác dụng rất lớn đối với ông.
Trong tình cảnh đó, chúng ta có thể thấy được tâm đại nhẫn của Định Khương và công phu nhẫn nhục gánh vác trọng trách của bà. Trong hơn mười năm, bà chịu đựng cảnh Hiến Công vô lễ và đối đãi hung bạo. Đến lúc ông ta gặp nạn phải chạy trốn, bà vẫn kiên trì ở bên cạnh; vào thời điểm quan trọng, bà đã chỉ ra những lỗi lầm của Quốc quân, dạy bảo ông bước theo chính đạo, không nên sai lại càng sai.
Định Khương có thể viết nên lời văn tao nhã hoa lệ, những bài thơ cảm động lòng người. Bà vừa thông minh, lại có hiểu biết sâu rộng, bà không chỉ phụng dưỡng phụ tá quốc quân, mà còn chỉ dạy hậu bối, chờ cơ hội thích hợp để giảng giải đạo lý. Đối với việc nước việc quân, bà đều quyết đoán, có kiến giải anh minh, thấu triệt, thực sự là bậc mẫu nghi thiên hạ, nghi thất, nghi gia và nghi quốc.