Phòng Thương mại Hoa Kỳ cảnh báo về rủi ro gia tăng đối với các công ty kinh doanh tại Trung Quốc
Luật sửa đổi báo hiệu những rủi ro trong hoạt động kinh doanh do định nghĩa mở rộng về hoạt động gián điệp
Phòng Thương mại Hoa Kỳ đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự gia tăng đáng kể các mối nguy hiểm và sự không chắc chắn liên quan đến hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc do chính quyền ngày càng “tăng cường giám sát chính thức” đối với các tập đoàn Hoa Kỳ ở đất nước này.
Tổ chức doanh nghiệp có ảnh hưởng này cho biết họ đang “theo dõi chặt chẽ” tình hình và lưu ý rằng các ngành chịu “sự gia tăng giám sát chính thức” bao gồm cả các dịch vụ chuyên nghiệp và các công ty thẩm định.
Tổ chức này nhấn mạnh thêm trong một tuyên bố hôm 28/04 rằng các dịch vụ mà các công ty này cung cấp là nền tảng để thiết lập niềm tin của nhà đầu tư vào bất kỳ thị trường nào, kể cả Trung Quốc.
Cảnh báo trên được đưa ra chỉ vài ngày sau khi ĐCSTQ thông qua luật chống gián điệp mới sửa đổi, sẽ có hiệu lực vào ngày 01/07.
Luật sửa đổi này đã mở rộng định nghĩa về hoạt động gián điệp, làm cho định nghĩa này rộng hơn và mơ hồ hơn, điều này làm tăng phạm vi thông tin và nguồn lực mà quốc gia này cho là có liên quan đến an ninh quốc gia, Phòng Thương mại cho biết thêm.
Tổ chức Hoa Kỳ này gọi hoạt động giám sát ngày càng tăng do thay đổi về luật là “một vấn đề gây lo ngại nghiêm trọng đối với cộng đồng các nhà đầu tư và cũng có thể là đối với các đối tác kinh doanh địa phương của họ ở Trung Quốc.”
Theo nhóm vận động hành lang này, mặc dù các quan chức cao cấp của Trung Quốc đã tuyên bố cam kết cởi mở hơn và thu hút đầu tư ngoại quốc, nhưng “đầu tư ngoại quốc sẽ không cảm thấy được hoan nghênh trong một môi trường mà rủi ro không thể được đánh giá đúng mức và sự không chắc chắn về pháp lý đang gia tăng.”
Điều tra các doanh nghiệp ngoại quốc
Môi trường kinh doanh ở Trung Quốc đã trở nên tồi tệ sau một loạt các cuộc thăm dò và điều tra đối với các doanh nghiệp ngoại quốc.
Tuần trước (24-30/04), chính phủ Trung Quốc đã thẩm vấn các nhân viên tại văn phòng Thượng Hải của công ty tư vấn Mỹ Bain & Company, đồng thời tịch thu máy điện toán xách tay và các giấy tờ khác. Vẫn chưa rõ mục đích của cuộc đột kích bất ngờ hôm 26/04 này là gì, cũng như tình trạng của các nhân viên bị thẩm vấn và quốc tịch của họ.
Vụ việc trên xảy ra sau một cuộc đột kích hồi tháng Ba vào các văn phòng ở Bắc Kinh của Tập đoàn Mintz, một công ty thẩm định. Được biết, năm nhân viên của Mintz đã bị giam giữ vì bị nghi ngờ tham gia vào các hoạt động kinh doanh bất hợp pháp, và chính quyền Trung Quốc đã xác nhận những cáo buộc đó. Mặc dù các nhân viên bị giam giữ là công dân Trung Quốc, nhưng Mintz có trụ sở chính tại New York.
Theo một bài báo của Wall Street Journal, một chuyên viên của Mintz nói rằng công ty không biết ai đang giam giữ nhân viên của mình hoặc khi nào họ có thể được thả, cũng như lý do tại sao lại xảy ra cuộc đột kích đó.
Do các vụ bắt giữ nói trên, Mintz đã đóng cửa văn phòng duy nhất của mình ở Trung Quốc đại lục. Việc đóng cửa công ty này là một bước thụt lùi đối với cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu của Trung Quốc, vốn phụ thuộc vào công ty này trong các cuộc điều tra doanh nghiệp quốc tế đáng tin cậy như một phần trong quy trình tuyển dụng, giao dịch, và kiện tụng ở Trung Quốc.
Cũng trong tháng Ba, Bắc Kinh cho biết họ sẽ bắt đầu xem xét các sản phẩm do nhà sản xuất vi mạch bán dẫn Micron Technologies của Hoa Kỳ bán ra do lo ngại về các mối đe dọa “an ninh mạng”.
Bộ Tài chính Trung Quốc thông báo hôm 17/03 rằng, Deloitte Touche Tohmatsu, văn phòng Bắc Kinh của Deloitte, một trong bốn công ty kế toán lớn nhất thế giới, đã bị phạt 211.9 triệu nhân dân tệ (khoảng 30.8 triệu USD) và bị đình chỉ trong ba tháng vì không kiểm toán đầy đủ công ty Quản lý Tài sản Hoa Dung Trung Quốc (China Huarong Asset Management).
Trong khi đó, Bộ Tài chính Trung Quốc cáo buộc công ty Hoa Dung và các nhánh đầu tư của họ về sự sa sút trong quản trị nội bộ, không kiểm soát rủi ro, và bóp méo nghiêm trọng thông tin kế toán từ năm 2014 đến 2019.
Công ty Hoa Dung là trung tâm của hệ thống tài chính Trung Quốc, một trong bốn tổ chức do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thành lập vào cuối những năm 1990 để giải quyết vấn đề nợ khó đòi tại các ngân hàng quốc doanh. Sau đó, công ty này đã xây dựng nên một đế chế bằng cách cho các công ty có rủi ro cao vay tiền, sử dụng khả năng tiếp cận các khoản vay giá rẻ từ các ngân hàng quốc doanh.
Các công ty ngoại quốc nên ‘vô cùng lo lắng’
Ông Huang, chuyên viên của một công ty ngoại quốc tại Hồng Kông, nói với The Epoch Times hôm 27/04 rằng việc sửa đổi luật chống gián điệp của ĐCSTQ có thể có tác động lớn nhất đến các công ty và nhân viên tham gia vào ba loại hình kinh doanh.
“Loại thứ nhất là những người có hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc liên quan đến điều tra hoặc những người có hoạt động xem xét vốn kế toán, chẳng hạn như Deloitte và bốn công ty kế toán lớn khác. Họ có thể có một số thông tin nhạy cảm.
Ông nói, “Thứ hai là các công ty báo cáo phân tích đầu tư.”
“Loại thứ ba là các doanh nghiệp có quan hệ hợp tác hoặc trao đổi kinh tế, thương mại về công nghệ sinh học y tế và phần mềm tại Trung Quốc.”
Ông Huang cho biết luật an ninh quốc gia của Trung Quốc không thể so sánh với luật an ninh quốc gia và luật chống khủng bố của hầu hết các nước phương Tây, và hệ thống luật pháp của ĐCSTQ không tương thích với luật pháp quốc tế chung.
Bản tin có sự đóng góp của Alex Wu, Jenny Li, Angela Bright và Reuters
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times