Phơi bày sự mập mờ của Trung Quốc trong cuộc xung đột Israel-Hamas
Sự trợ giúp của Bắc Kinh dành cho kẻ thù của Israel làm suy yếu mọi hy vọng đạt được hòa bình ở Trung Đông.
Những sự kiện bi thảm ở Israel và Gaza do Hamas vốn được Iran hậu thuẫn bắt đầu đã gây ra một làn sóng khủng bố vang dội khắp toàn cầu. Với sự trợ giúp từng được biết đến trong lịch sử từ Nga và Iran dành cho các nhóm và quốc gia nhắm mục tiêu vào Israel, vẫn còn những câu hỏi chưa được giải đáp về sự tham gia bên ngoài hoặc các liên kết nào vẫn tồn tại. Do sự ủng hộ của Trung Quốc dành cho Iran và Nga, chúng ta nên xem xét mối liên hệ của các công ty Trung Quốc với các nhóm chủ chốt ở đây.
Các công ty quân sự và an ninh Trung Quốc có lịch sử hợp tác lâu dài với Iran. Các công ty viễn thông Trung Quốc Huawei và ZTE đã xây dựng các phần lớn mạng lưới viễn thông di động và Internet của Iran cũng như hệ thống giám sát và bảo mật Internet cho giới chức trách.
Một nghiên cứu của RAND năm 2012 nhấn mạnh mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa Iran và Trung Quốc, từ vũ khí tân tiến đến sự trợ giúp vũ khí hóa học và hạt nhân, trung chuyển để tránh các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, và thậm chí cả các thiết kế của Trung Quốc được tìm thấy trong vũ khí của Iran.
Vài năm sau, năm 2017, chính phủ cựu TT Trump đã trừng phạt Iran và một mạng lưới có trụ sở tại Trung Quốc vì đã “cung cấp sự trợ giúp cho Syria và cung cấp các vật phẩm để thúc đẩy chương trình vũ khí đạn đạo của Iran.”
Gần đây hơn, việc chấm dứt lệnh cấm vận vũ khí đã thúc đẩy Iran đạt được nhiều thỏa thuận với Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực, nhưng tập trung vào hợp tác quân sự và vũ khí.
Vì Hamas nhận được sự trợ giúp và hậu thuẫn hoàn toàn của Iran, trong khi đó Iran cũng nhận được sự trợ giúp và hợp tác toàn diện của Trung Quốc về các chương trình an ninh, vũ khí, và quân sự, vì vậy có một mối liên hệ rất rõ ràng.
Tuy nhiên, sự tham gia của Trung Quốc vào các lực lượng chống Israel còn sâu sắc hơn. Vũ khí Trung Quốc đang xuất hiện với tần suất đáng báo động trong tay những kẻ khủng bố và các quốc gia bất hảo ở Trung Đông.
Một cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học ở Syria năm 2014 cho thấy vũ khí hạng nặng mang tên nhà sản xuất Trung Quốc Norinco, hay còn gọi là China North Industries Group, một công ty quốc phòng thuộc sở hữu nhà nước.
Tổ chức Hezbollah, nhóm được Iran hậu thuẫn ở Lebanon, đã có được hỏa tiễn do Trung Quốc sản xuất hoặc được thiết kế tại Trung Quốc và sản xuất tại Iran để nhắm mục tiêu vào Israel.
Năm 2017, chính phủ của cựu TT Trump buộc tội một công dân Mỹ gốc Lebanon đã đến Trung Quốc để gặp một thủ lĩnh Hezbollah tại một công ty Trung Quốc sản xuất chất nổ được sử dụng trong các âm mưu khủng bố trên khắp thế giới, kể cả ở Israel.
Năm 2014, các nhà phân tích phát hiện Hamas đã bắn hỏa tiễn do Trung Quốc thiết kế vào Israel, gây lo ngại nghiêm trọng. Tầm bắn xa hơn của hỏa tiễn Trung Quốc khiến phần lớn lãnh thổ Israel nằm trong tầm bắn của Hamas.
Cần lưu ý rằng không có hồ sơ chính thức nào về việc Trung Quốc xuất cảng sang Palestine và chính quyền do Hamas lãnh đạo, đồng thời hỏa tiễn của Palestine đến từ Syria, Iran, hoặc các nguồn trong nước nhưng chủ yếu phụ thuộc nhiều vào thiết kế của Trung Quốc.
Mặc dù Israel nỗ lực phát triển mối bang giao chặt chẽ với Trung Quốc, thậm chí đến mức gây lo ngại đáng kể ở Israel về việc mua tài sản và thương mại quân sự của Trung Quốc, mối lo ngại ở Israel bắt nguồn từ mối liên hệ quân sự chặt chẽ của Trung Quốc với Hezbollah, Iran, Syria, và Hamas.
Nếu Trung Quốc không muốn các mẫu vũ khí của mình được phóng nhắm vào các mục tiêu của Israel, thì nước này chắc chắn có thể hạn chế việc sử dụng chúng. Khi họ không chọn làm việc đó mà tiếp tục cung cấp vũ khí cho Iran, Syria, và các nước khác, thì họ nên thể hiện rõ lập trường của mình đối với Israel.
Tất cả những điều này đặt ra câu hỏi quan trọng hơn là, liệu Hoa Kỳ, và riêng Israel, nên đối đãi với Trung Quốc như thế nào khi cuộc chiến do Hamas dẫn đầu chống lại Israel đang diễn ra?
Thứ nhất, sự trợ giúp của Trung Quốc dành cho Iran và Syria, cùng với các mối liên hệ xuôi theo Hezbollah và Hamas, đã loại trừ bất kỳ quan điểm nào cho rằng họ ủng hộ Israel. Khi Trung Quốc tìm cách phát triển mối bang giao thương mại và chính trị với Israel, việc tiếp tục trợ giúp quân sự cho Iran và Syria đã làm dấy lên lo ngại ở Israel, ngay cả khi quốc gia này đã thiết lập mối bang giao chặt chẽ với Trung Quốc. Sự trợ giúp quân sự của Bắc Kinh dành cho các quốc gia và các nhóm đang tìm cách tiêu diệt Israel đòi hỏi phải có sự giám sát chặt chẽ hơn.
Thứ hai, Bắc Kinh không chỉ ủng hộ kẻ thù của Israel mà cả kẻ thù của các xã hội tự do và cởi mở trên khắp thế giới. Tự hào thể hiện mình là một pháo đài của nền dân chủ tự do trong một khu vực được bao quanh bởi những kẻ độc tài cứng rắn, Israel phải nhận ra cuộc xung đột rộng lớn hơn đang diễn ra không chỉ đối với người Do Thái và Israel mà còn đối với nền dân chủ trên toàn thế giới.
Thứ ba, giống như người Do Thái đã trải qua cuộc diệt chủng Holocaust và các cuộc tấn công liên tục từ các nước láng giềng, kể cả cuộc chiến hiện tại, Israel mạo hiểm thanh danh và sự trợ giúp tài vật của mình bằng cách hợp tác với một quốc gia vốn coi các trại tập trung dành cho người Duy Ngô Nhĩ là một hình mẫu cho thế giới.
Israel có thể duy trì nền tảng đạo đức của mình bằng cách công khai tuyên bố mối lo ngại của mình đối với các trại tập trung của người Duy Ngô Nhĩ và gắn một cái giá hữu hình cho chính sách tiếp tục duy trì chế độ nô lệ của Trung Quốc, cũng như thể hiện sự ủng hộ của mình đối với nhân quyền của người Hồi Giáo.
Vụ thảm sát bi thảm đối với những người Israel vô tội đã vạch trần sự man rợ của Hamas, Iran, và những nhóm khác đang tìm cách xóa sổ người Do Thái và Nhà nước Israel khỏi lịch sử. Israel không thể thờ ơ với sự trợ giúp mà các nhóm này nhận được từ Trung Quốc và mối đe dọa mà họ gây ra cho người Do Thái và các dân tộc tự do trên khắp thế giới. Cũng như người Mỹ không được nhượng bộ trước những hành vi man rợ, Israel phải kiên định đối phó với những kẻ nào đã đe dọa Israel. Chúng ta không thể bỏ quá cái ác này nữa.
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times