7 lý do vì sao Hamas phát động chiến tranh
Thời điểm và hành vi xung quanh các cuộc tấn công của người Palestine cho thấy những thay đổi lớn hơn đang diễn ra ở Trung Đông và trên thế giới.
Thời điểm và hành vi xung quanh các cuộc tấn công của người Palestine cho thấy những thay đổi lớn hơn đang diễn ra ở Trung Đông và trên thế giới.
Khi cuộc chiến giữa Israel và người Palestine tiếp tục diễn ra trong tuần đầu tiên, một số câu hỏi nảy lên trong tâm trí. Tất nhiên, người ta hiểu rằng người Palestine nói chung và tổ chức khủng bố Hamas nói riêng muốn tiêu diệt nhà nước Israel và xóa sạch người dân nước này khỏi mảnh đất đó vĩnh viễn. Việc đặt tên cho chiến dịch tấn công ban đầu là “Bão Al-Aqsa” nhằm đặt cuộc chiến trong bối cảnh Hồi Giáo, chứ không chỉ là vấn đề chính trị về dải đất.
Nhưng tại sao Hamas lại chọn xâm lược Israel vào ngày 07/10?
Có phải là để đánh dấu kỷ niệm 50 năm ngày phát động Chiến tranh Yom Kippur năm 1973 hay không? Đó có lẽ là lý do để chọn ngày cụ thể đó, giống như vụ tấn công 11/09 được tiến hành vào ngày kỷ niệm Trận Vienna năm 1683, đánh dấu sự kết thúc của cuộc xâm lược quân sự của người Hồi Giáo vào châu Âu.
Nhưng đó chỉ là những lý do nhỏ nhặt và tình cờ mà thôi. Dưới đây là bảy yếu tố cụ thể mang tính địa chính trị, tôn giáo, và tâm lý trong phạm vi của họ. Một số thì mâu thuẫn, trong khi một số khác lại bổ sung cho nhau.
1. Biểu hiện yếu kém của Israel
Sự chia rẽ sâu sắc, dai dẳng, và rất công khai trong chính phủ Israel cũng như người dân xung quanh các vấn đề quản trị cốt lõi đã tạo ra ấn tượng rằng Israel sẽ không thể phản ứng một cách phối hợp hoặc hiệu quả. Sự chia rẽ đó thậm chí còn được một số người cho là đã ảnh hưởng sâu sắc đến giới lãnh đạo Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF). Ở một mức độ nào đó, điều đó là đúng, có thể giúp giải thích tại sao IDF và tình báo Israel lại bất ngờ trước cuộc tấn công này.
2. Gài bẫy Israel vào một phản ứng gay gắt, làm phá vỡ mối bang giao của Israel với các quốc gia Hồi Giáo
Điểm này nói lên chiến thuật của cuộc tấn công đầu tiên từ Gaza vào khu vực phía nam của Israel. Sát hại và bắt cóc thanh niên là một hành động mang tính chiến thuật, chứ không mang tính chiến lược cho lắm. Mục tiêu của cuộc tấn công đầu tiên không phải là để làm gián đoạn liên lạc chiến lược hoặc chiếm quyền kiểm soát cơ sở hạ tầng quan trọng.
Nói đúng hơn, cuộc thảm sát hàng trăm thanh niên tại lễ hội âm nhạc và bắt cóc phụ nữ và trẻ em nhằm mục đích kích động một “phản ứng gay gắt” từ phía người Israel, ít nhất là theo tiêu chuẩn của người Palestine. Cho đến nay hành động của người Palestine không phải nhằm đánh bại Israel như một quốc gia, mà mục tiêu của họ là làm giảm uy tín của Israel trong mắt các đối tác khu vực và thế giới, cũng như làm hài lòng các nhà tài trợ bài Israel của Hamas ở Tehran và Moscow.
3. Phá vỡ hòa bình đang mở rộng giữa Israel và các quốc gia Hồi Giáo
Rõ ràng Israel là bên chiến thắng trong cuộc chiến giữa liên minh Ả Rập và Trung Đông, trong khi người Palestine ngày càng trở nên không còn phù hợp nữa. Cuộc tấn công của Hamas vào Israel nhằm mục đích thay đổi động lực của “Trung Đông Mới” mà Israel đã nỗ lực xây dựng và kiểm soát cùng với các quốc gia láng giềng Ả Rập.
Ngược lại, sự ủng hộ của người Ả Rập đối với sự nghiệp chính nghĩa của người Palestine đã giảm xuống trong vài năm qua, ít nhất là bắt đầu từ Hiệp định Abraham mà Tổng thống Donald Trump làm trung gian giữa Israel, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, và Bahrain hồi năm 2020. Ngày nay, với việc bình thường hóa bang giao giữa Israel với Saudi Arabia và một số quốc gia Hồi Giáo khác, người Palestine có thể nhận thấy sự liên quan của họ nhanh chóng trở nên lỗi thời.
Như hiện tại, mối liên kết chặt chẽ của người Palestine với Iran khiến họ chỉ được một số quốc gia Ả Rập khác quý mến, chẳng hạn như Yemen và Syria. Iran là mối đe dọa trực tiếp đối với Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, và các quốc gia khác hợp tác với Israel. Cuộc chiến này có thể thay đổi điều đó.
4. Phá vỡ ngành năng lượng đang phát triển của Israel
Ngành năng lượng ngoài khơi của Israel đã trở thành mối đe dọa trực tiếp đối với các nhà sản xuất năng lượng khác, đặc biệt là Iran và Nga. Cả hai quốc gia này đều bị đe dọa bởi nguồn cung cấp năng lượng của Israel. Chẳng hạn như, giàn khoan dầu mỏ Tamar của Israel nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia này ở phía Đông Địa Trung Hải, là một trong những cơ sở sản xuất khí đốt tự nhiên lớn nhất của quốc gia. Trước khi có lệnh đóng cửa ngay sau khi chiến tranh nổ ra, giàn khoan này vốn dĩ cung cấp năng lượng cho châu Âu trong mùa đông sắp tới.
Điều đó đưa chúng ta tới Iran và Nga.
5. Iran cần một cuộc chiến để giữ quyền lực cho người Hồi Giáo
Có một số yếu tố ở đây. Thứ nhất, Iran trực tiếp tham gia vào Hamas, sự nghiệp chính nghĩa của người Palestine, và cuộc chiến này được phát động để chống lại Israel. Về đối nội, các giáo sĩ đã đánh mất giới trẻ của Iran, và họ biết điều đó. Giống như thế hệ trẻ của Iran đã bắt đầu cuộc cách mạng, giờ đây họ đang đe dọa chấm dứt. Không có tương lai kinh tế nào cho giới trẻ Iran, và mọi người đều biết điều đó. Các giáo sĩ cho rằng nếu thanh niên Iran muốn chiến đấu thì hãy chuyển hướng cơn thịnh nộ của họ sang Israel.
Về đối ngoại, Iran còn bị đe dọa bởi ảnh hưởng ngày càng mở rộng của Israel trong khu vực và thế giới Hồi Giáo nói chung. Khi không có ảnh hưởng kinh tế cũng như quyền lực mềm để thu hút ngoại trừ một số đồng minh trong khu vực như Yemen, Syria, và Palestine, họ chỉ có thể gây ra khủng bố, chiến tranh, và mối đe dọa từ cả hai điều này để duy trì sự phù hợp. Giống như Hamas ở Gaza, Hezbollah ở Lebanon, và Chính quyền Dân tộc Palestine ở Tây Ngạn, chiến tranh là lá bài duy nhất mà Tehran phải chơi.
Các hiệp định hòa bình và tiềm năng kinh tế to lớn mà các hiệp định đó mang lại sẽ khiến Tehran bị tụt hậu so với thời đại và, giống như người Palestine, không còn phù hợp trong một Trung Đông sôi động về kinh tế và hầu như là hòa bình.
6. Sự yếu nhược của Mỹ quốc
Việc chính phủ TT Biden mở phong tỏa 6 tỷ USD cho Iran để đổi lấy một số con tin là minh chứng mới đây nhất cho thấy sự yếu nhược trong Oval Office, và họ cũng không được Tehran hay Moscow cảm kích. Sự rút lui thảm hại của chính phủ TT Biden khỏi Afghanistan hồi năm 2021, vốn đã để lại thiết bị quân sự trị giá hàng tỷ dollar vào tay những kẻ Hồi Giáo cực đoan, nỗ lực giả tạo của họ nhằm đạt được một thỏa thuận hạt nhân mới với Tehran, và thái độ coi thường của giới lãnh đạo cộng sản Trung Quốc đối với chính phủ này đều cho thấy sự yếu nhược về mặt chiến lược và sự thiếu ý nguyện chính trị ở Hoa Thịnh Đốn.
Như người Ả Rập có câu tục ngữ rằng: “Một con lạc đà ngã sẽ chiêu mời nhiều con dao.” Theo quan điểm của Tehran, đó chính là những gì chính phủ TT Biden trông đợi. Phát động chiến tranh là một cuộc đánh cược của Tehran rằng quốc gia này sẽ giành được quyền lực và sức ảnh hưởng trong khu vực, đặc biệt là với người Palestine và người Syria, khiến Hoa Kỳ và Israel phải trả giá. Theo quan điểm của Moscow, việc gài bẫy Hoa Kỳ trong một cuộc chiến tranh thứ hai sẽ làm quốc gia này suy yếu thêm, giúp ích cho cả mục tiêu của Nga ở Ukraine và của Trung Quốc ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
7. Củng cố và nâng cao bản chất đối đầu của cạnh tranh Đông-Tây
Việc mở một mặt trận chiến tranh mới chống lại Israel có thể thu hút các quốc gia Hồi Giáo khác và những quốc gia bài Hoa Kỳ tham chiến hoặc ít nhất là ngăn chặn các kế hoạch Trung Đông Mới của Israel. Điều đó cũng giúp Nga trong cuộc chiến chống Ukraine và sự hiện diện của quốc gia này ở Syria, nói rộng ra là Iran và Trung Quốc. Nghĩ một cách đơn giản là: Hoa Kỳ càng tham gia nhiều cuộc chiến thì càng dễ bị đánh bại.
Có thêm lý do và động cơ nào cho cuộc chiến do Hamas phát động chống lại Israel không?
Có lẽ là có.
Liệu Israel hay Hoa Kỳ có thể ngăn chặn cuộc chiến này leo thang hay không?
Tại thời điểm này, vẫn chưa biết được, nhưng có nhiều lý do để vừa hoài nghi vừa hy vọng.
Hân Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times