Phó chủ tịch của Đại học Y khoa Trung Quốc qua đời, bị cáo buộc từng tham gia vào nạn thu hoạch nội tạng sống
Ông Lưu Vĩnh Phong (Liu Yongfeng), phó chủ tịch Bệnh viện Số 1 trực thuộc Đại học Y khoa Trung Quốc (CMU), đã từ trần hôm thứ Hai (05/06). Các nhà điều tra tại Hoa Kỳ đã cáo buộc ông Lưu và CMU có dính líu đến tội ác thu hoạch nội tạng.
Ban biên tập Tạp chí Phẫu thuật Thực hành Trung Quốc đã công bố một bản cáo phó cho biết ông Lưu Vĩnh Phong, “một đảng viên ưu tú của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và là một bác sĩ phẫu thuật tại Bệnh viện Số 1 của CMU,” đã từ trần hôm 05/06 vì “mọi cách chữa trị đều vô phương cứu chữa”, hưởng thọ 71 tuổi.
Là một chuyên gia cấy ghép nội tạng cao cấp, ông Lưu Vĩnh Phong đã chủ trì công trình thiết kế “Hướng dẫn Hiến tạng cho người Chết tim ở Trung Quốc.” Tài liệu này được ĐCSTQ tuyên bố là “mở ra một kỷ nguyên hiến tạng mới” ở nước này, “đưa ngành ghép tạng của Trung Quốc bước vào giai đoạn hoàng kim thứ hai.”
Tuy nhiên, Tổ chức Quốc tế Điều tra Cuộc bức hại Pháp Luân Công (WOIPFG) có trụ sở tại Hoa Kỳ đã đưa ông Lưu Vĩnh Phong vào danh sách nghi phạm chịu trách nhiệm về nạn thu hoạch nội tạng sống.
Pháp Luân Công là một môn tu luyện ôn hòa tĩnh tại với hàng triệu học viên trên khắp thế giới, nhưng ở Trung Quốc, các học viên Pháp Luân Công là một trong những nhóm nạn nhân lớn nhất của nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ kể từ khi cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân khởi xướng chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công vào năm 1999.
Theo báo cáo của WOIPFG, ông Lưu Vĩnh Phong đã thực hiện ít nhất 700 ca ghép thận và 190 ca ghép gan. Từ tháng 05/1995 đến tháng 06/2005, 165 ca đã ghép đồng thời gan và thận sống sử dụng phương pháp phẫu thuật cắt bỏ nhanh nội tạng bụng kết hợp, toàn bộ những người hiến tạng đều đã chết não, tuổi từ 20 đến 54, trong đó có 119 nam và 3 nữ. Các xét nghiệm tiền phẫu thuật đều cho kết quả âm tính với virus HIV và viêm gan, chức năng gan, thận đều bình thường; từ tháng 09/1999 đến tháng 09/2004, 19 trường hợp cắt bỏ đồng thời tụy-thận là nam giới, với độ tuổi trung bình là 30.
Ông Lưu Vĩnh Phong sinh ngày 13/08/1952. Năm 1973, ông vào nghiên cứu tại trường Đại học Y khoa Trung Quốc do nhà nước điều hành — đặt tại Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, đông bắc Trung Quốc. Sau đó, ông giữ chức phó chủ tịch của Bệnh viện số 1 trực thuộc CMU, lãnh đạo Khoa Ngoại Tổng quát, Khoa Phẫu thuật Gan mật và Khoa Cấy ghép Nội tạng của bệnh viện. Ông Lưu Vĩnh Phong cũng đảm nhiệm chức Viện trưởng Viện Cấy ghép Tạng và Phẫu thuật Tổng quát trực thuộc trường đại học này.
Ngoài vai trò then chốt của mình tại CMU, ông Lưu Vĩnh Phong còn nắm giữ nhiều chức vụ trong chính quyền cũng như bộ y tế, chẳng hạn như thành viên của Ủy ban Ứng dụng Lâm sàng Kỹ thuật Cấy ghép Nội tạng Người của Bộ Y tế Trung Quốc, tổ trưởng Tổ Chuyên gia phụ trách Công tác Chuẩn bị Hiến tặng Nội tạng Người của Trung Quốc, giám đốc Hiệp hội Cấy ghép Tạng Trung Quốc, và chủ tịch Chi nhánh Cấy ghép Tạng của Hiệp hội Y tế tỉnh Liêu Ninh.
Ông cũng là một thành viên ban biên tập của một số tạp chí, bao gồm Tạp chí Cấy ghép Nội tạng Trung Quốc và Tạp chí Phẫu thuật Trung Quốc, đồng thời là tổng biên tập Tạp chí Phẫu thuật Thực hành Trung Quốc. Ông Lưu Vĩnh Phong được hưởng một khoản trợ cấp đặc biệt từ Quốc Vụ viện trong suốt cuộc đời của mình.
Cáo phó nói rằng ông Lưu Vĩnh Phong “đã có những đóng góp to lớn cho sự phát triển của ngành phẫu thuật tổng quát hiện đại và cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc.” Bộ Giáo dục đã trao giải thưởng cho ông vì nghiên cứu ghép thận-tụy kết hợp.
Đại học Y khoa Trung Quốc bị tình nghi tham gia vào nạn thu hoạch nội tạng sống
CMU là trường y khoa đầu tiên của ĐCSTQ, được thành lập vào tháng 11/1931 tại Thụy Kim, tỉnh Giang Tây — vào thời điểm đó, ông Mao Trạch Đông đã thành lập chính quyền nước Cộng hòa Xô viết Trung Hoa với Thụy Kim là thủ phủ. Trường đại học này trước đây được biết đến như một trường quân y và chăm sóc sức khỏe phục vụ cho ĐCSTQ. Đến tháng 09/1940, trường được đổi tên thành Đại học Y khoa Trung Quốc (CMU) tại Diên An, tỉnh Thiểm Tây.
CMU nằm trong danh sách những tổ chức bị nghi ngờ dính líu đến nạn thu hoạch nội tạng sống của WOIPFG.
Ngày 23/05/2007, Bệnh viện Số 1 của CMU được Bộ Y tế chỉ định là bệnh viện ghép gan và thận. Năm 2002, Viện Ghép Tạng và một phòng săn sóc đặc biệt mới dành cho cấy ghép tạng đã được thành lập. Tính đến ngày 18/10/2012, bệnh viện này đã thực hiện hơn 800 ca ghép thận, 200 ca ghép gan, 6 ca ghép gan-thận kết hợp, 26 ca ghép thận-tụy kết hợp, 3 ca ghép tế bào đảo (của tuyến tụy)-thận kết hợp, và 1 ca ghép tế bào đảo sau ghép thận. Bà Hồng Tinh (Hong Jing), một bác sĩ nhãn khoa tại bệnh viện này, đã thực hiện ít nhất 800 ca phẫu thuật ghép giác mạc bao gồm ghép xuyên thấu và ghép lớp trước không hoàn toàn, theo điều tra của WOIPFG.
WOIPFG đã công bố một báo cáo vào ngày 27/09/2014, công bố loạt danh sách truy tìm đầu tiên gồm 1,814 nhân viên y tế bị nghi ngờ tham gia vào hoạt động thu hoạch nội tạng sống của các học viên Pháp Luân Công tại 228 bệnh viện ở Hoa lục. Danh sách này bao gồm ông Lưu Vĩnh Phong, ông Trương Giai Lâm (Zhang Jialin), ông Ngô Cương (Wu Gang), ông Lưu Thọ Vinh (Liu Shurong), và ông Lý Quế Thần (Li Guichen) — họ đều là nhân viên của Bệnh viện Số 1 Đại học Y khoa Trung Quốc.
Một báo cáo ngày 07/08/2012 của WOIPFG cho thấy “Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý Tại chỗ” của Cục Công an Cẩm Châu, do ông Vương Lập Quân, cựu Giám đốc Cục Công an Cẩm Châu, tỉnh Liêu Ninh chủ trì, bị nghi ngờ tiến hành cấy ghép nội tạng và thực hiện các thí nghiệm khác ở trên người đối với các học viên Pháp Luân Công.
Theo một cuộc nói chuyện qua điện thoại với một điều tra viên ngầm của WOIPFG vào ngày 25/05/2012, ông Trần Vinh Sơn (Chen Rongshan), trưởng khoa Phẫu thuật Tiết niệu tại Bệnh viện Quân Y 205 của Quân Giải phóng Nhân dân ở Kinh Châu, tỉnh Liêu Ninh, đã thừa nhận rằng nguồn nội tạng đến từ các học viên Pháp Luân Công và CMU đã tham gia vào dự án nghiên cứu về những người nhận nội tạng cấy ghép sau khi chích thuốc của ông Vương Lập Quân.
Ông Trần Vinh Sơn “đã thực hiện tới 568 ca ghép thận trong những năm gần đây, với tỷ lệ thành công là 100%,” đã phô trương trong một bài viết trên tờ Liêu Tây Thương Báo vào ngày 23/05/2006.
Trang web Minghui.org có trụ sở tại Hoa Kỳ đã công khai đoạn băng thu âm giọng nói sau đây vào ngày 02/12/2012:
Điều tra viên: Ông ta [Vương Lập Quân] có một dự án về chích thuốc sau ghép tạng và hợp tác với Bệnh viện Quân y 205 Quân Giải phóng Nhân dân về dự án đó. Ông có thể nói rõ hơn cho chúng tôi về việc này không?
Ông Trần Vinh Sơn: À …
Điều tra viên: Chúng tôi muốn xác nhận rằng ông có hợp tác với ông ta trong dự án này không.
Ông Trần Vinh Sơn: Không chỉ chúng tôi, Trường Đại học Y khoa Trung Quốc cũng tham gia vào việc này.
Điều tra viên: Ông Vương nói với chúng tôi rằng một số nội tạng là từ các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ. Ông có thể xác nhận điều đó không?
Ông Trần Vinh Sơn: Những trường hợp đó đều đã được tòa xét duyệt.
Điều tra viên: Ý ông là đã có [sự tham gia của] tòa án vào việc này ư?
Ông Trần Vinh Sơn: Đúng vậy.
Một số giáo sư của CMU đã qua đời vì bạo bệnh
Theo thống kê chưa đầy đủ từ giới truyền thông của Trung Quốc, năm 2023, ngoài ông Lưu Vĩnh Phong, ít nhất năm chuyên gia y tế nổi bật khác của CMU đã qua đời vì “bệnh tật.”
Những bác sĩ phẫu thuật đó đều được hưởng các khoản phụ cấp đặc biệt từ Quốc Vụ viện, và mỗi người trong số họ đều được ngợi ca là “đảng viên ưu tú của ĐCSTQ” hoặc “trung thành” với Đảng và lý tưởng của Đảng.
Ông Hứa Khắc Thành (Xu Kecheng), cựu trưởng khoa Tim mạch tại Bệnh viện Số 1 của CMU, đã qua đời hôm 01/04 “sau một thời gian dài đau bệnh.” Ông Hứa sinh năm 1928, từng giữ chức chủ tịch Hiệp hội Tim mạch Liêu Ninh. Ông đã nhận được giải thưởng từ Chi nhánh Tim mạch của Hiệp hội Y khoa Trung Quốc vào năm 2019 và được Chi nhánh Điện sinh lý và Nhịp tim của Hiệp hội Y khoa Trung Quốc trao Giải Thành tựu Trọn đời về Tim mạch.
Ông Phan Tử Dân (Pan Zimin), một đảng viên ĐCSTQ và là cựu giám đốc Khoa Tai mũi họng, Phẫu thuật Đầu-Cổ tại Bệnh viện Số 1 của CMU, đã qua đời vì bạo bệnh vào ngày 17/03. Ông Phan sinh ngày 07/02/1935. Năm 2003, ông được Quốc Vụ viện trao “Giải thưởng Nhà nước về Tiến bộ Khoa học và Công nghệ,” vốn đại diện cho cấp độ cao nhất của nghiên cứu cơ bản và lâm sàng về ung thư thanh quản. Từ năm 1996, ông được bổ nhiệm làm chuyên gia của Ủy ban Thẩm định Dược phẩm của Bộ Y tế và Sở Y tế tỉnh Liêu Ninh.
Ông Thẩm Khôi (Shen Kui), một đảng viên ĐCSTQ và là giáo sư về phẫu thuật tổng quát tại Bệnh viện Số 1 của CMU, đã qua đời vì bệnh tật vào ngày 21/01. Ông Thẩm sinh tháng 05/1919, nguyên là giám đốc Khoa Phẫu thuật và Khoa Nghiên cứu Ung thư Tuyến tụy của CMU. Cáo phó chính thức mô tả ông là một đảng viên nổi bật của ĐCSTQ đồng thời là một trong những người sáng lập và tiên phong của Trung Quốc về phẫu thuật tụy hiện đại.
Ông Thái Chí Đạo (Cai Zhidao), một trong những người sáng lập ngành siêu âm ở Trung Quốc và là giáo sư tại CMU, đã qua đời vì bệnh tật vào ngày 04/01. Ông sinh tháng 06/1933, là trưởng khoa Siêu âm và trưởng khoa Tiêu hóa tại Bệnh viện Số 1 của CMU.
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times