Phi cơ, chiến hạm Trung Quốc băng qua đường trung tuyến Eo biển Đài Loan sau chuyến thăm của bà Pelosi
ĐÀI BẮC, Đài Loan — Trung Quốc đang tiếp tục cưỡng ép quân sự đối với Đài Loan hôm 05/08, tại ngày thứ hai trong khuôn khổ các cuộc tập trận của nhà cầm quyền này vây quanh hòn đảo, với các chiến đấu cơ và chiến hạm băng qua đường trung tuyến của Eo biển Đài Loan ngăn cách hai nước láng giềng này.
Gọi các cuộc tập trận quân sự trên là “mang tính khiêu khích cao,” Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết nhiều phản lực cơ và chiến hạm của quân đội Trung Quốc đã được nhìn thấy ở vùng biển gần Đài Loan vào lúc 11 giờ sáng theo giờ địa phương, với một số phi cơ bay qua đường trung tuyến biển. Còn được gọi là Đường Davis, trung tuyến này đóng vai trò như một vùng đệm hàng không và hàng hải không chính thức giữa Trung Quốc và Đài Loan.
Đáp lại, bộ này cho biết họ đã khai triển phi cơ, tàu tuần tra hải quân, và hệ thống hỏa tiễn đất đối không để theo dõi tình hình.
“Chúng tôi không tìm kiếm sự leo thang, cũng như không muốn đối đầu với bất kỳ ai,” Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết trên Twitter, đồng thời nói thêm rằng các lực lượng vũ trang Đài Loan “cam kết” bảo vệ hòn đảo tự trị này.
Hôm 02/08, Trung Quốc đã thông báo rằng họ sẽ tổ chức các cuộc tập trận quân sự bắn đạn thật ở sáu khu vực xung quanh Đài Loan từ ngày 04/08 đến ngày 07/08, trong phản ứng trả đũa rõ ràng đối với chuyến thăm tới hòn đảo này của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi (Dân Chủ-California). Một số khu vực có phần chồng lấn qua các lãnh hải của Đài Loan. Đợt tập trận này là lần diễn tập lớn nhất mà chính quyền Trung Quốc từng tổ chức ở Eo biển Đài Loan, theo Reuters.
Hỏa tiễn đạn đạo
Các hành động quân sự hôm thứ Sáu (05/08) của Bắc Kinh diễn ra một ngày sau khi Trung Quốc phóng 11 hỏa tiễn đạn đạo vào vùng biển xung quanh Đài Loan. Nhật Bản cho biết có năm hỏa tiễn đã đáp xuống vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản, kéo dài 200 hải lý (370 km) tính từ bờ biển của nước này. Trong số năm hỏa tiễn trên, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết bốn quả có khả năng đã bay qua Đài Bắc.
Bộ Quốc phòng Đài Loan không phản đối tuyên bố của Nhật Bản, nói rằng đường bay nằm “bên ngoài bầu khí quyển và không gây hại cho khu vực rộng lớn trên mặt đất mà nó bay qua.”
Hôm 04/08, Trung Quốc cũng đã khai triển các phi cơ không người lái chống lại Đài Loan. Vào tối hôm thứ Năm (04/08), quân đội Đài Loan đã phải bắn pháo sáng cảnh báo để xua đuổi bốn phi cơ không người lái bay trên khu vực đảo Kim Môn của Đài Loan, nằm cách bờ biển Trung Quốc khoảng 1.3 dặm (2 km). Trước đó trong ngày, ba phi cơ không người lái đã bay qua vùng biển ngoài khơi bờ biển phía đông của Đài Loan, theo một thông báo từ Bộ Quốc phòng Nhật Bản (Nhật ngữ, pdf).
Hôm thứ Năm, 22 chiến đấu cơ của Trung Quốc đã bay qua đường trung tuyến của Eo biển Đài Loan.
Lên án
Phản hồi về các vụ phóng hỏa tiễn của Trung Quốc, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) đã kêu gọi chính quyền Trung Quốc “hành động có lý trí và kiềm chế.” Bà Thái cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế “cùng nhau ngăn chặn các hành động quân sự đơn phương và phi lý này.”
Một số quan chức Hoa Kỳ kể từ thời điểm đó đã chỉ trích Bắc Kinh. Điều phối viên truyền thông của Hội đồng An ninh Quốc gia Toà Bạch Ốc John Kirby đã gọi các vụ phóng hỏa tiễn này là “vô trách nhiệm.”
Các Thượng nghị sĩ Bob Menendez (Dân Chủ-New Jersey) và Jim Risch (Cộng Hoà-Idaho), chủ tịch và thành viên cao cấp của Ủy ban Ngoại giao Thượng viện, đã đưa ra một tuyên bố chung nói rằng Bắc Kinh đang cố gắng “phá hoại hòa bình và ổn định xuyên Eo biển bằng cách thay đổi hiện trạng với Đài Loan.”
“Bắc Kinh không nên ảo tưởng sai lầm rằng các cuộc tập trận quân sự này sẽ làm giảm bớt quyết tâm ở Hoa Kỳ hoặc những nơi khác, hoặc làm xói mòn cam kết của chúng tôi trong việc sát cánh với người dân Đài Loan và quyền tự chủ về tương lai của họ,” các thượng nghị sĩ nêu rõ. “Mà hoàn toàn ngược lại.”
Hôm thứ Sáu (05/08), Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã gặp bà Pelosi tại Nhật Bản, điểm dừng chân thứ năm trong chuyến công du Á Châu của bà Pelosi cho đến nay, theo sau Singapore, Malaysia, Đài Loan, và Nam Hàn.
“Tôi đã thông báo cho chủ tịch Pelosi về thực tế rằng các hỏa tiễn đạn đạo của Trung Quốc đã đáp xuống gần vùng biển Nhật Bản, bao gồm cả những mối đe dọa đối với sự an toàn của EEZ và an ninh quốc gia của chúng tôi, và Nhật Bản đã lên án mạnh mẽ những hành động như vậy,” ông Kishida nói, theo Reuters.
Anh Frank Fang là một ký giả tại Đài Loan. Anh đưa tin về Hoa Kỳ, Trung Quốc và Đài Loan. Anh có bằng Thạc sĩ về khoa học vật liệu tại Đại học Thanh Hoa ở Đài Loan.