Phát hiện nhiều đường dây buôn người ở Việt Nam sau khi 42 nạn nhân đào thoát khỏi sòng bạc Campuchia
Bốn đường dây buôn người đã bị phát hiện là đang hoạt động trên khắp các tỉnh thành ở Việt Nam sau khi 42 người Việt trốn khỏi một sòng bạc ở Campuchia nơi họ từng ở bị lừa vào làm việc và bóc lột.
Theo VnExpress, Giám đốc Công an tỉnh An Giang, Đại tá Đinh Văn Nơi, cho biết hôm thứ Ba (23/08) rằng các đường dây buôn người hoạt động “ở nhiều tỉnh thành” và làm việc với đồng bọn ở Campuchia để dụ người Việt vào sòng bạc làm việc bất hợp pháp.
Hôm 18/08, một nhóm 42 người Việt đã đào thoát khỏi sòng bạc Golden Phoenix Entertainment ở tỉnh Kandal của Campuchia và bơi qua sông Bình Di ngăn cách giữa hai quốc gia. Năm người trong số họ là phụ nữ.
VnExpress đưa tin cho biết, một thiếu niên 16 tuổi tham gia cuộc đào thoát đã được tìm thấy trong tình trạng tử vong ở một khúc sông thuộc tỉnh An Giang, Việt Nam, trong khi một người lao động khác bị bảo vệ sòng bạc bắt lại.
Công an Việt Nam đã tạm giữ Nguyễn Thị Lệ và Lê Văn Danh để điều tra về hành vi tổ chức cho người Việt Nam xuất cảnh trái phép sang Campuchia. Người quản lý sòng bạc, vốn là một công dân Trung Quốc, cũng đã bị bắt với cáo buộc cưỡng bức lao động.
Quản lý Trung Quốc thừa nhận hành vi cưỡng bức lao động nhưng tuyên bố những người lao động này nợ tiền sòng bạc. Theo các bản tin địa phương, người lao động có thể bị phạt tới 30,000 USD nếu họ nghỉ việc.
Sòng bạc ‘địa ngục’
Những người lao động chạy trốn khỏi sòng bạc nói với công an rằng họ đã bị dẫn dụ bởi quảng cáo việc nhẹ lương cao, nhưng sau khi đến Campuchia, họ bị buộc phải làm việc bất hợp pháp tại một số sòng bạc mà không được nghỉ ngơi hoặc không được trả lương.
Một trong những nạn nhân, được VnExpress xác định là cô Đoàn Thị Ngọc Diệp, mô tả công việc bốn tháng của cô trong sòng bạc là “địa ngục”, nơi cô bị buộc phải làm việc 14 giờ mỗi ngày.
“Vợ chồng tôi bị lừa bán sang Campuchia,” cô kể với hãng thông tấn.
Cô tuyên bố rằng những kẻ bắt giữ cô đã buộc cô lừa mọi người đầu tư tiền vào các trò chơi hẹn hò và đe dọa sẽ chích điện cô nếu cô không kiếm được 300 triệu đồng (12,813 USD) mỗi tháng từ các trò chơi gian lận này.
Một nạn nhân khác, anh Phạm Nguyễn Anh Tuấn, cho biết anh đã bị bán cho ba sòng bạc sau khi không kiếm được tiền trong những tháng đầu tiên. Anh nghĩ ra kế hoạch bỏ trốn sau khi chứng kiến những người Việt khác bị ngược đãi.
Anh Phạm cáo buộc rằng quản lý người Trung Quốc muốn bán đi một người lao động, người vốn đang đau ốm không có khả năng kiếm tiền cho sòng bạc. Họ thỉnh cầu thả anh này và thậm chí đề nghị trả nợ cho anh ta, nhưng lời thỉnh cầu của họ đã bị từ chối.
“Ngoài người mất tích, người bị bắt, chúng tôi đang rất lo lắng cho số phận những người đã giúp sức cho chúng tôi trốn chạy,” anh nói.
Chính phủ Việt Nam đã kêu gọi phía Campuchia hỗ trợ điều tra.