Phản ứng của Trung Quốc trước chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi chỉ là ‘lời đe dọa hão huyền’
Đề nghị tới thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã thúc đẩy một sự kiện ngoại giao trong tuần này, khi các quan chức chính phủ và chuyên gia công khai không đồng ý về tính thiết thực của chuyến đi này trong bối cảnh các mối đe dọa từ Trung Quốc cộng sản ngày càng gia tăng.
Tòa Bạch Ốc sau đó đã làm rõ rằng bà Pelosi đang nhận được dữ liệu quân sự tiêu chuẩn về tình hình an ninh liên quan đến Đài Loan.
Ông John Kirby, một quan chức tại Hội đồng An ninh Quốc gia của Tòa Bạch Ốc, cho biết: “Mỗi khi bà ấy công du ngoại quốc, chúng tôi thường cung cấp các dữ kiện và phân tích, bối cảnh, thực tế địa chính trị mà bà ấy sẽ phải đối mặt ở bất cứ nơi nào bà đến.”
“Và luôn có những vấn đề về an ninh xung quanh chuyến đi của bà ấy, mà đôi khi Bộ Quốc phòng cũng tham gia, tùy thuộc vào nơi bà ấy đi và thời gian bà ấy ở lại cũng như các mối đe dọa và thách thức là gì.”
Giới lãnh đạo cộng sản Trung Quốc đã đe dọa sẽ có “các biện pháp mạnh mẽ” chống lại Hoa Kỳ và Đài Loan nếu chuyến đi của bà Pelosi tiếp tục. Sau những nhận xét đó, Tổng thống Joe Biden đã công khai nói rằng một chuyến đi như vậy “không phải là một ý kiến hay,” và cho rằng quân đội đã phản đối điều đó.
Tuyên bố của ông Biden đã khiến các nhà lập pháp cũng như các chuyên gia phải chú ý, những người tin rằng họ đã vượt quá giới hạn của cả tổng thống và quân đội khi cố gắng kiểm soát hoạt động đi lại cá nhân của một thành viên đang ngồi trong Quốc hội.
Về phần mình, bà Pelosi đã bày tỏ sự bối rối trước nhận xét của ông Biden và nói rằng quân đội Hoa Kỳ có thể lo ngại rằng các lực lượng Trung Quốc sẽ bắn rơi phi cơ của bà nếu nó cố gắng hạ cánh xuống Đài Loan. Kể từ đó, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mark Milley đã tuyên bố rằng bà Pelosi sẽ nhận được một đoàn hộ tống quân sự nếu bà đến thăm hòn đảo này, làm dấy lên lo ngại rằng Trung Quốc có thể tiến hành một cuộc tấn công quân sự gần Đài Loan.
Tuy nhiên, có một cuộc tranh cãi trong công chúng về khả năng chuyến đi của bà Pelosi có thể là một mối lo ngại về an ninh lớn hơn nhiều so với việc thực sự đến thăm Đài Loan.
“Mọi người có xu hướng cực đoan khi nghĩ về hành động quân sự,” Chuẩn tướng David Stilwell, cựu Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương nói với NTD, một hãng truyền thông cùng hệ thống với The Epoch Times. “Và nếu quý vị nhìn vào lịch sử các phản ứng quân sự [của Trung Quốc], và đặc biệt là trong tình hình Đài Loan, thì mọi người sẽ không nói được gì nữa.”
“[Trong khi đó] chúng ta đang tự thuyết phục bản thân về mọi thứ, và chúng ta đang làm điều đó rất công khai. Các cuộc tranh luận nội bộ của chúng ta cần phải diễn ra ở trong nội bộ.”
Đối với những lời đe dọa khác nhau của nhà cầm quyền Trung Quốc đối với Đài Loan và Hoa Kỳ nói chung, hay với bản thân bà Pelosi nói riêng, ông Stilwell nhận định rằng đó đa phần là thùng rỗng kêu to. Hơn nữa, ông cho hay, những lời đe dọa hão huyền như vậy đang ngày càng làm suy giảm vị thế của Bắc Kinh trên trường thế giới.
“Họ [Trung Quốc] vẫn đảm trách vai trò của một cường quốc bậc trung hạng hai,” ông Stilwell nói. “Họ vẫn ở trong một tâm thế không phải của một đại cường quốc. Quý vị hãy nhìn vào cách họ hứa này hứa nọ rồi xem họ đã vi phạm các thỏa thuận như thế nào. Đây là điều mà một cường quốc bậc trung có thể làm mà không gây hậu quả thực sự.”
“Còn với tư cách là một đại cường quốc, những lời đe dọa hão huyền, khi được thể hiện một cách sáo rỗng mà không có ý định chứng minh những lời lẽ đó, thì điều đó khiến họ khó thực sự tạo ra hiệu ứng răn đe mong muốn đối với các mối đe dọa trong tương lai.”
Ông Stilwell cho rằng, dù sao thì luận điệu ngày càng hùng hồn của Bắc Kinh, mà trong đó có cả những lời đe dọa thẳng thừng về chiến tranh, cuối cùng sẽ làm suy yếu chính quyền cộng sản Trung Quốc, vì các quốc gia khác sẽ không còn coi trọng họ nữa.
Đối với những lời cáo buộc của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, được đưa ra trong cuộc điện đàm hôm 28/07 với ông Biden, cho rằng Hoa Kỳ hình như đang “đùa với lửa,” ông Stilwell nói rằng Hoa Kỳ vẫn duy trì các cam kết của mình và do đó không có gì phải sợ Trung Quốc.
Ông Stilwell cho biết: “Đây chỉ là những lời đe dọa vu vơ, huyền hoặc, sáo rỗng, [có nghĩa là] họ có được sự rút lui của chúng ta mà không cần mất gì.”
“Chúng ta biết thực tế rằng những gì chúng ta đang làm đều không vi phạm các cam kết của chúng ta theo bất kỳ cách nào, bởi vì chúng ta tuân thủ các cam kết của mình.”
ĐCSTQ cho rằng Đài Loan là một tỉnh ly khai của Trung Quốc. Ông Tập đã hứa sẽ thống nhất hòn đảo này với đại lục, và không loại trừ việc sử dụng vũ lực để hiện thực hóa điều đó. Về phần mình, Đài Loan đã được tự quản kể từ năm 1949, chưa bao giờ nằm dưới sự kiểm soát của ĐCSTQ, và tự hào có một nền dân chủ và kinh tế thị trường đang phát triển mạnh.
Hoa Kỳ không có mối bang giao chính thức với Đài Loan nhưng bị ràng buộc bởi Đạo luật Quan hệ Đài Loan, trong đó Hoa Kỳ cam kết cung cấp cho nước này những vũ khí cần thiết để tự vệ. Hoa Thịnh Đốn cũng duy trì chính sách “mơ hồ chiến lược,” trong đó họ sẽ không xác nhận cũng không phủ nhận liệu họ có bảo vệ Đài Loan trong trường hợp Trung Quốc xâm lược hay không.
Nói chung là, quan chức Tòa Bạch Ốc Kirby nhắc lại rằng phần lớn sự hỗ trợ quân sự mà bà Pelosi đang nhận được hoàn toàn phù hợp với những gì luôn được tiên liệu về một tình huống như vậy, ngay cả khi tình huống cụ thể này diễn ra công khai hơn nhiều so với bình thường.
“Bất cứ khi nào một thành viên của Quốc hội đi công tác, chúng tôi đều chia sẻ với họ thông tin địa chính trị đang diễn ra trong nước đó, trong khu vực đó,” ông Kirby nói. “Và không quan trọng đó là Đài Loan hay bất kỳ nơi nào khác trên khắp thế giới, chúng tôi đều chia sẻ thông tin đó, và vì vậy chúng tôi làm rõ những gì hiện đang xảy ra trong thời điểm đó.”
Ông Andrew Thornebrooke là một phóng viên của The Epoch Times, chuyên đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc với trọng tâm là quốc phòng, các vấn đề quân sự, và an ninh quốc gia. Ông có bằng Thạc sĩ lịch sử quân sự tại Đại học Norwich.