Đài Loan tiến hành tập trận mô phỏng cuộc tấn công hỏa tiễn của Trung Quốc
Hôm 25/07, chính phủ dân chủ Đài Loan đã tiến hành các cuộc tập trận mô phỏng một cuộc tấn công hỏa tiễn của Trung Quốc cộng sản, đường phố trên khắp hòn đảo này bị phong tỏa và người dân được lệnh trú ẩn trong nhà.
Vào đầu giờ chiều cùng ngày, chính phủ đã gửi một tin nhắn văn bản “cảnh báo có hỏa tiễn” đã được thông báo trước cho người dân, sau đó tiếng còi báo động vang lên báo hiệu các cuộc tập trận theo quy định bắt đầu. Trong cuộc diễn tập kéo dài 30 phút này, toàn bộ các thành phố trên khắp miền bắc Đài Loan chìm vào yên lặng khi các đường phố bị phong tỏa và các doanh nghiệp phải đóng cửa. Các hàng quán tắt đèn để giảm nguy cơ trở thành mục tiêu trong trường hợp có một cuộc không kích vào ban đêm. Lực lượng cứu hỏa cũng diễn tập dập tắt một đám cháy trong kịch bản bị một hỏa tiễn giả tấn công.
Các cuộc tập trận không kích được yêu cầu theo luật ở Đài Loan, nơi người dân thường xuyên phải đối mặt với sự đe dọa và phô trương quân sự gần như liên tục của nước láng giềng Trung Quốc.
Tuy nhiên, các cuộc diễn tập như vậy đã đạt được một lợi thế nhất định trong những tháng gần đây. Hòn đảo này đã nâng mức cảnh báo của mình sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine vì lo ngại rằng một Trung Quốc mới được [Nga] tiếp thêm dũng khí có thể tiến hành một cuộc xâm lăng Đài Loan.
Trong bài diễn văn sau cuộc diễn tập này, thị trưởng Đài Bắc Kha Văn Triết (Ko Wen-je) cho biết, “Chuẩn bị trong trường hợp có chiến tranh là điều cần thiết.”
“Trong những năm gần đây, phi cơ quân sự của Trung Quốc đã thường xuyên sách nhiễu Đài Loan, thêm vào đó là chiến sự Nga-Ukraine đã nổ ra hồi tháng Hai năm nay. Những sự việc này đều nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta cần đề cao cảnh giác trong thời bình.”
Cuộc tập trận này diễn ra trùng với thời điểm bắt đầu cuộc diễn tập quân sự kéo dài năm ngày, trong đó quân đội Đài Loan sẽ huy động hàng chục chiến đấu cơ và 20 quân hạm để mô phỏng một cuộc tấn công của Trung Quốc.
Hai ngày đầu tiên của cuộc thao diễn này sẽ tập trung vào bảo vệ và phòng không, sau đó ngày thứ ba sẽ diễn ra các hoạt động tấn công chung của lực lượng không quân, hải quân và lục quân. Ngày thứ tư và ngày thứ năm sẽ tập trung vào phòng thủ bảo vệ quê hương.
Trung Quốc đe dọa Đài Loan và Hoa Kỳ
Các cuộc tập trận nói trên diễn ra chỉ vài ngày sau một loạt những lời đe dọa gây xôn xao dư luận từ giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), trong đó có việc phản đối chuyến thăm Đài Loan đã được ấn định của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi.
Lời đe dọa mới đây nhất của ĐCSTQ trong một loạt các mối đe dọa ngày càng gay gắt từ giới lãnh đạo cộng sản Trung Quốc, đó là họ sẽ [thực hiện] “các biện pháp mạnh mẽ” chống lại Hoa Kỳ và Đài Loan nếu bà Pelosi đến Đài Loan. Sau lời đe dọa này, Tổng thống Joe Biden nói rằng bà Pelosi không nên thực hiện chuyến đi. Đây là một hành động thu hút sự lên án của dư luận vì điều này không khác nào đang xoa dịu nhà cầm quyền cộng sản.
Hồi tháng Sáu, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe) đã nói với Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin rằng Trung Quốc sẽ “không ngần ngại bắt đầu một cuộc chiến tranh bằng bất kể giá nào” để ngăn thế giới công nhận nền độc lập của Đài Loan.
Sau vụ việc này, Bắc Kinh đã đưa ra một tuyên bố hung hăng và phản lịch sử rằng không có vùng biển quốc tế nào trong đại dương dài 100 dặm (160 km) giữa đại lục và Đài Loan; luật pháp quốc tế công nhận rằng hải giới bắt đầu chỉ 12 hải lý tính từ đường bờ biển.
Căng thẳng leo thang và việc Đài Loan chuẩn bị cho các cuộc tấn công hỏa tiễn của Trung Quốc tương tự như Cuộc khủng hoảng Eo biển Đài Loan Lần thứ Ba, diễn ra hồi năm 1995 và 1996.
Trong cuộc khủng hoảng đó, Tổng thống Đài Loan đương thời là ông Lý Đăng Huy (Lee Teng-hui) đã nhận lời mời có một bài diễn văn tại Đại học Cornell về kinh nghiệm của Đài Loan trong việc trở thành một nền dân chủ. ĐCSTQ gán cho ông Lý là một “kẻ phản bội” vì những nỗ lực của ông và phóng hỏa tiễn vào vùng biển gần các cảng sầm uất nhất của Đài Loan.
Thảm họa tiếp theo đã được ngăn chặn khi Hoa Kỳ đáp trả bằng cách gửi hai nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm đến khu vực này.
Sự thất bại của mơ hồ chiến lược
ĐCSTQ tuyên bố rằng Đài Loan là một tỉnh ly khai của Trung Quốc và đã tuyên bố sẽ sáp nhập hòn đảo này với đại lục. Lãnh đạo của đảng này đã không loại trừ việc sử dụng vũ lực để hiện thực hóa sứ mệnh đó.
Đài Loan đã được tự quản từ năm 1949, và chưa bao giờ nằm dưới sự kiểm soát của ĐCSTQ. Chính phủ dân chủ Đài Loan đã tuyên bố sẽ tự vệ và bảo vệ nền độc lập trên thực tế của hòn đảo này khỏi hành động xâm lược của Trung Quốc.
Hoa Kỳ công nhận yêu sách của ĐCSTQ nhưng vẫn duy trì một hiệp ước có từ năm 1979 với Đài Loan, trong đó nước này bảo đảm cung cấp cho đảo quốc này những vũ khí cần thiết để duy trì khả năng tự vệ của mình.
Về phần mình, Hoa Kỳ vẫn duy trì chính sách gây tranh cãi về cái gọi là “mơ hồ chiến lược,” trong đó họ không xác nhận cũng không phủ nhận liệu họ có can thiệp quân sự nhân danh Đài Loan trong trường hợp ĐCSTQ xâm lược hay không.
Chiến lược này nhằm khiến các nhà chức trách Trung Quốc phải suy nghĩ lại về việc hành xử hung hăng đối với Đài Loan. Tuy nhiên, sự gia tăng gần đây trong hành động gây hấn của ĐCSTQ có thể cho thấy giới lãnh đạo Trung Quốc không tin rằng chính phủ Tổng thống Biden sẽ công khai hỗ trợ Đài Loan trong một cuộc chiến. Do đó, nhiều nhà lập pháp Hoa Kỳ đã đề nghị chấm dứt chính sách mơ hồ chiến lược.
Ông Andrew Thornebrooke là một phóng viên của The Epoch Times, chuyên đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc với trọng tâm là quốc phòng, các vấn đề quân sự, và an ninh quốc gia. Ông có bằng Thạc sĩ lịch sử quân sự tại Đại học Norwich.