PHÂN TÍCH: Vụ truy tố cựu Tổng thống Trump có sức thuyết phục đến mức nào?
Các ý kiến chuyên gia cùng việc xem xét kỹ lưỡng bản cáo trạng truy tố cựu Tổng thống Donald Trump đặt ra những câu hỏi về tính thuyết phục của vụ án và tính hợp pháp của các thủ tục xung quanh việc thu thập bằng chứng, ngay cả khi các cáo buộc là nghiêm trọng.
Ông Trump bị cáo buộc tích trữ bất hợp pháp các tài liệu mật tại tư dinh của ông ở Florida sau khi rời Tòa Bạch Ốc hồi năm 2021, và sau đó đã khai man và âm mưu cản trở các nỗ lực của chính phủ nhằm lấy lại các tài liệu này.
Bản cáo trạng liên bang dài 49 trang buộc tội ông Trump với 37 cáo buộc trọng tội, trong đó có cáo buộc vi phạm Đạo luật Gián điệp của liên bang và các đạo luật liên bang khác khi ông được cho là đã âm mưu cản trở công lý, khai man, và che giấu tài liệu.
Ông Walt Nauta, phụ tá của ông Trump, bị buộc tội là một đồng phạm và phải đối mặt với sáu cáo buộc trọng tội.
Cựu tổng thống cho biết trong một tuyên bố qua video rằng bất kỳ cáo buộc hình sự nào cũng sẽ không ngăn cản được ông tranh cử tổng thống vào năm 2024, đồng thời gọi các cuộc điều tra khác nhau nhắm vào ông là “hành động can thiệp bầu cử.”
“Tôi là một người vô tội. Tôi không làm gì sai cả,” ông Trump nói.
Ông Trump và ông Nauta được ấn định sẽ ra hầu tòa lần đầu tại tòa án liên bang tại Tòa nhà Wilkie D. Ferguson ở Miami vào ngày 13/06.
Vụ án thiếu tính thuyết phục?
Một số chuyên gia đã đặt câu hỏi về tính thuyết phục của vụ kiện chống lại cựu tổng thống.
Hôm thứ Sáu (09/06), Giáo sư luật Alan Dershowitz nói với Fox News: “Nếu bản cáo trạng này không đủ sức thuyết phục như nó đang có vẻ như vậy, thì từ những gì đã được tiết lộ cho đến nay, đây có thể là bản cáo trạng nguy hiểm nhất trong lịch sử chính trị.”
“Ít nhất thì bản cáo trạng này phải đủ thuyết phục như vụ kiện chống lại ông Richard Nixon, mà chúng ta sẽ nhớ rằng đã không dẫn đến việc các thành viên Đảng Dân Chủ yêu cầu ông ấy từ chức, mà dẫn đến việc các thành viên Đảng Cộng Hòa, những người đồng sự của ông ấy, đến gặp ông ấy và nói, vụ án này quá thuyết phục đến mức chúng tôi không thể ủng hộ ông,” ông Dershowitz cho biết thêm.
“Tôi chưa thấy bất kỳ gợi ý nào cho thấy Đảng Cộng Hòa đồng ý với bản cáo trạng này,” vị giáo sư này nói thêm.
Các đồng minh của ông Trump tại Quốc hội đã chỉ trích những cáo buộc kể trên là mang động cơ chính trị và nhằm mục đích cản trở cơ hội của ông với tư cách là ứng cử viên hàng đầu của Đảng Cộng Hòa trong cuộc đua vào Tòa Bạch Ốc năm 2024.
“CUỘC SĂN PHÙ THỦY,” Ủy ban Tư pháp Hạ viện, cơ quan đang điều tra các cáo buộc vũ khí hóa chính trị dưới thời chính phủ Tổng thống Joe Biden, đã viết trên Twitter.
Tuy nhiên, mặc dù ông Trump khẳng định mình vô tội và xem nhẹ các cáo buộc, nhưng các chuyên gia khác nói rằng vụ kiện này có thể có tính thuyết phục hơn một số người tưởng tượng.
“Nếu có thể được chứng minh, thì rõ ràng đây là một vụ án có tính thuyết phục rất cao,” ông Mark Zaid, một luật sư chuyên về các vấn đề an ninh quốc gia làm việc tại Hoa Thịnh Đốn, nói với The Associated Press. “Tôi ngạc nhiên về mức độ mà vụ kiện này cáo buộc ông Trump có liên quan ở cấp độ cá nhân đến các tài liệu đó.”
Nghiêm trọng đến mức nào?
Hôm thứ Sáu, Biện lý Đặc biệt Jack Smith, người thực hiện vụ truy tố, đã đưa ra một tuyên bố công khai ngắn gọn từ văn phòng của ông ở Hoa Thịnh Đốn, cho thấy rằng ông đang đối đãi với vụ án này như là một vấn đề nghiêm trọng về an ninh quốc gia.
Ông Smith nói: “Các luật bảo vệ thông tin quốc phòng của chúng ta rất quan trọng đối với sự an toàn và an ninh của Hoa Kỳ, và những luật này phải được thực thi. Việc vi phạm những luật đó khiến đất nước của chúng ta gặp rủi ro.”
Theo Đạo luật Gián điệp, ông Trump phải đối mặt với 31 cáo buộc về việc cố ý lưu giữ thông tin quốc phòng.
Mỗi cáo buộc cố ý lưu giữ liên quan đến một tài liệu mật cụ thể được tìm thấy tại Mar-a-Lago được đánh dấu là “MẬT” hoặc “TỐI MẬT.”
Các chủ đề được đề cập trong những tài liệu này bao gồm các thông tin chi tiết về vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ, năng lực hạt nhân của một quốc gia ngoại quốc và các hoạt động cũng như năng lực quân sự của các quốc gia khác.
Những cáo buộc nghiêm trọng nhất có thể dẫn đến các án tù lên tới 20 năm.
Luật sư an ninh quốc gia Brad Moss nói với trang tin tức Semafor: “Tôi chưa bao giờ thấy [các công tố viên liên bang] thất bại trước một quan chức chính phủ đương thời hoặc tiền nhiệm” khi buộc tội vi phạm Đạo luật Gián điệp.
Tuy nhiên, các thẩm phán có toàn quyền trong việc tuyên án và những người phạm tội lần đầu, nếu bị kết án, thì hiếm khi phải chịu hình phạt ở mức tối đa. Một tình tiết chính có thể phải cần được cân nhắc trong bất kỳ tuyên bố kết án nào là việc ông Trump là một cựu tổng thống Hoa Kỳ.
Ông Daniel Richman, giáo sư tại Trường Luật Columbia đồng thời là một cựu công tố viên liên bang, nói với Bloomberg rằng trong khi nhóm bào chữa của ông Trump có khả năng thách thức liệu một số bằng chứng có thể được chấp nhận hay không, thì biện lý đặc biệt đã “thực sự chuẩn bị kỹ lưỡng hết rồi.”
Theo ông Paul Pelletier, một cựu công tố viên liên bang khác, sự kết hợp giữa bằng chứng video và audio ghi âm của ông Smith, cùng với cáo buộc khai man và âm mưu cản trở công lý, đã tạo nên một vụ án có sức thuyết phục cao.
Ông Pelletier nói với Bloomberg rằng bản cáo trạng truy tố ông Trump là “một vụ án có cơ sở lập luận vững chắc mà một công tố viên có thể có.”
“Thêm rủi ro an ninh quốc gia vào hỗn hợp đó nữa thì ông Trump nên phải rất lo lắng.”
‘Kế hoạch tấn công’
Một trong những bằng chứng dễ dàng cho thấy ông Trump phạm luật hơn được trích dẫn trong bản cáo trạng là đoạn audio ghi âm cuộc gặp hồi tháng 07/2021 giữa ông Trump và một nhà văn, một nhà xuất bản, và hai nhân viên của ông.
Tại cuộc gặp đó, vốn diễn ra tại câu lạc bộ golf của ông ở Bedminster, New Jersey, ông Trump bị cáo buộc đã cho họ xem và mô tả một “kế hoạch tấn công” nhắm vào một quốc gia ngoại quốc không được tiết lộ.
Bản cáo trạng nêu rõ rằng ông Trump cho biết kế hoạch tấn công này đã được Bộ Quốc phòng và một quan chức quân sự cao cấp chuẩn bị cho ông.
Những người có mặt trong cuộc gặp kể trên không có giấy phép an ninh (quyền truy cập vào các thông tin an ninh quốc gia), và ông Trump được cho là đã nói với họ rằng kế hoạch này là một “bí mật” và “rất cơ mật.”
Ông Trump nói rằng ông từng có khả năng giải mật tài liệu đó với tư cách là tổng thống nhưng thừa nhận rằng ông không còn quyền đó nữa.
“Bây giờ thì tôi không thể, các anh biết đấy, nhưng đây vẫn là một bí mật,” ông Trump nói, theo bản cáo trạng.
Nhân chứng hợp tác?
Sáu trọng tội khác được đưa ra đối với ông Trump trong bản cáo trạng liên quan đến cáo buộc âm mưu, cản trở, và khai man. Những cáo buộc này cũng có thể dẫn đến một bản án tù đáng kể trong trường hợp bị kết án.
Các công tố viên cho biết, ông Nauta, một phụ tá của ông Trump, đã chuyển hàng chục chiếc thùng tại dinh thự ở Florida theo chỉ thị của ông và sau đó bị cáo buộc đã khai man với các nhà điều tra về việc đó. Ông Nauta đã bị buộc tội âm mưu và các tội danh khác.
Tin tức về cáo buộc âm mưu này đã khiến giới pháp lý đặt ra câu hỏi về việc liệu có ai đã đồng ý hợp tác trong cuộc điều tra này để đổi lấy sự khoan hồng hay không.
Ông Jack Sharman, một luật sư bào chữa và từng là một biện lý đặc biệt của Quốc hội trong cuộc điều tra Whitewater, nói với Semafor rằng ông “đoán” rằng có thể có ai đó đang hợp tác với các công tố viên.
Các báo cáo chưa được xác nhận dẫn lời một nguồn tin ẩn danh cho thấy luật sư của ông Nauta, ông Stanley Woodward, đã cáo buộc trong các hồ sơ tòa án rằng một công tố viên trong vụ án này đã cố gắng gây áp lực không phù hợp với ông để ông thuyết phục ông Nauta hợp tác.
Bản thân ông Trump đã cáo buộc trên Truth Social rằng vị công tố viên này đã cố gắng “hối lộ [và] đe dọa” luật sư của ông Nauta bằng cách đề nghị một “vị trí thẩm phán quan trọng” nếu thân chủ của ông Woodward “hợp tác” chống lại cựu tổng thống.
Khoe khoang các tài liệu?
Đoạn ghi âm cuộc họp mà tại đó ông Trump bị cáo buộc đã cho những người không có giấy phép an ninh xem “kế hoạch tấn công” là một trong số những tuyên bố trong bản cáo trạng này vẽ nên một bức tranh về việc ông Trump đã quản lý các tài liệu mật một cách tùy tiện.
Bản cáo trạng này cho biết ông Trump, vốn nổi tiếng với việc lưu giữ các kỷ vật, đã cất giữ hàng trăm tài liệu mật trong các hộp carton tại câu lạc bộ Mar-a-Lago của ông ở Florida, nơi “hàng chục ngàn thành viên và khách mời” lui tới từ khi ông rời Tòa Bạch Ốc cho đến khi FBI đến lấy các tài liệu này hồi tháng 08/2022.
Ông Trump bị cáo buộc đã lưu trữ các tài liệu ở nhiều nơi khác nhau xung quanh khu nghỉ dưỡng này, bao gồm một phòng khiêu vũ, một phòng tắm, một không gian văn phòng, một phòng chứa đồ, và phòng ngủ của ông.
Bản cáo trạng nói rằng, vào tháng 08/2021 hoặc tháng 09/2021, ông Trump đã cho một người làm việc trong ủy ban hành động chính trị của mình xem một bản đồ mật về hoạt động quân sự ở ngoại quốc. Người này cũng không có giấy phép an ninh.
Theo cáo trạng này, ông Trump thừa nhận rằng ông không nên cho nhân viên đó xem bản đồ đó và cảnh báo người này không được đến quá gần.
Khi đại bồi thẩm đoàn ban hành trát đòi hầu tòa đối với các hồ sơ mật tại Mar-a-Lago hồi tháng 05/2922, ông Trump rõ ràng đã tìm cách bất tuân lệnh này khi nói với các luật sư của mình, “Tôi không muốn bất kỳ ai lục lọi các thùng của tôi,” theo các ghi chú từ một luật sư được mô tả chi tiết trong bản cáo trạng này.
Bản cáo trạng cũng cho biết ông Trump đã yêu cầu ông Nauta “di chuyển các thùng tài liệu để che giấu chúng” khỏi các nhà điều tra liên bang, đại bồi thẩm đoàn, và một trong những luật sư của ông ấy.
Các luật sư của ông Trump đã chuyển một số hồ sơ cho chính phủ vào ngày 03/06/2022.
FBI đã đột kích vào nơi ở của ông Trump vào ngày 08/08/2022 và lấy đi khoảng hai chục thùng tài liệu, bao gồm 54 tài liệu được đánh dấu mật và 18 tài liệu được đánh dấu tối mật.
Thu thập bằng chứng một cách bất hợp pháp?
Cùng ngày biện lý đặc biệt công bố bản cáo trạng, Dân biểu Jim Jordan (Cộng Hòa-Ohio) đã gửi một lá thư tới Bộ Tư pháp, chất vấn về tính hợp pháp của cuộc đột kích của FBI vào dinh thự Mar-a-Lago.
Trong bức thư gửi Tổng Chưởng lý Merrick Garland, ông Jordan đã đề cập đến lời khai của một cựu quan chức FBI, vốn đã điều trần về cuộc đột kích này trước tiểu ban về “vũ khí hóa” chính phủ tại Hạ viện do Đảng Cộng Hòa lãnh đạo.
Ông Jordan đã viết rằng ông Steven D’Antuono, một cựu trợ lý giám đốc Văn phòng Địa phương Hoa Thịnh Đốn của FBI, nói với ủy ban này rằng Bộ Tư pháp “không tuân theo cùng một bộ nguyên tắc” giống như trong các cuộc đột kích trước đó.
Ông D’Antuono đã liệt kê một số “điểm bất thường” xung quanh cuộc đột kích của FBI khiến người ta đặt câu hỏi về tính hợp pháp của cuộc đột kích này.
Cụ thể, ông D’Antuono nói rằng FBI không xin phép trước để tiến hành khám xét; rằng FBI đã từ chối đợi luật sư của ông Trump có mặt tại hiện trường trước khi thực hiện khám xét; rằng FBI đã không chỉ định một Văn phòng Biện lý Hoa Kỳ để phụ trách vấn đề này; và rằng Văn phòng Địa phương Miami đã không dẫn đầu.
FBI từ chối bình luận khi được yêu cầu phúc đáp về những tuyên bố trong bức thư của ông Jordan.
Những nghi ngờ khác về tính thuyết phục của vụ kiện
Bên cạnh những câu hỏi về tính hợp pháp của việc thu thập một số bằng chứng, người ta còn nghi ngờ về tính thuyết phục của việc ông Smith truy tố ông Trump, đặc biệt là xung quanh các cáo buộc âm mưu.
Bản cáo trạng này có chứa các phần dựa trên ký ức của một luật sư làm việc cho ông Trump, người đã “nhớ lại” một số trao đổi nhất định giữa hai bên liên quan đến việc quản lý các tài liệu.
Theo bản cáo trạng, hôm 02/06/2022, luật sư của ông Trump đã xác định được 38 tài liệu có đánh dấu “mật” và cho các tài liệu này vào một tệp hồ sơ mà ông ta đã dán băng dính lại trước khi được ông Nauta đưa đến gặp ông Trump.
Luật sư được trích dẫn trong bản cáo trạng nói rằng ông đã thảo luận về tệp tài liệu mật này với ông Trump và cách giải quyết tệp tài liệu đó.
Bản cáo trạng cho biết, theo ký ức của vị luật sư này thì ông Trump đã hỏi, “Ông có tìm được gì không? Liệu tình hình là xấu? … Hay là tốt?”
Luật sư nói với các nhà chức trách rằng trong lúc họ thảo luận thì vị luật sư này đang mang theo tệp tài liệu bên mình, và ông Trump ra hiệu theo cách gợi ý rằng ông muốn luật sư này xác định “bất cứ điều gì thực sự xấu” và “ông biết đấy, hãy loại nó ra ngay lập tức.”
Tuy nhiên, vị luật sư này đã làm rõ rằng ông Trump đã không thực sự nói rõ những chỉ thị như vậy thành lời ngoài việc bảo ông thực hiện “hành động loại ra” đó.
Ông Dershowitz, người cho rằng bản cáo trạng không đáp ứng “tiêu chuẩn của Richard Nixon,” gọi vụ kiện chống lại ông Trump là “có quá nhiều cách đưa ra phán quyết khác nhau” để được đệ lên chống lại một ứng cử viên tổng thống.
Hệ thống tư pháp hai tầng?
Những người ủng hộ ông Trump trong Quốc hội, và những người khác, đã xem bản cáo trạng này là một phần của âm mưu rộng lớn hơn giữa cơ quan chấp pháp và Tổng thống Biden nhằm cản trở nỗ lực tranh cử vào Tòa Bạch Ốc năm 2024 của ông Trump.
“Hôm nay thực sự là một ngày đen tối đối với Hợp chủng quốc Hoa Kỳ,” Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) viết trong một tweet.
Ông McCarthy gọi đó là một “sự bất công nghiêm trọng” và nói rằng các thành viên Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện “sẽ quy trách nhiệm cho việc vũ khí hóa quyền lực trắng trợn này.”
Thượng nghị sĩ Ted Cruz (Cộng Hòa-Texas) cho biết trong một bài đăng trên Twitter rằng “việc vũ khí hóa Bộ Tư pháp của chúng ta chống lại những đối thủ của chính phủ Tổng thống Biden sẽ gây thiệt hại to lớn cho nền pháp quyền và có một tác động lâu dài.”
Trong tuyên bố hôm thứ Sáu của mình, ông Smith nhấn mạnh rằng ông buộc tội ông Trump một phần là do tầm quan trọng của việc duy trì luật pháp bình đẳng.
“Tuân thủ pháp quyền là một nguyên tắc nền tảng của Bộ Tư pháp, và sự cam kết của quốc gia chúng ta đối với pháp quyền là một tấm gương cho thế giới,” ông Smith nói. “Chúng ta có một bộ luật ở đất nước này, và bộ luật đó áp dụng cho tất cả mọi người.”
Một số người đã đặt câu hỏi rằng nếu tiêu chuẩn của công lý là áp dụng bình đẳng cho tất cả mọi người, thì tại sao cựu ứng cử viên tổng thống Hillary Clinton lại không phải đối mặt với các cáo buộc quản lý sai thông tin mật.
Trong một video được đăng trên mạng xã hội hôm thứ Sáu (09/06), Thượng nghị sĩ Marsha Blackburn (Cộng Hòa-Tennessee) cho hay: “Tất cả chúng ta đều nhớ thời điểm mà bà Hillary Clinton đã xóa 30,000 thư điện tử mà bà ấy biết là cần phải được cung cấp cho chính phủ. Còn những chiếc điện thoại đó thì sao? Đúng vậy, họ đã nghiền nát chúng bằng búa. Không có gì để xem ở đây đâu, chẳng có lý do gì để điều tra đâu.”
Ông Biden cũng không bị buộc bất kỳ tội danh nào liên quan đến việc quản lý sai các tài liệu mật, cũng như không bị buộc tội về các vấn đề khác.
Nhóm biên dịch tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times