Phân tích bản cáo trạng truy tố cựu Tổng thống Trump
Hôm 09/06/2023, Biện lý Đặc biệt Jack Smith đã công bố bản cáo trạng gồm 38 cáo buộc đối với cựu Tổng thống Donald Trump và ông Waltine Nauta, một phụ tá riêng làm việc tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông Trump. 31 tội danh bị cáo buộc đầu tiên chỉ liên quan đến ông Trump và là các cáo buộc dựa trên Đạo luật Gián điệp.
Trong số các cáo buộc còn lại, năm tội danh cáo buộc ông Trump và ông Nauta cùng liên quan đến việc che giấu các tài liệu vốn phải thực hiện theo một trát lệnh của đại bồi thẩm đoàn. Hai tội danh cuối cùng, một trong số đó buộc tội ông Trump và người còn lại là ông Nauta liên quan đến việc đưa ra những tuyên bố sai sự thật. Trong bản cáo trạng này, ông Trump bị cáo buộc tổng cộng 37 tội danh và ông Nauta bị cáo buộc sáu.
Nhiều người đã tập trung chú ý vào 31 tội danh bị cáo buộc theo Đạo luật Gián điệp. Trái ngược với tên gọi của Đạo luật Gián điệp, phần lớn đạo luật này không liên quan đến hoạt động gián điệp. Ông Trump đã bị buộc tội theo mục 793 (e) Đề mục 18 của Đạo luật này trong Bộ luật Hoa Kỳ, quy định việc cố ý lưu giữ thông tin quốc phòng và không “cung cấp thông tin đó cho công chức hoặc nhân viên của Hoa Kỳ có quyền nhận thông tin đó là bất hợp pháp.” Mục này của Đạo luật Gián điệp không quy định về việc ông Trump chia sẻ thông tin quốc phòng với bất kỳ ai, hay thậm chí ông ấy có ý định chia sẻ thông tin đó với bất kỳ ai. Điều luật này chỉ quy định rằng ông ấy sở hữu trái phép và không trả lại thông tin quốc phòng. Điều luật này cũng không quy định rõ ràng rằng thông tin đó phải là thông tin mật.
Các cáo buộc dựa trên Đạo luật Gián điệp
Ông Trump bị buộc tội đã giữ lại và không trả lại 31 tài liệu riêng biệt có chứa thông tin được cho là “liên quan đến năng lực hạt nhân của một quốc gia ngoại quốc” và thông tin “liên quan đến kế hoạch dự phòng quân sự của Hoa Kỳ,” cùng những thông tin khác. Ông Smith cáo buộc rằng, trong ít nhất hai lần, ông Trump đã chia sẻ các nội dung của tài liệu quốc phòng mà ông đã giữ lại một cách bất hợp pháp với người ngoài. Trong lần đầu tiên, hồi tháng 07/2021, ông Trump được cho là đã chia sẻ thông tin với một tác giả lúc đó đang viết một quyển sách và người này, với sự chấp thuận rõ ràng của ông Trump, đã ghi âm cuộc trò chuyện của họ.
Một bản ghi lại của cuộc trò chuyện được ông Smith trích dẫn và cho thấy ông Trump đã chia sẻ thông tin quân sự với tác giả này vì ông muốn bác bỏ những tuyên bố công khai của một quan chức quân sự cao cấp về ông. Vị quan chức đó được cho là Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân. Bản ghi trích dẫn ông Trump đã nói với vị tác giả, “Điều này không được ghi lại,” “ngoại trừ nó giống như, [thông tin] cơ mật cao,” sau đó ông Trump nói thêm, “Tin mật. Đây là thông tin mật.” Đối với tình trạng của thông tin này, ông Trump được trích dẫn là đã nói: “Anh thấy đấy, với tư cách là tổng thống, tôi lẽ ra có thể đã giải mật nó… Bây giờ tôi không thể, anh biết đấy, nhưng đây vẫn là một tin mật.”
Trong lần thứ hai [mà ông Trump] chia sẻ thông tin quốc phòng, ông Smith cáo buộc rằng hồi tháng 08/2021 hoặc tháng 09/2021, ông Trump đã cho đại diện ủy ban hành động chính trị của mình xem một bản đồ mật liên quan đến một cuộc xung đột đang diễn ra ở ngoại quốc. Người đại diện này không được nêu tên nhưng ông Smith cáo buộc rằng ông Trump đã nói với người đó rằng ông không nên cho người đó xem bản đồ này và cũng không nên đến quá gần. Mặc dù người đại diện này dường như đang hợp tác với ông Smith, nhưng không có gợi ý nào cho thấy có một đoạn ghi âm nào về vụ việc thứ hai này.
Mặc dù hai vụ việc trên có vẻ rất tồi tệ đối với ông Trump, nhưng không có bằng chứng cụ thể nào cho thấy ông Trump đã cho xem các phần liên quan đến thông tin quốc phòng thực tế hơn là sự khoe khoang đơn thuần. Điều đó nói rằng, ông Smith dường như không đưa các vụ việc này vào bản cáo trạng vì các nguyên nhân pháp lý — Đạo luật Gián điệp không quy định về việc cho bất kỳ ai xem thông tin này — mà là để định hình quan điểm trong công chúng rằng ông Trump là người khinh suất.
Cũng đáng lưu ý rằng ông Smith đã không buộc tội ông Trump theo Đạo luật Hồ sơ Tổng thống (PRA), cũng như không trích dẫn PRA, vốn quy định rằng các hồ sơ tổng thống phải được chuyển cho Cục Quản lý Hồ sơ và Lưu trữ Quốc gia (NARA) khi kết thúc một nhiệm kỳ tổng thống. Ông Trump bị cáo buộc đã đưa những hồ sơ này đến dinh thự Mar-a-Lago của mình khi rời Tòa Bạch Ốc. Hồi tháng 01/2022, sau khi nhận được yêu cầu từ NARA, ông Trump đã trả lại 15 thùng tài liệu cho NARA. Những chiếc thùng này được cho là chứa 197 tài liệu được đánh dấu mật.
Vào ngày 09/02/2022, NARA đã báo cáo sự hiện diện của 197 tài liệu mật cho Bộ Tư pháp (DOJ). Điều này dẫn đến việc FBI mở một cuộc điều tra ông Trump, từ đó dẫn đến việc đại bồi thẩm đoàn liên bang ban hành một trát lệnh đối với bất kỳ tài liệu nào còn lại được đánh dấu mật có thể vẫn thuộc quyền sở hữu của ông Trump.
Một điểm hầu như bị bỏ qua là trát lệnh của đại bồi thẩm đoàn này dành cho các tài liệu có “dấu mật”, nghĩa là tình trạng cơ mật thực tế không liên quan đến những gì trát lệnh này yêu cầu. Đây dường như là một lựa chọn từ ngữ rất có chủ ý của DOJ vì điều đó phủ nhận những tuyên bố mà ông Trump có thể đưa ra rằng các tài liệu này đã được giải mật.
Mặc dù ông Trump có thể biện hộ cho các cáo buộc theo Đạo luật Gián điệp, chẳng hạn như tuyên bố rằng một số tài liệu nhất định không cần phải trả lại theo PRA, rằng ông được phép có các tài liệu đó hoặc chính NARA đã tham gia vào việc đóng gói các thùng hồ sơ tại Tòa Bạch Ốc mà sau đó đã được chuyển đến dinh thự Mar-a-Lago. Tuy nhiên, những cáo buộc còn lại, tất cả đều liên quan đến phản ứng của ông Trump đối với trát lệnh của đại bồi thẩm đoàn nói trên, còn gây rắc rối hơn cho ông Trump.
Như thể vì để nhấn mạnh điểm này, nên ông Smith đã không buộc tội ông Trump về bất kỳ hành vi sai trái nào trong khung thời gian trước khi trát lệnh của đại bồi thẩm đoàn được ban hành vào ngày 11/05/2022. Mặc dù chúng ta không biết điều gì sẽ xảy ra nếu ông Trump tuân theo yêu cầu của NARA và trả lại tất cả hồ sơ giữa lần yêu cầu đầu tiên NARA vào tháng 05/2021 và khi trát lệnh này được ban hành một năm sau đó, ngụ ý rằng ông Trump có thể đã tránh được các rắc rối pháp lý nếu ông ấy làm như vậy.
Các tội bị cáo buộc về can thiệp thủ tục và thực thi công lý
Rắc rối pháp lý nghiêm trọng nhất mà ông Trump phải đối mặt là các hành vi phạm tội bị cáo buộc về can thiệp thủ tục và thực thi công lý (process crimes) có liên quan đến trát lệnh của đại bồi thẩm đoàn kể trên. Đây là các tội chống lại quy trình tư pháp, trái ngược với các hành vi phạm tội cơ bản. Nói cách khác, các tội can thiệp thủ tục và thực thi công lý là nói về cách ông Trump phản ứng với trát lệnh này chứ không phải về việc liệu ông Trump có giữ lại các tài liệu mật hay không, cũng như về việc liệu ông có chia sẻ thông tin mật với bất kỳ ai hay không.
Cụ thể, ông Trump và phụ tá của ông, ông Nauta, bị buộc tội âm mưu cản trở công lý, giữ lại một tài liệu hoặc hồ sơ, che giấu tài liệu hoặc hồ sơ một cách sai trái, che giấu tài liệu trong một cuộc điều tra liên bang, âm mưu che giấu, và đưa ra các tuyên bố sai sự thật. Bởi vì đây đều là tội về can thiệp thủ tục và thực thi công lý, nên ông Trump không thể tận dụng các biện pháp bảo vệ chẳng hạn như ông có quyền giữ lại các tài liệu theo PRA hoặc ông đã giải mật tất cả các tài liệu liên quan. Không có lập luận nào trong số đó có liên quan vì những gì ông Trump bị buộc tội đều là những hành động đáp lại trát lệnh này của ông.
Theo ông Smith, hai luật sư của ông Trump, trong đó có ông Evan Corcoran, đã nói với ông Trump vào ngày 23/05/2022, rằng để tuân thủ trát lệnh này, họ cần phải khám xét tất cả các thùng hồ sơ được gửi từ Tòa Bạch Ốc đến dinh thự Mar-a-Lago. Theo cáo trạng của ông Smith, ông Trump bị cáo buộc đã cố gắng tìm cách tránh trát lệnh này, chẳng hạn như phớt lờ trát lệnh hoặc đơn giản tuyên bố rằng không có tài liệu nào khác. Tuy nhiên, cuối cùng, ông Trump dường như đã đồng ý tuân thủ trát lệnh và chỉ thị cho ông Corcoran tiến hành khám xét những thùng hồ sơ nằm trong phòng chứa đồ tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông Trump.
Tuy nhiên, ông Smith cáo buộc rằng ông Trump đã chỉ thị ông Nauta chuyển các thùng tài liệu từ phòng chứa đồ đến tư dinh của ông Trump trước khi ông Corcoran có một cơ hội khám xét phòng chứa đồ này. Theo ông Smith, ông Trump đã đánh lừa ông Corcoran “bằng cách chuyển các thùng chứa tài liệu có đánh dấu mật đi để [luật sư của ông Trump] không tìm thấy những tài liệu đó và đưa những tài liệu đó cho một đại bồi thẩm đoàn liên bang.” Ông Smith còn cáo buộc rằng mục đích của những gì ông Trump đang làm là “để giữ các tài liệu mật mà [ông ấy] đã mang theo từ Tòa Bạch Ốc và để giấu và che đậy các tài liệu mật đó khỏi đại bồi thẩm đoàn liên bang.”
Giả thuyết của ông Smith là ông Trump đã chuyển những thùng tài liệu ra khỏi phòng chứa đồ để ông Corcoran không thể khám xét những thùng đó và để các tài liệu liên quan sẽ không bao giờ được trả lại cho NARA. Ông Smith tuyên bố rằng có tổng cộng 64 thùng đã được chuyển từ phòng chứa đồ này đến nơi ở của ông Trump nhưng chỉ có khoảng 30 thùng được đưa trở lại phòng chứa đồ này. Theo ông Smith, kết quả cuối cùng là ông Corcoran sẽ không, và thực sự không thể, tìm thấy nhiều tài liệu có đánh dấu mật đáp ứng trát lệnh của đại bồi thẩm đoàn.
Vào ngày 02/06/2022, ông Corcoran đã tiến hành khám xét phòng chứa đồ này suốt hai tiếng rưỡi, trong đó ông tìm thấy 38 tài liệu có đánh dấu mật. Vào ngày hôm sau, ông Corcoran đã trả lại những tài liệu đó cho NARA thông qua FBI.
Giấy chứng nhận trát lệnh
Mặc dù chính ông Corcoran đã tiến hành khám xét, nhưng ông đã không đích thân ký giấy chứng nhận trát lệnh kể trên. Giấy chứng nhận trát lệnh là để xác nhận rằng trát lệnh này đã được tuân thủ. Thay vào đó, ông Corcoran đã nhờ một luật sư khác của ông Trump, bà Christina Bobb, đến dinh thự Mar-a-Lago để ký xác nhận. Theo ông Smith, bà Bobb đã được đưa đến vào phút chót, đã không thực hiện bất kỳ cuộc khám xét nào đối với các thùng này, không xem xét trát lệnh, và cũng không xem xét 38 tài liệu mà ông Corcoran đã thu hồi. Không biết tại sao bà Bobb lại đồng ý ký xác nhận chịu hình phạt khai man khi bà dường như không biết gì về vấn đề này.
Cụ thể, bà Bobb đã chứng thực thông tin rằng “Những chiếc thùng được chuyển từ Tòa Bạch Ốc đến Florida đã được khám xét kỹ lưỡng,” trong khi, theo ông Smith, thì một số trong những chiếc thùng đó chưa bao giờ được khám xét vì các thùng này đã được chuyển đến tư gia của ông Trump. Tuyên bố của bà Bobb rằng “Bất kỳ và tất cả các tài liệu đáp ứng đều đi kèm với chứng nhận này” cũng được chứng minh là không chính xác sau khi FBI rõ ràng đã tìm thấy thêm 102 tài liệu có đánh dấu mật trong cuộc đột kích vào dinh thự Mar-a-Lago hôm 08/08/2022.
Do đó, ông Smith hiện đã buộc tội ông Trump với nhiều tội che giấu liên quan đến việc di chuyển các thùng khắp nơi, cũng như khai man trước đại bồi thẩm đoàn và FBI vì ông được cho là đã biết giấy chứng nhận do bà Bobb ký là không đúng sự thật. Theo ông Smith, “Ông Trump đã biết, vì ông Trump đã chỉ thị chuyển các thùng khỏi Phòng Lưu trữ trước khi [ông Corcoran] tiến hành cuộc khám xét các tài liệu có đánh dấu mật hôm 02/06/2022, do đó cuộc tìm kiếm của [ông Corcoran] sẽ không và đã không bao gồm tất cả các thùng của ông Trump đã bị chuyển đi khỏi Tòa Bạch Ốc.”
Đối với vai trò của ông Nauta trong vụ che giấu bị cáo buộc này, từ bản cáo trạng không rõ bằng cách nào hoặc tại sao ông Nauta lại biết về trát lệnh của đại bồi thẩm đoàn hoặc chứng nhận trát đòi hầu tòa không chính xác. Tuy nhiên, dựa trên tội danh cuối cùng của bản cáo trạng cáo buộc ông Nauta khai man với FBI khi ông tuyên bố không hề chuyển bất kỳ chiếc thùng nào đến tư gia của ông Trump, có vẻ như ông Smith phỏng đoán rằng ông Nauta hẳn đã biết về điều được cho là mưu đồ này. Giả sử rằng ông Smith có cảnh quay camera an ninh về việc ông Nauta chuyển các thùng từ khu vực lưu trữ đến tư dinh của ông Trump, thì ông Nauta dường như có rất ít biện pháp bào chữa, ít nhất là trước cáo buộc khai man với FBI.
Ông Trump đang ở một vị thế được cho là tốt hơn ông Nauta, vì ông ấy có thể, và có lẽ sẽ đổ lỗi cho các luật sư của mình. Không giống như ông Nauta, ông Trump không đích thân nói với FBI. Ông Trump có thể lập luận rằng các luật sư của ông đã giải quyết toàn bộ vấn đề này và rằng ông không biết trát lệnh yêu cầu những gì, cũng như chứng nhận của trát lệnh nêu những gì. Trên thực tế, ông Trump có thể không có bất kỳ vai trò nào trong việc soạn thảo hoặc chấp thuận ngôn ngữ được sử dụng trong chứng nhận này.
Ông Trump có thể lập luận thêm, như ông ấy dường như đã làm trên đài Fox News, rằng ông ấy có quyền xem qua các thùng vốn là đối tượng của trát lệnh. Chẳng hạn, ông có thể nói mình chỉ đang thu hồi các vật dụng cá nhân và không chuyển đi bất kỳ tài liệu có đánh dấu là mật nào. Mặc dù từ cảnh quay của camera an ninh, ông Smith dường như biết có bao nhiêu thùng đã được chuyển đi và trả lại khu vực lưu trữ, nhưng không chắc rằng ông biết những gì, nếu có, đã bị lấy đi từ những thùng đó.
Ông Trump có thể tuyên bố rằng ông Corcoran chưa bao giờ giải thích nội dung của trát lệnh và nhiệm vụ của ông Corcoran là tiến hành một cuộc khám xét cẩn thận, chứ không phải là nhiệm vụ của ông Trump. Tương tự như vậy, ông có thể lập luận rằng ông Corcoran lẽ ra không nên để bà Bobb ký xác nhận mà không tìm kiếm các khu vực khác của dinh thự Mar-a-Lago. Ông thậm chí có thể lập luận rằng quyết định của ông Corcoran khi mời bà Bobb để thực hiện chứng nhận vào phút cuối là ngụ ý thừa nhận hành vi sai trái của ông Corcoran.
Chúng ta không biết ông Corcoran sẽ làm gì. Ông ấy có thể tự nhận mọi lỗi lầm hoặc có thể đồng ý với ông Smith rằng ông Trump đã đánh lừa ông ấy. Cuối cùng, có vẻ như những gì ông Corcoran sẽ trình bày với bồi thẩm đoàn và việc bồi thẩm đoàn sẽ tin ông Corcoran hay ông Trump sẽ quyết định số phận ông Trump liên quan đến những tội bị cáo buộc về can thiệp thủ tục và thực thi công lý kể trên.
Điều không thể chối cãi là ông Trump đang gặp nguy hiểm thực sự về mặt pháp lý. Không giống như các cáo buộc hời hợt do Biện lý Quận Manhattan Alvin Brag đưa ra hồi tháng Tư, các cáo buộc do ông Smith đưa ra là nghiêm trọng và dường như được nhiều bằng chứng tài liệu minh chứng. Ngoài ra còn có vấn đề của ông Nauta, người có thể quyết định làm chứng chống lại ông Trump để đổi lấy sự khoan hồng. Khả năng này cao bởi thực tế là ông Nauta dường như không có biện pháp bào chữa nào trước cáo buộc khai man về việc di chuyển các thùng tài liệu đó.
Mặc dù những sự kiện này hiện đã đặt ông Trump vào tình thế nguy hiểm về mặt pháp lý, nhưng cần lưu ý rằng không có quan chức nào từng bị truy đuổi ráo riết như ông Trump. Chẳng hạn, phải mấy năm sau khi Tổng thống Biden rời văn phòng phó tổng thống thì NARA mới quan tâm đến việc thu hồi các tài liệu mật của ông, một một trong những tài liệu này sau đó được tìm thấy trong nhà để xe của ông ở Delaware. Tương tự như vậy, không có hành động nào được thực hiện đối với cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton mặc dù thực tế là một kho tài liệu có đánh dấu mật đã được tìm thấy trên máy chủ thư điện tử cá nhân của bà. Vào thời điểm đó, Giám đốc FBI đương thời James Comey đã đưa ra một tuyên bố tai tiếng rằng bà Clinton “hết sức bất cẩn” nhưng “không có công tố viên biết lý lẽ nào lại đưa ra một vụ kiện như vậy.” Không còn nghi ngờ gì nữa, ông Trump được đối xử theo một tiêu chuẩn rất khác.
Nhóm biên dịch tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times