Các chuyên gia pháp lý cho biết vụ truy tố cựu TT Trump của DOJ sẽ không ‘nhanh chóng’
Mặc dù cựu Tổng thống Donald Trump đã bị buộc tội hôm thứ Ba (13/06) và các công tố viên hứa hẹn một “phiên tòa nhanh chóng”, nhưng một số nhà phân tích nói rằng có khả năng điều đó sẽ không xảy ra trong trường hợp này.
Biện lý Đặc biệt Jack Smith đã truy tố ông Trump với hơn ba chục cáo buộc liên quan đến việc liệu ông có quản lý sai hồ sơ mật hay không. Trong một tuyên bố hồi tuần trước (05-11/06), ông Smith cho biết ông sẽ chọn tiến hành một “phiên tòa nhanh chóng” dành cho ông Trump, nhưng các cựu công tố viên nói rằng những vụ án như vậy thường sẽ kéo dài.
Nhận xét của ông Smith là “chỉ là mơ tưởng hão huyền,” luật sư cao cấp của Hoa Thịnh Đốn, ông Mark Zaid nói với Reuters. “Thực tế là nhóm của ông Trump sẽ kiểm soát phần lớn thời gian của vụ án.”
Các vụ án theo Đạo luật Gián điệp như vụ của ông Trump là đặc biệt phức tạp vì một số bằng chứng quan trọng được trình bày trong một phiên tòa công khai là thông tin mật. Do đó, các công tố viên cần phải cân bằng hai phương diện dường như mâu thuẫn với nhau: Nhu cầu bảo vệ những bí mật được giữ kín của quốc gia trong khi vẫn bảo đảm rằng ông Trump được trải qua quy trình xét xử theo đúng thủ tục bằng cách cho phép tiếp cận bằng chứng để giúp ông chuẩn bị lời bào chữa.
Ông Stephanie Siegmann, cựu giám đốc đơn vị an ninh quốc gia của Văn phòng Biện lý Hoa Kỳ tại Boston, nói với Reuters: “Trong mọi vụ án mà tôi gặp liên quan đến thông tin mật, chúng tôi chưa bao giờ có một phiên tòa nhanh chóng.” Ông Siegmann nói rằng quá trình chia sẻ bằng chứng với nhóm bào chữa của ông Trump có thể sẽ mất khoảng một năm.
“Vụ án này sẽ được xem là phức tạp vì liên quan đến thông tin mật,” ông Siegmann, hiện là đối tác của công ty luật Hinkley Allen, nói với hãng thông tấn này.
Đối với cả nhóm bào chữa và bồi thẩm đoàn, quyết định về cách thức chia sẻ bằng chứng mật có thể gây tranh cãi và có thể dẫn đến các cuộc chiến pháp lý mà sẽ diễn ra hầu như trong bí mật ở hậu trường. Đôi khi, theo luật, một số phiên điều trần phải được tiến hành với chỉ một bên, nghĩa là các luật sư riêng của ông Trump không thể có mặt.
Ngoài ra, trong các vụ án áp dụng Đạo luật Gián điệp, các quyết định về kiến nghị trước khi xét xử liên quan đến bằng chứng mật có thể bị kháng cáo — một bước bổ sung thường không được phép trong hầu hết các vụ án hình sự thông thường. Ví dụ, nếu các công tố viên tìm cách bảo vệ không cho công khai các hồ sơ chứa các kế hoạch chiến đấu hoặc các bí mật về vũ khí hạt nhân, thì nhóm của ông Trump có thể đồng ý rằng hồ sơ đó cần được bảo vệ hoặc họ có thể tranh tụng để công khai hồ sơ đó.
Ông David Aaron, một cựu công tố viên kỳ cựu của Bộ Tư pháp hiện đang làm việc cho Perkins Coie, cho biết: “Một số nhóm bào chữa sẽ đồng ý rằng thông tin đó phải được bảo vệ.” Công ty luật Perkins Coie đã được chiến dịch tranh cử năm 2016 của bà Hillary Clinton thuê và bị cáo buộc trả tiền cho bên thứ ba để tạo ra một hồ sơ hiện đã mất uy tín nhắm vào ông Trump.
Ông Aaron nói với Reuters, “Nhưng một nhóm bào chữa có mọi quyền hạn để phản đối ý tưởng của việc thậm chí là bảo vệ thông tin đó tại phiên tòa … họ có thể tiếp tục và thách thức mọi lập luận mà chính phủ đưa ra.”
Một yếu tố phức tạp trong vụ án này là thẩm phán. Các báo cáo ban đầu chỉ ra rằng Thẩm phán Tòa Địa hạt Liên bang Aileen Cannon, người được ông Trump đề cử, đang giám sát vụ án.
Ông Alan Rozenshtein, cựu luật sư của Bộ phận An ninh Quốc gia DOJ, hiện là giáo sư luật tại Đại học Minnesota, nói với CNN: “Hầu như chẳng có ai quyền lực hơn một thẩm phán địa hạt trong một vụ án liên bang.” Bà Cannon “có thể — nếu bà ấy muốn — gây ra những vấn đề lớn cho bên công tố. Đó sẽ là những vấn đề sống còn chứ? Có lẽ là không.”
Khi trình diện tại một phiên tòa hôm thứ Ba (13/06), ông Trump đã không nhận tội đối với 37 cáo buộc nhắm vào ông. Các công tố viên, trong một bản cáo trạng được công bố hồi cuối tuần trước, đã cáo buộc ông Trump lưu giữ trái phép thông tin quốc phòng và che giấu các tài liệu.
Trong nhiều bài đăng trực tuyến và trong một lần dừng chân ở Miami, ông Trump đã tuyên bố mình vô tội và cho biết Bộ Tư pháp đang nhắm đến ông vì các mục đích có động cơ chính trị. Sau đó vào tối thứ Ba, cựu tổng thống đã đưa ra một tuyên bố trên truyền hình và nói rằng một số hồ sơ trong số đó sẽ được sử dụng cho thư viện tổng thống của mình.
“Hôm nay chúng ta chứng kiến sự lạm dụng quyền lực xấu xa và ghê tởm nhất trong lịch sử đất nước chúng ta. Điều rất đáng buồn để chứng kiến,” ông Trump nói trong một bài diễn văn. “Đó là một cuộc đàn áp chính trị giống như một thứ gì đó bắt nguồn trực tiếp từ một quốc gia phát xít hoặc cộng sản,” ông nói thêm.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times