PHÂN TÍCH: Sự xuất hiện hiếm hoi của thủ tướng về hưu Ôn Gia Bảo làm dấy lên đồn đoán chính trị
Cựu Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, người đã về hưu nhiều năm, mới đây đã xuất hiện trên mạng trong bức ảnh chụp chung với phu nhân của mình và cựu cấp trên Chu Huấn cùng phu nhân của ông Chu. Đây là lần xuất hiện rất hiếm thấy của ông Ôn.
Ông Chu Huấn nguyên là Bộ trưởng Bộ Địa chất và Khoáng sản.
Các nhà phân tích thời sự nghi ngờ sự xuất hiện trên mạng của ông Ôn không phải được thực hiện theo ý muốn của ông mà do giới lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) yêu cầu, điều này mang nhiều ý nghĩa.
Ông Ôn, hiện 81 tuổi, từ chức thủ tướng vào tháng 03/2013 và xuất hiện trước công chúng lần gần đây nhất vào cuối năm 2022, khi tham dự tang lễ của cựu độc tài ĐCSTQ Giang Trạch Dân.
Sau khi cựu bí thư Hồ Cẩm Đào lên nắm quyền, ông Giang đã can thiệp vào công việc chính trị của ông Hồ cả công lẫn tư, làm suy giảm quyền lực của ông Hồ một cách hiệu quả.
Kể từ khi lãnh đạo hiện tại của ĐCSTQ, ông Tập Cận Bình, lên nắm quyền vào năm 2012, ảnh hưởng của các chính trị gia kỳ cựu này đối với chế độ hiện tại đã dần suy yếu. Họ hiếm khi xuất hiện trước công chúng trừ khi họ tham dự các sự kiện chính thức quan trọng. Vì vậy, một khi họ xuất hiện, điều này thường được hiểu là một loại tín hiệu chính trị nào đó hoặc dấu hiệu của sự thay đổi đường hướng chính trị.
Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times, nhà phân tích thời sự Lam Thuật (Lan Shu) sống tại Hoa Kỳ, nói rằng sự xuất hiện của ông Ôn chắc hẳn là đã được ông Tập chấp thuận.
Ông Lam nói, “Hiện nay, ông Tập Cận Bình phải giải quyết những vấn đề kinh tế rất phức tạp, và cũng đang phải đối mặt với cả áp lực ở cả trong lẫn ngoài nước, vì vậy ông ấy cần phải thỏa hiệp với nhiều phe phái khác nhau trong đảng.”
“Có một nhóm người trong ĐCSTQ có quan điểm khác nhau về các chính sách kinh tế hiện tại của ông Tập Cận Bình, nhưng sự bất đồng này không đến mức đấu tranh nội bộ vì về cơ bản, không ai trong giới lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ có khả năng tham gia vào một cuộc đấu tranh quyền lực nội bộ với ông Tập Cận Bình.”
Sự xuất hiện của ông Ôn có nhiều ý nghĩa
Nhà bình luận thời sự Trần Phá Không (Chen Pokong) sống tại Hoa Kỳ nói với The Epoch Times hôm 23/12 rằng ông tin sự xuất hiện của ông Ôn không phải là do ông tự ý và ông ấy cũng không thể tự mình lập kế hoạch xuất hiện trước công chúng.
“Do đó, tôi tin rằng ông Tập Cận Bình lần này đang cần ông Ôn ra mặt,” ông Trần nhận xét.
Theo ông Trần, sự xuất hiện của ông Ôn có nhiều ý nghĩa.
Đầu tiên, ông Tập đang tìm cách xoa dịu và lấy lòng đàn anh trong đảng.
Ông Trần cho rằng mối liên hệ giữa ông Tập và những đảng viên lão làng đã hoàn toàn tan vỡ, khi ông Tập buộc ông Hồ phải rời khỏi Đại hội 20, và sự qua đời bí ẩn và đáng ngờ của cựu Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường dẫn đến việc các đảng viên kỳ cựu đều vắng mặt trong tang lễ của ông Lý.
Vì ông Ôn không thuộc phe phái nào nên việc ông Tập khiến ông Ôn được mọi người chú ý, có thể có lợi cho ông Tập.
Ông Trần tin rằng việc ông Tập dàn xếp sự xuất hiện trước công chúng của ông Ôn là để giảm bớt căng thẳng giữa các phe phái chính trị khác nhau.
Thứ hai, ông Tập đang cố gắng lấy lòng những người theo chủ nghĩa cải cách. Ông Trần cho hay ĐCSTQ hiện đang gặp khó khăn về kinh tế và thất bại toàn diện trong các vấn đề đối nội và ngoại giao.
Ông Trần nhận xét, “Năm nay được quảng bá rầm rộ là năm đánh dấu ‘kỷ niệm 45 năm cải cách và mở cửa,’ và chính quyền ông Tập Cận Bình đang giả vờ rằng họ muốn thực hiện cải cách và mở cửa để thu hút đầu tư và kinh doanh ngoại quốc.”
“Tuy nhiên, các nhà đầu tư và công ty nước ngoài nhìn chung cho rằng ĐCSTQ không có uy tín và thiếu tin tưởng vào chế độ của ông Tập Cận Bình. Vì vậy, ông Tập đã sắp xếp để ông Ôn Gia Bảo ra mặt như một cách để làm hài lòng những người theo chủ nghĩa cải cách, đồng thời, ông ta cũng đang thể hiện thiện chí với cộng đồng quốc tế và người dân.”
Lý do thứ ba và quan trọng hơn là có tin đồn gần đây rằng Phó Thủ tướng Lưu Hạc đã bị bắt. Tin tức về việc ông Lưu được cho là bị bắt đã lan truyền rộng rãi, nhưng nhà chức trách vẫn chưa bác bỏ tin đồn đó, và ông Lưu cũng không thấy xuất hiện.
Ông Trần cho rằng sự xuất hiện của ông Ôn vào lúc này cũng có thể là nỗ lực của chính quyền nhằm chuyển hướng sự chú ý của người dân khỏi vụ việc của ông Lưu.
Ông Trần, “Tôi nghĩ sự xuất hiện trước công chúng gần đây của ông Ôn Gia Bảo chủ yếu là do người nắm quyền hiện tại muốn lợi dụng sức ảnh hưởng và danh tiếng của ông [Ôn], hoặc đang cố gắng sử dụng hình ảnh của ông Ôn với tư cách là một chính trị gia kỳ cựu và là một nhà cải cách. Vì vậy, ảnh hưởng của sự việc lần này tương đối nhỏ và có thể xem là biện pháp tạm thời. Điều này không ám chỉ bất kỳ hành động to lớn có ý nghĩa lâu dài nào.”
Hoàn cảnh của ông Ôn khác hẳn
Sau khi ông Ôn rời nhiệm sở, ông Lý Khắc Cường đã kế nhiệm ông làm thủ tướng Trung Quốc cho đến tháng Ba năm nay. Sau khi ông Lý rời nhiệm sở, ông ấy hiếm khi xuất hiện trước công chúng. Hồi cuối tháng Tám, ông xuất hiện tại Hang Mạc Cao ở Đôn Hoàng, tỉnh Cam Túc, đây là lần đầu tiên ông Lý xuất hiện trước công chúng sau khi rời nhiệm sở.
Video và hình ảnh lan truyền trên mạng cho thấy ông Lý tươi cười vẫy tay chào đám đông, trông khỏe mạnh và tinh thần vui vẻ. Tuy nhiên, vào ngày 27/10, có tin ông qua đời vì một cơn đau tim đột ngột ở Thượng Hải.
Sự qua đời đột ngột của ông Lý đã gây xôn xao khắp thế giới và gây bất bình trong dư luận Trung Quốc. Các cuộc thảo luận về nguyên nhân tử vong và quá trình cứu chữa của ông tiếp tục lan truyền trên mạng, với nhiều câu hỏi rằng ông ấy có thể đã bị sát hại bởi những người không ưa ông.
Một số người hỏi liệu sự xuất hiện gây chú ý của ông Ôn có khiến ông rơi vào tình huống tương tự như ông Lý Khắc Cường hay không.
Theo ông Lam Thuật, ông Tập chắc phải biết trước việc ông Ôn xuất hiện trước công chúng nên ông Lam cho rằng việc này sẽ không mang lại rắc rối gì cho ông Ôn.
Ông Trần cũng cho rằng hoàn cảnh của ông Lý hoàn toàn khác với ông Ôn.
Ông nói rằng chuyến thăm của ông Lý tới Đôn Hoàng có một số yếu tố bối cảnh: thứ nhất, ông Tập đang có chuyến công du ngoại quốc tới Nam Phi; thứ hai, trong Hội nghị Bắc Đới Hà, một số chính trị gia kỳ cựu bày tỏ sự không hài lòng với ông Tập, điều này chắc chắn sẽ khiến ông Tập tức giận.
Ông Trần nhận định, “Những bức ảnh và video về chuyến thăm Đôn Hoàng của ông Lý Khắc Cường đã được đăng tải trên mạng, gây xôn xao dư luận. Công chúng vẫn đặt hy vọng vào ông Lý Khắc Cường, khiến ông Tập Cận Bình cho rằng ông Lý Khắc Cường là mối đe dọa đối với mình, và ông Tập muốn xua tan sự kỳ vọng của người dân.”
“Nhưng hoàn cảnh của ông Ôn Gia Bảo là hoàn toàn khác,” ông Trần nói.