PHÂN TÍCH: ‘Rừng chuyển đổi thành đất nông nghiệp’ báo hiệu Trung Quốc quay trở lại nền kinh tế theo kế hoạch
Một phong trào đang phát triển để chuyển đổi rừng trở thành đất nông nghiệp và sự xuất hiện đột ngột của những cán bộ chấp pháp nông thôn độc đoán là trung tâm của các sự kiện đầy kịch tính mới đây ở Trung Quốc.
Trung Quốc đang thực hiện một nỗ lực lớn để mở rộng diện tích đất canh tác của mình. Phong trào này đảo ngược các chính sách sinh thái “từ đất nông nghiệp thành rừng” trong nhiều năm và có cả việc thành lập một “Đội Thực thi Pháp luật Hành chính Toàn diện Nông thôn” mới. Các cán bộ quản lý nông nghiệp này đã nhanh chóng bắt đầu gây khó chịu vì các chiến thuật côn đồ của họ.
Các nhà phân tích cho biết, nỗ lực tăng diện tích đất nông nghiệp và quản lý các khu vực nông thôn của Trung Quốc phản ánh ý định của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhằm thay thế nền nông nghiệp đa dạng và có định hướng thị trường bằng sản xuất lương thực theo kế hoạch. Điều đó cũng nhằm giành lại quyền kiểm soát tập trung của đảng này đối với vùng nông thôn, vốn là một “mắt xích yếu” trong nhiều năm.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng động lực “đòi lại” các khu rừng hoặc cảnh quan đô thị và ra lệnh cho nông dân trồng những gì trái ngược với lẽ thường và đã biến thành một phong trào chính trị.
San ủi vành đai xanh của ‘thành phố công viên’
Trong những gì có thể là dấu hiệu kịch tính nhất của các chính sách mới này, những chiếc máy ủi đã phá bỏ vành đai xanh dài 100 km (62 dặm) nổi tiếng xung quanh thành phố Thành Đô phía tây nam. Những cảnh quan đang được trồng lại lúa mì và bắp; Những ao sen tự nhiên thu hút hàng ngàn du khách mùa hè đang bị lấp đầy.
Thành phố 20 triệu dân này từng quy hoạch xây dựng vành đai xanh rộng lớn — được quảng cáo là hệ thống vành đai xanh lớn nhất thế giới — như một phần của kế hoạch biến Thành Đô thành một “thành phố công viên.” Vành đai xanh trị giá 34.1 tỷ nhân dân tệ (khoảng 4.9 tỷ USD) đã được ấn định sẽ hoàn thành vào cuối năm 2023. Hiện nay, vành đai này đang được “khôi phục” thành đất nông nghiệp.
Mới mùa thu năm ngoái (2022), Thành Đô, một “thành phố trong một công viên,” đã được quảng cáo là “một mô hình phát triển đô thị mới” nhờ vành đai xanh rộng lớn của thành phố.
Tuy nhiên, hôm 28/03 công ty xây dựng vành đai xanh này, Tập đoàn Thiên Phủ Lục đạo (Tianfu Greenway Group), đã thông báo rằng họ sẽ nỗ lực hết sức để khôi phục và canh tác hơn 16,000 hecta đất nông nghiệp trên toàn thành phố.
Theo các nhà phân tích, cảnh quan sinh thái quy mô lớn này chủ yếu là quy hoạch đô thị để tăng giá trị địa ốc và thu hút doanh nghiệp đến Thành Đô. Chuyên gia sinh thái hiện đang sống tại Đức Vương Duy Lạc (Wang Weiluo), viết trên Nghị Báo (Yibao Online) hôm 07/05, nói rằng “các khu bảo vệ và biệt lập sinh thái ở Thành Đô đóng một vai trò quan trọng trong tổng quy hoạch đô thị, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, môi trường dân cư, và giá trị địa ốc ở Thành Đô.”
Một bài báo ngày 10/03/2021 trên hãng truyền thông nhà nước Tân Hoa Xã đã ca ngợi vẻ đẹp và giá trị sinh thái của quá trình chuyển đổi của thành phố này, với “trái tim xanh,” “lá phổi xanh” và “các huyết mạch xanh.” Thành Đô đã thành công trong việc “xây dựng cảnh quan để thu hút mọi người.”
Tuy nhiên, ông Vương đã cho thấy rằng trong 10 năm qua đất canh tác ở Tứ Xuyên, nơi có Thành Đô, đã giảm 22.2%, mức giảm lớn nhất trong số các tỉnh lớn của Trung Quốc. Trong bối cảnh chiến dịch quốc gia đang diễn ra chống lại “sự phi nông nghiệp hóa,” mức giảm đất canh tác này đã khiến Tứ Xuyên trở thành mục tiêu hàng đầu.
Tìm kiếm lợi ích chính trị
Ông Vương cho biết những vùng đất được sử dụng để xây dựng Thiên Phủ Lục đạo rất có thể được phân loại là đất nông nghiệp trường kỳ trong cuộc khảo sát đất đai quốc gia lần thứ hai của Trung Quốc, được thực hiện hồi năm 2007 để xác định tình trạng sử dụng đất. Do đó, những vùng đất này phải được khôi phục và canh tác một cách có kỹ thuật.
Tuy nhiên, ông Vương cho rằng việc thu hồi đất mới đây không được thực hiện vì lợi ích an ninh lương thực của Trung Quốc. Thay vào đó, việc này thể hiện một sự phô trương sức mạnh như một phần của nỗ lực từ trên xuống.
Ông Hạ Hải Ba (He Haibo), giáo sư tại Đại học Sư phạm Hồ Bắc, viết trên tờ The Observer của Trung Quốc hôm 11/05 rằng việc mở rộng diện tích đất canh tác đã trở thành một nhiệm vụ chính trị dành cho các chính quyền địa phương.
“Việc chuyển rừng thành đất canh tác” là vi phạm lẽ thường, ông Hạ nói, bởi vì việc sản xuất các loại ngũ cốc thiết yếu như gạo, lúa mì, và bắp “phụ thuộc vào những điều kiện môi trường tự nhiên.” Khi nông dân bỏ hoang đất đai, thường là vì những lý do thực tế như đất cằn cỗi, thiếu nước, hoặc dễ bị lũ lụt. Do đó, ngay cả khi được thu hồi, thì đất đó không thể sinh lợi nhuận. Hơn nữa, nhổ bỏ hàng trăm hecta cây trồng sinh lời như nho, kiwi, hoặc đào để trồng các loại cây lương thực là đi ngược lại các nguyên tắc kinh tế.
Hôm 17/05, ông Lý Nguyên Hoa (Li Yuanhua), cựu giáo sư tại Đại học Sư phạm Thủ đô Bắc Kinh, đã nói chuyện với The Epoch Times về sáng kiến này, vốn đã trở thành một phong trào chính trị, ông nhận định rằng với việc các quan chức địa phương không thực sự tập trung vào sản xuất nông nghiệp mà chỉ tìm kiếm lợi ích chính trị.
Lực lượng ‘nông quản’: Tiến tới một nền kinh tế theo kế hoạch
Là một phần của nỗ lực chuyển đổi rừng thành đất nông nghiệp, ĐCSTQ đã thành lập một “Đội Thực thi Pháp luật Hành chính Toàn diện Nông thôn.”
Các cán bộ mới này — có hơn 82,000 người trên toàn quốc — đã khiến các nông dân và cư dân mạng phẫn nộ vì các chiến thuật độc đoán của họ. Thông thường, họ được gọi là nông quản — nghĩa đen là những cán bộ chấp pháp nông thôn — một sự liên tưởng tới những các bộ chấp pháp đô thị giống như côn đồ được gọi là thành quản (quản lý đô thị). Cùng với các quan chức địa phương, lực lượng nông quản cưỡng chế chặt bỏ những cây trồng không được phép, dùng đến bạo lực nếu nông dân phản đối.
Mặc dù về mặt lý thuyết, họ không phải là công an, nhưng nông quản có nhiều quyền hạn và thẩm quyền giống như công an. Họ là một phần quan trọng của cách tiếp cận từ trên xuống dựa vào mệnh lệnh hành chính của ĐCSTQ để chỉ thị toàn bộ hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Ưu tiên hàng đầu của ĐCSTQ hiện nay là nguồn cung cấp ngũ cốc của quốc gia. Hồi cuối tháng Ba, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn đã ban hành một chỉ thị đưa việc “ổn định nguồn cung cấp ngũ cốc” trở thành một việc ưu tiên thường niên của các sở nông nghiệp thuộc tất cả các cấp [chính quyền.]
Theo ý kiến của ông Lý, những ý định của Trung Quốc đối với Đài Loan là không thể tách rời khỏi việc chú trọng chuyển đổi rừng thành đất nông nghiệp. Trung Quốc muốn sử dụng vũ lực với Đài Loan nhưng lo ngại các lệnh trừng phạt quốc tế có thể đe dọa an ninh lương thực của nước này.
Dữ liệu chính thức cho thấy trong năm 2021 Trung Quốc đã nhập cảng 160 triệu tấn ngũ cốc, một mức cao kỷ lục. Điều này đã làm dấy lên những lo ngại giữa các nhà chức trách của ĐCSTQ về khả năng tự cấp lương thực nếu các lệnh trừng phạt làm gián đoạn nguồn cung cấp lương thực của nước này. Do đó, chế độ này đang nhấn mạnh đến sự ổn định nguồn cung cấp ngũ cốc và an ninh lương thực.
Một sự kiểm soát chặt chẽ hơn ở nông thôn Trung Quốc
Ông Lý nói với The Epoch Times rằng các hành động đó của ĐCSTQ cho thấy một sự chuyển hướng tới nền kinh tế theo kế hoạch của thời kỳ Cách mạng Văn hóa.
Mặc dù các vấn đề liên quan đến lương thực đang thúc đẩy sáng kiến quản lý nông nghiệp mới đây của ĐCSTQ, nhưng việc tăng cường kiểm soát đối với vùng nông thôn Trung Quốc cũng là một yếu tố.
Trong những năm mới đây, ĐCSTQ đã siết chặt các khu vực nông thôn, tăng cường các cấu trúc quản lý ở tất cả các cấp cho đến xuống trưởng thôn. Hồi tháng Hai, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc đã đề nghị mở rộng hệ thống tín dụng xã hội ở khu vực nông thôn, bao gồm nhiều “cửa hàng bách hóa tín dụng xã hội” hơn, trong đó cho phép nông dân đổi điểm tín dụng xã hội lấy hàng hóa.
Theo ông Lý, các khu vực nông thôn của Trung Quốc là một mắt xích yếu trong công cuộc “duy trì sự ổn định” của ĐCSTQ.
Trong số các yếu tố khác, thị trường nhân công của Trung Quốc suy giảm mạnh sau Tết Nguyên Đán. Nhiều nhà máy sa thải công nhân hoặc giảm lương do thiếu đơn đặt hàng và hàng tồn kho dư thừa.
Đối với một chính quyền luôn lo sợ mất kiểm soát đối với tất cả những thứ khác, việc hồi hương của một số lượng lớn những người làm công bị thất nghiệp — và do đó trở nên bất mãn — chắc chắn sẽ gây lo ngại. Ông Lý đưa ra giả thuyết rằng, bằng cách tập trung kiểm soát các nguồn lực sản xuất và sinh kế ở nông thôn, với sự trợ giúp của lực lượng chấp pháp nông thôn mới của mình, ĐCSTQ cũng hy vọng khôi phục lại tầm kiểm soát tập thể của họ.
Tuy nhiên, ông nói, việc quay trở lại các điều kiện sản xuất và sinh kế của Cách mạng Văn hóa là “một sự thụt lùi của lịch sử” và “sự mơ tưởng” của ĐCSTQ.
‘Bát cơm nằm chắc trong tay
Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề an ninh lương thực và khả năng tự cấp lương thực. Hồi cuối năm 2021, trong Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương của Trung Quốc, ông Tập đã nhấn mạnh rằng “bát cơm của người dân Trung Quốc phải luôn nằm chắc trong tay họ” và rằng họ không bao giờ được để vấn đề lương thực đàn áp họ.
Đáp lại, hôm 17/05 nhà bình luận chính trị Nhật Bản Lý Yến Minh (Li Yiming) nói với The Epoch Times rằng ý tưởng tự cấp lương thực của ĐCSTQ là không thực tế. Ông Lý cho biết điều kiện tài nguyên thiên nhiên của mỗi quốc gia quyết định tỷ lệ tự cấp lương thực này. Ví dụ: vào năm 2021, tỷ lệ tự cấp lương thực của Vương quốc Anh là 601% và đối với Nhật Bản, thì tỷ lệ này chỉ là 38%.
Các ước tính về tỷ lệ tự cấp lương thực của Trung Quốc khác nhau, thường dao động từ 65.8% đến 76.8%. Ông Lý Yến Minh cho rằng miễn là khi thương mại quốc tế bình thường được duy trì thì những con số đó sẽ không thành vấn đề.
David Chu, Kane Zhang, và Ellen Wan thực hiện
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times