PHÂN TÍCH: Phải chăng nền kinh tế Hoa Kỳ đang hướng tới ‘hạ cánh mềm’?
Một số báo cáo mới đã củng cố quan điểm rằng nền kinh tế Hoa Kỳ có thể kiên trì với tình huống gọi là “hạ cánh mềm”, đề cập đến một kịch bản trong đó lạm phát giảm trở lại mức mục tiêu trong khi tránh được một cuộc suy thoái kinh tế và không có sự sụt giảm việc làm đáng kể nào.
Hai báo cáo — khảo sát CEO về triển vọng kinh tế hàng quý của Hội nghị bàn tròn Doanh nghiệp (BR) và Đánh giá Kinh tế Hàng tháng của Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia (NRF) — vẽ nên một bức tranh về một nền kinh tế đang hạ nhiệt nhưng không nhất thiết rơi vào tình trạng đóng băng sâu do suy thoái.
Những lo lắng về “hạ cánh cứng” là câu chuyện phổ biến hồi cuối năm 2022 nhưng nỗi sợ đó đã nhường chỗ cho những hy vọng về “hạ cánh mềm” trong năm mới trước khi tình trạng hỗn loạn của ngành ngân hàng và mức trần nợ công gây ra một đợt tâm lý e ngại mới về suy thoái kinh tế.
Nhưng khi khó khăn từ cuộc khủng hoảng mức trần nợ đã giảm bớt, thì câu chuyện về “hạ cánh mềm” lại một lần nữa được khơi ra, với một số điểm dữ liệu ủng hộ quan điểm này.
Giám đốc điều hành của BlackRock, ông Larry Fink, cho biết hồi tuần trước (29/05-04/06), “Nền kinh tế có khả năng phục hồi tốt hơn những gì thị trường nhận ra.” Ông cho biết thêm rằng ông hy vọng Cục Dự trữ Liên bang sẽ tăng lãi suất hơn nữa khi đối mặt với lạm phát cao, nhưng ông không thấy “bằng chứng nào cho thấy chúng ta sẽ có một cuộc hạ cánh cứng.”
Suy giảm nhưng không đến nỗi tuyệt vọng
Chỉ số tổng thể của Hội nghị bàn tròn Kinh doanh về kỳ vọng của CEO đã giảm nhẹ ba điểm từ 79 điểm hồi quý trước xuống còn 76 điểm trong quý hai. Mặc dù con số này thấp hơn mức trung bình lịch sử 84 điểm, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mốc 50 vốn là ranh giới phân chia giữa sự mở rộng và thu hẹp của nền kinh tế.
Và mặc dù sự nhiệt tình của các CEO đối với việc tuyển dụng mới giảm đi rõ rệt, tỷ lệ các giám đốc điều hành cho biết họ có dự định sa thải nhân viên đã chỉ tăng nhẹ thêm một điểm.
Kế hoạch chi tiêu vốn trong sáu tháng tới đã tăng một điểm, trong khi kỳ vọng doanh số bán hàng không thay đổi.
Dữ liệu từ cuộc khảo sát CEO của Hội nghị bàn tròn Kinh doanh cho thấy nền kinh tế đang suy yếu nhưng không rơi tự do.
‘Nhìn vào một lăng kính vạn hoa’
Báo cáo của NRF đã vẽ ra một bức tranh có sắc thái tương tự về các dấu hiệu trái chiều nhưng không có tín hiệu rõ ràng nào về một cuộc suy thoái kinh tế.
Nhà kinh tế trưởng Jack Kleinhenz của NRF cho biết: “Nền kinh tế ngày nay giống như nhìn vào một lăng kính vạn hoa, với góc nhìn thay đổi và dữ liệu cho thấy một phản ánh khác về những gì đang xảy ra mỗi khi quý vị nhìn vào.”
Chẳng hạn, trong khi dữ liệu khảo sát cho thấy niềm tin của người tiêu dùng đang suy giảm, thì dữ liệu chi tiêu thực tế cho thấy người mua sắm khá lạc quan trong quý thứ hai và vẫn tiếp tục chi tiêu.
“Chi tiêu của người tiêu dùng đã được hậu thuẫn nhờ thị trường việc làm mạnh mẽ và tiền lương tăng lên, điều đã giúp chống lại việc giá cả tăng cao và chi phí đi vay cao hơn,” ông Kleinhenz cho biết. “Mặc dù rất khó để dung hòa những quan điểm này, nhưng những gì chúng tôi đã học được trong vài năm qua là đừng loại người tiêu dùng Mỹ ra trong việc tính toán — ít nhất là chưa vội làm vậy.”
Dữ liệu kinh tế cấp tiểu bang được trích dẫn trong báo cáo NFR đã tăng lên trong ba tháng qua ở mọi tiểu bang ngoại trừ Alaska, ông Kleinhenz nói rằng điều này cho thấy “chúng ta đang không trong tình trạng suy thoái.”
Ông Kleinhenz đã nói thêm về quan điểm của NRF về triển vọng kinh tế Hoa Kỳ: “Chúng tôi tiếp tục tìm kiếm một cuộc hạ cánh mềm trong năm nay.”
Câu chuyện về một cuộc hạ cánh mềm cũng nhận được sự ủng hộ từ Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen, người đã nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây trên CNBC rằng bà tiếp tục “nhìn thấy một con đường giảm lạm phát trong khi vẫn duy trì được một thị trường lao động mạnh mẽ.”
Tuy nhiên, dữ liệu sản xuất gần đây của Viện Quản lý Cung ứng (ISM) đã thách thức quan điểm về một cuộc hạ cánh mềm, cho thấy lĩnh vực sản xuất của Hoa Kỳ đã rơi vào suy thoái. Chỉ số sản xuất ISM mới nhất đã giảm xuống 46.9, đây là tháng thứ bảy liên tiếp có chỉ số này dưới 50.
Ông James Knightley, trưởng bộ phận kinh tế quốc tế của ING đã viết trong một ghi chú gần đây: “Đơn đặt hàng cho lĩnh vực dịch vụ còn yếu và sẽ cần phải xoay chuyển nhanh chóng để ngăn lĩnh vực dịch vụ cũng rơi vào xu hướng đó.”
Bức tranh hỗn hợp
Bà Yellen cho biết nền kinh tế Hoa Kỳ đang mạnh trong bối cảnh chi tiêu của người tiêu dùng tăng mạnh nhưng một số lĩnh vực đang chậm lại, đồng thời cho biết thêm rằng bà dự đoán tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng khi Fed tiếp tục đạt được tiến bộ trong việc đưa lạm phát xuống gần mức mục tiêu 2%.
Bà nói rằng trong khi các ngân hàng có thể phải chật vật với địa ốc thương mại và phải đối mặt với một số thương vụ hợp nhất khi các tổ chức yếu hơn sụp đổ và bị các đối tác mạnh hơn của họ thâu tóm, thì vẫn có đủ thanh khoản trong hệ thống để toàn bộ hệ thống ngân hàng có thể chịu được bất kỳ căng thẳng nào.
Bà Yellen bày tỏ quan điểm rằng lạm phát có thể được hạ xuống mà không ảnh hưởng đến thị trường lao động. Bà đã dự đoán rằng chu kỳ tăng lãi suất của Fed sẽ đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên khoảng 4%, tăng nhẹ so với mức 3.7% hồi tháng Năm.
“Chúng tôi luôn cho rằng tỷ lệ thất nghiệp một chữ số ở mức 4 là một thị trường lao động rất mạnh,” bà Yellen nói. “Rõ ràng, người Mỹ cảm thấy tốt về triển vọng công việc của họ. Họ đang nhanh chóng tìm được việc làm.”
Khi được hỏi về quan điểm của cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Richmond Jeffrey Lacker rằng lãi suất quỹ liên bang sẽ phải tăng lên 6% để chế ngự lạm phát, bà Yellen bày tỏ tin tưởng rằng các nhà hoạch định chính sách của Fed sẽ làm những gì cần thiết, trong khi thừa nhận rằng nền kinh tế đang chậm lại.
Bà Yellen nói: “Chi tiêu của người tiêu dùng tiếp tục tăng trưởng khá mạnh mẽ, nhưng quý vị cũng đang chứng kiến các lĩnh vực của nền kinh tế đang chậm lại. Và đây là đánh giá mà các đồng nghiệp cũ của tôi tại Fed rất có khả năng đưa ra. Như tôi đã nói, tôi nghĩ điều quan trọng là cố gắng giảm lạm phát. Đó là ưu tiên hàng đầu.”
Lãi suất quỹ liên bang hiện tại nằm trong khoảng 5-5.25%.
Dự báo kinh tế Hoa Kỳ giảm
Đồng thời, Ngân hàng Thế giới đã cắt giảm một nửa dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 của Hoa Kỳ, dự đoán rằng người tiêu dùng bền bỉ của Hoa Kỳ sắp suy yếu “đáng kể” và có rất nhiều rủi ro đối với triển vọng kinh tế.
Báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu mới nhất của Ngân hàng Thế giới dự đoán rằng, sau khi tăng trưởng 1.1% vào năm 2023, nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ giảm tốc độ tăng trưởng xuống còn 0.8% vào năm 2024.
Trong phiên bản báo cáo trước đó hồi tháng Một, Ngân hàng Thế giới dự kiến nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ tăng trưởng 1.6% vào năm 2024, với các số liệu cập nhật chỉ bằng một nửa tốc độ đó.
Việc hạ bậc này chủ yếu là do tác động kéo dài của việc lãi suất tăng mạnh trong hơn một năm rưỡi qua khi Fed đã phải chật vật để giảm bớt áp lực giá cả.
Ngân hàng Thế giới dự đoán rằng tác động lớn nhất mà lãi suất cao có đối với tăng trưởng của Hoa Kỳ dự kiến sẽ xảy ra vào một thời điểm nào đó trong năm 2023. Đồng thời, tác động trễ của việc tăng lãi suất dự kiến sẽ tiếp tục trong năm tới và nền kinh tế năm 2024 có thể sẽ “yếu.”
Tiêu dùng của Hoa Kỳ, mà Ngân hàng Thế giới cho biết là đã “bền bỉ” cho đến nay, dự kiến sẽ chậm lại “đáng kể” do chi phí đi vay cao hơn, điều kiện tài chính thắt chặt hơn, và các khoản tiết kiệm cạn kiệt ảnh hưởng đến chi tiêu của các gia đình.
Ngân hàng Thế giới cho biết trong báo cáo, “Hoạt động dự kiến sẽ tăng lên vào cuối năm tới, khi lạm phát giảm bớt và tác động của việc thắt chặt chính sách tiền tệ giảm dần.”
Tại Hoa Kỳ, tăng trưởng kinh tế dự kiến sẽ suy yếu “đáng kể” trong năm nay và đến đầu năm 2024, báo cáo cho biết.
Dữ liệu GDP hiện tại mới nhất của Fed Atlanta, được công bố hôm 07/06, cho thấy nền kinh tế Hoa Kỳ đang mở rộng trong quý hai với tốc độ hàng năm là 2.2%.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times