PHÂN TÍCH: Ông McCarthy có tầm ảnh hưởng lớn hơn sau trận chiến về mức trần nợ
Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) đã không còn là cầu thủ tiền vệ chính bị đánh giá thấp của Hạ viện.
Mặc dù đã đắc cử chức chủ tịch Hạ viện ở vòng bỏ phiếu thứ 15 và bị Tổng thống Joe Biden liên tục phớt lờ, nhưng dân biểu California kiên quyết này đã thành công trong việc thuyết phục tổng thống ngồi vào bàn đàm phán, giữ vững lập trường về các vấn đề lằn ranh đỏ, và khiến một dự luật về mức trần nợ được Quốc hội thông qua mặc dù chiếm một khối đa số mỏng manh.
Với việc Đạo luật Trách nhiệm Tài khóa được thông qua, ông McCarthy, 58 tuổi, đã nổi lên như một nhà chiến lược lành nghề và người tập hợp được sự đồng thuận có khả năng tận dụng những thắng lợi nhỏ thành những thành tựu lập pháp lớn.
Chỉ vài tuần trước đó, ông vẫn còn chật vật trong sự nghiệp chính trị của mình.
15 cuộc bỏ phiếu
Việc bầu chọn một chủ tịch Hạ viện thường là một việc chiếu lệ. Khi không có người đương nhiệm, thì người lãnh đạo khối đa số được xem là người mặc định giành phần thắng. Nhưng đó không phải là trường hợp diễn ra với ông McCarthy.
Do thách thức từ những người bảo tồn truyền thống cực hữu trong chính đảng của ông, nên cuộc bầu cử của ông kéo dài đến hơn năm ngày và 15 cuộc bỏ phiếu.
Do đó, ông McCarthy đã giành chiến thắng bằng cách đưa ra những nhượng bộ cho những người đối kháng, bao gồm một thay đổi quy định cho phép bất kỳ dân biểu nào cũng có thể kiến nghị truất phế vị trí chủ tịch Hạ viện.
Các nhà bình luận chính trị cho biết ông McCarthy đang ở trong tình cảnh “có rất ít không gian quyết định,” tức là chịu sự chi phối từ các dân biểu bảo tồn truyền thống nhất trong đảng của ông và có thể là một chủ tịch Hạ viện không có thực quyền.
Thử thách đầu tiên
Chỉ gần một tuần sau khi ông McCarthy nhậm chức, Bộ trưởng Ngân khố đã tuyên bố rằng đất nước sẽ sớm chạm đến mức trần nợ theo luật định. Nếu như không có hành động từ phía Quốc hội, thì khoảng bốn tháng nữa một cuộc khủng hoảng tài chính sẽ xảy ra.
Ông McCarthy ngay lập tức nói rằng Quốc hội sẽ không tăng nợ nếu không cắt giảm chi tiêu và ông sẽ không đồng ý tăng thuế. Chủ tịch Hạ viện này đã kêu gọi tổng thống đàm phán các điều khoản để nâng giới hạn vay.
Sau cuộc trao đổi đầu tiên hôm 01/02, ông Biden, có lẽ cảm nhận được sự yếu thế về chính trị, đã từ chối gặp chủ tịch Hạ viện này trong 97 ngày. Ông McCarthy đã yêu cầu một cuộc gặp. Ông đã phàn nàn trên báo chí. Ông đã viết một lá thư cho ông Biden. Thậm chí ông còn đề nghị gặp nhau để ăn trưa và mang theo “đồ ăn nhẹ.” Tuy nhiên, ông Biden đã từ chối gặp mặt.
Nhưng chủ tịch Hạ viện đã không để khoản thời gian đó trôi qua vô ích.
Những chiến thắng nhỏ
Vào cuối đông đầu xuân, ông McCarthy đã giành được một loạt chiến thắng về mặt lập pháp. Không có bản thân dự luật nào mang tính đột phá, nhưng danh sách các chiến thắng nhỏ ngày càng tăng đó chứng tỏ ông có thể vừa quản lý đảng của mình vừa thách thức tổng thống.
Dự luật về Quyền của Cha mẹ, được Hạ viện thông qua hôm 24/03, nhằm tăng cường quyền của các bậc cha mẹ trong giáo dục.
Hạ viện đã vô hiệu hóa một bản sửa đổi gây tranh cãi của bộ luật hình sự Thủ đô Hoa Thịnh Đốn hôm 19/04, về mối đe dọa về một quyền phủ quyết của tổng thống. Thượng viện cũng đã thông qua và tổng thống đã ký ban hành luật này.
Đạo luật Bảo đảm Biên giới năm 2023, được Hạ viện thông qua hôm 11/05, nhằm tăng cường an ninh biên giới trước khi các điều khoản liên quan đến đại dịch hết hiệu lực.
Khi thế bế tắc về mức trần nợ tiếp tục kéo dài mà không có tiến triển, ông McCarthy bắt đầu đáp lại những nghi ngờ về khả năng lãnh đạo của mình bằng cách nêu lên những thành tích của ông, mặc dù là khiêm tốn.
“Tôi không quan tâm đến việc bị đánh giá thấp,” ông McCarthy nói với các thành viên của Sở Giao dịch Chứng khoán New York hồi tháng Tư. “Tôi nghĩ nếu tôi chỉ ghi bàn bằng những cú đánh đơn và đánh đôi thì tốt hơn. Tôi sẽ ghi bàn nhiều hơn.”
Người thay đổi cuộc chơi
Sau đó ông McCarthy đã ghi một chiến thắng làm thay đổi đáng kể động lực của cuộc chiến mức trần nợ. Bằng chênh lệch một phiếu bầu duy nhất, các dân biểu Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện đã thông qua Đạo luật Giới hạn, Tiết kiệm, Tăng trưởng hôm 26/04. Dự luật này cho phép mức nợ trần được tăng nhẹ, cùng với một loạt yêu cầu của Đảng Cộng Hòa về cắt giảm chi tiêu, các yêu cầu công việc, cải tổ về việc cấp giấy phép, và thu hồi quỹ cứu trợ COVID-19 chưa sử dụng.
Và với điều đó, ông McCarthy đã đạt được điều mà ít người nghĩ là có thể. Ông đã hiệp lực các dân biểu Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện để ủng hộ một giới hạn nợ và gói chi tiêu, gây áp lực buộc ông Biden chấp nhận các điều khoản.
Năm ngày sau, ông Biden đã mời ông McCarthy thảo luận về việc cắt giảm chi tiêu.
“Không đời nào Tổng thống Biden có thể hình dung ra được rằng, sau cuộc chạy đua vất vả để đắc cử mà chúng ta đã thấy hồi tháng Một, Chủ tịch Hạ viện McCarthy sẽ có thể hiệp lực các dân biểu Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện và thực sự thông qua dự luật nâng mức trần nợ,” Thượng nghị sĩ John Cornyn (Cộng Hòa-Texas) cho biết hôm 01/06.
“Và tôi nghĩ Tổng thống Biden đã sửng sốt khi ông ấy có thể hoàn thành việc đó… điều đó đã thay đổi toàn bộ động lực của cuộc đàm phán này.”
Theo cựu Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich, điều gây ấn tượng mạnh hơn là sự xuất hiện của ông McCarthy với tư cách là một nhà lãnh đạo vượt ra phạm vi Hạ viện.
“Tôi không thể nhớ lần cuối cùng mà các thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa ở Thượng viện đồng ý với tư cách là một nhóm rằng nhà đàm phán của họ sẽ là chủ tịch Hạ viện,” ông Gingrich nói với The Epoch Times. “[Thượng nghị sĩ Mitch] McConnell (Cộng Hòa-Kentucky), Lãnh đạo Đảng Cộng Hòa tại Thượng viện, biết rõ rằng ông McCarthy đã thắng cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện và đã giành được quyền thương lượng.”
Những cuộc đàm phán đó đã kết thúc bằng một thỏa hiệp, Đạo luật Trách nhiệm Tài khóa đã được cả hai viện của Quốc hội thông qua với sự ủng hộ của lưỡng đảng.
Hiệp lực hơn
Ông McCarthy vẫn có người phản đối thuộc bên cánh hữu của mình. Một số người đã phàn nàn rằng ông đã từ bỏ các điều khoản vốn khó khăn để đạt được đồng thuận trong Đạo luật Giới hạn, Tiết kiệm, Tăng trưởng một cách quá dễ dàng để có được một thỏa thuận. Một số người đã ám chỉ rằng có thể có một cuộc bỏ phiếu để truất phế chức vụ của ông.
Tuy nhiên, ông McCarthy đã nhiều lần nói rằng tất cả các cuộc đàm phán đều liên quan đến nhượng bộ lẫn nhau, đồng thời ông sẽ chỉ nhấn mạnh vào hai điểm không thể thương lượng. Trước khi tăng giới hạn nợ, ông đã nhấn mạnh vào việc cắt giảm chi tiêu và không tăng thuế. Ông nói: “Mọi thứ khác đều để ngỏ cho các cuộc đàm phán.”
Dân biểu Tim Burchett (Cộng Hòa-Tennessee) đã phản đối cả Đạo luật Giới hạn, Tiết kiệm, Tăng trưởng lẫn Đạo luật Trách nhiệm Tài khóa. Tuy nhiên, ông khen ngợi năng lực và nhân cách của ông McCarthy. “Ông ấy là một nhà lãnh đạo tuyệt vời. Ông ấy giữ lời hứa,” ông Burchett nói với The Epoch Times hôm 31/05.
Theo Dân biểu Dusty Johnson (Cộng Hòa-South Dakota), chủ tịch của Main Street Caucus, khả năng giao tiếp và hòa nhập là những điểm nổi bật trong cách tiếp cận của ông McCarthy.
“Với ông Kevin McCarthy, quý vị có một cảm giác rằng ông ấy thực sự cam kết đạt được nhiều hơn một Hạ viện do dân biểu điều hành, rằng Hạ viện của Người dân sẽ hoạt động tốt nhất khi các dân biểu đại diện cho những người dân đó trở thành một bộ phận chủ động trong chính phủ,” ông Johnson nói The Epoch Times hôm 02/06. Ông Johnson cho biết, ông McCarthy giữ liên lạc hầu như hàng ngày với các nhà lãnh đạo của cái gọi là “Năm Nhà” — các nhóm họp kín lớn của Đảng Cộng Hòa.
Các nhà lãnh đạo Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện cũng đã nhắc lại lời khen ngợi như thế.
Chủ tịch Hội nghị Elise Stefanik (Cộng Hòa-New York) nói với The Epoch Times, “Kể từ khi tiếp nhận khối đa số hồi tháng Một, Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện đã mang lại nhiều chiến thắng cho người dân Mỹ nhờ sự lãnh đạo hiệu quả, mạnh mẽ của Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện Cam kết của mình với nước Mỹ trong những tháng tới.”
Dân biểu Patrick McHenry (Cộng Hòa-North Carolina), một trong những nhà đàm phán chính của ông McCarthy về thỏa thuận mức trần nợ, đã khen ngợi vị chủ tịch này là người tập hợp được sự đồng thuận.
Hôm 3 1/05, ông McHenry nói với các phóng viên: “Nếu không có sự tập trung và nỗ lực của ông ấy, không có sự đồng thuận giữa các dân biểu Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện và khả năng đưa ra một dự luật nâng mức trần nợ, thì chúng tôi có lẽ vẫn còn ngồi ở bàn đàm phán.”
“Người đàn ông đứng sau tôi là một trong những chiến lược gia giỏi nhất mà tôi từng thấy trong đời,” Dân biểu Garret Graves (Cộng Hòa-Louisiana), nhà đàm phán chính khác của ông McCarthy, cho biết tại một cuộc họp báo hôm 31/05.
Diễn biến tiếp theo
Sau khi Đạo luật Trách nhiệm Tài khóa được thông qua, ông McCarthy đã suy ngẫm về thành tích này và thừa nhận rằng đó là một sự thỏa hiệp không hoàn hảo.
“Đó có phải là tất cả những gì tôi muốn không? Không. Nhưng việc một Hạ viện ngồi lại với một Thượng viện thuộc Đảng Dân Chủ và một tổng thống thuộc Đảng Dân Chủ không muốn gặp chúng tôi, thì tôi nghĩ chúng tôi đã làm khá tốt cho công chúng Mỹ,” ông McCarthy nói.
“Đó không phải là một cuộc chiến dễ dàng. Tôi đã bị những người ở cả hai đảng khó chịu. Nhưng tôi đã tập trung vào quý vị [người dân Mỹ]. Và tôi sẽ vẫn tập trung vào quý vị. Bởi vì tôi thức dậy vào ngày mai để theo đuổi mọi thứ mà chúng ta không đạt được ngày hôm nay.”
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times