Phân tích: Cuộc phỏng vấn của ông Tucker với ông Putin tiết lộ bản chất mối quan hệ Trung-Nga
Theo quan điểm của nhà bình luận chính trị tại Hoa Kỳ Trần Phá Không, những nhận xét của ông Putin trong cuộc phỏng vấn đã tiết lộ bản chất của mối quan hệ Trung-Nga.
Theo một nhà phân tích chính trị, trong một cuộc phỏng vấn mới đây, lời gợi ý của Tổng thống Nga Putin rằng Trung Quốc, chứ không phải Nga, mới là mối đe dọa lớn nhất đối với phương Tây, tiết lộ bản chất của mối quan hệ Trung-Nga, vốn là lợi dụng lẫn nhau.
Hôm 06/02, ông Putin đã chấp nhận một cuộc phỏng vấn kéo dài hai giờ tại Moscow với ông Tucker Carlson, cựu chủ trì chương trình của Fox News. Cuộc phỏng vấn này đánh dấu lần đầu tiên kể từ cuộc chiến tranh Nga-Ukraine ông Putin trả lời phỏng vấn một cơ quan truyền thông phương Tây. Trong cuộc phỏng vấn, ông Putin đã trả lời khoảng 60 câu hỏi, trong đó nội dung liên quan đến việc Trung Quốc thu hút sự chú ý đáng kể của quốc tế.
Ông Carlson nói đến việc nhiều người Mỹ đã dự đoán rằng sau khi Liên Xô tan rã, mối bang giao Hoa Kỳ-Nga sẽ bình thường hóa, nhưng thực tế lại hoàn toàn ngược lại. Phương Tây bày tỏ mối lo ngại về một nước Nga lớn mạnh, nhưng dường như lại không có cùng mức độ lo lắng về một nước Trung Quốc cộng sản lớn mạnh.
Đáp lại, ông Putin nói rằng xét về dân số và quy mô kinh tế, Nga thua xa Trung Quốc, và mối đe dọa từ phía Trung Quốc vượt xa Nga.
“Phương Tây sợ một Trung Quốc lớn mạnh hơn là sợ một nước Nga lớn mạnh vì Nga có 150 triệu dân, còn Trung Quốc có 1.5 tỷ dân, và nền kinh tế của nước này đang tăng trưởng vùn vụt — hơn 5% một năm, trước đây họ thậm chí còn hơn thế nữa,” ông nói.
“Tiềm năng của Trung Quốc là rất lớn — đây là nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện nay xét về sức mua tương đương và quy mô nền kinh tế. Họ đã vượt qua Hoa Kỳ từ khá lâu, và đang phát triển nhanh chóng.”
Ông Putin kể rằng sau năm 1991, Nga kỳ vọng được đưa vào gia đình anh em “các dân tộc văn minh” và thậm chí còn tìm cách gia nhập NATO nhưng bị từ chối. Ông nhấn mạnh rằng Nga có một “nền kinh tế thị trường” và “không có quyền lực của Đảng Cộng sản.”
Tổng thống Nga cũng nói đến việc Nga và Trung Quốc là láng giềng.
“Chúng tôi là hàng xóm với Trung Quốc. Quý vị không thể chọn hàng xóm, cũng như quý vị không thể chọn họ hàng thân thích,” ông nói.
Những nhận xét này trái ngược hoàn toàn với việc Trung Quốc và Nga tăng cường mối quan hệ trong những năm gần đây. Ngay trước khi ông Putin phát động cuộc chiến tranh với Ukraine hồi đầu năm 2022, ông và nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình đã tuyên bố rằng tình hữu nghị giữa hai nước là “không có hồi kết” và việc hợp tác song phương “không bị ngăn cấm.”
Bang giao Trung-Nga là sự lợi dụng lẫn nhau
Theo quan điểm của nhà bình luận chính trị Trần Phá Không (Chen Pokong), hiện sinh sống tại Hoa Kỳ, nhận xét của ông Putin trong cuộc phỏng vấn đã tiết lộ bản chất của mối quan hệ Trung-Nga.
Mối quan hệ Trung-Nga về cơ bản là mối quan hệ lợi dụng lẫn nhau. Hôm 14/02, ông Trần nói với The Epoch Times ấn bản Hoa Ngữ rằng bất cứ khi nào có cơ hội, thì cả hai nước này đều có thể bỏ rơi nhau và quay sang phương Tây.
Ông Putin hiểu rõ rằng cuộc xâm lược của ông vào Ukraine đã được ông Tập Cận Bình khuyến khích, ủng hộ, và tán thành. Tuy nhiên, nhận thấy cuộc chiến Nga-Ukraine đã đi vào tình trạng kéo dài không có khả năng giành chiến thắng, ông Tập chuyển sang tìm cách xoa dịu mối quan hệ với Hoa Kỳ. Ông biết rằng xúc phạm Hoa Kỳ cũng bằng như là xúc phạm cả thế giới. Một khi bị Hoa Kỳ trừng phạt, thì sẽ thu hút các lệnh trừng phạt từ nhiều quốc gia. Theo ông Trần, vì vậy mà ông Tập khao khát xoa dịu mối quan hệ Trung Quốc-Hoa Kỳ.
“Ông Putin cũng nhìn thấy điều này, nên nhân cơ hội này bày tỏ suy nghĩ của mình trong cuộc phỏng vấn với ông Carlson,” ông Trần nói. “Bề ngoài, mối quan hệ của ông ấy với ông Tập Cận Bình có vẻ tốt, nhưng đó chỉ là hình thức. Ông ấy không muốn cắt đứt mối liên hệ với ông Tập Cận Bình.”
“Sau đó, ông ấy nói về bản chất của các vấn đề toàn cầu, nói rằng dân số của Trung Quốc lớn hơn gấp 10 lần của Nga, và về sức mạnh kinh tế thì Trung Quốc vượt xa Nga. Đối với Hoa Kỳ và phương Tây, mối đe dọa thực sự không phải là Nga, mà là Trung Quốc Cộng sản.”
Ông Trần xem những lời của ông Putin như một tuyên bố rõ ràng rằng Nga và ĐCSTQ đang lợi dụng lẫn nhau như những con bài mặc cả và một quân bài để chơi.
“Vì vậy, bây giờ có vẻ như đó không phải là cái gọi là ‘sự thay đổi chưa từng thấy trong một thế kỷ.’ Cả Trung Quốc và Nga đều đã đưa ra nhận định rằng trật tự quốc tế thời hậu Chiến tranh Lạnh không thể được thay đổi. Hoa Kỳ đã thống trị trật tự này, và họ thấy rằng hình thế này không thể lay chuyển được,” ông nói.
“Vì vậy, ông Putin nhân cơ hội này chìa một cành ô liu sang phía Hoa Kỳ, hy vọng xoa dịu mối quan hệ với Hoa Kỳ và phương Tây. Trong khi đó, ông ấy cũng nhận thấy Hoa Kỳ sắp tổ chức bầu cử vào năm 2024, có thể ông Trump trở lại nắm quyền, nên ông ấy đang dùng ông Carlson để truyền tải thông điệp tới ông Trump và Hoa Kỳ.”
Ông Trump tuyên bố sẽ liên minh với Nga để chống lại ĐCSTQ
Kể từ các cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Cộng Hòa cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2024, cựu Tổng thống Donald Trump đã và đang dẫn đầu và nằm trong số những ứng cử viên được yêu thích nhất.
Ngày càng có nhiều người hiện đang chú ý đến những gì cựu Tổng thống Trump sẽ làm nếu ông tái đắc cử. Theo các bản tin truyền thông, ở trong nước, ông sẽ tiếp tục thúc đẩy xây dựng bức tường biên giới, từ bỏ các cam kết về khí hậu, và tăng cường các nỗ lực khai thác năng lượng; trên bình diện quốc tế, ông có ý định ngăn chặn cuộc chiến Nga-Ukraine.
Tuy nhiên, cựu Tổng thống Trump nhiều lần công khai bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với ông Putin, làm dấy lên sự lo ngại trong nước.
Dưới thời chính phủ Tổng thống Trump, cựu Giám đốc FBI Robert Mueller, với tư cách là biện lý đặc biệt, đã dẫn đầu cuộc điều tra kéo dài gần hai năm về “Spygate”, tập trung vào việc liệu Tổng thống Trump có thông đồng với Nga để can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016 hay không.
Hồi tháng 04/2019, kết quả điều tra được công bố đã không đưa ra được bằng chứng cho thấy Tổng thống Trump thông đồng với Nga.
Ông Trần tin rằng hồi Tổng thống Trump làm tổng thống, ông đã lên kế hoạch xoa dịu mối bang giao Hoa Kỳ-Nga và thúc đẩy một chiến lược liên minh với Nga để chống lại ĐCSTQ. Tuy nhiên, do vụ “Spygate” nên kế hoạch này bị trì hoãn. Sau đó là sự thay đổi chính phủ và các sự kiện quan trọng như việc Nga xâm lược Ukraine.
“Thế nên vào thời điểm này, ông Putin có rất nhiều tính toán,” ông nói, lưu ý rằng ông Tập Cận Bình và ông Putin đã có cuộc điện đàm trước Tết Nguyên Đán. Tuy nhiên, điều bất thường là cả hai ông đều không đề cập đến “sự thay đổi chưa từng thấy trong một thế kỷ,” một chủ đề Trung-Nga mà ông Tập đã rao giảng từ lâu.
“Bây giờ có vẻ như Trung Quốc và Nga mỗi bên đã có kế hoạch riêng và sẽ sẵn sàng quay sang Hoa Kỳ và phương Tây, muốn hạ gục nhau hoặc sử dụng nhau làm đá lót đường hoặc lá chắn. Trong hình thế này, liên minh Trung-Nga kể như đã sụp đổ. Nền tảng của liên minh này đang lỏng lẻo. Dù bề ngoài hài hòa, nhưng Trung Quốc và Nga có những mâu thuẫn ẩn tàng, mỗi bên đều đang tính toán cho lợi ích của riêng mình. Một khi có cơ hội, họ sẽ một mình bay đi. Vì vậy, tuyên bố của ông Putin được đưa ra dựa trên chính bối cảnh này.”
Về phương hướng của mối quan hệ Trung-Nga, ông Trần dự đoán cả hai nước sẽ duy trì sự hợp tác ngoài mặt, bởi khi không thể giành được đòn bẩy từ phương Tây và các mối quan hệ không thể được xoa dịu, thì họ vẫn cần liên minh chặt chẽ để cùng nhau chống lại phương Tây. Tuy nhiên, nếu mối quan hệ của một trong hai nước với phương Tây được cải thiện, thì bên kia sẽ cảm thấy bất an.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times