PHÂN TÍCH CHUYÊN SÂU: Các chính sách công bằng khí hậu mới sẽ gây ra ‘tình trạng thiếu năng lượng’ cho người Mỹ
Các chuyên gia cho biết các chính sách của chính phủ sẽ dẫn đến nhiều lao động trẻ em hơn ở Congo và tăng chuyển dịch của cải từ người nghèo sang người giàu ở Hoa Kỳ
Trong bối cảnh Tổng thống (TT) Joe Biden ban hành một sắc lệnh yêu cầu tất cả các cơ quan liên bang theo đuổi cái mà ông gọi là “công bằng khí hậu” và đồng thời thúc đẩy các quy định buộc người Mỹ phải chuyển sang điện gió, điện mặt trời, và xe điện (EV), các nhà phê bình nói rằng chính những chính sách này cũng thúc đẩy lao động trẻ em ở châu Phi, kéo theo sự chuyển dịch tài sản to lớn từ người nghèo sang người giàu, và sẽ gây ra “tình trạng thiếu năng lượng” cho nhiều người Mỹ.
Hôm 21/04, TT Biden tuyên bố rằng “Sắc Lệnh mới nêu rõ rằng việc theo đuổi công bằng môi trường là một nhiệm vụ của tất cả các cơ quan thuộc nhánh hành pháp và nên được đưa vào sứ mệnh của những cơ quan này.” Ông nói rằng điều này sẽ bảo đảm rằng “tất cả mọi người – bất kể chủng tộc, xuất thân, thu nhập, năng lực, mối liên kết Bộ lạc, hay mã vùng – đều có thể hưởng lợi từ các biện pháp bảo vệ quan trọng được ghi trong các luật môi trường căn bản cũng như các luật dân quyền của đất nước chúng ta.”
Tuy nhiên, những người ủng hộ nhân quyền nói rằng việc khai thác các khoáng sản thiết yếu để chế tạo tua-bin gió, tấm pin quang điện, và pin EV (xe điện) khuyến khích các hành vi lạm dụng nhân công và tàn phá môi trường ở những nơi khai thác khoáng sản cho năng lượng tái tạo. Ngoài ra, các nhà kinh tế cho biết, bởi vì quá trình chuyển đổi năng lượng tốn kém của chính phủ tiếp tục làm tăng chi phí nhiên liệu và điện, nên người nghèo có thể sẽ phải chịu gánh nặng khi ngày càng khó chi trả cho các nhu cầu năng lượng cơ bản.
“Có một trò lừa đảo khủng khiếp này đang diễn ra ngay lúc này,” ông Steve Milloy, Viện sĩ Cao cấp về Chính sách tại Viện Pháp lý Năng lượng và Môi trường, nói với The Epoch Times. “Người nghèo sẽ bị thiệt hại.”
Trong phiên điều trần trước Quốc hội hôm 20/04, Dân biểu Harriet Hageman (Cộng Hòa-Wyoming) đã cáo buộc Bộ trưởng Nội vụ Deb Haaland trì hoãn các giấy phép phát triển dầu mỏ và than đá mới và hỏi bà liệu bà có “tin rằng tình trạng thiếu năng lượng là một điều tốt hay không — nói cách khác, rằng những người đang lâm vào cảnh nghèo đói không thể mua được thực phẩm hoặc thuốc men hoặc những thứ tương tự vì chi phí năng lượng đang tăng lên.”
Bà Haaland trả lời: “Chúng tôi đang làm việc cật lực để làm cho năng lượng có năng suất hơn và giá cả phải chăng hơn, đó là lý do tại sao chúng tôi đang tiến tới các mục tiêu năng lượng sạch của mình.”
“Nhưng điều đó không đúng trong trường hợp này. Than đá là một loại năng lượng giá cả phải chăng, phải không? Than đá đã có mặt trong nhiều thập niên rồi,” bà Hageman nói, sau đó nói thêm rằng, “Qua những gì tôi có thể hiểu được từ câu trả lời của bà, thì tình trạng thiếu năng lượng là một chính sách của chính phủ này.”
Năm 2022, giá bán lẻ điện trung bình đã tăng hơn 14%, gấp đôi tỷ lệ lạm phát. Hệ thống sưởi điện được dự đoán sẽ tăng thêm 10% trong mùa đông sắp tới này.
Ngoài ra, Hiệp hội các Giám đốc Trợ giúp Năng lượng Quốc gia đã báo cáo rằng hơn 20 triệu gia đình Mỹ, hoặc cứ sáu gia đình thì có một gia đình, chậm thanh toán các hóa đơn công ích, và nợ nần của họ đã tăng lên cùng với việc các chi phí gia tăng. Trong tháng 08/2022, tổng cộng những gia đình này nợ 16.1 tỷ USD, tăng lên từ 8.1 tỷ USD vào tháng 12/2019.
Quyền lực mở rộng của EPA
Gần đây, EPA đã đóng một vai trò dẫn đầu trong việc áp đặt quá trình chuyển đổi năng lượng này lên người Mỹ bằng cách đặt ra các quy định về phát thải vốn buộc các công ty công ích hoàn toàn chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang điện gió và điện mặt trời, đồng thời buộc các nhà sản xuất xe hơi chuyển từ động cơ đốt trong sang xe điện. Tuần này, EPA dự kiến sẽ công bố các tiêu chuẩn phát thải CO2 mới cho các công ty công ích điện, trong đó có yêu cầu 3,400 nhà máy nhiệt điện chạy bằng than và khí đốt ở Hoa Kỳ phải cắt giảm hoặc thu hồi toàn bộ lượng phát thải CO2 vào năm 2040.
Trước đây, hồi năm 2022 Tối cao Pháp viện đã đưa ra một phán quyết mang tính bước ngoặt trong án lệ West Virginia kiện EPA rằng EPA, nguyên là một hệ thống hành chính quan liêu không do dân cử, đã không có thẩm quyền buộc các công ty công ích chuyển sang sử dụng năng lượng gió và mặt trời. Điều này dường như để kiểm tra khả năng của EPA trong việc thiết lập chính sách năng lượng cho Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Đạo luật Giảm Lạm phát, do TT Biden ký chỉ hai tháng sau phán quyết nói trên của Tối cao Pháp viện, đã trực tiếp trao quyền đó cho EPA.
Cùng với các quy định mới áp đặt cho các công ty công ích điện, các tiêu chuẩn phát thải xe hơi mới của EPA là một nỗ lực nhằm buộc các nhà sản xuất xe hơi phải chuyển sang sản xuất xe điện. Các quy định này đo lượng phát thải chỉ ở ống xả của xe mà bỏ qua sự ô nhiễm từ các quá trình khai thác khoáng sản, chế tạo những xe điện này, hoặc sản xuất điện để cung cấp năng lượng cho những xe điện này.
Chi phí trung bình của một chiếc EV mới là hơn 60,000 USD, cao hơn 30% so với chi phí trung bình của một chiếc xe động cơ đốt trong. Điều này có nghĩa là khoản khuyến khích 7,500 USD của chính phủ để mua một chiếc xe điện có thể là một món quà dành cho những người giàu có.
Ngoài ra, các quy định mới của EPA buộc các nhà sản xuất xe hơi nào vẫn tiếp tục sản xuất xe hơi chạy bằng xăng phải mua các khoản tín dụng bù đắp khí thải từ các nhà sản xuất EV. Đây sẽ là một sự chuyển dịch của cải khác, khiến những chiếc xe hơi giá cả phải chăng hơn tăng giá nhằm trợ cấp cho những chiếc xe điện đắt tiền hơn. Trong ba năm qua, Tesla được cho là đã nhận được 4.8 tỷ USD từ các nhà sản xuất xe hơi động cơ đốt trong theo hệ thống này.
“Khi tôi còn là một thiếu niên và sinh viên đại học nghèo, tôi chỉ có thể mua một chiếc xe hơi giá rẻ, nhưng chiếc xe hơi giá rẻ đó đã tạo ra một sự khác biệt lớn đối với tôi,” ông Milloy cho biết. “Bây giờ, nếu như tất cả xe hơi đều chạy bằng điện, và đều đắt tiền, thì mọi chuyện sẽ ra sao? Quý vị đang khiến giá tăng quá cao đối với người dân, quý vị đang ép buộc mọi người phải đi tới bất cứ nơi nào có trạm sạc. Toàn bộ việc này sẽ dẫn đến mức sống và các quyền tự do của chúng ta bị giảm xuống.”
Trớ trêu thay, những nơi như California lại đang quảng bá xe điện được sản xuất bằng các thủ đoạn bóc lột và lạm dụng lao động ngay tại thời đại này ở những nơi như Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC). Tiểu bang này chuẩn bị cấm bán xe hơi chạy bằng xăng trong khi dự định thanh toán hàng tỷ USD tiền bồi thường chủng tộc để bù đắp cho sự phân biệt đối xử trong lịch sử.
Một bản tin hồi tháng Hai của NPR có nhan đề “Cách mà ‘chế độ nô lệ thời hiện đại’ ở Congo cung cấp năng lượng cho nền kinh tế pin có thể sạc lại,” đã giới thiệu một cuộc phỏng vấn với giáo sư Siddharth Kara của Harvard, người đã nghiên cứu việc khai thác coban ở DRC cho cuốn sách của ông, “Cobalt Red” (Màu Đỏ Coban).
Để khai thác coban, một nguyên liệu thiết yếu cho pin xe điện, “mọi người đang làm việc trong những điều kiện không dành con người, đầy áp bức, và cấp thấp,” ông Kara cho biết. “Họ sử dụng cuốc chim, xẻng, thanh cốt thép để cuốc và đào đất trong các rãnh, hố, và đường hầm để thu thập và cung cấp coban cho chuỗi cung ứng chính thức.”
“Coban độc hại khi chạm và hít phải, và có hàng trăm ngàn người dân nghèo Congo chạm và hít phải coban ngày này qua ngày khác,” ông Kara nói. “Những bà mẹ trẻ địu con trên lưng, tất cả đều hít thở trong loại bụi coban độc hại này.”
Để hiểu được phạm vi khai thác mỏ lộ thiên cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng của ông Biden, nhà kinh tế năng lượng Mark Mills viết rằng để tạo ra một pin EV trung bình, phải di chuyển 250 tấn đất và vận chuyển 50 tấn khoáng sản đã khai thác để tinh chế, điển hình là ở Trung Quốc với các nhà máy nhiệt điện than. Mỗi bước của chuỗi cung ứng “năng lượng sạch” này đều đòi hỏi sử dụng nhiên liệu hóa thạch trên diện rộng.
Đến một ngày nào đó, người Mỹ có thể trở bực bội với chi phí nhiên liệu và vận chuyển đắt đỏ cho những gì có vẻ là một lợi ích môi trường mơ hồ, nhưng một số người vẫn hoài nghi.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times