Phần 1: Chính phủ TT Biden ngăn chặn lệnh cấm dầu mỏ của Nga với kế hoạch giới hạn giá
Đề nghị này làm suy yếu áp lực đối với Trung Quốc, Ấn Độ, và Nhật Bản trong việc tham gia lệnh cấm
Nguồn thu từ dầu mỏ và khí đốt của Nga đang thúc đẩy cuộc chiến ở Ukraine. Số tiền mà Trung Quốc, Ấn Độ, Đức, Nhật Bản, và những nước khác cung cấp cho Moscow để có hydrocacbon được dùng để chế tạo vũ khí giết chết trẻ em Ukraine. Hành động này là sai và nên dừng lại.
Nhiều quốc gia trì hoãn hoặc trốn tránh các lệnh trừng phạt vì họ phụ thuộc vào Nga về năng lượng giá rẻ. Bất chấp việc Nga xâm lược Ukraine vào năm 2014, việc tiếp tục mua hàng từ Moscow, ngay cả bây giờ, đã bật đèn xanh cho ông Vladimir Putin để chiếm thêm lãnh thổ vào năm 2022.
Ví dụ, Canada vừa cho phép chuyển một tua-bin khí đốt cho Đức để nước này có thể nhập cảng nhiều khí đốt của Nga hơn. Ukraine đã chỉ trích việc chuyển giao này, nhưng sự tạo điều kiện cho việc xuất cảng khí đốt này của Nga là có sự hỗ trợ của chính phủ ông Biden. Nếu chính phủ ông Biden có thể giảm chi phí khí đốt tự nhiên, giảm lạm phát, và giảm thiểu nguy cơ suy thoái toàn cầu — dù chỉ một chút và trong ngắn hạn — thì điều đó sẽ thu hút sự chú ý của ủy ban tái tranh cử của ông Biden.
Các biện pháp trừng phạt mà Hoa Kỳ, Anh, và Liên minh Âu Châu đã áp dụng đối với Nga—và đang dần tăng lên cho đến đầu năm 2023—là rất quan trọng. Nhưng các quốc gia này vẫn giữ nguyên nhu cầu, đặc biệt là ở Trung Quốc, Ấn Độ, và Nhật Bản, những quốc gia hiện không có kế hoạch trừng phạt Moscow. Trên thực tế, hai nước Trung Quốc, và Ấn Độ đang ra sức nhập dầu mỏ và khí đốt giá rẻ của Nga hiện được bán với mức chiết khấu lớn.
Khi lệnh cấm của Âu Châu có hiệu lực, lệnh này có thể cắt giảm xuất cảng năng lượng của Nga làm cho năng lượng của Nga không còn nơi nào khác để đi. Theo chính phủ ông Biden, lệnh cấm này sẽ hạn chế nguồn cung đến mức có thể gây ra suy thoái toàn cầu.
Tổng thống Joe Biden cho biết ông có kế hoạch giới hạn giá dầu mỏ của Nga để khắc phục vấn đề suy thoái này. Ông ấy đã đề nghị kế hoạch này với nhóm G-7 gồm các quốc gia giàu có nhất vào cuối tháng Sáu, và họ đã đồng ý khám phá ý tưởng này.
Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen dẫn đầu, và đi rêu rao chính sách giới hạn trần giá dầu mỏ của Nga vòng quanh Á Châu, cùng với Bộ trưởng Năng lượng Hoa Kỳ Jennifer Granholm.
Kế hoạch này liên quan đến việc tạo ra một tổ hợp mua toàn cầu, hay còn gọi là độc quyền mua, để thực thi một giới hạn mức giá trần thấp hơn thị trường đối với dầu mỏ của Nga. Giới hạn giá này sẽ dao động từ khoảng 40 USD đến 60 USD mỗi thùng. Về mặt lý thuyết, mức giá này sẽ chỉ bao gồm chi phí sản xuất biên của Nga, từ chối lợi nhuận đáng kể của Moscow dùng để theo đuổi cuộc chiến của họ ở Ukraine.
Trong khi Hoa Kỳ, Anh, và Canada đã cấm nhập cảng dầu mỏ của Nga, và ủng hộ biện pháp cấm dầu mỏ vận chuyển đường biển của Âu Châu vào tháng 12/2022 và nhiên liệu tinh chế vào đầu năm 2023, thì mức trần về giá có thể được coi là tăng thêm áp lực trung gian đối với Nga trước khi các lệnh cấm này có hiệu lực.
Nhưng với mục tiêu của mức giá trần này là giảm lạm phát và giảm thiểu nguy cơ suy thoái, thì có nhiều khả năng hơn là mức giá trần này sẽ thay thế các lệnh cấm dài hạn bằng một thứ gì đó gây ra ít chi phí hơn cho Nga.
Chính phủ ông Biden đang sử dụng chiến thuật hù dọa để thúc đẩy ý tưởng này.
Hôm 12/07, Bộ Ngân khố đã cảnh báo rằng giá dầu mỏ có thể tăng vọt nếu giới hạn giá này không được ban hành. Truyền thông ủng hộ Đảng Dân Chủ đang công bố dự đoán rằng dầu sẽ tăng từ mức 100 USD/thùng hiện nay lên từ 140 USD đến 200 USD/thùng. Theo Viện Brookings thiên tả, điều đó có thể dẫn đến suy thoái toàn cầu.
Nhưng dầu thô Brent đã giảm từ 123 USD/thùng vào tháng trước xuống 104 USD vào hôm 12/06. Sự giảm giá này có thể là do những kỳ vọng của thị trường về việc giảm nhu cầu do “sự phá huỷ nhu cầu” bởi suy thoái. Khi nhu cầu gây ra sự nóng lên toàn cầu, sự phá hủy nhu cầu có thể là một điều tốt.
Nhưng Trung Quốc và Ấn Độ đang tăng nhập cảng dầu mỏ của Nga và tăng lượng khí thải trong tương lai. Vào cuối tháng Sáu, các lệnh cấm đã khiến dầu mỏ của Nga được bán giảm giá, với giá từ 70 đến 80 USD/thùng.
Theo Bloomberg News, trong 3 tháng qua, Trung Quốc đã tăng gấp đôi lượng dầu nhập cảng của Nga, và Ấn Độ tăng nhập cảng khoảng 5 lần. Kết quả là Nga nhận được khoảng 600 triệu USD doanh thu từ dầu mỏ hàng ngày.
Giới hạn giá trần về mặt lý thuyết sẽ thể chế hóa, hợp pháp hóa, và buộc Nga giảm giá dầu mỏ, đưa những thành viên đào thoát trở lại thành áp lực thống nhất buộc Moscow phải chấm dứt chiến tranh.
Sự thực thi có thể đạt được thông qua việc phương Tây từ chối cấp vốn, vận chuyển, và bảo hiểm hàng hóa của Nga, hoặc áp đặt các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với các công ty vận tải biển và ngân hàng trên toàn cầu tạo điều kiện cho xuất cảng của Nga. Những khó khăn để thực thi bao gồm khả năng Nga và các nước nhập cảng sẽ cung cấp dịch vụ và bảo hiểm thuộc chủ quyền của riêng họ.
Nếu sự thực thi này vượt qua được khó khăn, thì kế hoạch của ông Biden có thể phát triển thành một đối trọng chống lại Tổ chức Các nước Xuất cảng Dầu mỏ (OPEC), vốn sẽ giúp Hoa Kỳ, Âu Châu, và các nước nhập cảng năng lượng khác giảm giá dầu mỏ trên diện rộng hơn. Cuối cùng, biện pháp này có thể tước đoạt của các nhà độc tài không chỉ ở Moscow, mà ở Riyadh, Tehran, và Caracas, ít nhất là một số thu nhập từ dầu mà họ sử dụng cho chiến tranh và đàn áp người dân.
Nhưng chính phủ ông Biden đang không nói về câu lạc bộ những người mua lâu dài, và giới hạn giá này kéo theo 6 rủi ro lớn, hay còn gọi là những canh bạc, mà họ không mong muốn quý vị được biết.
Như được thảo luận trong phần thứ II của loạt bài này, bao gồm việc trao quyền cho Trung Quốc và Nga, làm suy yếu sự thống nhất đồng minh, làm tổn hại đến sự độc lập về năng lượng và môi trường, đồng thời gia tăng lạm phát trong dài hạn — tất cả đều nhằm mục đích khắc phục tình trạng kinh tế ngắn hạn để tăng cơ hội tái đắc cử của ông Biden.
Đọc phần II tại đây .
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Anders Corr có bằng cử nhân/thạc sĩ khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và tiến sĩ về chính phủ tại Đại học Harvard (2008). Ông là người đứng đầu Corr Analytics Inc., nhà xuất bản của Tạp chí Rủi ro Chính trị, và đã thực hiện các nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, Âu Châu và Á Châu. Các cuốn sách mới nhất của ông là “The Concentration of Power: Institutionalization, Hierarchy, and Hegemony” (“Tập Trung Quyền Lực: Thể Chế Hóa, Hệ Thống Phân Cấp, và Quyền Bá Chủ”) xuất bản năm 2021 và “Great Powers, Grand Strategies: the New Game in the South China Sea” (“Các Cường Quốc Lớn, Các Chiến Lược Lớn: Trò Chơi Mới ở Biển Đông”) xuất bản năm 2018.