Phái đoàn Quốc hội Hoa Kỳ do Dân biểu Gallagher dẫn đầu đến thăm Đài Loan để tăng cường mối bang giao
Chuyến thăm diễn ra hơn một tháng sau khi ông Lại Thanh Đức (Lai Ching-te), đương kim Phó tổng thống Đài Loan, được bầu làm tổng thống tiếp theo của Đài Loan.
Các thành viên trong Ủy ban Đặc biệt của Hạ viện về Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đến Đài Loan hôm 22/02 để thực hiện một chuyến thăm cấp Quốc hội nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với hòn đảo đi theo con đường dân chủ này và tăng cường mối bang giao Hoa Kỳ-Đài Loan.
Phái đoàn, do chủ tịch ủy ban, Dân biểu Mike Gallagher (Cộng Hòa-Wisconsin), dẫn đầu, sẽ gặp các quan chức cấp cao của Đài Loan và thảo luận về mối bang giao Hoa Kỳ-Đài Loan, thương mại, an ninh khu vực cùng nhiều vấn đề quan trọng khác. Chuyến thăm này là một phần trong chuyến đi của phái đoàn tới khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
“Hết lần này đến lần khác, Đài Loan đã cho thế giới thấy cách đứng lên để chống lại sự bắt nạt của ĐCSTQ và cách làm đó không chỉ thành công mà còn phát triển hơn nữa,” ông Gallagher nói sau khi đến Đài Loan. “Chúng tôi rất vui mừng được đến Đài Bắc để thể hiện sự ủng hộ của chúng tôi đối với những người bạn của chúng tôi ở Đài Loan, Tổng thống đắc cử Lại Thanh Đức và Quốc hội lập pháp mới được bầu. Hoa Kỳ sát cánh cùng Đài Loan.
“Bằng cách thúc đẩy mối bang giao sâu sắc hơn giữa các nhà lãnh đạo và nền kinh tế của chúng ta, chúng ta có thể tăng cường hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan.”
Chuyến thăm diễn ra hơn một tháng sau khi ông Lại Thanh Đức, Phó tổng thống Đài Loan hiện thuộc Đảng Dân tiến (DPP) cầm quyền, được bầu làm tổng thống. Chiến thắng của ông Lại đã mang lại cho DPP – vốn bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) coi là mối đe dọa đối với mục tiêu chiếm Đài Loan của mình– nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp kéo dài 4 năm.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn cho biết chuyến thăm thể hiện “sự ủng hộ kiên định của Hoa Kỳ đối với nền dân chủ của Đài Loan thông qua hành động rõ ràng.”
“Chuyến thăm của quý vị càng làm nổi bật thêm mối bang giao đối tác chặt chẽ giữa Đài Loan và Hoa Kỳ,” Tổng thống Thái Anh Văn trình bày trong bài diễn văn chào mừng. “Chúng ta đang cùng nhau bảo vệ tự do và dân chủ cũng như duy trì hòa bình trong khu vực.”
Kể từ khi thành lập vào tháng 01/2023, Ủy ban Đặc biệt về ĐCSTQ đã ủng hộ mạnh mẽ Đài Loan và đã công bố nhiều báo cáo và khuyến nghị chính sách liên quan đến hòn đảo dân chủ tự trị này. Lập trường kiên quyết và vững chắc của ủy ban này đối với chế độ Trung Quốc đã thu hút sự ủng hộ hiếm có tại Capitol Hill.
Chuyến thăm cấp cao vào năm 2022 của cựu Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (Dân Chủ-California) đã khơi dậy một loạt chuyến thăm Quốc hội tới Đài Loan để thể hiện sự ủng hộ đối với hòn đảo này.
Trợ giúp về quân sự
Bình luận về chuyến thăm này, Dân biểu Don Bacon (Cộng Hòa-Nebraska) nói với NTD, hãng truyền thông cùng hệ thống với The Epoch Times, hôm 21/02 rằng chuyến đi này gửi một thông điệp mạnh mẽ tới chính quyền Trung Quốc.
“Nếu quý vị sợ đứng về phía Đài Loan, thì chính phủ cộng sản Trung Quốc sẽ coi đó là một điểm yếu và sau đó họ sẽ tập trung sự chú ý vào điểm yếu này hơn nữa,” ông nói. “Vì vậy, tôi nghĩ việc các nhà lãnh đạo dân cử như tôi và những người khác đến thăm Đài Loan là rất quan trọng.
Ông Bacon cũng cho biết Hoa Kỳ nên cung cấp vũ khí cho hòn đảo này để chống lại các mối đe dọa quân sự ngày càng tăng và sự khiêu khích từ chế độ ở Bắc Kinh.
“Chúng ta phải rất rõ ràng về việc cung cấp vũ khí và tất cả các nhu cầu vật chất mà sẽ giúp ích cho việc răn đe. Mục tiêu ở đây là ngăn chặn một cuộc tấn công từ Trung Quốc và gửi vũ khí chất lượng cao, phi đạn chống hạm, mìn, [và] khả năng phòng không mạnh mẽ, chất lượng cao đóng vai trò phòng thủ. Đúng, Trung Quốc sẽ phàn nàn. Nhưng tôi nghĩ cuối cùng, họ sẽ bị ngăn chặn. Và mục tiêu là như vậy,” ông nói.
Hoa Kỳ không có mối bang giao chính thức với Đài Loan kể từ khi Hoa Thịnh Đốn thay đổi sự công nhận ngoại giao theo hướng có lợi cho Bắc Kinh vào năm 1979. Tuy nhiên, hai bên có mối bang giao bền chặt dựa trên Đạo luật Quan hệ Đài Loan, một đạo luật cho phép Hoa Kỳ cung cấp cho hòn đảo này trang thiết bị quân sự để tự vệ.
Theo Khảo sát Quốc phòng Reagan vào tháng 11/2023, ngày càng nhiều người Mỹ ủng hộ Đài Loan, với 46% người ủng hộ việc gửi lực lượng Hoa Kỳ đến bảo vệ hòn đảo dân chủ tự trị này nếu hòn đảo bị xâm chiếm, tăng từ con số 39% vào năm 2019. Để ngăn chặn khả năng xâm lược của Trung Quốc, 60% người Mỹ ủng hộ việc tăng cường sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ gần hòn đảo này.
Năm ngoái, Dân biểu Mike Rogers (Cộng Hòa-Alaska), Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện, đã dẫn đầu một phái đoàn Quốc hội lưỡng đảng tới Đài Loan trong bối cảnh Quốc hội kêu gọi tăng cường tài trợ cho quốc phòng của Đài Loan.
Bán vũ khí
Trong những năm gần đây, Hoa Thịnh Đốn đã nhiều lần bán vũ khí cho quốc đảo này để giúp họ chống lại sự quấy rối quân sự của ĐCSTQ.
Vào tháng 08/2023, chính phủ Tổng thống Biden lần đầu tiên quyết định tăng cường khả năng tự vệ của Đài Loan thông qua một chương trình của Bộ Ngoại giao thường được sử dụng để trợ giúp các quốc gia có chủ quyền. Một gói thiết bị quân sự trị giá 80 triệu USD đã được phân bổ thông qua chương trình Tài trợ Quân sự Ngoại quốc.
Cũng trong tháng Tám, Hoa Kỳ đã chấp thuận việc bán thiết bị quân sự trị giá 500 triệu USD cho Đài Loan, trong đó có hệ thống tìm kiếm và theo dõi hồng ngoại cho chiến đấu cơ F-16.
Vào tháng 12/2022, Tổng thống Joe Biden đã ký ban hành Đạo luật Tăng cường Khả năng Phục hồi của Đài Loan (TERA) như một phần của Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng Quốc gia năm 2023. TERA cho phép khoản viện trợ và cho vay trị giá 10 tỷ USD để cung cấp thiết bị quân sự cho Đài Loan trong 5 năm tới nhằm ngăn chặn sự xâm lược của ĐCSTQ.
Năm 2022, Bộ Quốc phòng Đài Loan đã công bố một trong những thương vụ vũ khí lớn nhất trong những năm gần đây khi đồng ý mua 100 phi đạn không đối không Sidewinder, 60 phi đạn chống hạm Harpoon, và các thiết bị quân sự khác từ Hoa Kỳ.
Trong những năm gần đây, chính quyền Trung Quốc đã tăng cường áp lực lên Đài Loan, liên tục điều phi cơ và tàu quân sự đến gần hòn đảo này hầu như hàng ngày, nhằm mục đích làm xói mòn hệ thống phòng thủ của Đài Bắc.