Cách ĐCSTQ dùng nhân tài trong giới học thuật để thâm nhập vào Hoa Kỳ
Sau khi chính phủ Tổng thống Biden lên nắm quyền vào năm 2021, họ đã dỡ bỏ lệnh cấm của Tổng thống Trump đối với WeChat, hủy bỏ ‘Sáng kiến Trung Quốc,’ cùng nhiều hành động khác.
Việc sinh viên Trung Quốc bị từ chối nhập cảnh tại các phi trường ở Hoa Kỳ dù có thị thực nhập cảnh (visa) hợp lệ đã trở thành một hiện tượng phổ biến trong những năm gần đây. Nhiều sinh viên đã bị nhân viên quan thuế từ chối nhập cảnh khi quay lại Hoa Kỳ sau kỳ nghỉ ở Trung Quốc, đi du lịch đến một quốc gia thứ ba, tham dự các hội nghị, hoặc trong trường hợp [nếu họ là] sinh viên mới đến nước này để du học.
Vào ngày 28/01/2020, các đặc vụ FBI đã bố ráp Khoa Hóa học và Sinh Hóa của Đại học Harvard và còng tay trưởng khoa, Tiến sĩ Charles Lieber. Ở tuổi 60, Tiến sĩ Lieber là nhà khoa học nổi tiếng thế giới về công nghệ nano và là thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia. Ông cũng là thành viên ngoại quốc của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc.
Ông Lieber bị cáo buộc là một thành viên của “Kế hoạch Ngàn Nhân tài” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), nhận mức lương hàng tháng 50,000 USD từ Đại học Công nghệ Vũ Hán (WUT), với mức thu nhập cá nhân là 158,000 USD, và nhận 1.74 triệu USD để thành lập một phòng thí nghiệm nghiên cứu tại WUT. Các nhà chức trách cho biết ông Lieber đã nói dối chính phủ liên bang về việc ông có tham gia vào “Kế hoạch Ngàn Nhân tài” cũng như liên hệ của ông với WUT.
Vào buổi chiều ngày ông Lieber bị bắt, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã công bố ba vụ án, trong đó có vụ án của tiến sĩ Lieber, vốn ngay lập tức choán các tiêu đề báo chí.
Vụ án của Tiến sĩ Lieber là một trong những vụ bắt giữ nổi bật nhất kể từ năm 2018, thời điểm Bộ Tư pháp bắt đầu khai triển “Sáng kiến Trung Quốc” để đối phó với ĐCSTQ. Hai vụ án còn lại liên quan đến các nhà nghiên cứu người Trung Quốc cũng thu hút sự chú ý.
Một người là Trịnh Tảo Tùng (Zheng Zaosong), người đang thực hiện nghiên cứu tế bào ung thư tại một trung tâm y tế ở Boston, Massachusetts. Vào ngày 10/12/2019, bà bị bắt tại Phi trường Quốc tế Logan vì bị cáo buộc cố gắng đánh cắp các lọ mẫu sinh học từ phòng thí nghiệm để mang về Trung Quốc.
Một người khác là cô Diệp Diên Khánh (Ye Yanqing), 29 tuổi. Vào ngày 28/01/2020, cô đã nhận được lệnh bắt giữ cấp liên bang tại khu vực Massachusetts.
Cô Diệp Diên Khánh là ai?
Vào tháng 08/2017, cô Diệp đã nộp đơn xin thị thực nhập cảnh theo diện trao đổi học giả J-1 ở trên mạng. Hơn một tháng sau, cô gia nhập Khoa Vật lý, Hóa học, và Kỹ thuật Y sinh tại trường Đại học Boston.
Trong mẫu đơn xin thị thực loại J-1, cô Diệp đã để danh tính của mình là “sinh viên” và nói rằng mình cô chưa từng gia nhập vào một tổ chức quân đội nào. Tuy nhiên, cô đã tốt nghiệp Đại học Công nghệ Quốc phòng Quốc gia (NUDT), học viện quân sự cao nhất của ĐCSTQ và là trường đại học duy nhất trực thuộc Quân ủy Trung ương.
Trường NUDT đã bị Hoa Kỳ trừng phạt vào tháng 02/2015. Tuy nhiên, cô Diệp đã thành công trong việc xin cấp thị thực Hoa Kỳ.
Theo Bộ Tư pháp (DOJ), trong thời gian cô Diệp ở Hoa Kỳ với thị thực J-1, cô đã giữ liên lạc mật thiết với cấp trên và các đồng nghiệp khác tại NUDT.
Vào tháng 04/2019, cô Diệp kết thúc thời gian một năm rưỡi dưới mác du học sinh, khoảng thời gian cô dành để “học tập và nghiên cứu,” sau đó cô đến Phi trường Quốc tế Logan để trở về Trung Quốc. Cô đã bị các viên chức liên bang chặn lại và thẩm vấn, đồng thời các thiết bị điện tử của cô như máy điện toán và điện thoại cũng bị thu giữ để kiểm tra.
Một tuyên bố của DOJ ghi rằng: “Trong cuộc thẩm vấn, cô Diệp bị cáo buộc đã khai man rằng cô chỉ liên lạc với hai giáo sư của NUDT, hai người này đều là sĩ quan cao cấp của PLA (Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc). Tuy nhiên, việc kiểm tra các thiết bị điện tử của cô Diệp cho thấy dưới sự chỉ dẫn của một giáo sư NUDT, người là đại tá trong PLA, cô Diệp đã truy cập vào các trang web của quân đội Hoa Kỳ, nghiên cứu các dự án quân sự của Hoa Kỳ, và tổng hợp thông tin cho PLA về hai nhà khoa học Hoa Kỳ có chuyên môn về robot và khoa học máy điện toán.”
“Hơn nữa, việc xem xét một cuộc trò chuyện trên WeChat cho thấy cô Diệp và quan chức PLA còn lại từ NUDT đang hợp tác trong một bài nghiên cứu về mô hình đánh giá rủi ro được thiết kế với mục đích giải mã dữ liệu cho các ứng dụng quân sự. Trong cuộc thẩm vấn, cô Diệp thừa nhận rằng cô giữ cấp bậc trung úy trong PLA và thừa nhận mình là đảng viên ĐCSTQ.”
Vào ngày 28/01/2020, cô Diệp bị Bộ Tư pháp Hoa Kỳ truy tố về các tội danh gian lận thị thực, khai man, hoạt động như một đặc vụ của chính phủ ngoại quốc, và âm mưu. Theo tuyên bố của DOJ ngày 28/01/2020, cô ấy hiện đang sống ở Trung Quốc.
Hoa Kỳ trấn áp các trường hợp liên quan đến ‘Kế hoạch Ngàn Nhân tài’
“Kế hoạch Ngàn Nhân tài,” một chương trình do ĐCSTQ khởi xướng vào năm 2008, nhằm mục đích chiêu mộ nhân tài ở hải ngoại để thúc đẩy các chiến lược quốc gia của Trung Quốc và do Bộ Tổ chức Ủy ban Trung ương ĐCSTQ quản lý. Kế hoạch này thu hút những tài năng hàng đầu ở hải ngoại, bao gồm các giáo sư từ các trường đại học danh tiếng và các học giả từ các tổ chức nghiên cứu, để tham gia xây dựng các dự án ở Trung Quốc. Chương trình này đề nghị những mức lương hấp dẫn và các khoản đầu tư lớn cho dự án, tạo thuận tiện cho việc chuyển giao thông tin nhạy cảm hoặc độc quyền từ Hoa Kỳ sang Trung Quốc. Chương trình này không yêu cầu các cá nhân phải rời khỏi chức vụ hiện tại hoặc chuyển hẳn sang Trung Quốc.
Trong vòng mười năm, kế hoạch này đã chiêu mộ được hơn 6,000 chuyên gia, giúp Trung Quốc cải thiện đáng kể về công nghệ, kinh tế, và các lĩnh vực khác. Lúc này, ĐCSTQ đã bắt đầu đưa ra những tuyên bố về việc đánh bại Hoa Kỳ. Nhiều học giả trong “Kế hoạch Ngàn Nhân tài” này cũng đã trở thành công cụ tuyên truyền tích cực cho Bắc Kinh, và các chủ đề của họ đã trở thành một phần trong hoạt động tuyên truyền ngoại giao của chế độ này.
Vào năm 2018, chính phủ Tổng thống Trump bắt đầu điều tra các giáo sư và nhà khoa học Mỹ có liên quan đến “Kế hoạch Ngàn Nhân tài,” vốn là những người có liên hệ với các viện nghiên cứu ít tên tuổi ở Trung Quốc. Vào tháng Mười Một năm đó, “Sáng kiến Trung Quốc” đã được khai triển nhằm xác định và truy tố các cá nhân và tổ chức bị nghi ngờ tham gia vào hoạt động gián điệp thương mại và kinh tế. Sáng kiến này kể từ đó đã trở thành một công cụ quan trọng cho FBI khi điều tra các hoạt động gián điệp kinh tế phi truyền thống.
Đến ngày 01/12/2018, giám đốc tài chính của Huawei, bà Mạnh Vãn Chu (Meng Wanzhou), đã bị cảnh sát Canada bắt giữ tại Phi trường Vancouver trong một chuyến quá cảnh. Bà bị Hoa Kỳ truy nã vì tội gian lận. Sáu giờ tối ngày hôm đó, ông Trương Thủ Thạnh (Zhang Shousheng), một nhà khoa học người Mỹ gốc Hoa hàng đầu ở Thung lũng Silicon và là giáo sư lâu năm tại trường Đại học Stanford có nhiều triển vọng sẽ đoạt giải Nobel, đã nhảy lầu tự tử.
Một số công nghệ mà ông nghiên cứu được cho là đã giúp Huawai đạt được những bước đột phá trong công nghệ 5G. Công ty đầu tư mạo hiểm của ông Trương, công ty Vốn đầu tư Đan Hoa (Danhua Capital), đã bị FBI điều tra trước khi ông qua đời. Vào cuối năm 2018, [Văn phòng] Đại diện Thương mại Hoa Kỳ đã công bố phiên bản cập nhật của “Báo cáo Đặc biệt 301,” cáo buộc các công ty đầu tư mạo hiểm, trong đó có công ty Đan Hoa, đã tiếp tay cho chính quyền ĐCSTQ trong việc thu thập công nghệ tân tiến của Hoa Kỳ.
Theo ông Trình Can Viễn (Cheng Ganyuan), một học giả pháp lý Trung Quốc tại Hoa Kỳ và từng là cựu sinh viên của ông Trương ở Đại học Phúc Đán, khoa vật lý của Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, nơi ông Trương hoàn thành nghiên cứu ban đầu của mình, là cơ sở đào tạo để ĐCSTQ cử các gián điệp công nghệ ra hải ngoại. Công ty Vốn đầu tư Đan Hoa không phải là tài sản cá nhân của ông Trương; đúng hơn, ĐCSTQ đã cung cấp [cho ông Trương] công ty này như một phương tiện để ông ta chuyển giao thông tin tình báo công nghệ ra ngoại quốc.
Những sự kiện liên quan đến bà Mạnh Vãn Chu và ông Trương Thủ Thạnh đã kích khởi sự dò xét không ngừng của phương Tây đối với “Kế hoạch Ngàn Nhân tài” và hoạt động gián điệp kinh tế. Nhiều du học sinh Trung Quốc cũng đã bị giám sát do những lo ngại về sự xâm nhập của gián điệp.
Phản ứng của Hoa Kỳ
Để ngăn quân đội Trung Quốc sử dụng công nghệ của Hoa Kỳ, Hoa Kỳ đã áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt đối với thị thực sinh viên F-1 và thị thực học giả J-1 của Trung Quốc. Vào tháng 05/2020, Tổng thống đương thời Donald Trump đã ký Sắc lệnh 10043, đình chỉ và hạn chế sinh viên sau đại học của Trung Quốc nhập cảnh vào lãnh thổ Hoa Kỳ, để học tập hoặc làm việc tại các tổ chức liên quan đến “chiến lược hợp nhất quân sự-dân sự” của ĐCSTQ.
Hoa Kỳ đã bổ sung tên các công ty và trường học liên quan đến “chiến lược hợp nhất quân sự-dân sự” này vào Danh sách Tổ chức để kiểm soát xuất cảng. Điều này ngăn cấm họ sử dụng các sản phẩm có sử dụng công nghệ Hoa Kỳ cũng như cấm họ mua linh kiện từ Hoa Kỳ mà không có sự chấp thuận của chính phủ.
Đến tháng 05/2020 và tháng 12/2020, Cục Công nghiệp và An ninh đã cập nhật Danh sách Tổ chức nói trên, bổ sung tổng cộng 110 công ty và tổ chức Trung Quốc, trong đó có bảy trường đại học. Tính đến thời điểm đó, 18 trường đại học Trung Quốc đã được thêm vào danh sách này.
Kể từ khi thực hiện Sắc lệnh 10043 vào tháng 06/2020, sinh viên từ các trường đại học này không thể nộp đơn xin học, theo đuổi tấm bằng sau đại học hoặc tiến sĩ, hoặc thực hiện nghiên cứu tại Hoa Kỳ. Điều này có nghĩa là Trung Quốc sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận những nghiên cứu mới nhất trong các lĩnh vực như hàng không vũ trụ, thông tin liên lạc, máy điện toán, AI, khoa học sinh học, và kỹ thuật công nghiệp từ Hoa Kỳ.
Từ tháng 06/2020 đến tháng 09/2020, hơn 1,000 sinh viên Trung Quốc bị hủy thị thự nhập cảnh. Vào tháng 06/2021, một cuộc điều tra đối với 310 sinh viên bị từ chối cấp thị thực cho thấy hầu hết họ đã học tại “Quốc phòng Thất tử” (nhóm các trường đại học trực thuộc Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc), Đại học Bưu chính Viễn thông Bắc Kinh, hoặc đã nhận được tài trợ từ Hội đồng Học bổng Trung Quốc.
Bên ngoài Hoa Kỳ, Microsoft Research Asia đã ngừng chiêu mộ sinh viên thuộc nhóm trường “Quốc phòng Thất Tử” và sinh viên trường Đại học Bưu chính Viễn thông Bắc Kinh. Sinh viên Học viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân và Đại học Kỹ thuật Cáp Nhĩ Tân không còn có thể sử dụng MATLAB, công cụ ngôn ngữ lập trình thống kê phổ biến nhất thế giới.
Một sinh viên từ Đại học Hàng Không và Vũ Trụ Bắc Kinh đã mua sắm trên Amazon và điền địa chỉ của trường đại học làm địa chỉ giao hàng đã phát hiện trương mục của mình bị đình chỉ. Phản hồi chính thức của Amazon là việc này tuân thủ các lệnh trừng phạt và quy định kiểm soát xuất cảng.
Sau khi chính phủ ông Biden lên nắm quyền vào năm 2021, họ này đã dỡ bỏ lệnh cấm của cựu Tổng thống Trump đối với WeChat, cũng như hủy bỏ “Sáng kiến Trung Quốc,” cùng nhiều hành động khác. Bắc Kinh đã hy vọng rằng Sắc lệnh 10043 cũng sẽ bị bãi bỏ. Tuy nhiên, trái với mong muốn của chế độ này, chính phủ ông Biden đã không hủy bỏ sắc lệnh đó, và vụ kiện do sinh viên Trung Quốc đệ trình phản đối Sắc lệnh 10043 đã bị bác bỏ vào tháng 06/2023.
Nói chung, du học sinh Trung Quốc cảm thấy rằng các biện pháp kiểm soát xuất nhập cảnh của Hoa Kỳ ngày càng nghiêm ngặt hơn và sinh viên từ các “trường đại học nhạy cảm” tiếp tục bị cấm nhập cảnh vào nước này.
Hôm 04/01 vừa qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân (Wang Wenbin) đã lặp lại luận điệu của ĐCSTQ, cáo buộc Hoa Kỳ phân biệt đối xử cũng như “chính trị hóa và vũ khí hóa việc nghiên cứu học thuật.”
Chế độ ĐCSTQ đã đề nghị Hoa Kỳ bãi bỏ Sắc lệnh 10043.
Năm 2023, Hoa Kỳ đã cấm sử dụng ứng dụng TikTok trên các hệ thống liên bang. Sau đó, các trường đại học công lập ở các tiểu bang như Florida và Texas đã cấm sử dụng các ứng dụng của Trung Quốc bao gồm TikTok, Alipay, WeChat, QQ Wallet, và Tencent trong khuôn viên trường.
Tuệ Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times