Ông Tập Cận Bình nhắm đến việc trấn áp người giàu của Trung Quốc nhằm phân phối lại của cải
Lãnh đạo cao nhất của Trung Cộng đã báo hiệu một lập trường cứng rắn đối với giới nhà giàu của đất nước trong nỗ lực thúc đẩy “sự thịnh vượng chung.” Đây là chiến dịch mới nhất nhằm giải quyết tình trạng bất bình đẳng đang gia tăng của quốc gia này, điều mà các nhà phân tích cho rằng bộc lộ sự lo lắng của Bắc Kinh về vấn đề này.
Trong cuộc họp lập kế hoạch kinh tế với các nhà lãnh đạo hàng đầu hôm 17/08, ông Tập Cận Bình kêu gọi điều chỉnh lại “thu nhập cao quá mức,” loại bỏ các khoản lợi nhuận bất hợp pháp, và tăng số tiền kiếm được của tầng lớp thu nhập thấp. “Các cá nhân và công ty có thu nhập cao được khuyến khích đóng góp nhiều hơn cho xã hội,” theo bài báo do hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã đăng tải.
Bài diễn văn nói trên xuất hiện sau một cuộc trấn áp kéo dài nhiều tháng đối với khu vực tư nhân của Trung Quốc vốn tập trung vào các ngành từ công nghệ đến giáo dục. Nó cũng diễn ra sau khi Trung Cộng tuyên bố chiến thắng đói nghèo vào đầu năm nay, tuyên bố rằng họ đã đưa gần 100 triệu người thoát khỏi cảnh nghèo đói.
Kế hoạch của ông Tập, vốn vẫn còn mơ hồ về cách thức hoàn thành, đã nêu bật các vấn đề về các dịch vụ công cơ bản, chăm sóc sức khỏe, phúc lợi xã hội, và hỗ trợ nhà ở không đồng đều. Các hành động được đề xuất bao gồm đánh thuế và bảo hiểm cao hơn.
Đạt tới “sự thịnh vượng chung” là “yêu cầu cơ bản của chủ nghĩa xã hội” và cần thiết cho việc thúc đẩy “công lý và công bằng xã hội,” bài báo của Tân Hoa Xã cho biết.
Đảng đã đưa ra ý tưởng về “sự thịnh vượng chung” trong những năm đầu của chế độ này. Người cai trị đầu tiên của Trung Cộng, Mao Trạch Đông, đã quảng bá cụm từ này trong khi thúc đẩy nông nghiệp tập thể, một chính sách đã góp phần gây ra nạn đói ba năm kinh hoàng vào cuối những năm 1950 khiến hàng chục triệu người thiệt mạng. Vào những năm 1980, nhà lãnh đạo lúc bấy giờ là Đặng Tiểu Bình, nổi tiếng với các chính sách cải cách kinh tế, đã khuyến khích một “bộ phận người dân làm giàu trước.”
Các chuyên gia cho biết, mặc dù các chiến thuật đổi khác, nhưng mục tiêu cuối cùng là giống nhau: duy trì sự cai trị của chế độ này.
Khoảng cách thu nhập lớn giữa người giàu và người nghèo “có nghĩa là chủ nghĩa xã hội đã thất bại,” ông Vương Hòa (Wang He), một nhà bình luận các vấn đề chính trị và là một người phụ trách chuyên mục cho The Epoch Times, cho biết trong một cuộc phỏng vấn. “Họ không thể để chủ nghĩa xã hội thất bại.”
Khoảng cách giàu nghèo của Trung Quốc vẫn ở mức cao. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong một cuộc họp năm 2020 đã nói rằng khoảng 600 triệu người Trung Quốc – khoảng 4/10 – có thu nhập trung bình hàng tháng khoảng 1,000 nhân dân tệ (154 USD), điều mà theo lời của ông Lý thì “sẽ khó để thuê một căn nhà ở một thành phố cỡ trung.”
Trong khi vào tháng Hai ông Tập đã khoe khoang về một “phép màu” trong việc đưa khoảng 98.99 triệu cư dân nông thôn thoát khỏi cảnh nghèo cùng cực và loại bỏ 832 tỉnh khỏi danh sách nghèo đói, tuyên bố này đã dẫn đến sự hoài nghi của một số chuyên gia, cũng như những người Trung Quốc ở vùng nông thôn – những người phàn nàn về việc họ không tiếp cận được các nhu yếu phẩm cơ bản.
Một báo cáo hồi tháng Sáu của ông Bill Bikales, một nhà kinh tế phát triển đã làm việc với Liên Hợp Quốc ở Trung Quốc trong 15 năm, lưu ý rằng chiến dịch loại bỏ nghèo đói của ông Tập tập trung vào một nhóm các hộ nghèo được xác định trong năm 2014 và năm 2015, mà không xem như một nhân tố trong các thay đổi gần đây chẳng hạn như đại dịch COVID-19.
Những người dân làng ở nông thôn Trung Quốc trong những tháng qua cũng đã mô tả với The Epoch Times những thách thức trong việc có được nước sạch, giao thông công cộng, điện, và các thiết bị vệ sinh.
Ngưỡng nghèo của Trung Quốc tính đến năm 2020 là một mức thu nhập hàng năm khoảng 4,000 nhân dân tệ (khoảng 617 USD).
Trong khi cả nước đã chứng kiến mức sống đang tăng lên ở các trung tâm thành thị, thì khoảng cách giàu nghèo đã mở rộng trong những năm qua. Hệ số Gini của Trung Quốc, một thước đo bất bình đẳng, từ 59.9 vào năm 2000 đã tăng lên 70.4 trong thời kỳ đại dịch, với 1% người giàu nhất hiện sở hữu khoảng 1/3 số của cải, theo dữ liệu được tổng hợp bởi nhà kinh tế học người Trung Quốc Nhậm Trạch Bình (Ren Zeping).
Các nhà chức trách có thể đánh thuế đối với tài sản thừa kế và lợi nhuận thu được từ việc bán bất động sản, cả hai điều này hiện đều được miễn thuế, theo ông Vương người đã miêu tả định hướng chính sách này là một phương tiện “cướp của người giàu để nuôi người nghèo.”
Ông nói, “Đó là để bổ sung thêm tính hợp pháp cho hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Mặc dù nó có thể không giải quyết được những vấn đề đó, nhưng họ phải thể hiện ra hành động nào đó.”
Ông Lý Hằng Thanh (Li Hengqing), một nhà phân tích Trung Quốc tại Hoa Thịnh Đốn, cho biết tuyên bố của ông Tập phù hợp với việc chế độ này thắt chặt đàn áp đối với lĩnh vực công nghệ đang bay cao của nước này trong những tháng gần đây.
Các cơ quan quản lý gần đây đã phạt công ty khổng lồ thương mại điện tử Alibaba một khoản tiền chống độc quyền lớn, bắt đầu cuộc điều tra đối với công ty gọi xe Didi chỉ vài ngày sau khi công ty này được niêm yết, và cấm việc dạy kèm riêng vì lợi nhuận, xóa sổ hàng tỷ giá trị cổ phiếu.
Ông Lý cho biết với những biện pháp này, Bắc Kinh đang cố gắng đặt ra trái quyền đối với của cải mà trước đó không thuộc sự kiểm soát của họ.
Ông nói với The Epoch Times, “Nếu quý vị có tiền, mọi người sẽ lắng nghe quý vị, và quý vị có thể tự mình chống lại Trung Cộng. Họ không quan tâm liệu nền kinh tế đất nước có đang phát triển hay mọi người có đang sống một cuộc đời tốt đẹp hơn không. Điều cốt yếu là quý vị phải nghe theo lời họ.”
Bà Eva Fu là một phóng viên tại New York của The Epoch Times chuyên tập trung vào Hoa Kỳ-Trung Quốc, tự do tôn giáo, và nhân quyền.
Với sự đóng góp của Yi Ru
Chánh Tín biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: