Ông Mike Pompeo nói rằng không bảo vệ được nền tự do của Hồng Kông là một ‘thất bại lớn nhất’ của ông khi còn tại nhiệm
Cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo cho rằng việc không ngăn chặn được Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phá hủy nền tự do của Hồng Kông là một trong những “thất bại lớn nhất” trong nhiệm kỳ của ông dưới thời chính phủ Tổng thống Trump.
Trình bày tại Hội nghị thượng đỉnh Tự do Tôn giáo Quốc tế tại Tokyo hôm 22/07, ông Pompeo thừa nhận sự hối tiếc của mình về Hồng Kông, nói rằng phương Tây có thể làm tốt hơn để bảo vệ nền tự do của thành phố này.
“Tôi thường được hỏi, ‘Một trong những thất bại lớn nhất của ông là gì?’ Đó chính là [Hồng Kông]. Tôi không biết liệu chúng ta có thể bảo vệ thành phố này trong suốt thời gian mà Trung Quốc đã cam kết hay không, nhưng chúng ta có thể làm tốt hơn. Chúng ta, cùng nhau, Hoa Kỳ, Anh quốc, tất cả phương Tây, có thể đã kéo dài thời gian, và chúng ta đã không làm vậy. Tôi sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm về điều đó,” ông nói.
Quyền kiểm soát của ĐCSTQ lên Hồng Kông đã được thắt chặt kể từ giữa những năm 2010 khi Bắc Kinh dần áp đặt các hạn chế lên thành phố này sau khi được Vương quốc Anh trao trả vào năm 1997, làm xói mòn quyền tự chủ như đã hứa của thành phố. Các cuộc biểu tình nổ ra để phản đối các biện pháp này, đáng chú ý là các cuộc biểu tình năm 2012 phản đối những thay đổi trong chương trình giảng dạy trong trường học và “Phong trào Dù vàng” năm 2014.
Phong trào ủng hộ dân chủ lên đến đỉnh điểm vào năm 2019 khi ước tính có khoảng 2 triệu người xuống đường phản đối dự luật dẫn độ cho phép đưa cư dân Hồng Kông đến Trung Quốc đại lục để xét xử. Dưới áp lực, nhà lãnh đạo Hồng Kông đương thời Carrie Lam đã buộc phải rút lại dự luật này. Do bị trấn áp dữ dội trong các cuộc biểu tình, phong trào ủng hộ dân chủ đã giành được sự ủng hộ lớn hơn, đưa đến một chiến thắng áp đảo cho các ứng cử viên ủng hộ dân chủ trong cuộc bầu cử hội đồng quận năm 2019.
ĐCSTQ coi chiến thắng này là mối đe dọa đối với quyền kiểm soát thành phố của mình, thúc đẩy Bắc Kinh áp dụng luật an ninh quốc gia toàn diện vào tháng 06/2020, vượt qua cả Cơ quan lập pháp Hồng Kông. Luật này áp dụng mức án tù chung thân tối đa đối với các tội danh được định nghĩa mơ hồ như lật đổ, ly khai, và khủng bố, vốn đã được sử dụng để đàn áp phe đối lập, loại bỏ các ứng cử viên ủng hộ dân chủ, hạn chế quyền tự do báo chí và dập tắt tiếng nói bất đồng chính kiến, qua đó làm xói mòn cơ bản quyền tự chủ của Hồng Kông.
Trong hội nghị thượng đỉnh, ông Pompeo lưu ý rằng mặc dù có một số khó khăn vào thời điểm đó, ông lẽ ra đã có thể làm nhiều hơn để bảo vệ một số nhà hoạt động dân chủ như ông Lê Trí Anh (Jimmy Lai), một người ủng hộ dân chủ và là ông trùm truyền thông đang bị cầm tù.
“Có rất nhiều người đã không làm những việc kịp thời để bảo vệ những người như ông Jimmy Lai và một số người khác theo cách mà tôi nghĩ là nằm trong tầm tay của chúng ta, không phải là không thể thực hiện được,” ông nói khi trả lời một phần câu hỏi của ông Benedict Rogers, Giám đốc điều hành và là nhà đồng sáng lập của Hong Kong Watch, khi được hỏi về việc buộc ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm về các cuộc áp bức nhân quyền.
Một báo cáo do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế phát hành hồi tháng Năm nêu ra rằng, dưới sự cai trị của ĐCSTQ, kể từ năm 2020 nền tự do của Hồng Kông đã bị xói mòn đáng kể ở hầu hết trên mọi lĩnh vực.
Báo cáo kết luận ra rằng “quyền tự chủ cao” của Hồng Kông, chủ định sẽ được duy trì cho đến năm 2047, đã bị phá hủy kể từ khi Trung Quốc chuyển sang chế độ độc tài dưới thời lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình.
Hoa Kỳ đã ban hành Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông vào năm 2019 để ủng hộ những người biểu tình ở Hồng Kông. Luật này quy định rằng hàng năm Bộ trưởng Ngoại giao phải chứng nhận liệu Hồng Kông có đủ tự chủ để duy trì các đặc quyền kinh tế do Hoa Kỳ cấp hay không. Các đặc quyền này bao gồm việc đối đãi đặc biệt của Hoa Kỳ trong thương mại, đầu tư, và nhập cư, miễn thuế quan cho Hồng Kông áp dụng đối với hàng hóa nhập cảng từ Trung Quốc.
Năm 2020, ông Pompeo tuyên bố rằng Hồng Kông đã mất đi quyền tự chủ do ĐCSTQ thắt chặt kiểm soát lên thành phố này. Ông Pompeo cũng nói rằng Hồng Kông nên được xem là một thành phố của Trung Quốc vì Bắc Kinh xem lãnh thổ cũ của Anh này như một thành phố của Trung Quốc hơn là một thành phố tự trị.
Ngoài ra, Hoa Thịnh Đốn cũng ban hành Đạo luật Tự trị Hồng Kông vào năm 2020, áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức và tổ chức Trung Quốc chịu trách nhiệm gây xói mòn các quyền tự do của thành phố.
Trong một cuộc thảo luận bàn tròn hồi tháng Năm, Dân biểu John Moolenaar (Cộng Hòa-Michigan), Chủ tịch Ủy ban Đặc biệt của Hạ viện về ĐCSTQ, cho biết nền tự do của Hồng Kông và sự áp bức của chế độ Trung Quốc lên thành phố này là vấn đề quan trọng đối với Hoa Kỳ. Ông cảnh báo rằng các giá trị cốt lõi của người Mỹ đang gặp nguy hiểm khi Bắc Kinh phá vỡ lời hứa với Hồng Kông khi được trao trả từ Anh quốc năm 1997.
Minh Anh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times