Ông McCarthy bày tỏ sự thất vọng về việc TT Biden không sẵn lòng cắt giảm chi tiêu trong các cuộc đàm phán về mức trần nợ
Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) đã bày tỏ sự thất vọng về việc Tổng thống (TT) Joe Biden không sẵn lòng cắt giảm chi tiêu tùy nghi của liên bang vào năm 2024 để đổi lấy việc nâng mức trần nợ.
Ông McCarthy nói với các phóng viên hồi trưa hôm 24/05 rằng: “Vấn đề này dường như không khó đến mức như vậy.”
Sau đó Chủ tịch Hạ viện đã liệt kê một loạt những lời phàn nàn về TT Biden và Đảng Dân Chủ.
Ông McCarthy nói rằng Đảng Dân Chủ đã chi tiêu quá tay, đẩy đất nước lâm vào cảnh nợ nần, gây ra lạm phát, gia tăng sự phụ thuộc vào Trung Quốc, và khiến bốn ngân hàng phá sản, và làm tất cả những điều này trong khi tổng thống từ chối đàm phán về việc tăng mức trần nợ trong hơn ba tháng.
Mặc dù bày tỏ hy vọng rằng vẫn có thể đạt được một thỏa thuận kịp thời để ngăn chặn việc Hoa Kỳ vỡ nợ, nhưng ông McCarthy vẫn thường bày tỏ giọng điệu thận trọng.
“Tôi không phải là một thượng nghị sĩ. Tôi không kiểm soát Thượng viện. Tại sao họ không thông qua một cái gì đó? Tổng thống đã không nói chuyện với chúng tôi trong 97 ngày. Vì vậy, đừng đổ lỗi cho tôi vì đã liên hệ với Đảng Dân Chủ, vì đã thỉnh cầu tổng thống gặp tôi và cố gắng tìm [ra một giải pháp],” ông McCarthy nói.
Đạo luật Giới hạn, Tiết kiệm, Tăng trưởng — một kế hoạch của Đảng Cộng Hòa nhằm tăng mức trần nợ trong khi giảm chi tiêu liên bang — đã được Hạ viện thông qua hôm 26/04 chỉ với một lần bỏ phiếu.
Dự luật này sẽ giảm chi tiêu liên bang vào năm 2024, hạn chế tăng trưởng chi tiêu trong 10 năm, tăng yêu cầu làm việc đối với một số người nhận các dịch vụ xã hội, thu hồi các quỹ COVID-19 chưa chi tiêu, và nới lỏng các yêu cầu cấp phép đối với dầu mỏ và khí đốt.
Theo Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen, Bộ Ngân khố có thể thiếu ngân sách để đáp ứng đầy đủ tất cả các nghĩa vụ tài chính ngay sau ngày 01/06 nếu không được vay thêm.
“Đó không phải là lỗi của tôi khi Đảng Dân Chủ ngày nay đã trở nên quá cực đoan, quá nghiêng về xã hội chủ nghĩa đến mức họ phản đối các yêu cầu về làm việc, đến mức họ phản đối việc tiết kiệm ít hơn 1 dollar so với số tiền mà quý vị đã chi tiêu trong năm trước. Điều đó, đối với tôi, thực sự dường như vấn đề [chính là] Đảng Dân Chủ,” ông McCarthy nói.
Đảng Cộng Hòa bắt đầu bằng cách yêu cầu giảm chi tiêu tùy nghi của liên bang cho năm 2024 xuống mức năm 2023. Điều đó đã trở thành như một điểm mấu chốt trong các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, ông McCarthy gần đây đã sử dụng cụm từ “chi tiêu ít hơn chúng ta đã chi tiêu năm ngoái,” có lẽ báo hiệu sự sẵn sàng chấp nhận một mức cắt giảm chi tiêu ít hơn.
“Tôi đã bao giờ nói, ‘Quý vị phải đồng ý 100% với những gì tôi muốn chưa?’” ông McCarthy hỏi, cho thấy ông sẵn sàng có một chút nhượng bộ với Đảng Dân Chủ. Tuy nhiên, ông nhắc lại điều không thể thương lượng của mình: không tăng hạn mức nợ nếu không có một thỏa thuận giảm chi tiêu nào đó vào năm 2024.
Khi được hỏi liệu công chúng có đổ lỗi cho Đảng Cộng Hòa nếu vỡ nợ là kết quả của cuộc chiến về mức trần nợ này hay không, ông McCarthy đầu tiên bác bỏ gợi ý rằng vỡ nợ sẽ xảy ra. Sau đó, ông chuyển sang quy trách nhiệm cho Đảng Dân Chủ về tình trạng bế tắc hiện tại.
Ông McCarthy nói thêm, “Tôi không nghĩ mình phải nói ai là người có lỗi. Nếu Đảng Cộng Hòa đã thông qua một dự luật nâng mức trần nợ, đã làm điều đó một cách có trách nhiệm và hợp lý, thì tôi nghĩ người dân Mỹ hiểu điều đó.”
Đảng Dân Chủ tiếp tục tô vẽ sự bất đồng bằng này những thuật ngữ đối lập, cáo buộc ông McCarthy và Đảng Cộng Hòa sử dụng hạn mức nợ để củng cố nghị trình của họ thành luật thay vì tuân theo quy trình lập pháp.
“Tôi vừa nghe cuộc họp báo của ông Kevin McCarthy. Có vẻ như ông ấy thực sự lo lắng về việc vỡ nợ, điều mà tôi nghĩ sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế của chúng ta,” Dân biểu Jim McGovern (Dân Chủ-Massachuset) cho biết.
“Quý vị biết đấy, ông ấy không đàm phán. Ông ấy đang đưa cho chúng tôi các ghi chú đòi tiền chuộc,” ông McGovern nói thêm, gợi lên phép ẩn dụ thường được tổng thống sử dụng rằng Đảng Cộng Hòa đang bắt nền kinh tế Hoa Kỳ làm con tin để đổi lấy các yêu cầu của họ.
“Đây là về việc thanh toán các hóa đơn mà chúng ta đã tích lũy,” ông McGovern nói về việc đàm phán mức trần nợ. “Nếu quý vị không muốn tích lũy những hóa đơn này, thì đừng chi tiêu. Nhưng nơi để làm điều đó là trong quá trình phân bổ ngân sách.”
Khoảng 60% người Mỹ tin rằng Quốc hội chỉ nên tăng mức trần nợ nếu việc cắt giảm chi tiêu cũng được thực hiện, theo một cuộc thăm dò của CNN và SSRS được công bố hôm 24/05. Khoảng 24% số người được hỏi cho biết hạn mức này nên được nâng lên bất kể điều gì xảy ra.
Chỉ 31% số người được hỏi cho biết tổng thống có những ưu tiên đúng đắn, mặc dù con số này ở những người ủng hộ Đảng Cộng Hòa là 29%. Chỉ có 35% số người tán thành cách ông Biden quản lý ngân sách liên bang.
Bất chấp bế tắc trong các cuộc đàm phán, ông McCarthy cho biết ông quyết tâm tìm ra giải pháp.
“Tôi sẽ không bỏ cuộc. Chúng ta sẽ không vỡ nợ. Chúng tôi sẽ giải quyết vấn đề này. Tôi sẽ tiếp tục cho đến khi chúng tôi có thể tìm ra giải pháp.”
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times