Ông Larry Elder tuyên bố tranh cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2024
Người dẫn chương trình phát thanh theo phái bảo tồn truyền thống của Đảng Cộng Hòa Larry Elder tuyên bố ông sẽ tranh cử Tổng thống Hoa Kỳ.
“Tôi đang thông báo rằng tôi sẽ ra tranh cử tổng thống Hoa Kỳ,” ông tuyên bố trên chương trình “Tucker Carlson Tonight” của đài Fox News hôm 20/04. “Tôi có một nghĩa vụ đạo đức, tôn giáo, và yêu nước để đền đáp một đất nước đã và đang rất tốt với gia đình tôi và với tôi. Đó là lý do tại sao tôi đang làm điều này.”
Ông nói với The Epoch Times rằng ông đã được những người ủng hộ và người hâm mộ đề nghị ra tranh cử tổng thống, vì vậy sau khi cân nhắc kỹ lưỡng và hơn bốn thập niên bình luận chính trị, ông đã quyết định làm điều đó.
Sắp bước sang tuổi 71, ông Elder là người chủ trì chương trình “The Larry Elder Show” trên EpochTV, chương trình mà ông đang tạm dừng cho chiến dịch tranh cử tổng thống của mình.
Trước đó, ông đã từng tranh cử với Thống đốc tiểu bang California Gavin Newsom vào tháng 09/2021 trong một cuộc bầu cử bãi nhiệm, trong đó ông đã nhận được 3.5 triệu phiếu bầu — hay 49% số phiếu so với vị thống đốc này trong số 46 ứng cử viên thay thế. Để so sánh, đối thủ cạnh tranh gần nhất của ông đã thu về được 9%.
Trong số những phiếu bầu dành cho ứng cử viên thay thế, ông Elder đã thắng ở 57 trong số 58 quận của California và quyên góp được 27 triệu USD cho chiến dịch của mình.
Mặc dù biết rằng việc tham gia chính trị sẽ không dễ dàng đối với mình, đặc biệt là với tư cách là một người Mỹ gốc Phi Châu theo phái bảo tồn truyền thống, ông Elder cho biết ông vẫn rất ngạc nhiên trước các chiến dịch bôi nhọ trong cuộc bầu cử bãi nhiệm đó.
“Tôi biết cuộc bầu cử này tàn khốc như thế nào,” ông nói. “Tôi biết đối thủ của quý vị sẽ mổ xẻ những điều mà quý vị đã nói và đặt điều tồi tệ nhất về nó như thế nào, hoặc thậm chí sẽ bịa đặt mọi thứ … đặc biệt khi liên quan đến một người Mỹ gốc Phi Châu theo phái bảo tồn truyền thống, bởi vì tôi bác bỏ quan điểm đó.”
Ông Elder nói rằng bởi vì cánh tả đang thúc đẩy quan điểm cho rằng nước Mỹ vốn dĩ phân biệt chủng tộc, nên ông thường bị giới truyền thông cánh tả miêu tả như là một “Chú Tom,” chỉ vì quan điểm theo phái bảo tồn truyền thống của ông.
Ông nói, “Nếu một anh chàng người Mỹ gốc Phi Châu đến từ nội thành, giống như tôi, có cha từng là người dọn dẹp nhà vệ sinh đến và nói, ‘Tôi xin lỗi. Tất cả là nhờ làm việc chăm chỉ. Tất cả đều là về việc bảo đảm rằng quý vị đầu tư vào bản thân, và tránh những sai lầm tồi tệ về đạo đức, và nếu quý vị có thể làm được điều đó, thì quý vị sẽ ổn ở Mỹ,’ điều đó trái ngược hoàn toàn với quan điểm chung. Vì vậy, tôi là một kẻ thù.”
Nhưng ông Elder không bao giờ lường trước được việc các phương tiện truyền thông cánh tả sẽ xem ông là “khuôn mặt người Mỹ gốc Phi Châu của phong trao da trắng thượng đẳng” như một nhà bình luận của Los Angeles Times đã làm trong cuộc bầu cử bãi nhiệm này.
Ông Elder tuyên bố rằng nhiều người Mỹ gốc Phi Châu đang bị “lừa” và “bị cung cấp thông tin sai” để tin rằng họ là những nạn nhân của “sự phân biệt chủng tộc có hệ thống.”
Ông Elder, người đã bác bỏ việc thúc đẩy bồi thường cho chế độ nô lệ, nói rằng khái niệm nạn nhân này đã ảnh hưởng đến “thái độ và tâm trạng” của cộng đồng người Mỹ gốc Phi Châu.
“Quý vị không phải là một nô lệ, và người ở đây không phải là một chủ nô lệ,” ông nói. “Tại sao một người không làm gì quý vị lại phải trả giá cho điều mà họ chưa bao giờ làm với quý vị? Việc đó không hợp lý chút nào. Và toàn bộ tâm lý nạn nhân này, theo tôi, gần như là một căn bệnh ung thư trong nền văn hóa người Mỹ gốc Phi Châu.”
Ông Elder cũng bị chỉ trích vì đã thảo luận về vấn đề mồ côi cha trong cộng đồng người Mỹ gốc Phi Châu và tỷ lệ tội phạm cao ở các khu dân cư người Mỹ gốc Phi Châu, đồng thời cho thấy rằng Black Lives Matters là một tổ chức tự mô tả theo chủ nghĩa Marx đang tìm cách phá hủy cấu trúc gia đình ở Mỹ.
Ông nói: “Tất cả là do gia đình tan vỡ. Những giá trị không có ở đó. Không có sự tuân thủ các giá trị Do Thái-Kitô Giáo.”
Vì vậy, ông cho biết, những người Mỹ gốc Phi Châu trẻ tuổi lớn lên không có hình bóng của một người cha là những người “tức giận” và “căm ghét thế giới,” dẫn đến một loạt các tệ nạn xã hội, và “chúng ta không nói đủ nhiều về điều này.”
Một người Mỹ không có nhiều quốc tịch, sắc tộc
Ông Elder cho biết ông không bao giờ sử dụng thuật ngữ “Người Mỹ gốc Phi Châu” (African-American) bởi vì ông không ủng hộ quan điểm mà Tổng thống Teddy Roosevelt gọi là “người Mỹ có nhiều quốc tịch, sắc tộc” vì thuật ngữ đó đang gây chia rẽ.
“Tôi là một người Mỹ. Tôi là một người Mỹ có làn da màu đen. Tôi không phải là người Mỹ có nhiều quốc tịch, sắc tộc,” ông nói. “Chúng ta đều là người Mỹ.”
Ông nói rằng Hoa Kỳ là nền dân chủ thành công nhất trong lịch sử thế giới bởi vì quốc gia này dựa trên khái niệm rằng tất cả công dân của họ đều là người Mỹ không phân biệt chủng tộc và sắc tộc.
“Tôi sinh ra ở Los Angeles. Cha tôi sinh ra ở Georgia. Cha tôi chưa bao giờ đến châu Phi [và] cha tôi chưa bao giờ có suy nghĩ hoàn chỉnh về người Mỹ gốc Phi Châu,” ông cho biết. “Tôi có những bằng hữu là người Ý. Họ không tự gọi mình là người Mỹ gốc Ý … vậy mà người Mỹ da đen lại tự gọi mình là người Mỹ gốc Phi Châu. Tôi nghĩ điều đó thật lố bịch, và đối với tôi, đó là một hành động bác bỏ tất cả những gì về nước Mỹ.”
Với tư cách là một người viết bài cho nhiều hãng thông tấn khác nhau, ông Elder đã viết hơn 1,200 chuyên mục bình luận hàng tuần kể từ năm 1998, nhưng ông đã bị tấn công trong chiến dịch tranh cử thống đốc vì ông đã tìm hiểu về những ưu và nhược điểm của mức lương tối thiểu và đề nghị bãi bỏ nó.
Một nước Mỹ chia rẽ
Thất vọng vì sự chia rẽ chính trị ở Mỹ, ông Elder cho biết thảo luận thông thường đã trở thành một nghệ thuật bị mai một.
“Tôi đã mất đi các tình bằng hữu vì ủng hộ ông Donald Trump,” ông nói. “Tôi nghĩ rằng hầu hết mọi người ở đất nước này đều đã từng đánh mất một mối quan hệ vì ủng hộ ông Donald Trump hoặc phản đối ông Donald Trump.”
Ông Elder, người nói rằng mẹ ông là một thành viên Đảng Dân Chủ suốt đời và cha ông là một thành viên Đảng Cộng Hòa suốt đời, cho biết cha mẹ ông đã có những cuộc trò chuyện bình thường bất chấp sự khác biệt về quan điểm chính trị của họ.
Trong vụ bê bối Watergate vào đầu những năm 1970, ông Elder nhớ rằng cha của ông đã bảo vệ ông Richard Nixon, trong khi mẹ ông đã chỉ trích vị tổng thống đang phải đối mặt với trở ngại này, “nhưng họ không ly dị nhau vì chuyện đó,” ông nói.
Ông Elder, người ủng hộ sự sống, ủng hộ các biên giới vững chắc hơn, việc lựa chọn trường học, và đánh thuế thấp hơn. Ông nói rằng ông tin “sự phân biệt chủng tộc không còn là một vấn đề nữa” và chưa bao giờ nghĩ rằng nó sẽ trở thành vấn đề chính ở Mỹ nơi mà quý vị không thể có một cuộc thảo luận nghiêm túc hoặc bất đồng chính trị “mà không gọi phía bên kia là ‘phát xít’ hoặc ‘Đức Quốc Xã.’”
“Tôi chưa từng thấy kiểu hành vi cay nghiệt này kể từ Chiến tranh Việt Nam, [khi] các gia đình ngồi ăn tối thậm chí không nói chuyện với nhau,” ông nói. “Chúng ta đang ở thời điểm đó. Hiện nay, vấn đề này thậm chí còn tồi tệ hơn so với hồi đó.”
Ông Elder đã chỉ trích ông Newsom vì đã thúc đẩy các chính sách chấm dứt việc bán xe chạy bằng xăng vào năm 2035 ở California vì biến đổi khí hậu.
“Khí hậu luôn thay đổi,” ông nói. “Có rất nhiều bằng chứng cho thấy việc này đã bị thổi phồng quá mức, và người nghèo sẽ là những người bị tổn hại nhiều nhất khi buộc chúng ta phải sử dụng cái gọi là năng lượng tái tạo, vốn đắt hơn rất nhiều so với nhiên liệu hóa thạch thông thường.”
Ông Elder đã ủng hộ phán quyết của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ về việc lật ngược án lệ Roe kiện Wade (Roe v. Wade) và cho biết ông cảm thấy bối rối trước phản ứng của các nhóm ủng hộ phá thai.
Ông cho hay: “Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng … những người ủng hộ quyền lựa chọn sẽ không chấp nhận rằng tất cả những gì họ làm là đưa vấn đề này trở lại các tiểu bang, theo cách mà việc này đã diễn ra trong suốt lịch sử quốc gia của chúng ta cho đến năm 1973 khi Tối cao Pháp viện … quốc hữu hóa vấn đề đó.”
Cựu Tổng thống Donald Trump đã từng tuyên bố sẽ tìm kiếm một nhiệm kỳ bốn năm nữa. 3 thành viên Đảng Cộng Hòa khác — cựu Đại sứ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley, doanh nhân Vivek Ramaswamy, và Cựu Thống đốc tiểu bang Arkansas Asa Hutchinson — cũng đã tham gia cuộc đua giành đề cử của Đảng Cộng Hòa. Các thành viên Đảng Cộng Hòa như Thống đốc Florida Ron DeSantis, cựu Phó Tổng thống Mike Pence, và Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ South Carolina Tim Scott cũng được cho là sẽ tranh cử nhưng chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố chính thức nào.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times