Bản tin đặc biệt

Một vùng đất hoang vu ở California lại trở thành điểm nóng cho cần sa chợ đen như thế nào

Cảnh sát trưởng cho biết các trại trồng cần sa bất hợp pháp đã gây ra tình trạng phạm tội nghiêm trọng cho Quận Siskiyou của California, gồm các vụ cướp bóc, trộm cắp, và năm vụ sát nhân chưa được giải quyết.

QUẬN SISKIYOU, California — Không khí đặc quánh mùi hôi thối nồng nặc không thể nhầm lẫn của cây cần sa trong một mạng lưới mênh mông các trại trồng bất hợp pháp ở một vùng nông thôn phía bắc California, gần đó là Núi Shasta thấp thoáng ở phía chân trời.

Được rào quanh bằng dây xích và hàng rào thép gai — một vài chỗ có những mảnh lưới rách rưới chắn ngăn cách — những khu trại ở phía đông bắc Weed, California, gần Montague, là một tổ hợp gồm những túp lều xiêu vẹo, những chiếc RV cũ kỹ, và những nhà kính làm bằng những chiếc vòng và nhựa rẻ tiền.

Một vài người giám sát trong xe tuần tra trên những con đường bụi bặm, canh chừng cảnh sát và những kẻ đột nhập gần địa điểm ngoài đường Shasta Vista Drive.

Theo Cảnh sát trưởng Quận Siskiyou, ông Jeremiah LaRue, những “kẻ canh gác” này thường được trang bị súng trường tự động.

Cảnh sát trưởng ước tính khoảng 90% trong số gần 2,000 lô đất ở phân khu Mount Shasta Vista có liên quan đến các trại trồng trọt bất hợp pháp.

Cách Xa lộ Liên tiểu bang 5 vài dặm, các trại trồng trọt bất hợp pháp nằm ngoài tầm mắt và suy nghĩ của hầu hết mọi người, nhưng ngay cả khi nhìn lướt qua bản đồ vệ tinh cũng có thể thấy được mạng lưới rộng lớn đó.

Ông LaRue nói: “Nếu thu nhỏ bản đồ thì sẽ thấy phân khu đó khá rộng, lên đến 9 dặm vuông (khoảng 23 km2).”

Các lô đất này nằm trên nền đất núi lửa. Ông cho biết, do không phù hợp với giếng nước và hệ thống tự hoại, nên vùng đất này không phải là nơi lý tưởng để xây dựng một “ngôi nhà mơ ước.”

Ông nói, vùng đất từng không có người ở giờ đây rải rác với những lều trại tạm bợ và các công trình khác được xây dựng không giấy phép trong các lều trại trông giống như thuộc về “một quốc gia thế giới thứ ba.”

Ông nói rằng các trại trồng cần sa bất hợp pháp đã gây ra tình trạng phạm tội nghiêm trọng gồm các vụ cướp bóc, trộm cắp, và 5 vụ sát nhân chưa được giải quyết.

Ông LaRue cho biết, một vụ cướp có vũ trang mới đây được cho là có sự tham gia của những người bên ngoài cướp những người đang bán cần sa.

“Nói chung, điều đó không xảy ra với những người đang trồng cỏ linh lăng, anh đào, dâu tây, hoặc bắp. Vì vậy, đó là một loại cây trồng thực sự mang theo một lượng lớn tội phạm bạo lực,” ông nói. “Mọi người sẵn sàng bỏ mạng vì cần sa bởi một lý do nào đó.”

Hàng trăm trại trồng cần sa bất hợp pháp tọa lạc bên ngoài Montague, California, hôm 07/05/2024. (Ảnh: John Fredricks/The Epoch Times)
Hàng trăm trại trồng cần sa bất hợp pháp tọa lạc bên ngoài Montague, California, hôm 07/05/2024. (Ảnh: John Fredricks/The Epoch Times)

Hợp pháp hóa cần sa

Hơn 57% cử tri California đã chấp thuận Dự luật 64, Đạo luật Sử dụng Cần sa cho Người trưởng thành, vào năm 2016, hợp pháp hóa việc sử dụng cần sa để giải trí.

Người dân California đã dẫn đầu nỗ lực nới lỏng luật cần sa ở Hoa Kỳ kể từ năm 1972 với Dự luật 9, một sáng kiến ​​bỏ phiếu trưng cầu nhằm hợp pháp hóa cần sa đã thất bại. Cuối cùng, vào năm 1996, hơn 55% cử tri tiểu bang đã ủng hộ Dự luật 215 cho phép sử dụng cần sa trong y tế.

Tuy nhiên, việc trồng và bán cần sa không giấy phép đều bị cấm, và việc trồng cần sa vẫn là bất hợp pháp theo luật liên bang.

Một vùng đất hoang vu ở California lại trở thành điểm nóng cho cần sa chợ đen như thế nào

Ông LaRue cho biết vào khoảng năm 2015, một đoàn khoảng 100 người đã chuyển từ Mildwest đến và mua nhà đất tư nhân ở Quận Siskiyou, rồi bắt đầu trồng cần sa ngoài trời.

Lúc đó đất đai còn rẻ; ông cho biết, những lô đất rộng 2.5 mẫu Anh được bán với giá khoảng 500 USD, nhưng hiện nay, mảnh đất đó có giá từ 30,000 USD đến 40,000 USD do các trại trồng cần sa bất hợp pháp có lợi nhuận béo bở và địa điểm này trở thành vùng đất có nhu cầu [mua bán] cao.

Ông ước tính hiện có khoảng 10,000 người tham gia vào việc trồng cần sa bất hợp pháp.

Ông nói, gần 5,000 “ngôi nhà làm bằng vòng nhựa,” một thuật ngữ mà vị cảnh sát trưởng này thường dùng khi mô tả các nhà kính tạm thời, trồng ba vụ một năm, đồng nghĩa với các khu chợ đen tạo ra hàng tỷ dollar lợi nhuận.

Ông nói, các chủ sở hữu đất đai đã mang đến thuốc trừ sâu bất hợp pháp và các hóa chất độc hại khác, nhiều loại là từ Trung Quốc, đang “hủy hoại môi trường.”

Các viên cảnh sát của ông làm hết sức có thể để tránh bị nhiễm thuốc trừ sâu bất hợp pháp và không được kiểm soát được tìm thấy trong các cuộc đột kích thường lệ. Tuy nhiên, ông LaRue cho biết ông lo lắng về những rủi ro mà họ có thể gặp phải khi tiếp xúc lâu dài với những chất độc hại đó.

Ông nói, những lượt dừng giao thông vừa qua cho thấy cần sa bất hợp pháp đang được đưa đến các địa điểm được cấp phép và thị trường hợp pháp cũng đang được cung cấp bởi thị trường chợ đen.

“Mọi thứ gần như đã biến thành cái mà tôi gọi là thị trường xám vì mọi thứ đều bẩn thỉu,” ông nói. “Quý vị thực sự không biết điều gì là hợp pháp và điều gì không… và người dùng bình thường không biết gì cả.”

Ông cho biết điều này làm cho vấn đề thuốc trừ sâu bất hợp pháp càng trở nên đáng báo động hơn vì “hiện nay những hóa chất đó tồn tại trong sản phẩm và sẽ được phân phối hợp pháp.”

“Người ta mua thứ này làm thuốc cho bệnh nhân ung thư và kỳ thực chính là hút vào và tiêu thụ chất gây ung thư. Điều đó sẽ gây rắc rối cho tiểu bang. Đó là một vấn đề sức khỏe cộng đồng.”

Cần sa được cân tại trạm phân phối của Virgil Grant ở Los Angeles vào ngày 08/02/2018. Tại California, việc trồng, chăm sóc, thu hoạch, sấy khô, hoặc chế biến hơn 6 cây cần sa là một trọng tội “cố ý hoặc sơ suất nghiêm trọng gây ra tác hại đáng kể đến môi trường đối với bề mặt hoặc nước ngầm,” theo Cục Kiểm soát Cần sa California. (Ảnh: Frederic J. Brown/AFP qua Getty Images)
Cần sa được cân tại trạm phân phối của Virgil Grant ở Los Angeles vào ngày 08/02/2018. Tại California, việc trồng, chăm sóc, thu hoạch, sấy khô, hoặc chế biến hơn 6 cây cần sa là một trọng tội “cố ý hoặc sơ suất nghiêm trọng gây ra tác hại đáng kể đến môi trường đối với bề mặt hoặc nước ngầm,” theo Cục Kiểm soát Cần sa California. (Ảnh: Frederic J. Brown/AFP qua Getty Images)

Hình phạt cho việc trồng cần sa trái phép

Dự luật 64, hay còn gọi là Đạo luật Sử dụng Cần sa cho Người trưởng thành, có hiệu lực vào tháng 11/2016, cho phép người trưởng thành trên 21 tuổi trồng và thu hoạch tối đa 6 cây một cách hợp pháp.

Theo luật California, việc trồng, chăm sóc, thu hoạch, sấy khô, hoặc chế biến hơn 6 cây cần sa là một trọng tội “cố ý hoặc sơ suất nghiêm trọng gây ra tác hại đáng kể đến môi trường đối với bề mặt hoặc nước ngầm,” Cơ quan Kiểm soát Cần sa California (DCC) cho biết trong một tuyên bố gửi qua thư điện tử cho The Epoch Times.

Bất kỳ ai từ 18 tuổi trở lên bị kết tội trồng, chăm sóc cây, thu hoạch, sấy khô, hoặc chế biến hơn 6 cây cần sa còn sống có thể bị cáo buộc khinh tội và bị phạt tù tới 6 tháng tại một nhà tù quận hoặc phạt tiền lên tới 500 USD, hoặc cả hai, theo Điều 11358 của Bộ luật An toàn và Sức khỏe California.

Theo Tổ chức Quốc gia về Cải tổ Luật Cần sa, hình phạt đối với bất kỳ ai dưới 18 tuổi bao gồm tối đa 8 tiếng tư vấn về ma túy hoặc tối đa 40 tiếng phục vụ cộng đồng, hoặc cả hai.

DCC không cung cấp bất kỳ số liệu thống kê nào cho biết có bao nhiêu người đã bị kết tội và tuyên án tù nếu có. DCC quy định rằng việc truy tố những tội đó “phụ thuộc vào khu vực tài phán nơi tội đó xảy ra.”

Biện lý Quận Siskiyou Kirk Andrus nói với The Epoch Times rằng trên thực tế, để truy tố việc trồng cần sa bất hợp pháp là một trọng tội, thì tội này thường gắn liền với một hành vi vi phạm về môi trường.

Một vùng đất hoang vu ở California lại trở thành điểm nóng cho cần sa chợ đen như thế nào

Ông Andrus nói: “Đó luôn là một khinh tội cho dù quý vị có trồng [cần sa] nhiều như thế nào trừ phi quý vị vi phạm luật môi trường, và do đó, chúng tôi phải tốn công để chứng minh.”

Ông cho biết, trong khi đó, tiểu bang California đang mất nguồn thu từ thuế và một số người tham gia thị trường cần sa hợp pháp từng nghĩ rằng họ có thể kiếm được lợi nhuận thì nay đang phá sản.

“Nếu họ muốn hợp pháp hóa cần sa cho mục đích giải trí thì hãy bảo vệ thị trường hợp pháp. Thị trường chợ đen đang khiến cho thị trường hợp pháp phá sản,” ông nói.

“Ở quận này, chúng tôi có một thị trường chợ đen có quy mô bằng một quốc gia nhỏ. Tôi không phải là người ủng hộ cần sa nhưng nếu cần sa là hợp pháp, thì hãy bảo vệ thị trường của quý vị bằng cách cho phép chúng tôi xóa bỏ thị trường chợ đen.”

Một công nhân cắt bỏ lá cây cần sa để có thêm ánh sáng cho cây phát triển tại cơ sở trồng cần sa rộng 54,000 foot vuông của Essence Vegas ở Las Vegas vào ngày 06/07/2017. (Ảnh: Ethan Miller/Getty Images)
Một công nhân cắt bỏ lá cây cần sa để có thêm ánh sáng cho cây phát triển tại cơ sở trồng cần sa rộng 54,000 foot vuông của Essence Vegas ở Las Vegas vào ngày 06/07/2017. (Ảnh: Ethan Miller/Getty Images)

Biện pháp khắc phục và giải pháp tiềm năng

Mặc dù ông LaRue thừa nhận không có cách nào giải quyết nhanh chóng cuộc khủng hoảng này nhưng ông đã kêu gọi thống đốc thực hiện hành động hành pháp để “chi tiền” cho các cộng đồng nông thôn, nơi thiếu hụt ngân sách cho lực lượng cảnh sát và thiếu thực thi các chính sách “tích cực” hơn.

Ông nói: “Không chỉ nói suông mà còn phải hành động.”

Ông LaRue cho biết, việc tài trợ cho 6 viên cảnh sát để phụ trách gần 6,300 dặm vuông và chỉ có hai người đối phó các hoạt động trồng cần sa bất hợp pháp là không đủ.

Ông kêu gọi các nhà lập pháp tiểu bang xem xét kỹ hơn những gì đang xảy ra ở Quận Siskiyou.

Ông nói: “Họ cần coi đây là một vấn đề thực tế và đưa một số điều khoản vào bộ luật để thực sự ngăn chặn người ta tiếp tục làm vậy,” ông nói, nhấn mạnh rằng ý định của ông—và mục đích của các luật cứng rắn hơn—“không phải là đưa tất cả mọi người vào tù.”

Một vùng đất hoang vu ở California lại trở thành điểm nóng cho cần sa chợ đen như thế nào

Ông nói, mức phạt thông thường 500 USD cho việc trồng cần sa bất hợp pháp hiện đang được những người trồng cần sa bất hợp pháp xem là một khoản chi thường xuyên, và họ thường kinh doanh trở lại sau vài ngày bị cảnh sát đột kích.

Vị cảnh sát trưởng này tin rằng các hình phạt đối với hoạt động trồng cần sa bất hợp pháp sẽ phản ánh mức độ nghiêm trọng của tội này và tác động chung đến người dân và các cộng đồng.

“Những gì chúng ta đang chứng kiến không chỉ đơn giản là trồng cần sa. Điều đó đi kèm với bạo lực và … gây tổn hại cho môi trường,” ông nói. “Cần phải xem xét một cách toàn diện. Tội này chính là một thảm họa khi chúng ta nhìn nhận theo cách đó.”

Phản ứng của chính phủ

Ông LaRue cho biết ông đã gặp thống đốc một lần nhưng không thể nói chuyện lâu với ông ấy về vấn đề hoạt động trồng cần sa bất hợp pháp ở quận của ông.

“Ông ấy biết điều đó, và tôi đã nói chuyện khá nhiều với nhân viên của ông ấy,” ông nói. “Đó là một vấn đề chính trị bị đùn đẩy.”

Ông nói, văn phòng của Tổng Chưởng lý California Rob Bonta cũng như một số cơ quan tiểu bang, bao gồm cả DCC, cũng biết về tình hình này.

Những cây cần sa được trồng bất hợp pháp trong nhà kính bị cơ quan chấp pháp phá hủy trong một cuộc đột kích của Phòng Cảnh sát Quận San Bernardino, ở Newberry Springs, California, hôm 29/03/2024. (Ảnh: Robyn Beck/AFP qua Getty Images)
Những cây cần sa được trồng bất hợp pháp trong nhà kính bị cơ quan chấp pháp phá hủy trong một cuộc đột kích của Phòng Cảnh sát Quận San Bernardino, ở Newberry Springs, California, hôm 29/03/2024. (Ảnh: Robyn Beck/AFP qua Getty Images)

“Thành thật mà nói, tất cả mọi người trong các phòng đó đều thất vọng,” ông nói. “Họ thực sự muốn giúp tôi, nhưng theo luật thì họ không có biện pháp nào.”

Ông cho biết Hiệp hội Cảnh sát trưởng Tiểu bang California đã ủng hộ những nỗ lực của ông, và tổ chức này đã thúc đẩy “các luật tốt hơn” nhưng không có nhà lập pháp tiểu bang nào bảo trợ cho một dự luật sẽ thực hiện bất kỳ thay đổi lớn nào trong cách cải tổ luật cần sa.

Dân biểu Hoa Kỳ Doug LaMalfa (Cộng Hòa-California), cũng đại diện cho khu vực này, cho biết bọn tội phạm đằng sau các hoạt động trồng cần sa bất hợp pháp liên tục thay đổi tên của chủ sở hữu đất thông qua các công ty quyền sở hữu, khiến cơ quan chấp pháp khó tìm ra ai đứng đằng sau các hoạt động này.

Nghị sỹ LaMalfa cho biết ông lấy làm ngạc nhiên khi tiểu bang này không quan tâm nhiều hơn đến doanh thu thuế bị thất thoát và ảnh hưởng của việc trồng cần sa bất hợp pháp đối với ngành cần sa hợp pháp, ngoài các vi phạm môi trường và sự gia tăng tội phạm.

“Họ đang mang những hóa chất bất hợp pháp từ ngoại quốc vào, không có nhãn mác để sử dụng trên bất kỳ sản phẩm [nông nghiệp] nào ở đây—sử dụng tràn lan những hóa chất đó rồi vứt bỏ—và các đồ đựng nằm la liệt ở những địa điểm này,” ông cho biết.

Theo DCC, Cơ quan Kiểm soát Chất độc hại California phụ trách điều tra việc sử dụng hóa chất hoặc thuốc trừ sâu bất hợp pháp trong các hoạt động bất hợp pháp.

Ông LaMalfa đồng ý rằng mức phạt 500 USD là không đủ.

“Đó là chi phí kinh doanh bởi vì nếu họ có thể kiếm tiền chóng vánh và thỉnh thoảng mới gặp vấn đề thì đó không phải là chuyện gì lớn cả,” ông nói.

Ông cho biết Bộ Tư pháp Hoa Kỳ vẫn còn do dự để giải tán các địa điểm trồng cần sa bất hợp pháp, khiến các nỗ lực chấp pháp tại địa phương “phần nào bị tê liệt.”

Mọi người xếp hàng để vào MedMen, một trong hai cửa hàng bán cần sa ở khu vực Los Angeles bắt đầu bán cần sa cho mục đích giải trí theo luật mới của California, ở West Hollywood, California, vào ngày 02/01/2018. (Ảnh: David McNew/Getty Images)
Mọi người xếp hàng để vào MedMen, một trong hai cửa hàng bán cần sa ở khu vực Los Angeles bắt đầu bán cần sa cho mục đích giải trí theo luật mới của California, ở West Hollywood, California, vào ngày 02/01/2018. (Ảnh: David McNew/Getty Images)

Nỗ lực kiểm soát cần sa

DCC cho biết trong tuyên bố rằng Đội Đặc nhiệm Thực thi Cần sa Thống nhất bao gồm hơn hai chục đối tác địa phương, tiểu bang, và liên bang đang làm việc “để phá vỡ thị trường cần sa bất hợp pháp này.”

Theo DCC, đội đặc nhiệm này được thành lập vào năm 2022 để “bảo vệ người tiêu dùng và an toàn công cộng, bảo vệ môi trường, đồng thời tước đoạt doanh thu bất hợp pháp của những người điều hành cần sa bất hợp pháp và các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia gây hại cho người tiêu dùng và làm suy yếu thị trường cần sa được quản lý ở California.” Đội này chuyên điều tra các tổ chức tội phạm đằng sau quyền sở hữu và điều hành các trang web cần sa bất hợp pháp.

Năm ngoái tại Quận Siskiyou, đội đặc nhiệm này đã thu giữ 42,878 pound (19,449 kg) cần sa bất hợp pháp trị giá hơn 70 triệu USD, phá hủy 69,772 cây cần sa bất hợp pháp, và tịch thu 12 khẩu súng. DCC cho biết, mùa hè năm ngoái, đội này đã thực hiện 24 lệnh khám xét và đột kích các cơ sở trồng trọt bất hợp pháp ở các khu vực Whitney Creek, Harry Cash, và Shasta Vistas.

Theo tuyên bố, cho đến nay, đội đặc nhiệm này đã tịch thu hơn 140 khẩu súng tại các địa điểm cần sa bất hợp pháp trên toàn tiểu bang và đang điều tra các mối liên hệ với nạn buôn người, các cửa hàng bán lẻ bất hợp pháp, và việc phân phối fentanyl.

Vào ngày 15/11/2023, bộ phận chấp pháp của DCC đã trợ giúp Phòng Cảnh sát Quận Siskiyou điều tra bằng cách thực hiện hai lệnh khám xét đối với các trạm y tế không có giấy phép ở Los Angeles. Các hoạt động này đã thu giữ số cần sa bất hợp pháp trị giá gần 2.5 triệu USD.

Vào năm 2023, đội đặc nhiệm này đã thu giữ hơn 312 triệu USD tương đương khoảng 190,000 pound (khoảng 86,182 kg) cần sa bất hợp pháp và tiêu hủy gần 318,000 cây cần sa bất hợp pháp trên toàn tiểu bang.

Một vùng đất hoang vu ở California lại trở thành điểm nóng cho cần sa chợ đen như thế nào

Ông LaRue cho biết đội đặc nhiệm này đã dành một tuần ở Quận Siskiyou trong tháng 07/2023 và ước tính chỉ có khoảng 5% đến 8% loại cây bất hợp pháp này bị tiêu hủy hàng năm.

Trong quý đầu tiên của năm nay, Đội Đặc nhiệm Thực thi Cần sa Thống nhất đã thu giữ số cần sa không có giấy phép trị giá 53 triệu USD, tiêu hủy hơn 54,000 cây cần sa trái phép, và thu giữ gần 32,000 pound (14,514 kg) cần sa trái phép.

Ông Newsom đã ban hành các chính sách và cung cấp kinh phí để trợ giúp các hoạt động cần sa hợp pháp, đồng thời ký luật xóa bỏ các bản kết án liên quan đến cần sa trong quá khứ, chống lại sự phân biệt đối xử đối với việc sử dụng cần sa ngoài công việc, bảo đảm quyền tiếp cận cần sa y tế trên toàn tiểu bang, và thúc đẩy thị trường cần sa giữa các tiểu bang.

DCC cho biết chính quyền của ông Newsom cũng đã đưa ra “khoản giảm thuế mang tính lịch sử” cho các nhà khai thác cần sa hợp pháp, “đặc biệt là các nhà khai thác cổ phần.”

Theo cảnh sát trưởng quận, khoảng 5,000 nhà kính đang được sử dụng để trồng cần sa trái phép ở Quận Siskiyou của California. (Ảnh: Được đăng dưới sự cho phép của Phòng Cảnh sát Quận Siskiyou)
Theo cảnh sát trưởng quận, khoảng 5,000 nhà kính đang được sử dụng để trồng cần sa trái phép ở Quận Siskiyou của California. (Ảnh: Được đăng dưới sự cho phép của Phòng Cảnh sát Quận Siskiyou)

DCC cho biết, để cung cấp thông tin cho người sử dụng cần sa cách xác định sự khác biệt giữa các nhà bán lẻ cần sa bất hợp pháp và hợp pháp, tiểu bang đã phát động chiến dịch Cần sa Real California về “lợi ích của việc mua cần sa hợp pháp.”

Văn phòng của ông Newsom và ông Bonta đã chuyển hướng mọi câu hỏi đến DCC.

‘Tình trạng nô lệ ma túy’

Cảnh sát trưởng Quận Siskiyou tin rằng sự gia tăng của các hoạt động phát triển thị trường chợ đen đã dẫn đến “tình trạng nô lệ ma túy,” điều mà theo ông, rất khó để cảnh sát truy tố và chứng minh.

Ông nghi ngờ những người làm công, một số là người nhập cư bất hợp pháp, đang trả nợ cho các băng đảng đã giúp đưa họ vào đất nước này. Ông nói, một số người đã bị đe dọa tính mạng và bị đe dọa nếu họ không làm việc tại các trại này thì gia đình họ sẽ bị sát hại.

Ông nói, hầu hết đều được hứa hẹn những công việc tuyệt vời ở một khu vực tươi đẹp nơi họ có thể sinh sống nhưng rồi họ thường không được trả lương.

“Những người này đã bị lừa,” ông nói. “Hoặc là họ sợ và không muốn nói chuyện với chúng tôi, hoặc họ nghĩ những người đã thuê họ sẽ chăm sóc họ và họ đang chờ đợi. Nhưng nhiều khi họ chẳng nhận được gì cả.”

Ông nói, những người làm công này sống trong điều kiện “bẩn thỉu,” có chút ít thức ăn hoặc tiền bạc, và không có xe cộ đi lại.

“Chúng tôi nhận thấy một số người như thế này đang ngày càng gia tăng, và chúng tôi sẽ gặp họ ở những địa điểm trồng trọt khác nhau,” ông nói. “Thật sự rất buồn khi chứng kiến ​​điều đó. Chúng tôi muốn giúp đỡ những người đó nhưng họ lại rất miễn cưỡng nói chuyện với chúng tôi.”

Nhóm biên dịch tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times


Form Newsletter Subscription
Form Newsletter Subscription