Ông Ethan Peck nói về ‘tầng lớp quản lý’ đằng sau sự kiểm soát thức tỉnh đại công ty Mỹ
Hồi tháng 04/2021, các tập đoàn lớn như Coca-Cola, Delta Airline, và Home Depot đã tập hợp với nhau chống lại cuộc cải cách bầu cử của Georgia, nhại lại lý lẽ của cánh tả rằng biện pháp cải cách đó là “phân biệt chủng tộc”. Nhiều người coi hành động này là biểu hiện của việc kiểm soát “thức tỉnh” đại công ty Mỹ, trong đó vốn của một công ty được chuyển hướng sang các mục tiêu của cánh tả mà các cổ đông không bao giờ có ý định ủng hộ.
Theo ông Ethan Peck, một cộng sự tại Dự án Tự do Kinh doanh của Trung tâm Quốc gia, động lực thúc đẩy phía sau xu hướng này tuy nhiên lại không phải là các nhà hoạt động cánh tả, mà là các quỹ lớn đầy quyền lực đang tìm cách cố thủ chế độ quản trị của họ dưới chiêu bài thức tỉnh.
“Tôi nghĩ đó là một mưu đồ bất lương,” ông Peck nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây với NTD.
Là một người ủng hộ tự do kinh doanh thường xuyên làm việc với các Giám đốc Điều hành và thành viên hội đồng quản trị công ty tại các cuộc họp cổ đông, ông Peck cho biết nhiều thành viên hội đồng quản trị không thực sự tin vào hệ tư tưởng thức tỉnh, nhưng lại sử dụng nó như một công cụ để thúc đẩy cái gọi là “chủ nghĩa tư bản của các bên liên quan.”
Trái ngược với chủ nghĩa tư bản cổ đông truyền thống, chủ nghĩa tư bản của các bên liên quan cho rằng một công ty chịu trách nhiệm về lợi ích tập thể của mọi thành viên trong xã hội, thay vì chịu trách nhiệm với những người sở hữu cổ phần của công ty. Khái niệm này, do ông Claus Schwab của Diễn đàn Kinh tế Thế giới đưa ra lần đầu tiên vào năm 1979, kể từ đó vẫn là một khái niệm ngoài lề cho đến gần đây, sau đại dịch virus Trung Cộng (Đảng Cộng sản Trung Quốc) toàn cầu.
Ông Peck đã so sánh chủ nghĩa tư bản của các bên liên quan với chủ nghĩa cộng sản, nơi nhà nước kiểm soát và phân phối lại các nguồn lực với danh nghĩa một “lợi ích tốt hơn.” Ông giải thích: “Đây là một loại phiên bản công ty của chủ nghĩa cộng sản,” và nói thêm rằng, “Đây là một mánh khóe. Nó chỉ trao quyền cho các hội đồng quản trị để về cơ bản chiếm quyền biểu quyết và quyền lợi của các cổ đông.”
Thế lực lớn
Khi được hỏi về thế lực đang thúc đẩy các phòng họp ban giám đốc đại công ty Mỹ đi theo chủ nghĩa tư bản của các bên liên quan, ông Peck đã chỉ ra những nhà quản lý tiền tệ lớn nhất thế giới: những quỹ giao dịch hối đoái (ETF) lớn BlackRock, Vanguard, và State Street Global Advisors.
Ông Peck nói: “Tôi nghĩ rằng những thế lực lớn sẽ đến từ các nhà quản lý ETF lớn. Họ là những người về cơ bản có quyền biểu quyết để đưa các thành viên hội đồng quản trị vào các phòng họp ban giám đốc.”
Theo một phân tích năm 2019 của những nhà nghiên cứu tại Đại học Boston, BlackRock, Vanguard, và State Street đã bỏ phiếu khoảng 1/4 số phiếu bầu tại các cuộc họp cổ đông của các công ty thuộc S&P 500, và có thể kiểm soát 40% số phiếu bầu đó trong vòng 20 năm. Điều này có nghĩa là tất cả các vấn đề lớn của công ty, bao gồm cả các nghị quyết cổ đông và các cuộc bầu chọn thành viên hội đồng quản trị, đều phụ thuộc vào việc Ba Đại Công Ty này bỏ phiếu.
“[Ba Đại Công Ty] đang bỏ phiếu thay mặt cho các khách hàng của họ, những người đầu tư vào họ,” ông Peck cho biết. “Họ không thực sự là cổ đông, nhưng họ là những người chi phối cuộc bỏ phiếu nhiều đến mức các thành viên hội đồng quản trị về cơ bản chỉ là những tay sai.”
Theo ông Peck, Dự án Tự do Kinh doanh, tổ chức mà cho đến năm nay đã tham dự 58 cuộc họp cổ đông, đã không thấy bất kỳ thành viên hội đồng quản trị nào được Ba Đại Công Ty ủng hộ nhận được dưới 90% phiếu bầu. Ông nói: “Vì vậy, quý vị biết đấy, những cuộc bầu chọn này là hình thức.”
Kết quả của cái mà ông Peck gọi là “sự lật đổ hội đồng quản trị trong mọi công ty ở Mỹ”, là một “tầng lớp quản lý” đã xuất hiện. Tầng lớp này không đại diện cho lợi ích của cổ đông, nhưng lại không gặp khó khăn gì khi sử dụng tiền của cổ đông để vận động chống lại các yêu cầu về ID cử tri, ủng hộ các hệ tư tưởng sinh lý và giới tính cực đoan cấp tiến trong các lớp học K-3, và vận động hành lang để giảm bớt các biện pháp trừng phạt đối với hàng hóa Trung Quốc sản xuất từ lao động nô lệ.
Một mạng lưới loạn luân
Theo ông Peck, tầng lớp quản lý này nâng cao quyền lực của mình thông qua một mạng lưới “các thành viên hội đồng quản trị chuyên nghiệp”, những người ngồi trong nhiều hội đồng quản trị công ty. Ông gọi hoạt động như vậy là “loạn luân”.
“Giám đốc điều hành của Coca-Cola ở trong hội đồng quản trị của Pfizer. Giám đốc điều hành của BlackRock ở trong hội đồng quản trị của Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Điều này hết sức loạn luân,” ông cho biết.
Để minh họa cách thức họ hoạt động, ông Peck chỉ ra Đạo luật Phòng chống Lao động Cưỡng bức Người Duy Ngô Nhĩ, được Quốc hội thông qua hồi tháng 12/2021 với sự ủng hộ áp đảo của lưỡng đảng. Trong một hành động kỳ lạ, Coca-Cola vận động hành lang chống lại biện pháp này thay mặt Apple và Nike, những công ty đang phải đối mặt với các cáo buộc sử dụng lao động cưỡng bức ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc.
“Coca-Cola đã thuê những nhà vận động hành lang này, nhưng họ còn không sử dụng bất kỳ lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ nào,” ông Peck nói. “Coca-Cola có lợi ích gì? Tại sao họ lại bảo vệ Apple và Nike, ngay cả khi có sự ủng hộ của lưỡng đảng cho Đạo luật? Bởi vì quý vị có các thành viên hội đồng quản trị hỗ trợ lẫn nhau.”
“Sau đó, có cánh cửa xoay vòng này giữa hội đồng quản trị và công chức,” ông nói thêm. “Họ vào hội đồng quản trị, rồi sau đó họ trở lại [làm cho] chính phủ, và sau đó vào hội đồng quản trị, rồi sau đó qua lại giữa các công ty. Vì vậy, quý vị có tầng lớp quản lý này của hội đồng quản trị khổng lồ này. Về cơ bản, tổ chức này giống như một đại hội đồng quản trị trên toàn nước Mỹ.”
Ông Peck cho biết điều này có thể giải thích cho sự “nhất quán” giữa các công ty thức tỉnh. Nói cách khác, các công ty này phản ứng với các vấn đề xã hội và chính trị theo cùng một cách tại cùng một thời điểm vì các đại diện của Ba Đại Công Ty điều khiển các phòng họp ban giám đốc của họ.
Hội đồng quản trị công ty so với hội đồng trường
Trong khi tầng lớp quản lý vẫn giữ quyền lực, nhưng ông Peck nói rằng ông nhìn thấy hy vọng trong phong trào bảo vệ quyền của phụ huynh ở Virginia, trong đó các bậc cha mẹ đang thách thức tại các cuộc họp cố gắng tiêm nhiễm thuyết chủng tộc trọng yếu tại các trường học của hội đồng trường địa phương, trên cơ sở họ là những người đóng thuế xứng đáng được lên tiếng nhiều hơn về những gì nên được dạy cho con cái họ.
Ông Peck nói với NTD, “Có thể không phải là ngày hôm nay hoặc ngày mai, nhưng tôi hy vọng rằng các cổ đông sẽ tỉnh lại giống như những phụ huynh đóng thuế này và làm điều tương tự ở cấp độ công ty.”
“Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta thừa nhận nó là sai. Tôi nghĩ đã đến lúc các cổ đông xuất hiện tại các cuộc họp cổ đông và nói, “Này, quý vị không thể làm điều này bằng tiền của chúng tôi!”
Anh Bill Pan là một phóng viên của The Epoch Times.